Cấm cầu thủ Việt cá cược

Minh Ngọc |

Tin tưởng cá cược hợp pháp sẽ giúp bóng đá Việt Nam giảm tiêu cực nhưng VFF, VPF và các CLB đều nhận thức được sự nguy hiểm nếu không quản lý chặt, cấm các cầu thủ tham gia cá cược.

Đặt cược bóng đá quốc tế sẽ được hợp thức hóa từ ngày 31-3 theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành hồi đầu tháng 2 này. Câu hỏi đặt ra là liệu cá cược hợp pháp bóng đá quốc tế có giúp bóng đá Việt Nam giảm tiêu cực như kỳ vọng của LĐBĐ Việt Nam (VFF) hay không?

Nói về nghị định mới được ban hành, HLV trưởng B.Bình Dương Trần Bình Sự cho rằng: “Năm 1992, khi tôi còn làm trong ban chấp hành (BCH) VFF, chúng tôi đã có ý kiến và xin phép bộ chủ quản về vấn đề này. Chúng tôi tin rằng cá độ bóng đá lành mạnh sẽ làm giảm tiêu cực. Đến lúc này, tôi vẫn ủng hộ nghị định”.

Thời điểm HLV Trần Bình Sự dẫn dắt Đồng Nai năm 2014, 6 cầu thủ đội bóng này đã cá độ và dàn xếp tỉ số, bị công an bắt và xử lý. Ông Sự khẳng định: “Nước ngoài vẫn làm việc này suốt. Họ cho phép cá độ nhưng bóng đá của họ vẫn gần như trong sạch.

Nhưng ở nước ngoài, họ cũng cấm cầu thủ tham gia, đặc biệt các giải đấu có đội bóng của mình. Cầu thủ Việt Nam đương nhiên sẽ bị cấm tham gia, dù là đặt cược bóng đá quốc tế. Ai tham gia, bị phát hiện sẽ phải chịu sự xử lý của CLB, VFF và VPF (Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam)”.

HLV trưởng Nam Định Nguyễn Văn Sỹ cũng sẽ cấm cầu thủ tham gia cá độ bóng đá quốc tế. Giống với ông Sự, ông Sỹ cũng từng là nạn nhân khi một số cầu thủ Vissai Ninh Bình do ông làm HLV trưởng dàn xếp tỉ số ở AFC Cup hồi năm 2014.

“Việc này được thông qua, các CLB, VFF sẽ phải có quy chế chặt chẽ. Chúng ta đã có tấm gương những cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai ở trước mắt. Điều cốt yếu để bảo đảm chống tiêu cực là suy nghĩ của các cầu thủ” - ông Sỹ phân tích.

“Trước mắt, nghị định chỉ cho phép người dân đặt cược bóng đá quốc tế với số tiền hạn chế. Tuy nhiên, ngay cả ở Anh, cầu thủ cũng bị cấm tham giá cá cược khi còn thi đấu. Tất cả ý thức được rằng cầu thủ chơi cái này sẽ khiến họ bị ảnh hưởng kinh tế và đặt trường hợp nghiện bạc, tán gia bại sản thì họ còn tâm trí thi đấu hay không?

Chưa kể sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn, như bán độ chẳng hạn. Các CLB Việt Nam sắp tới khi mua cầu thủ nào chắc chắn sẽ đưa thêm mục cấm tham gia đặt cược vào trong hợp đồng, kể cả đó là cá độ các trận của Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A thì cũng cấm.

Từ trước tới giờ, chúng tôi vẫn cấm cầu thủ chơi cá độ chứ không phải chờ tới lúc có nghị định này. Tuy nhiên, nếu không cảnh giác thì họ cũng sẽ có cách lách luật” - một đại diện VFF chia sẻ.

Lách luật ở đây, theo dự đoán của VFF, VPF và các CLB, là quy định được cá cược bóng đá quốc tế chưa nói rõ là gói gọn ở một số giải đấu lớn trên thế giới, hay mở rộng đến các giải đấu tại châu Á như AFC Champions League, AFC Cup hay AFF Cup, SEA Games.

Cảnh giác việc lách luật

Chủ tịch Nguyễn Giang Đông của Sài Gòn FC cho biết: “Năm ngoái, tôi đi châu Âu, thấy CĐV ra sân, đến giữa giờ nghỉ, họ rời chỗ ngồi đi đặt cược. Trong khi đó, cầu thủ, người nhà cầu thủ đều không được cá cược”.

Một đại diện VPF nhận định các cầu thủ Việt hoàn toàn có thể nhờ người nhà đặt cược chính những trận đấu mà CLB hoặc các đội tuyển Việt Nam tham dự. Điều đó cực kỳ tai hại vì chúng ta không thể kiểm soát được tư tưởng của họ trên sân.

“Tại SEA Games 2015 ở Singapore, chúng tôi thấy ngay trong sân có những đại lý cá cược ghi tỉ lệ các trận đấu của SEA Games. Bên Singapore, Malaysia... cho phép đặt cược cả những giải đấu quốc nội và khu vực nhưng cấm đặt cược trận đấu có đội của họ tham dự.

Hệ quả là có những thời điểm, bóng đá Malaysia và Singapore vẫn bị bao trùm bởi bóng ma mua - bán độ. Đó cũng là bài học cần cảnh giác cao độ, tránh để các cầu thủ lách luật tham gia cá cược”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại