Câu chuyện gọi cầu thủ nhập tịch lên ĐTQG luôn trở thành chủ đề nóng trong dự luận. Nhiều năm qua, cứ mỗi lần đội tuyển Việt Nam tập trung, báo chí và người hâm mộ lại đặt câu hỏi vì sao cầu thủ nhập tịch lại không được VFF bật đèn xanh, trao cơ hội cho khoác áo ĐTQG.
Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho rằng, việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển hay không, là do đề xuất của BHL, các đội bóng
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí sáng 19/6 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nói ngắn gọn về vấn đề này: "Việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển hay không, theo tôi là do đề xuất của ban huấn luyện, của các đội".
Trước câu hỏi của phóng viên về việc ngành thể thao có quan điểm gì về chuyện gọi cầu thủ nhập tịch, ông Thắng cho biết, "không có ý kiến gì".
Tổng cục TDTT nói rằng việc gọi cầu thủ nhập tịch phụ thuộc vào đề xuất của các đội tuyển, nhưng thực tế rất nhiều HLV, cả nội và ngoại, đều có mong muốn nhưng không thực hiện được.
Còn nhớ, khi mới lên dẫn dắt ĐTQG, HLV Hữu Thắng từng nhấn mạnh tầm quan trọng cần nên có cầu thủ nhập tịch: "Tôi hay bất cứ ai đều muốn đội tuyển Việt Nam mạnh lên và bất cứ ai có phong độ tốt nhất đều có cơ hội lên tập trung.
Tôi mong dư luận, báo chí, ủng hộ và bất cứ cầu thủ nào có phong độ tốt, có quốc tịch Việt Nam đều có cơ hội thi đấu cho đội tuyển Việt Nam".
VFF không gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển vì muốn hướng đến môt ĐTQG giàu bản sắc
Chiến lược gia xứ nghệ không ít lần bày tỏ muốn có cầu thủ nhập tịch nhưng đã bị từ chối.
Trước đó, người tiền nhiệm Miura cũng luôn mong muốn được gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển nhưng cũng không được VFF đồng ý.
Ông Toshiya Miura sau đó đã tạo cơ hội cho những cầu thủ Việt kiều như Đặng Văn Robert hay Michal Nguyễn và đặc biệt là Mạc Hồng Quân lên tuyển, nhưng chất lượng chắc chắn không thể tốt bằng cầu thủ nhập tịch.
Về phần mình, lý giải về việc chỉ gọi cầu thủ Việt kiều chứ không gọi cầu thủ nhập tịch, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói:
"Khác với các cầu thủ Việt kiều, cầu thủ nhập tịch là người nước ngoài sống ở Việt Nam đủ 5 năm, đã xin nhập quốc tịch. Họ đều chỉ học tiếng Việt khi tới Việt Nam chơi bóng và không có gốc gác Việt.
Như trường hợp của thủ môn Văn Lâm đã lên đội tuyển U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á từ năm 2011. Cậu ấy là người Việt, hộ chiếu của cậu ấy ghi Việt Nam. Cậu ấy nói tiếng Việt Nam. Mọi thứ Lâm thể hiện ra đều là người Việt. Bản sắc chính là chỗ ấy đấy".
"Mục tiêu của chúng tôi là phải xây dựng một đội tuyển quốc gia có bản sắc, các cầu thủ phải đáp ứng được những nhu cầu về chuyên môn. Câu chuyện bản sắc bao gồm rất nhiều vấn đề như văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác", ông Tuấn chốt lại.