Chiến thắng là của Park Hang-seo, nhưng Miura mới là định mệnh

Tâm Anh |

Có rất nhiều điểm chung giữa HLV Park Hang-seo và Toshiya Miura, và sau “kỳ tích” ở đấu trường châu Á, đâu đây vẫn phảng phất mùi bi kịch mang tên nhà cầm quân người Nhật - Miura.

1. Không khó để nhận ra rằng tuy tuyên bố chọn lối chơi tấn công nhanh, ban bật một chạm cho U23 Việt Nam cũng như ĐTQG, nhưng ở VCK U23 châu Á lần này, HLV Park Hang-seo không sử dụng lối chơi kỹ thuật, mà cả hai trận đấu vừa qua đều áp dụng phòng ngự phản công, đặt niềm tin vào lối chơi nặng về thể lực và yêu cầu tuân thủ kỷ luật cao độ.

Trận thắng U23 Australia, công đầu dĩ nhiên thuộc về pha làm bàn của Quang Hải, tuy nhiên mấu chốt lại nằm ở hàng thủ chơi cực kỳ kỷ luật, phối hợp tốt với tuyến giữa và sự tuân thủ chiến thuật cực kỳ chặt chẽ của hai cầu thủ chạy cánh là Văn Hậu và Văn Thanh. Lối chơi đậm chất Hàn Quốc ấy đã giúp U23 Việt Nam vô hiệu hóa gần như hoàn toàn các đường tấn công của đối phương.

Chiến thắng là của Park Hang-seo, nhưng Miura mới là định mệnh - Ảnh 1.

Lối chơi chặt chẽ và tuân thủ chiến thuật đã giúp U23 Việt Nam khắc chế thành công đối phương.

Hơn 2 năm trước, trước thềm VCK U23 châu Á 2016, HLV Miura đã từng đưa ra tuyên bố về lối chơi chọn cho các học trò: "Tôi biết các cầu thủ hiện tại có kỹ thuật cá nhân khá tốt, nhưng chúng tôi không thể chọn lối chơi kỹ thuật trên đất Qatar.

Đối phương là những đội bóng có thể lực và kỹ thuật tốt hơn chúng ta, vì thế để có thể gây bất ngờ, tôi buộc phải xây dựng lối chơi khoa học, cầu thủ triệt để tuân thủ đấu pháp, hạn chế sai lầm cá nhân để chờ cơ hội gây bất ngờ cho đối thủ. Nếu cứ đá rối rắm, chuyền ban nhỏ thì chúng ta không có cơ hội tiếp cận khung thành của các đối thủ mạnh".

Thực tế 2 trận đấu vừa qua cho thấy U23 Việt Nam được HLV Park Hang-seo "chỉ định" sử dụng chủ yếu những đường bóng dài từ sân nhà chuyền vượt tuyến ra biên cho các cầu thủ chạy cánh lẻn sau lưng đối phương triển khai tấn công.

Chiến thắng là của Park Hang-seo, nhưng Miura mới là định mệnh - Ảnh 2.

Bàn thắng "mở hàng" cho U23 Việt Nam đến từ một pha triển khai tấn công như thế, từ sân nhà, bóng được mở sâu xuống biên cho Văn Hậu dấn xuống trước khi chuyền sệt ra cho Quang Hải tung chân kết thúc thành bàn.

Ngày ấy, HLV Miura cũng trả lời rất rõ ràng về việc các cầu thủ chơi sáng tạo trong trận đấu: "Không có HLV nào trên thế giới lại cấm cầu thủ chơi sáng tạo. Tôi chỉ muốn cầu thủ của mình tập luyện nhuần nhuyễn những pha lên bóng để khi vận hành trơn tru, không mắc lỗi".

Ngày ấy, giấc mộng đưa U23 Việt Nam vào tứ kết VCK U23 châu Á của HLV Miura bất thành. Hôm nay, các học trò của HLV Park Hang-seo đang đứng trước cơ hội biến giấc mơ ấy thành hiện thực khi đã bước qua 2 trận đầu tiên, nhưng về triết lý bóng đá, về lối chơi, hai HLV ngoại ấy lại khá tương đồng.

Chiến thắng là của Park Hang-seo, nhưng Miura mới là định mệnh - Ảnh 3.

Có khá nhiều điểm chung giữa HLV Park Hang-seo và Miura.

Dù có sự khác biệt giữa 4-4-2 của Miura với 3-4-3 và biến thể của Park Hang-seo, nhưng điều quan trọng nhất là cả hai HLV này đều chung triết lý không bó buộc học trò vào sơ đồ nhất định, linh động theo từng đối thủ, dùng người tùy thuộc vào từng trận đấu chứ không mặc nhiên có chỗ cho những cầu thủ ngôi sao.

2. Ngày ấy, HLV Miura từng vấp phải sự phản đối dữ dội bởi lựa chọn của ông đi ngược với thứ "bóng đá đẹp" mà người hâm mộ mong chờ, ngược với lối chơi kỹ thuật mà khán giả Việt Nam đang phát cuồng với lứa U19 của bầu Đức. Cái định kiến ấy khiến cho sau mỗi thất bại của HLV người Nhật, áp lực lại được trút lên đầu ông, để rồi cái kết buồn rốt cuộc cũng đến, dù những gì ông làm còn đang dang dở.

HLV Park Hang-seo đang khá "mềm dẻo" hơn ông Miura ngày nào, với việc trao băng đội trưởng cho Xuân Trường, dù suốt 2 năm qua tiền vệ này thi đấu rất ít ở CLB, và rõ ràng nhưng đóng góp của Xuân Trường ở những trận đấu vừa qua là chưa ấn tượng, nhưng với triết lý bóng đá của mình, nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ phải đứng trước một thử thách khác.

Chiến thắng là của Park Hang-seo, nhưng Miura mới là định mệnh - Ảnh 4.

Tấm băng đội trưởng trao cho Xuân Trường có phần ưu ái của ông Park Hang-seo.

Vấn đề nằm ở chính sơ đồ chiến thuật mà ông Park Hang-seo áp dụng cho các học trò: 3-4-3 và chuyển thành 5 hậu vệ khi cần. Ở V-League, không CLB nào sử dụng sô đồ chiến thuật 3 hậu vệ cả, thay vào đó là sơ đồ dùng 4 hậu vệ, với cặp trung vệ cùng hai hậu vệ cánh.

"Độ chênh" giữa hai sơ đồ chiến thuật ấy sẽ "làm khó" chính các học trò của ông Park Hang-seo, bên cạnh đó sẽ khiến bản thân cầu thủ không thể phát huy được hết phẩm chất của mình.

Lấy ví dụ như trường hợp Văn Hậu - hậu vệ hay nhất mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đang sở hữu. Khi chơi trong sơ đồ 3-4-3, rõ ràng Hậu chỉ đá được với nửa khả năng của mình, so với vai trò hậu vệ cánh trong sơ đồ 4 hậu vệ.

Vòng bảng U23 châu Á 2018: U23 Việt Nam 1-0 U23 Australia

Sự khác biệt về mặt lối chơi sẽ làm khó cả ông Park Hang-seo lẫn các CLB V-League, và nếu không thể dung hòa được sự khác biệt ấy, khi lối chơi của các đội tuyển quốc gia "làm khó" các tuyển thủ, thì về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và thành tích của các đội tuyển trong tay "tướng Park".

Bên cạnh đó, nếu kiên định với lối chơi mà mình đã chọn, việc tạo "cơ chế" cho các cầu thủ HAGL trong đội tuyển cũng sẽ là "gánh nặng" đè lên vai ông Park Hang-seo.

Khi ấy, bài học "thành bại luận anh hùng" mà HLV Miura từng phải nhận sẽ tạo áp lực rất nặng lên chiếc ghế mà ông Park Hang-seo đang ngồi. Và nếu chẳng may lối mòn ông Miura đi vào ngày nào lại dành cho ông Park, thì có lẽ đấy đã là định mệnh của bóng đá Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại