Novak Djokovic từ lâu đã tuyên bố không công bố tình trạng tiêm chủng vì cho rằng đây là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình trạng tiêm chủng của Djokovic lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi tay vợt này bị hủy thị thực nhập cảnh vào Australia vì chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19.
Mặc dù quyết định này đã bị đảo ngược vào ngày 10/1 bằng một phán quyết của Tòa án liên bang Australia tại thành phố Melbounre song tình trạng tiêm chủng của Novak Djokovic lại một lần nữa trở thành đề tài thảo luận trong chính giới Australia và giữa các tay vợt khác.
Chính giới Australia bày tỏ quan điểm
Vụ việc của Novak Djokovic không chỉ còn dừng lại là vấn đề thể thao mà đang bị chính trị hóa. Đêm qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phải gọi điện thoại cho Thủ tướng Serbia Ana Ana Brnabic để trao đổi về vụ việc.
Còn ngay tại Australia, các nghị sỹ liên bang cũng có những ý kiến khác nhau. Nghị sỹ của Julian Simmonds cho biết Djokovic cần bị trục xuất khỏi Australia vì vẫn chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 để thể hiện là quy định của Australia được áp dụng với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ lại cho rằng, không nên chính trị hóa vấn đề. Nghị sỹ John Alexander và Dave Sharma cho rằng nên cho phép Djokovic ở lại Australia thi đấu.
Ý kiến trái chiều giữa các tay vợt
Đối thủ của Djokovic tại Australia Open là Rafael Nadal cho rằng việc Djokovic bị từ chối nhập cảnh vào Australia là một màn kịch. Và việc tòa án ra phán quyết đảo ngược quyết định của Bộ Nội vụ Australia cho thấy “công lý đã lên tiếng”. Nadal cũng cho rằng, mặc dù cá nhân anh không muốn Djokovic tham gia thi đấu nhưng Djokovic “có quyền được tham dự Australia Open và quyết định của tòa án là công bằng nhất”.
Nick Kyrgios, tay vợt nam nổi tiếng nhất của Australia “cảm thấy xấu hổ” khi vụ việc xảy ra đối với Djokovic, “người đã làm được nhiều điều cho chúng ta và cho thể thao”. Nick Kyrgios cho rằng, vụ việc đã không được xử lý thỏa đáng và anh muốn rằng vụ việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến những điều tuyệt vời khác mà Australia đang có.
Bên cạnh những người ủng hộ Djokovic thì cũng xuất hiện những ý kiến không đồng tình với tay vợt này.
Tay vợt nữ người Tây Ban Nha Garbine Muguruza, người từng giành chức vô địch Wimbledon năm 2017 và giải French Open năm 2016 cho biết, việc Djokovic từ chối tiêm vaccine ngừa Covid-19 là “cuộc chiến ngu ngốc vì sớm muộn ai cũng sẽ phải tiêm vaccine” và cho biết cô cảm thấy không cần thiết để làm điều ngược lại.
Tay vợt Martina Navratilova khẳng định mặc dù Novak Djokovic là một nhà lãnh đạo lớn, một vận động viên tuyệt vời song anh cần tiêm vaccine vì đội của mình. Cô cho rằng, đây không chỉ là vấn đề niềm tin mà vì nếu Novak Djokovic muốn trở thành người lãnh đạo thì cần phải chứng minh bằng hành động.
Trong khi đó, tay vợt Kevin Anderson, người từng bị Djokovic đánh bại tại giải Wimblendon 2018 cho biết Djokovic đã làm ảnh hưởng tới rất nhiều người và đây là một trong những thời khắc đáng buồn nhất của lịch sử thể thao.
Những vấn đề chưa được sáng tỏ
Trong lúc cơ hội để Novak Djokovic thi đấu tại giải Australia Open vẫn đang được chính quyền Australia cân nhắc thì truyền thông sở tại cho biết, các cơ quan chức năng đang điều tra về khả năng Djokovic đã khai báo không trung thực trong tờ khai nhập cảnh. Theo đó, trong tờ khai Djokovic cho biết anh đã không đi nước ngoài trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh Australia.
Tuy nhiên, vào ngày 25/12, Djokovic đã chụp ảnh tại Belgrade, Serbia khi chơi tennis trên phố, chụp ảnh với một ngôi sao thể thao khác là Petar Djordjic và sau đó, ngày 31/12/2021 anh lại được nhìn thấy chơi tennis tại Tây Ban Nha.
Đồng thời, báo chí Australia cũng đang quan tâm tới việc ngay sau ngày khai báo bị Covid-19 (16/12/2021), Djokovic đã tham dự một sự kiện tại Belgrade, Serbia và nói chuyện với trẻ em.
Vì vụ việc của Novak Djokovic mà Giải quần vợt Australian Open 2022 không chỉ còn được chú ý với tư cách là giải Grand Slam đầu tiên trong năm mà còn là sự kiện gây nhiều tranh cãi./