Tại Trung Quốc, võ sư phái Vịnh Xuân Lý Phong đã phải trả một cái giá cực đắt khi lên đài tỉ thí với nhà vô địch tán thủ Lý Huyền Vũ. Sau trận thua tại Hàng Châu, Lý Phong vì xấu hổ đã phải đóng cửa võ đường ở Phật Sơn rồi "mất tích" khỏi giới võ lâm Trung Quốc.
Chấp một chân một tay, Lý Huyền Vũ hạ Lý Phong sau 2 phút
Tất nhiên, Lý Phong đã phải nhận nhiều luồng ý kiến chỉ trích từ cộng đồng giới võ lâm Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, một số HLV – võ sư cũng cho rằng Lý Phong quá dại dột và thực tế nhân vật này đã thất bại ngay từ khi trận đấu còn chưa bắt đầu.
Chứng kiến trận thua của Lý Phong, HLV đào tạo võ tự do nổi tiếng ở Hà Nội – Vũ Văn Tác phân tích với Trí Thức Trẻ: "Trận thua này phản ánh đúng thực lực của hai võ sĩ. Một bên quá dày dặn kinh nghiệm còn một bên thì hầu như không có và chỉ phản kháng lại một cách rất yếu ớt.
Thật ra, Lý Phong thua ngay từ khi trận đấu còn chưa bắt đầu. Tôi cho rằng ngoại trừ những trường hợp đặc biệt thì thông thường, một võ sư cổ truyền để va chạm, đấu đá nhiều thì rất khó để so sánh với các môn hiện đại.
Theo tôi, việc Lý Huyền Vũ chấp một chân một tay hầu như không ảnh hưởng gì tới khả năng chiến đấu của anh ta khi thượng đài với Lý Phong. Tôi nghĩ việc chấp như thế là quá bình thường với những võ sĩ có đẳng cấp cao như Lý Huyền Vũ.
Họ quá kinh nghiệm và biết cách xử lý tình huống. Rất khó để đối phương tiếp cận được. Nhìn trận đấu vừa rồi hầu như chẳng thấy có điểm nào để võ sư Vịnh Xuân làm khó được Lý Huyền Vũ".
HLV Vũ Văn Tác cho rằng Lý Phong quá ảo tưởng nên mới đấu với Lý Huyền Vũ.
Bên cạnh trình độ chuyên môn, HLV Vũ Văn Tác cũng phê phán sự ảo tưởng của võ sư phái Vịnh Xuân ở Trung Quốc: "Việc lệch tuổi lớn như vậy (50 so với 33) mà thi đấu là quá sai lầm. Còn đã lên đài thi đấu thì cũng đừng lấy lý do để bào chữa khi thất bại.
Những võ sư cổ truyền như Lý Phong không nên dại gì mà thách đấu các võ sĩ chuyên nghiệp. Đối thủ họ được đào tạo quá bài bản, chỉ có ăn, tập và đi đấu đài, không phải lo cơm áo gạo tiền. Còn dân không chuyên thì chỉ đi làm phong trào để lấy quân cho các đội tuyển, lấy nhân tài đi thi đấu thôi. Thế nên, chớ dại mà thách đấu làm gì".
Võ sĩ Lý Huyền Vũ - người đã đánh bại Lý Phong dù chấp một chân một tay.
Không chỉ HLV võ tự do Vũ Văn Tác mà võ sư Bùi Tuấn Đạt – Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Hà Nội cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng Lý Phong quá kém so với đối thủ và còn mắc bệnh ảo tưởng.
"Lý Phong không hề có kỹ năng đánh đài. Kết quả ông ta bị thua đau là dễ hiểu. Đây không phải lần đầu tiên có một trận đấu theo kịch bản như vậy. Nói chung, không phải võ sư nào cũng làm võ sĩ được và ngược lại. Một bên chỉ ăn tập và thi đấu, một bên chủ yếu là rèn luyện sức khỏe, dạy kỹ năng tự vệ cơ bản, quyền cước, chiến lược.
Lý Phong và một số võ sư cổ truyền ở Trung Quốc đang bị ảo tưởng. Họ quá tự tin vào bản thân và không hiểu về thi đấu chuyên nghiệp. Tôi thấy Trung Quốc có quá nhiều phim về võ thuật rất đẹp mắt và có nhiều giai thoại, nên không ít võ sư nếu không có sự tự nhìn nhận thực tế sẽ rất dễ lâm vào tình trạng bị ảo tưởng".
Võ sư Bùi Tuấn Đạt cũng cho rằng Lý Phong hoàn toàn không có cơ hội để thi đấu với Lý Huyền Vũ.
Võ sư Bùi Tuấn Đạt tiếp tục phân tích: "Theo tôi, việc chấp một chân một tay như Lý Huyền Vũ cũng còn tùy vào từng đối thủ. Nếu cùng là VĐV chuyên nghiệp với nhau thì sẽ là rất khó vì khi chấp như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng thi đấu. Còn như những trận đấu như thế này thì không ảnh hưởng gì cả. Vì cảm giác không gian, thời điểm, chiến thuật, tốc độ, sức mạnh của VĐV chuyên nghiệp rất tốt.
Còn nếu chấp với dân không chuyên thì thực ra cũng tùy từng đối thủ. Nhiều võ sĩ không phải chuyên nghiệp nhưng nếu họ trau dồi, tập luyện thường xuyên thì cũng rất khó nói nhưng trường hợp như Lý Phong thì không ảnh hưởng gì cả.
Lý Phong - kẻ đã "mất tích" sau trận thua Lý Huyền Vũ.
Tôi cho rằng môn Vịnh Xuân có điểm hay riêng nhưng không hợp để đánh đài, trừ khi là người tập thêm để đánh đài. Các môn võ muốn thi đấu tốt phải có hệ thống các giải thi đấu thành tích cao, có giải các cấp. Trong khi đó, Vịnh Xuân lại thiếu những giải đấu như vậy. Nói chung tôi không so sánh giữa các môn phái vì mỗi môn có đặc thù riêng.
Với tôi, khi tập võ quan trọng do con người. Bản thân mình thấy phù hợp với môn nào và quan trọng là tiêu chí của mình tập võ để làm gì. Cái đó là rất quan trọng. Còn về chuyện thách đấu giữa võ sư cổ truyền với các võ sĩ chuyên nghiệp thì chắc chắn là không nên rồi" - võ sư Bùi Tuấn Đạt kết luận.