CLB Hà Nội sẽ phải thi đấu 2 trận cuối cùng của mùa giải trên sân nhà không có khán giả và nhiều khả năng lễ trao giải cho chức vô địch Wake-up 247 V.League 2019 diễn ra trong cảnh “vườn không, nhà trống”. Cái giá phải trả cho những quả pháo sáng được ném và bắn trên sân, khán đài Hàng Đẫy là quá đắt...
Hà Nội trả giá đắt nhất vì pháo sáng
Sau sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy, CLB Hà Nội bị phạt 85 triệu đồng cùng với việc thi đấu 2 trận cuối cùng của V.League 2019 trên sân nhà không có khán giả. Đó là hệ quả của việc buông lỏng, không đảm bảo công tác an ninh, an toàn của ban tổ chức trận đấu. Và đây là án phạt có sức nặng đầu tiên cho hàng loạt các sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy.
Tính riêng ở mùa giải năm nay, Hà Nội là đội phải nộp số tiền phạt nhiều nhất vì pháo sáng. Sau vòng 4 (gặp Sông Lam Nghệ An), vòng 6 (gặp Hải Phòng) và vòng 22 (gặp Nam Định), Hà Nội phải nộp phạt tổng cộng 175 triệu đồng. Họ cũng từng bị “treo” sân sau vòng 6, thế nhưng sau đó đã khiếu nại thành công.
Còn tính từ mùa giải 2014 đến nay, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy nộp phạt nhiều nhất vì pháo sáng, các vật thể lạ với tổng cộng 465 triệu đồng. Đứng thứ 2 là Hải Phòng (265 triệu đồng) và Nam Định xếp thứ 3 với 125 triệu đồng. Tính số tiền mà các câu lạc bộ thi đấu tại V.League bị phạt vì pháo sáng thì Hải Phòng dẫn đầu với 290 triệu đồng, Nam Định xếp thứ 2 với 110 triệu đồng, Hà Nội không nằm trong Top 5. Những con số này chứng tỏ Hà Nội là đội thường xuyên hứng chịu pháo sáng đến từ các cổ động viên đội khách.
Theo đánh giá của giới truyền thông qua những bài phân tích có ý kiến của các cổ động viên Hải Phòng, Nam Định thì đó là cái giá mà Hà Nội phải trả từ việc bị... ghét. Điều này xuất phát từ những hiềm khích quá khứ và cả những hệ luỵ do chính cơ chế thượng tầng mà đội bóng đã tạo ra, liên quan đến chuyện một ông chủ có ảnh hưởng đến nhiều đội bóng.
Số tiền mà Hà Nội phải bỏ ra để nộp cho các án phạt không phải chuyện lớn. Tuy nhiên, hệ luỵ phía sau của nó không chỉ đơn thuần là câu chuyện cay cú ăn thua trong bóng đá, điều mà chính bản thân những lãnh đạo, có trách nhiệm ở bóng đá Việt Nam cũng không thể kiểm soát.
Cái giá đắt của bóng đá chuyên nghiệp
Sau khi Hà Nội nhận án phạt nặng từ VFF, những người trực tiếp chịu thiệt thòi là khán giả ủng hộ đội bóng Thủ đô. Để có được lượng cổ động viên đông như bây giờ là một hành trình dài với bao cố gắng cũng như hiệu ứng của U.23 và ĐTQG sau thành công ở các giải đấu lớn khu vực, châu lục. Đấy chính là tài sản mà sau hơn 10 năm lên chơi V.League, CLB Hà Nội mới có được. Thế nhưng những quả pháo sáng và mục tiêu “phá” của một bộ phận CĐV có hiềm khích khiến Hà Nội phải trả giá. Trong vấn đề này, nếu quy kết trách nhiệm, CLB Hà Nội cũng nên tự trách mình vì đã không thể gìn giữ một cách nghiêm túc tài sản quý giá đang có, dù đã được cảnh báo trước.
Sự bất lực của cơ chế quản lý của VFF, VPF dẫn đến tình trạng một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng đã gây ra những hệ luỵ xấu. Từng có làn sóng phản đối vấn đề này trong giới chuyên môn, truyền thông nhưng vấn đề không giải quyết được mà vẫn tồn tại. Và chỉ đến khi câu chuyện bức xúc được các cổ động viên quá khích giải quyết bằng sự phá hoại, bởi pháo sáng để gây rối có chủ đích thì mọi thứ đi quá giới hạn.
Đó là sản phẩm mà bóng đá chuyên nghiệp nửa vời của Việt Nam tạo ra. Trong rất nhiều biện pháp ngăn chặn pháo sáng, VFF , VPF từng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở ý thức của khán giả. Bởi thực tế, dù có can thiệp đủ biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ vẫn không thể ngăn chặn tình trạng này. Thế nhưng một câu hỏi được đặt ngược lại, cơ chế quản lý và những vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam đã thực sự được giải quyết để thuyết phục khán giả?
Cần nhìn thẳng vào sự thật, khi nào Hà Nội tạo ra được sự công bằng với phần còn lại của V.League, tất nhiên không phải chuyên môn đơn thuần, khi đó mới có thể thay đổi hay đòi hỏi khán giả bỏ đi cách nhìn nhận tiêu cực. Như vụ “bẻ” án treo sân Hàng Đẫy hồi đầu năm là một bất cập đã được nhắc đến mà chính VFF có lỗi. Thế nên khi bóng đá chuyên nghiệp còn những nổi cộm chưa thể giải quyết, vấn nạn pháo sáng sẽ tiếp diễn và hệ lụy còn xuất hiện, cùng với việc trả giá.