Một năm sau (2005), Lee Nguyễn khi ấy 19 tuổi, trở thành cầu thủ sinh viên xuất sắc nhất nước Mỹ khi thi đấu trong màu áo Đại học Indiana. Năm tiếp theo, anh nhận được lời mời không thể chối từ sang thi đấu cho CLB PSC Eindhoven danh tiếng ở Hà Lan. Năm 2007, anh khoác áo đội tuyển Mỹ thi đấu tại Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ - Copa America danh giá.
Lee Nguyễn là cầu thủ Việt kiều xuất sắc. Ảnh: MLS.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Lee Nguyễn trải qua một tuổi thơ không mấy yên ả khi đi theo con đường quần đùi áo số. Với mái tóc đen, màu da vàng, Lee Nguyễn trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử, nặng nền hơn là phân biệt chủng tộc ở vùng đất này chỉ vì đá hay hơn những người gốc Mỹ.
Trong cuộc chia sẻ với một phóng viên Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phẩm, bố Lee Nguyễn, nói: "Hồi năm 7-9 tuổi, thằng Lee đi đá bóng ở các giải thuộc quận Richardson ở Dallas cho đội trường. Nó đá quá giỏi so với tụi con nít Mỹ dù nó nhỏ con hơn. Trận nào nó cũng ghi 7-8 bàn. Có những trận đó sút quả banh mạnh quá trúng mặt thủ môn làm đứa khi ôm mặt khóc.
Sau đó nhiều phụ huynh Mỹ họ đi theo, khiếu nại lên ban tổ chức cấm thằng Lee đá vì họ nói nói ăn gian tuổi. BTC giải có lần cũng đuổi không cho nó đá dù rất vô lý nên những lần sau khi thằng Lee đi đá giải tôi đều phải mang theo giấy khai sinh của nó để khi ai đó khiếu kiện thì mình trình giấy ra".
Ông Phẩm nói tiếp: "Phân biệt chủng tộc là có nhưng mình không thể nói ra vì không có thấy về mặt hành vi hay lời nói là người Mỹ họ kỳ thị dân châu Á, nhưng thực tế bằng lương, bằng thưởng hay các thứ khác về vật chất nhìn vào sẽ thấy".
Lee Nguyễn là tiền vệ tài năng nhưng cũng phải chịu những định kiến không hay khi mang nguồn gốc châu Á trên đất Mỹ. Ảnh: Inter Miami - MLS - PSV.
Từ năm 2012, Lee Nguyễn trở lại Mỹ khoác áo New England Revolution. Anh thi đấu tới năm 2018, thi đấu 191 trận, ghi 52 bàn. Có mùa giải, Lee Nguyễn được nhận xét là cầu thủ xuất sắc nhất đội, thậm chí là cầu thủ Mỹ xuất sắc nhất Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS).
Thế nhưng, hồi mới về New England Revolution, Lee Nguyễn chỉ nhận mức lương 44.000 USD/năm (khoảng 1 tỷ đồng), thuộc nhóm thấp nhất đội. Nên nhớ, mức lương của Lee tại HAGL vào năm 2009 đã là 120.000 USD/năm (khoảng 2,8 tỷ đồng).
Phải đến khi Lee Nguyễn trình diễn thứ bóng đá tốt nhất trong sự nghiệp, anh mới nhận được 193.000 USD vào năm 2014, sau đó là 500.000 USD vào năm 2017, xếp thứ 5 trong đội khi ấy. Thế nhưng, mức lương hoàn toàn có thể cao hơn vì khi ấy Lee là cầu thủ sáng tạo quan trọng nhất trong đội bóng. Điều quan trọng hơn tiền bạc là việc Lee Nguyễn được thừa nhận trên đất Mỹ.
Nói về cách vượt qua sự kỳ thị hay phân biệt chủng tộc, vẫn trong câu chuyện kể trên, ông Nguyễn Văn Phẩm đưa ra nhận định của bản thân: "Mình làm việc cố gắng bằng 10 lần họ. Mình phải làm sao cho thấy mình giỏi hơn họ mà họ không thể chối bỏ mình, ngoài ra không còn cách nào khác cả. Vì mình cũng nên hiểu tâm lý của người Mỹ nói chung là họ cho rằng đất nước này do tổ tiên của họ từ châu Âu qua gây dựng còn mình chỉ là kẻ đến sau ăn nhờ ở đậu mới mấy chục năm nay mà thôi".
Lee Nguyễn từng có khoảng thời gian khoác áo HAGL nhưng không thành công về mặt chuyên môn. Ảnh: Minh Trần.
Lee Nguyễn được xem là cầu thủ Việt kiều xuất sắc nhất. Giai đoạn 2009 – 2011, anh về Việt Nam thi đấu, lần lượt khoác áo HAGL và Bình Dương. Tại đây, dù không có sự nghiệp thăng hoa và yên ả nhưng những phẩm chất kỹ thuật của Lee Nguyễn vẫn khiến giới chuyên môn có cái nhìn rất trân trọng về anh.
Không chỉ gặp vấn đề ở đất Mỹ, Lee Nguyễn cũng gặp chuyện ở Việt Nam với lối sống phóng khoáng phương Tây, anh bị cho là "khác biệt văn hoá", "bị cô lập" ở đội bóng khiến cho bản thân không thể hiện được hết khả năng.
Hiện tại, Lee Nguyễn đang khoác áo CLB Inter Miami có chủ sở hữu là danh thủ David Beckham. Hồi đầu năm nay, CLB TPHCM được cho muốn có sự phục vụ của Lee Nguyễn nhưng không thành công. Sự việc sau đó cho thấy CLB TPHCM không dứt khoát có bằng được Lee. Thương vụ vì thế mang phần nào tính chất PR cho CLB.