Thực tế, khi Hà Nội T&T bắt nhịp nhanh, dẫn trước 1-0 sau 45 phút đầu tiên thì ai cũng nghĩ chuyện thế là đã xong: Hai đội bóng nhà bầu Hiển lại một lần nữa dìu dắt nhau trong cuộc đua với một đội bóng thứ ba.
Không ai ngờ, sang hiệp 2, SHB Đà Nẵng vùng lên thắng ngược 2-1, trực tiếp khiến cho “người anh em” của mình chính thức nhường chức vô địch giải đấu cho đối thủ khó chịu B.Bình Dương.
Đấy có thể coi là một trong những dẫn chứng điển hình, sống động cho việc các đội bóng của bầu Hiển khi gặp nhau vẫn chơi thật, chơi hết chân và mọi sự thắng thua vì thế được quyết định bởi chuyên môn, chứ không bởi những cái rỉ tai ngoài chuyên môn, trên bàn.
Sau trận đấu này, nhà báo Huy Thọ - một trong những người trước đó cũng nghi ngờ việc “Đà Nẵng sẽ nằm, Hà Nội T&T sẽ thắng” - thậm chí đã thẳng thắn cảm khái: “Cảm ơn bầu Hiển!”.
Đúng là phải cảm ơn bầu Hiển, hay nói cụ thể, trực tiếp là cảm ơn sự trong sáng của những đội bóng được cho là chịu sự ảnh hưởng của bầu Hiển. Vì nếu không có sự trong sáng ấy, cuộc chơi sẽ bị lũng đoạn và nhuốm bẩn.
So với V.League 2014 thì V.League 2016 không chỉ có 2 mà có tới 4 đội bóng được cho là chịu sự ảnh hưởng lớn từ bầu Hiển. Nhìn lên bảng xếp hạng lúc này chợt thấy, trong 4 đội này thì có 2 đội (SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T) sẽ cạnh tranh trực tiếp ngôi vô địch cùng các đối thủ khác không thuộc nhà bầu Hiển.
2 đội còn lại (Sài Gòn, QNK Quảng Nam) với vị trí và thực lực của mình hoàn toàn có thể tạo ra những cái nhún nhẩy, tác động đến cuộc đua ngôi vô địch. Cách đây không lâu, khi còn làm GĐKT ở FLC Thanh Hoá, ông Lê Thuỵ Hải đã đề cập tới điều này.
Hẳn nhiên, ông đề cập với thật nhiều ưu tư và lo lắng. Và thực tiễn, nỗi lo ấy là có cơ sở khi trong trận đấu cuối cùng mang tên CLB Hà Nội, đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng (giờ đã chuyển khẩu vào Nam, đổi tên thành CLB Sài Gòn) bỗng nhiên thắng dễ, thắng đậm “người anh em” SHB Đà Nẵng tới 3 bàn.
Sau trận đấu, bầu Hiển còn xuống sân tuyên thưởng và động viên các cầu thủ: “Nếu cứ đá thế này, các con có thể vô địch V.League đấy!”.
Rốt cuộc, điều gì rồi sẽ xảy ra? Cái thực tế trong sáng, sòng phẳng như ở đoạn kết mùa giải 2014 hay những thắc mắc, hồ nghi như trong chính trận đấu giữa CLB Hà Nội với CLB Đà Nẵng hồi đầu mùa giải? Và rốt cuộc, sau tất cả, chúng ta sẽ phải nói câu “cảm ơn bầu Hiển” hay “buồn phiền vì bầu Hiển”?
Cá nhân người viết tin rằng, kể từ sau đoạn kết của V.League 2012 - đoạn mà Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng “song kiếm hợp bích” “oánh” Ximăng Xuân Thành Sài Gòn khiến dư luận nổi sóng, những đội bóng nhà bầu Hiển muốn và rất muốn thể hiện một bộ mặt, một hình dáng khác.
Và vì thế, ngoại trừ những thời điểm thực sự nhạy cảm, nguy nan nào đó - như trận đấu cuối của CLB Hà Nội trước khi chuyển khẩu đổi tên chẳng hạn, về cơ bản các đội bóng này vẫn sẽ đá hết chân, sòng phẳng với nhau.
Nhưng đấy là chuyện của niềm tin, cảm xúc, còn đứng ở phương diện lý tính, cho đến trước khi mọi thứ “hai năm rõ mười” thì với người hâm mộ và với cả những nhà tổ chức, những hoài nghi, lo lắng, hồi hộp vẫn sẽ phải diễn ra.
Hôm qua, đề cập điều này với một nhà báo cựu trào, chợt nghe một câu bình luận: Ở một V.League đang quá thiếu những thứ để hồi hộp thì cái hồi hộp ấy có khi lại... hay.
Rồi vị đó hỏi ngược: “Cậu không nhớ là ông Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển từng bảo, có khi phải cảm ơn bầu Hiển vì trong bối cảnh nhiều ông bầu chán và bỏ bóng đá thì nhờ bầu Hiển mà chúng ta mới cùng lúc có tới 4 đội được duy trì ở V.League đấy sao?”.
Và thực tế, đúng là ở giai đoạn khủng hoảng nhất của cả nền bóng đá khi hàng loạt ông bầu nếu không “bỏ của chạy lấy người” thì cũng rút lui, hàng loạt đội bóng bị “khai tử” và các giải chuyên nghiệp lao đao bên bờ vực, nhìn ở góc độ gần nhất, nếu không có bầu Hiển thì V.League chưa chắc đã duy trì được như vài năm qua.
Trong bầu khí quyển “thượng bất chính” của nền bóng đá lúc này, đành và nên phải nghĩ như thế thật?
Đành phải... cảm ơn bầu Hiển, rất thật lòng!