Thời cầu thủ Việt bị “phá giá”
Đã có một thời, thị trường chuyển nhượng cầu thủ của bóng đá Việt Nam bị loạn bởi các ông bầu. Những doanh nhân bắt tay vào làm bóng đá bằng việc vung tiền ra để sở hữu các đội bóng và mua các ngôi sao để làm thương hiệu.
Và cũng vì thế, các cầu thủ Việt Nam bỗng nhiên lên giá khi các thương vụ chuyển nhượng được đẩy lên để làm giá với những con số trên trời. Cầu thủ Việt thời điểm cách đây 10 năm có giá đến cả chục tỉ đồng.
Tiêu biểu nhất là trường hợp Lê Công Vinh trong thương vụ “lật kèo” ngoạn mục của 2 ông bầu có tiếng trong làng bóng đá Việt Nam. Giá của Công Vinh được cho là lên đến 14 tỉ đồng. Và trong suốt sự nghiệp của mình, tiền đạo xứ Nghệ cũng từng thực hiện nhiều thương vụ chuyển nhượng khác mà tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 30 tỉ đồng.
Tiền đạo Việt Thắng cũng từng có giá trị chuyển nhượng cao nhất lên đến 9 tỉ đồng. Thậm chí, trong thương vụ chuyển nhượng của Như Thành về Ninh Bình, câu chuyện vẫn được giới bóng đá truyền tai nhau về cách mà bầu Trường đã mang cả bao tải tiền để đưa cầu thủ này về với đội bóng Cố đô năm 2009.
Điểm chung khiến cả Công Vinh, Như Thành, Quang Hải, Việt Thắng, Việt Cường… trở nên có giá là họ đều bước ra từ AFF Cup 2008 trong vai những “người hùng” mang về chức vô địch của ĐT Việt Nam.
Thế nhưng, mặt khác, cách làm vung tiền đã làm loạn thị trường chuyển nhượng. Đã có nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý bóng đá cho rằng, giá trị chuyển nhượng của cầu thủ Việt Nam không tương ứng với năng lực thật sự của họ.
Nhìn xa hơn, xét trong bối cảnh nền bóng đá Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, với đầy rẫy những bất cập nên giá trị cầu thủ như vậy không tương xứng. Tuy nhiên, đó là một phần “cuộc chơi” của các ông bầu.
Vài năm gần đây khi bóng đá Việt khủng hoảng, khi nhiều ông bầu chuyển hướng sang việc đào tạo trẻ, xây dựng đội bóng với nền tảng đi từ các học viện, một số khác vì chán và rút khỏi bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ không còn nhộn nhịp như trước. Và cũng chính vì thế mà nhiều ngôi sao nội được định đúng giá trị hơn.
Trong bối cảnh nền bóng đá vẫn đang hướng lên chuyên nghiệp, tất cả những thương vụ chuyển nhượng hay hình ảnh quảng cáo chỉ tập trung vào một số ngôi sao nhất định chứ không phải cầu thủ nào cũng bán được hình ảnh của mình.
Thế nên rất khó để định hình một “mức giá” (barem) cho tất cả cầu thủ như ca sĩ hạng A, B đến các show diễn. Đa phần là các thoả thuận cá nhân.
Cầu thủ Việt Nam xưa nay chỉ được xếp loại A, B, C rõ ràng nhất là lúc chia tiền thưởng trong một đội bóng. Thế nên khái niệm “người đại diện” và “bảng giá đi sự kiện” vẫn còn lạ lẫm với nhiều cầu thủ Việt Nam, trong khi điều này trên thế giới là khá phổ biến.
Chuyện của Bùi Tiến Dũng
Khi tất cả còn đang say nồng với “cơn sốt” U.23 Việt Nam thì cư dân mạng bất ngờ truyền tay nhau một bảng báo giá của thủ môn Bùi Tiến Dũng được cho là người đại diện hình ảnh thảo ra. Đó là bảng báo giá chi tiết, chuyên nghiệp đến từng hạng mục, từng sự kiện giống như một ca sĩ đi chạy show.
Nếu đây là bản báo giá chính xác là của Dũng, xét về mặt quản lý hình ảnh, đấy là sự chuyên nghiệp cần có của cầu thủ Việt Nam trong tương lai. Tài năng, cống hiến và giá trị được quy đổi bằng quyền lợi tài chính, đó chính là động lực thực tế nhất để các cầu thủ phấn đấu trong sự nghiệp.
Trong bối cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam, câu hỏi đặt ra là: Một thủ môn như Tiến Dũng thực sự có giá trị đến như vậy? Cần hỏi và tỉnh táo như thế, bởi thành công của U.23 Việt Nam tại một giải đấu trẻ được nhìn nhận chỉ là thành tích trong từng trận đấu cụ thể. Xét về mặt đẳng cấp, chúng ta vẫn chưa thể đạt được như các đội bóng tầm cỡ châu lục.
Sau ánh hào quang U.23 Việt Nam, đến lúc những cầu thủ cần trở lại mặt đất và bắt đầu cho những mục tiêu mới. Hy vọng rằng, Dũng cũng như các đồng đội của mình sẽ giữ được độ tỉnh táo nhất định để tiếp tục có giá, lên giá chứ không… mất giá.
Trước sự việc này, phía CLB Thanh Hoá - đơn vị chủ quản hiện tại của thủ môn Bùi Tiến Dũng đã chính thức lên tiếng. Theo thông cáo báo chí phát đi, phía CLB Thanh Hoá cho biết: “Bản báo giá quảng cáo này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân cầu thủ Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U.23 Việt Nam, đội bóng chủ quản FLC Thanh Hoá và cả nền bóng đá Việt Nam.
Nó khiến NHM Việt Nam, người dân Việt Nam có cái nhìn sai lệch thiếu thiện cảm về cầu thủ, về Đội Tuyển U.23 Việt Nam và cả nền bóng đá của chúng ta. Niềm tin, tình yêu cho bóng đá Việt Nam, cầu thủ Việt Nam vừa được thổi bùng lên sẽ bị ảnh hưởng sau sự việc đáng tiếc này”.
Phía CLB FLC Thanh Hoá cũng khẳng định: “FLC Thanh Hóa với tư cách là cơ quan chủ quản của thủ môn Bùi Tiến Dũng, xin khẳng định một cách chính thức:
Mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của các cầu thủ FLC Thanh Hóa trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng đều do câu lạc bộ quản lý. Cầu thủ FLC Thanh Hóa chỉ được quảng cáo cho những đối tác có được sự đồng ý bằng văn bản của CLB”.