Cao thủ nội công Hà Nội: Nếu anh Kiệt chạm vào làm tôi như bị điện giật thì mừng quá!

Đoàn Dự |

Là chuyên gia hàng đầu VN về nội công, Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn được Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt thi triển Lăng không kình với mình.

"Bây giờ ông Kiệt đến đẩy tôi 1 cái, tôi cũng rung lên như điện thế thì tốt"

Võ sư Nguyễn Văn Thắng là con trai cố võ sư Nguyễn Văn Nhân. Ông là chưởng môn đời thứ 5 theo dòng phái - đời thứ 2 theo môn phái Thăng Long võ đạo. Võ sư Thắng am hiểu sâu sắc về cả nội – ngoại công và còn là một bác sĩ nổi tiếng.

Hôm qua, phía Nam Huỳnh Đạo đã đưa ra lý giải về môn nội công tâm pháp có thể đánh vào người đối phương, khiến đối phương bật ra, bị run rẩy như điện giật.

Em trai võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, Huỳnh Quốc Hùng gọi đấy là Lăng không kình, phát lực từ xa tác động tới đối tượng.

Ông Hùng cũng cho rằng, chỉ những đệ tử có trình độ cao của Nam Huỳnh Đạo, trải qua thời gian tập luyện lâu cùng nhau mới có thể tương tác về Lăng không kình.

Nhận định về loại nội công tâm pháp này, Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng, người được mệnh danh "Đông Nam Á đệ nhất nội công" nói:

"Theo tôi hiểu thì nhân điện là danh từ riêng chỉ các trung tâm lực hay còn gọi là luân xa, là đại huyệt bên đông y. Khi người ta kích thích mạnh vào các trung tâm huyệt, ví dụ điểm huyệt hẹn giờ có thể gây bế khí hay gây phản ứng tắt các dòng sinh lực làm mê đối tượng.

Qua quá trình tu luyện lâu có thể kích thích vào đại huyệt để tạo ra điện lực mạnh, làm tê giật toàn thân; đánh vào huyệt khiến đối phương rúng người lên, rồi nằm bất động hoặc đánh vào trung tâm huyệt tụ khí (tăng sinh lực) hay lõa khí (tan sinh lực)...

Nhưng ở đây Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo đẩy vào bất cứ chỗ nào cũng khiến đối thủ rung lên như bị điện giật, rồi nói chỉ những ai trong môn phái lâu mới đạt được trình độ ấy thì là giải thích chưa thuyết phục.

Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt biểu diễn "nội công tâm pháp"

Ví dụ như tôi, nếu điểm trúng trung tâm huyệt có thể làm đối phương tê liệt, co rúm người lại, nhất là đánh vào giờ nhận sinh lực hay giải phóng sinh lực.

Đánh vào huyệt ở giờ nhận sinh lực có thể gây bế khí, làm nội tạng yếu dần và có thể bị đột tử. Đánh vào giờ xả sinh lực, không xả được sẽ gây bế độc khí trong người.

Nhưng phải là cao thủ, thực hiện thật chính xác. Còn ở đây đánh, đẩy đẩy như trong clip thì không thực, hơi ma muội.

Nhiều người còn phải dùng kim châm điểm để có độ chính xác cao hoặc đứng gần đối thủ, mà thường là đối thủ không trong trạng thái vận động thì ta đánh vào huyệt đạo mới chuẩn.

Còn khi đối phương đang vận động mà muốn điểm vào huyệt cũng không dễ đâu. Phải là người có trình độ rất cao và điểm đủ kình lực. Còn đây người ta nhảy vào, anh kia bụp phát đẩy ra thì không có đâu".

Bật tiếng cười, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng nói tiếp: "Bây giờ ông Kiệt đến đẩy tôi 1 cái, tôi cũng rung lên như điện thế thì tốt".

Phóng sự về Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng và môn phái Thăng Long Võ Đạo

Lăng không kình là... tự đặt?

Cắt nghĩa kĩ hơn cụm từ "Lăng không kình", võ sư Thắng chia sẻ:

"Kình thì là kình lực, là khái niệm chung rồi. Nó gồm âm kình và cương kình. Công lực có cương công và nhu công. Kình âm làm bế khí, kình dương giúp kích khí. Lăng không kình thì tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Có thể đó là 1 danh từ riêng họ tự đặt.

Nếu nói phát lực từ xa tác động thì có thể họ hơi bị ảo giác bởi các phim chưởng. Lâu nay cái đó chỉ có trong phim chưởng thôi.

Ví dụ tôi phát công cho bệnh nhân, không cần chạm đến năng lượng vẫn vào người họ thì có. Nếu tôi phát lực mạnh cho bệnh nhân, bệnh nhân ở trạng thái yếu thì họ bị lảo đảo, cái đó cũng có.

Nhưng phát lực cho cao thủ lảo đảo, hoặc phát kình như kiểu sóng giao cảm giúp mình hiểu được đối phương, hoặc tương tác mạnh đẩy linh hồn đối phương ra để chiếm thể xác hay đánh bằng thể năng lượng, năng lượng của ta tác động vào bên kia gây ra rối loạn, hoặc thu phục năng lượng bên kia thì đều ở góc độ phim chưởng thôi.

Nghe về mặt lý thuyết kinh điển thì thấy có nhưng thực tế chỉ thấy trong phim chưởng thôi. Tất cả những tên tuổi giỏi nhất ở Việt Nam chưa thấy ai luyện thành được".

Cao thủ nội công Hà Nội: Nếu anh Kiệt chạm vào làm tôi như bị điện giật thì mừng quá! - Ảnh 4.

Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng (áo đen bên phải).

Cuối cùng, võ sư Nguyễn Văn Thắng đưa ra lời khuyên gián tiếp với Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt:

""Lăng không kình" đáng lẽ phải giải thích khác đi. Ví dụ đánh vào trung tâm nhân điện, trung tâm lực hay như thế nào chứ. Đây lại tự đặt ra là Lăng không kình...

Ví dụ tất cả những công phu của tôi là công phu có thật, mình luyện năng lượng thông thường như dịch cân kinh... để có sức mạnh hơn người, hoặc luyện đạt ma chân kinh, thập bát la hán...

Nhưng những công phu này khi ai đó đạt thành, rất ít khi họ thể hiện. Nếu thể hiện thì thường đi cùng sự kiêu mãn, một khi thể hiện ra thì công năng lại bị giảm dần, chưa nói tới tầm vóc về tâm lý con người.

Bây giờ cái thật cũng có nhưng số người đạt được công phu không nhiều. Có nhiều người lạm dụng, làm giả nhiều. Bây giờ nhiều người muốn làm ra những công phu gì đó lạ lạ, trong khi cũng có nhiều võ công thật, giúp con người mạnh lên.

Đừng làm những cái gì khiến người ta khó hiểu, dù cuộc đời đúng là có nhiều chuyện lạ. Khi mình làm cái lạ gây xôn xao dư luận thì có thể tạo ra cái không tốt cho dư luận và xã hội".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại