img
“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 1.

Trước hôm hai đứa ra phường đăng ký kết hôn sau nhiều ngày vất vả đi lấy giấy xác nhận độc thân, chúng tôi đã có một trận cãi vã kinh hồn. Đó là trận cãi vã lớn nhất kể từ ngày hai đứa yêu nhau. Nàng đã tìm tờ giấy xác nhận độc thân của cả 2 đứa để xé với lời tuyên bố: "Không cưới xin gì hết! Anh là đồ tồi!".

Thú thật rằng chúng tôi không ai còn nhớ lý do chúng tôi cãi nhau dù nó có xảy ra cách đây mấy hôm đi chăng nữa. Lý do là cuộc cãi vã nào cũng đều bắt nguồn từ điều nhỏ xíu và lan rộng đến mức cả hai quên hết cái gì châm ngòi cuộc cãi vã đó. Đàn ông hiếu chiến- Đàn bà hiếu thắng. Đó đều là nguyên do cho mỗi trận cãi vã. May mà khi đó nàng đã không tìm thấy tờ giấy xác nhận độc thân (hay nàng có thấy nhưng trong làn nước mắt, nàng không nhìn rõ nó chăng?).

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 2.

Nàng là thế! Người phụ nữ mà tôi vẫn vừa thương vừa giận vừa yêu vừa đau. Cái người cứ hay đúng thì làm, sai thì sửa, chỉ thích thẳng không nói cong, thật sao nghĩ thế không dối được, không giả được. Nàng quân tử hơn cả đàn ông và ghét những kẻ tiểu nhân đến hắt nước đổ đi. Là bởi lòng tự trọng trong nàng cao hơn sinh mạng, tiền bạc và đôi khi, cả… chồng. Nàng có thể chấp nhận thua thiệt mọi thứ trừ việc hạ nhục nàng, coi rẻ nàng, đánh giá nàng thấp. Có thể bởi nàng sinh ra dưới chòm sao Sư Tử, cung Leo, nơi những người phụ nữ coi trọng sĩ diện của họ như sinh mệnh.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 3.

Những năm đầu của cuộc hôn nhân chúng tôi cũng vỡ rất nhiều bát đũa, móp méo rất nhiều đồ đạc trong nhà và cũng vài ba cái điện thoại, laptop cũng đã ra đi. Đến nỗi tôi có cậu bạn chuyên bán, sửa laptop khoe doanh thu tăng tốt trong thời gian đầu chúng tôi lấy nhau.

Tôi thú nhận rằng mình cũng đã từng… đánh vợ. Đó là khi nàng bỏ nhà đi sau một trận cãi nhau với tôi. Suốt đêm không về. Và đàn ông vũ phu khi đàn bà phũ miệng chính là thứ tôi rút ra sau lần đó. Tôi đã sai. Sai lè. Không có lý do nào để biện minh cho việc đã từng vung tay đánh vợ. Nàng sau đó đã tha thứ cho tôi. Nhưng tôi thì không bao giờ tha thứ cho mình. Chỉ một chút xíu, rất nhỏ, rất rất nhỏ, rằng đó là khi chúng tôi chưa có con. Và tôi đã giấu nhẹm điều đó với các con của mình. Nếu chúng biết, chắc chắn, chúng sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi.

Nàng của những năm đầu đời của hôn nhân thật ra giống như rất nhiều phụ nữ thông thường khác. Tôi cũng vậy. Tôi cũng giống như phần đông những người đàn ông khác. Là đỏng đảnh. Là vô tâm. Là hiếu thắng. Là hiếu chiến. Là ngang ngược. Là bướng bỉnh… Thứ duy nhất chúng tôi có ngày ấy là tình yêu. Chỉ có tình yêu đủ lớn mới khiến chúng tôi vượt qua những năm tháng ấy. Nàng quá yêu tôi và tôi cực yêu nàng.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 4.

Chỉ tình yêu đủ lớn mới giúp chúng tôi vượt qua những cơn cãi vã. Nhiều người nhìn chúng tôi và hỏi: Vợ chồng ông/bà có khi nào cãi nhau không? Một người đàn ông nhất mực yêu vợ và ngưỡng mộ vợ như ông có khi nào "dám cả gan" cãi nhau với vợ không?

Có chứ! Thậm chí là nhiều đằng khác. Vì chúng tôi luôn có những bất đồng quan điểm hay cả những ngày "khó ở" do stress trong công việc, cuộc sống. Đặc biệt khi hai vợ chồng chung lưng đấu cật với nhau trong công việc kinh doanh. Ví dụ như khi tôi quyết một gói truyền thông cao hơn mức tài chính cho phép, nàng thường sẽ tức điên lên vì sau đó nàng lại phải là người đi lo việc cắt giảm các chi phí khác để bù đắp. Nhất là chúng tôi luôn theo đuổi chiến lược giá rẻ nhất- chất lượng cao nhất, mỗi sai số nhỏ thôi có thể sẽ khiến chúng tôi vỡ trận ngay lập tức. Nàng thì mọi thứ phải cực chi ly trong khi tôi, một nghệ sỹ thì lại hay nổi hứng. Và cãi nhau.

Cũng chính sự khác nhau trong tư duy, nàng thực tế - tôi bay bổng, nàng phụ nữ - tôi đàn ông, nàng muốn rõ ràng - tôi lại hay trừu tượng mà chúng tôi cãi nhau. Lần nào cãi nhau cũng "đổ đình đổ chùa" nhưng nàng luôn là người chủ động quên, bằng cách … nửa đêm ôm tôi. Thế là huề. Nhưng cũng có những trận chiến để lại cho chúng tôi nhiều nghĩ suy sâu sắc.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 5.

Có một bận, chúng tôi cãi nhau rõ to. Lần đó nàng đang cơn "khó ở", tôi lại gặp mùa "gió chướng", nàng trách tôi nghiêm khắc thái quá với các con. "Cứ ở với em thì không sao, anh về đến nhà là lại loạn hết cả lên. Hết mắng đứa này lại mắng đứa khác. Anh coi chừng chúng nó không đứa nào muốn anh ở nhà nữa đấy".

Bình thường, nếu nàng không "khó ở", nàng chỉ dừng lại ở việc nhẹ nhàng bảo: "Sao? Sao mấy bố con cứ chí choé suốt thế?". Và tôi nếu không phải gặp mùa "gió chướng" sẽ chỉ bảo: "Suốt ngày xem tivi với điện thoại thôi! Đứa nào đứa nấy vi phạm quy định của bố thì bố phải mắng".

Nhưng cơn "gió chướng" khiến tôi nạt luôn vợ: "Em cứ chiều chúng nó phá tan cả quy tắc của anh rồi đấy biết không?". Và trận chiến nổ ra gần như ngay lập tức. Nàng bắt đầu đốt phăng cả uy nghiêm người cha của tôi bằng việc lên án tôi quân phiệt và cảm tính. Sao tôi cũng ôm điện thoại và tivi mà lại đi trách mắng con?

Còn tôi, vì bị đốt nên lửa bốc lên đầu, tôi quát nàng về việc làm mất uy tín của tôi trước mặt con. Trận chiến đó khiến 3 đứa nhỏ nhà tôi mếu máo cả lũ. Tôi và nàng đều nhận ra mình sai nên rút lui luôn. Nhưng cơn nóng thì chưa hạ nhiệt. Nàng bỏ đi chơi. Tôi cũng bỏ vào phòng làm việc. Nàng đi nhưng vẫn liên tục nhắn tin cho tôi. Đủ mọi thứ câu từ trong cơn tức giận. Quàng xiên đủ thứ chuyện. Thậm chí còn muốn ly dị quách đi cho rồi. Chính xác là đưa ra phương án ly dị sẽ thế nào luôn.

Tôi cũng cơn tức mà đáp trả rằng "về viết đơn li dị đi, đây ký luôn". Thật sự, cả hai đều muốn ném vào nhau những câu khiến đối phương tổn thương nhất. Vốn chẳng ai muốn lui binh. Tôi tắt máy vì thua nàng. Vì những lời nàng nhắn đã khiến tôi muốn nổ tung mắt vì giận dữ. Tôi tắt máy để khỏi phải đọc.

Có lẽ, những tin nhắn của nàng rơi vào im lặng khiến nàng không còn lửa nữa. Nên nàng có thời gian cho riêng mình. Để nhìn lại. Để nghĩ lại. Và tôi cũng thế. Một mình trong phòng làm việc, bên một chai Putinka đã vơi một nửa, tôi cũng đối diện lại với chính mình. Nghĩ đến giả định đau lòng nếu hai đứa ly hôn.

Nàng trở về nhà. Tôi cũng rời khỏi phòng làm việc. Nếu như là những ngày đầu hôn nhân, hẳn chúng tôi sẽ lao vào nhau làm chuyện ấy để hoá giải như cách chúng tôi vẫn thường làm. Nhưng lần đó, tôi chẳng nói gì, chỉ nằm xuống giường bên cạnh nàng.

Nàng cũng vậy. Nằm im. Để thời gian chết từng chút một trong màn đêm tối. Cho đến khi, tôi thấy vai nàng rung lên. Tiếng nấc dù kìm hết mức, vẫn đủ khiến tôi mềm nhũn người. Tôi quàng tay qua nàng. Mặc nàng vùng ra yếu ớt. Để rồi, một lúc lâu, nàng khẽ nói: "Anh ác với em quá!".

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 6.

Thú thật là nếu tôi vẫn còn giận nàng, giận những tin nhắn của nàng thì tôi sẽ có thể nói tới sáng về việc nàng cũng đã ác với tôi thế nào. Nhưng tôi đã im lặng. Chỉ ôm chặt lấy nàng hơn. Bởi tôi biết, giả định ly hôn cũng đủ khiến tôi đau lòng lắm rồi. Tôi không muốn phải rời xa nàng dù chỉ là trong giả định.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 7.

Nàng xuất thân từ một kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp, ra trường về Viện Di Truyền với công việc nuôi cấy mô lương 600.000đ/tháng, bằng một nửa nhuận bút một bài phóng sự của tôi trên báo, thậm chí bài phóng sự của tôi khi ấy trên nhiều báo lớn đã là 2.000.000đ/bài.

Nàng bỏ công việc đó đi học thêm văn bằng 2 trường Ngoại Thương. Rồi đi làm một nhân viên kinh doanh tại một công ty. Ngày gặp tôi, nàng bắt đầu chuyển sang làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty khác chuyên đào tạo nội bộ các lãnh đạo, cán bộ ngân hàng. Đó thực sự là những năm tháng giúp nàng học được nhiều điều về kinh doanh, quản trị. Thậm chí có thể nói đó là nền tảng cho những thành công sau này của nàng.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 8.

Tôi khi ấy, như mọi gã đàn ông kiếm tiền hơn vợ, chỉ coi đó là công việc của vợ, không mấy quan tâm. Nhưng nàng đã thay đổi tư duy của tôi bằng chính những kiến thức nàng học được. Tôi nhớ mãi những tài liệu học tập nàng mang về giúp tôi cải tổ bộ máy dưới quyền của mình.

Đó quả thực là những kiến thức vô cùng bổ ích. Tôi bắt đầu chia sẻ với vợ nhiều hơn về công việc của mình cũng như lắng nghe những chia sẻ về công việc của nàng. Bởi chúng tôi bắt đầu tìm thấy những thứ hỗ trợ cho mình từ chính bạn đời của mình. Với nàng thì là cách sử dụng con chữ của tôi. Với tôi thì đó là những bussiness model nàng mang về, những kỹ năng quản trị, những công thức tính hiệu suất công việc…

Tôi, một nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, nhà thơ vốn xa lạ với những công việc quản trị. Việc tôi trở thành thư ký toà soạn rồi trưởng ban biên tập, chủ biên 2 tờ tạp chí, phụ trách nội dung một tuần báo… là tất lẽ dĩ ngẫu của việc bị buộc phải lớn. Tôi không chỉ phải lo nội dung cho mỗi số báo mà còn phải lo chiến lược phát triển của ấn phẩm mình cầm, doanh thu của nó, các vấn đề đau đầu về nhân sự. Nàng đã giúp tôi lấp những lỗ hổng đó.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 9.

Ngày chúng tôi có đứa con thứ 3, nàng quyết định nhảy sang lĩnh vực bất động sản. Bắt đầu từ con số 0. Tôi vẫn nhớ như in ngày bụng nàng to vượt mặt cách đây 9 năm, tôi đèo nàng đi chốt giao dịch với khách hàng mua chung cư. Đó là giao dịch đầu tiên mà nhân viên bất động sản Nguyễn Lê Trang đã chốt được. Nhẩm tính số tiền hoa hồng có được cũng lên tới 50-70 triệu nên hai vợ chồng hí hửng lắm.

Số tiền ấy thực sự không phải quá lớn với thu nhập của chúng tôi khi đó nhưng nó là rất lớn với viễn cảnh: Nếu một tháng chốt được chừng 10 giao dịch là giàu to. Thật tiếc rằng giao dịch xịt vào phút cuối. Cho nên vợ tôi vẫn cười đến sái quai hàm khi nhắc lại rằng suốt cuộc đời làm bất động sản của nàng, nàng có thể đã bán được đến hàng trăm căn hộ nhưng chưa trực tiếp bán được một căn hộ nào.

Chuyện nàng bán cả trăm căn hộ là có thật. Đó là khi nàng trở thành giám đốc kinh doanh của một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn nhất nhì Hà Nội. Nhưng khi ấy, tập đoàn đang trên bờ vực phá sản.

Bằng cách gộp 5 sàn nhỏ tại nhiều quận lại làm một sàn lớn gọi là Siêu Thị Dự Án S…, vợ tôi được anh chủ tịch tập đoàn giao trọng trách quản lý toàn bộ đội ngũ kinh doanh. Năm 2010- 2011 là thời điểm bất động sản đóng băng và đi xuống thảm hại. Siêu Thị Dự Án là mô hình bán chung cư còn đang trên dự án, một mô hình quá nhiều rủi ro vì những dự án treo, người mua có khi bị ngâm tiền đầu tư đến hai ba năm, thậm chí năm sáu năm là chuyện thường ngày.

Nàng bước vào tập đoàn kia như thế. Tôi đã từng thốt lên với nàng rằng: Trông chờ gì? Nhà xây xong rồi còn bán không được mà còn đòi bán nhà trên giấy? Thế mà nàng làm được. Nàng tổ chức các cuộc mở bán rầm rộ, điều mà ít ai thời đó có thể làm. Những dự án trên giấy nhưng đều có những sa bàn đẹp long lanh. Nàng nói: Em đang đi bán giấc mơ.

Quả thực, nàng đang đi bán những giấc mơ. Bởi chính vợ chồng tôi khi ấy, căn nhà nhỏ xíu nằm sâu trong ngõ chỉ 25m2 xây 3 tầng, nơi 5 người nhà tôi ở trong đó, hàng ngày cũng ước mơ có một căn hộ chung cư rộng rãi hơn, đừng nhiều chuột, gián như căn nhà ẩm thấp này. Nhưng bán nhà trên giấy dù gọi mỹ miều là bán những giấc mơ chưa phải là thành công của nàng.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 10.
“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 11.

Thứ thành công của nàng là đội ngũ kinh doanh hơn 100 người mà nàng gây dựng. S… thành công nhờ 100 nhân viên kinh doanh đó. Mỗi nhân viên trong đội ngũ đó đều được nàng tôi luyện, đào tạo, chỉ điểm, chỉ dẫn và áp đặt các chỉ tiêu, mục tiêu. Đây chính là thời điểm mà những gì nàng học được từ các công ty cũ đều được mang ra áp dụng triệt để.

Các trưởng nhóm đến bây giờ nhiều người ra mở sàn riêng hoặc trở thành các giám đốc sàn đều nhắc đến nàng như một người chị, người thầy tuyệt vời nhất. S… thành công với hàng chục cuộc mở bán hàng trăm căn hộ. Dự án cũng thành công nhờ những nhân viên, trưởng nhóm mà nàng đã đào tạo ra.

Năm 2013, đang từ một "siêu sao bất động sản", người được (và bị) săn đuổi bởi rất nhiều những sàn bất động sản, các tổng công ty xây dựng, mời mọc về với mức lương khủng, nhưng nàng đều từ chối hết. Nàng muốn tự tay mình làm một thứ gì đó cho riêng mình. Chính xác là tự kiếm tiền cho bản thân hơn là đi làm thuê.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 12.

Tôi nhớ mãi cuộc nói chuyện với một ông anh của tôi trong Saigon. Khi anh kể về một giám đốc kinh doanh của hãng xe hơi nổi tiếng bỏ việc ra mở… quán ốc vỉa hè. Vợ tôi bảo: "Đó chính là em, đó chính là thứ em muốn chồng ạ!". Vợ muốn thì chồng chiều! Tôi khi đó, đã ném mũ qua rào cùng nàng bước tới.

Năm 2013, tôi trở về sau một khoá học ở Thuỵ Điển. Công việc ở báo bắt đầu có những vật vã bởi báo giấy thoái trào. Tiền lương lẫn nhuận bút đều giảm do quảng cáo rút lui khỏi báo giấy, tạp chí để đổ vào báo mạng, online. Làn sóng các sạp báo vỉa hè lần lượt đóng cửa khiến chúng tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Điều đó xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Những ngày ở Thuỵ Điển, tôi chứng kiến hàng trăm tờ báo nổi tiếng thế giới đều ngưng xuất bản hoặc chuyển sang mô hình online. Trong khi đó, vợ tôi lại chọn rời vị trí giám đốc kinh doanh bất động sản để bước vào lĩnh vực mới: Kinh doanh nhà hàng hải sản. Nó thực sự là một bước đi mạo hiểm. Khi mà thu nhập của tôi giảm còn 1/3 và nàng thì vừa bỏ đi một công việc mà nếu tiếp tục, lương của nàng sẽ đạt đỉnh mà tôi đã từng kiếm ra.

Quyết định đó thực sự khiến tôi đôi lần nửa đêm lạnh toát sống lưng. Nếu chúng tôi thất bại? Nó sẽ thật thảm hại. Nhất là khoản đầu tư ban đầu chúng tôi không có sẵn. Bao nhiêu tiền kiếm được trước đó đã đổ vào căn nhà nhỏ xíu kia rồi. Lại 5 miệng ăn cùng việc tôi vẫn phải nuôi bố mẹ mình và bố vợ vì họ đều không kiếm ra tiền.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 13.

Mẹ vợ tôi khi đó ngăn cản vì sợ con gái mình thất bại. Trong mắt mẹ vợ tôi, vợ tôi là một đứa con gái duy nhất của bà, một đứa con gái dù đã từng thành công bao nhiêu đi nữa cũng vẫn mong manh, yếu đuối cần bà che chở, giúp đỡ. Thậm chí bà nghỉ và đóng cả cửa hàng rèm đã kinh doanh từ năm 1992 đến 2011 chỉ để giúp con gái trông cháu ngoại.

Nhưng nàng đã quyết và tôi đã mạnh miệng nói tôi sẽ cùng nàng. Chúng tôi quyết định bán con xe mà chúng tôi chắt chiu mua được với câu quyết tâm: Thắng thì mua xe đẹp- Thua thì đi xe đạp. Bán xe được 450 triệu, chúng tôi đổ vào nhà hàng hải sản đầu tiên tại Lò Đúc. Nàng khi đó, sáng 5h đã dậy gọi hàng hoá cho cả ngày, 8h hai vợ chồng đèo nhau đi xe máy, tôi thả nàng ở 23 Lò Đúc cùng xe máy để nàng chạy đi chạy lại còn mình lững thững đi bộ tới số 5 Hoà Mã, báo Hoa Học Trò của tôi.

Trưa tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy ra Lò Đúc phụ nàng dắt xe, đèo nàng đi lấy hàng hoặc chỉ đơn giản, ngắm khách vào nhà hàng. Chiều lại ra ngồi cùng nàng đến 22h- 23h mới về. Sau công việc của nàng đỡ hơn thì tôi về nhà trông con.

Thời gian đó mọi việc ở nhà đều nhờ bà ngoại nấu cơm, bà nội trông cháu. Thật may cho chúng tôi vì có 2 bà mẹ thay phiên nhau cáng đáng chuyện nhà cửa. 23h về đến nhà mệt lử nhưng nàng vẫn ngồi tính toán sổ sách, thống kê hàng hoá chuẩn bị gọi hàng cho sáng hôm sau.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 14.
“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 15.

Nàng. Đó là những năm tháng rất khác. Cong mông bắt tôm. Tối mặt tối mày với từng cân tôm, lạng cua. Đau đầu với những sự vô tổ chức của lực lượng lao động phổ thông ít hiểu biết. Đối đầu với đội bếp nhiều mánh khoé và những chủ hàng lắm chiêu. Muốn vỡ đầu với sự khó tính của khách hàng.

Nhiều người bảo sự thành công của nhà hàng Hải Sản của chúng tôi là nhờ tên tuổi anh Chánh Văn của tôi. Nhưng điều đó thật bất công với sự nỗ lực của nàng. Chỉ có tôi là hiểu nàng đã chăm chút cho từng nguồn nguyên liệu đầu vào như thế nào.

Chỉ có tôi mới thấy cách nàng đưa những nhân viên học thức đôi khi mới chỉ đủ viết tên mình và những đầu bếp luôn nổi hứng nhảy việc, vào đúng vị trí của họ. Chỉ có tôi mới biết nàng đã mày mò, tìm tòi và đưa ra những cách kinh doanh đột phá thế nào (mà đến giờ, hầu hết các nhà hàng đều bắt chước theo).

Nếu như trước nàng, các nhà hàng vẫn làm kiểu combo tiệc cưới hay set ăn theo suất vì họ chỉ nhìn thấy cái lợi của mình mà không cảm nhận về khách hàng. Nàng thì khác, chọn việc sắp xếp suất ăn theo thực tế ăn uống, mong muốn của khách. Đặc biệt là cái cách dùng set 145.000đ/người 7 món hay 168.000đ/người 8 món và 199.000đ/người 9 món. Nó là cả một phép tính về định lượng để nhóm 4 người ăn thế nào với 580.000đ, 5 người ăn thế nào với 725.000đ, 6 người ăn thế nào với 870.000đ và 10 người ăn thế nào với 1.450.000đ mà vẫn no, hân hoan và thấy đáng tiền với 7 món.

Không dễ đâu nhé! Vì nhiều bếp theo chúng tôi đến 3 năm mới lờ mờ hiểu cách chị của chị chủ Trang về định lượng. Vì nếu tính không kỹ, 4 người ăn no nhưng 5 người sẽ đói hoặc 6 người ăn sẽ vừa nhưng nhà hàng sẽ lỗ. Đó là cả một công nghệ tính toán mà ngoài nàng ra không phải ai cũng có thể làm được. Chỉ có made in Nguyễn Lê Trang. Tất nhiên, nhiều người giỏi sẽ đọc ra vị, nhưng không phải ai giỏi tính toán cũng làm…nhà hàng.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 16.

Tôi, từ một "đại nhà báo" theo cách gọi vui của mấy đứa em, trở thành xe ôm cho nàng, giúp nàng làm truyền thông đã bị nàng cuốn đi trong những bài học kinh doanh và bài học dùng người của nàng. Tôi học được của nàng về việc làm kinh doanh luôn phải được xây dựng quan hệ win - win. Tôi học được của nàng về việc dùng người cần nhất là sự thẳng thắn, minh bạch, không vòng vèo. Nàng đối xử với nhân viên trên căn bản mất lòng trước nhưng được lòng sau, cùng phơi ra để đi tìm giải pháp.

Tôi học được ở nàng về việc không để bất cứ cơ hội nào nảy sinh lòng tham. Dù một con tôm mất đi cũng cần phải tìm ra lý do. Không phải giá trị một con tôm mà nó là cơ hội giữ lại một nhân viên chính trực. Đừng bỏ qua một lần để rồi người làm sếp sẽ mất đi nhân viên ấy vì họ sẽ tha hoá rất nhanh nếu có cơ hội sinh hư.

Về việc thưởng phạt nhân viên cũng vậy, một mình nàng một cách. Nàng bảo phạt nhân viên là điều không cần thiết (dù tôi tranh cãi gay gắt với nàng về điều này). Quan điểm của nàng, phạt giống như là một hình thức thể hiện quyền lực chứ không phải mong muốn họ thay đổi để tốt hơn. Phạt giống bắt lỗi trong khi thứ chúng ta cần là sự sửa lỗi cơ mà? Nàng luôn tìm một hình thức nào tốt hơn việc phạt, để giúp họ muốn sửa lỗi. Một khi nàng phải phạt một ai đó thường là nó nằm trong lộ trình của nàng muốn cho nhân viên đó nghỉ việc. Chứ nàng thích cho nợ phạt để nhân viên sửa lỗi nhiều hơn. Giơ cao đánh khẽ là thế.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 17.

Nhưng thưởng thì luôn có. Vì theo nàng, thưởng chính là sự ghi nhận. Thưởng luôn khiến người làm công ăn lương sẽ thấy được. Điều đó khiến nhân viên dưới quyền của nàng luôn muốn nỗ lực chứng tỏ với nàng. Để được chị Trang ghi nhận. Nhưng dù cho chị Trang ghi nhận thế nào, một khi sai, cái sai mà dính đến phạm trù gian dối thì chắc chắn sẽ sớm đi tong với nàng ngay.

Tôi luôn "ngu" trong việc đuổi nhân viên. Trong suốt 12 năm làm sếp, tôi đã đuổi không ít nhân viên và lần nào tôi cũng bị sếp trên khiển trách, đồng nghiệp không ưng, thuộc cấp thì không phục và người bị đuổi thì ghét tôi thậm tệ, lên mạng chửi bới tôi không ra gì. Mặc dù những người tôi đuổi đều do năng lực họ kém, không đáp ứng được yêu cầu tôi đưa ra, bị cấp trên, cấp dưới than phiền.

Tôi sai lầm liên tiếp sai lầm. 12 năm không học nổi cách cho nhân viên nghỉ việc một cách êm đẹp… như nàng. Nàng vạch hẳn một lộ trình cho nghỉ việc nhân viên. Luôn phải có một lộ trình để khi ra quyết định cho họ nghỉ việc, họ sẽ tâm phục khẩu phục. Điều đó khiến nhân viên bị cho nghỉ việc không cảm thấy sốc, không thể phản ứng tiêu cực với quyết định của nàng. Nhưng thứ quan trọng nhất mà nàng quan tâm là lòng những người ở lại. Đó là thứ tôi học được từ nàng. Người ở lại mới là người quan trọng. Họ sẽ đánh giá sếp từ cách sếp cho đồng nghiệp của họ nghỉ việc. Nếu sếp làm đúng, họ sẽ tin tưởng và tiếp tục cống hiến. Thậm chí bảo vệ sếp nếu nhân viên kia lên mạng chửi bới sếp. Nếu khiến họ không phục, họ sẽ thành đồng minh giấu mặt của nhân viên bị cho nghỉ việc.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 18.

Năm 2015, buổi chiều nọ, sau cuộc họp với cơ quan, tôi gọi điện cho nàng: Anh muốn về làm đồng nghiệp của em!

Tôi rất đau đớn khi buộc phải ra quyết định giã từ cơ quan, nơi tôi đã gắn bó suốt 23 năm kể từ khi còn là cậu học trò lớp 11 làm CTV cho báo. Tôi khi đó đang nắm giữ vị trí Phó Giám Đốc Trung Tâm Xuất Bản & Khai Thác Bản Quyền báo Sinh viên Việt Nam- Hoa Học trò.

Tôi có 2 lựa chọn: Một là ngồi tiếp ở đó đến già phụ trách việc khai thác bản quyền và tổ chức xuất bản các ấn phẩm, phụ kiện của báo. Vẫn mác nhà báo và có khi còn lên chức theo thời gian. Hai là nhấc mông lên và xuống đường chiến đấu. Tôi chọn gọi cho vợ mình.

Vợ tôi, như bao lần khác, chỉ cần một cuộc điện thoại của chồng, nàng dù ở đâu, làm gì, có thế nào đi nữa, cũng sẽ bỏ hết để chạy một mạch về với tôi. Đó cũng là nguyên tắc mà vợ chồng tôi đã xây dựng cùng nhau bao năm qua. Chúng tôi luôn cần nhau như thế.

Vợ tôi bảo: "Em nghĩ anh nên nghỉ việc! Đừng nhìn về 23 năm anh đã trải qua, hãy nhìn 23 năm phía trước của chúng ta. Anh còn nhớ ngày em quyết định nghỉ việc ở tập đoàn kia và anh đã ủng hộ em thế nào không? Và chúng ta đã làm được. Khi quyết định rời khỏi vùng an toàn, thứ chúng ta sợ hãi vốn không phải là những khó khăn ở trước mắt mà là những gì ta (tưởng rằng) mình đã có trong quá khứ. Nó càng hoành tráng bao nhiêu, càng thành công thế nào nó càng khiến ta sợ hãi bước rời khỏi nó".

Đó là thời điểm chúng tôi có 3 cái nhà hàng kinh doanh Hải Sản.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 19.
“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 20.

Tôi rời khỏi báo, chống chuếnh mất một khoảng thời gian. Đi làm nhiều dự án như truyền hình, game online di động, viết kịch bản phim sitcom hay làm giám đốc sáng tạo cho công ty sách. Nhưng nỗi nhớ nghề vẫn quay quắt trong tôi. Tôi vẫn cộng tác với nhiều báo, viết nhiều hơn cho đỡ nhớ nghề.

Nhưng nàng lại cuốn phăng tôi đi với việc ra mắt thương hiệu thứ 2 về đồ Thái. Chúng tôi lần lượt mở thêm 3 nhà hàng chuyên đồ Thái nữa. Rồi năm 2017, chúng tôi ra thương hiệu Rèm, nối nghiệp làm rèm của mẹ vợ tôi.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 21.

Năm 2018, một chủ đầu tư tha thiết muốn mua lại thương hiệu 2 chuỗi nhà hàng của chúng tôi, và chúng tôi bán mà không mảy may nghĩ đến công sức 6 năm chiến đấu trong ngành nhà hàng. Là bởi thứ chúng tôi có vốn không phải là 2 cái thương hiệu đó, tài sản của chúng tôi không phải là nhà hàng hải sản và quán ăn Thái. Tài sản của chúng tôi là 2 chữ CÙNG NHAU.

Tài sản lớn nhất mà một cuộc hôn nhân mang lại không phải là mấy chục tỷ hay mấy ngàn tỷ bởi ly hôn sẽ lại ra toà tranh chấp như ai kia. Tài sản lớn nhất cũng chẳng phải những đứa con vì con cái chúng ta sinh ra nhưng chúng ta không quyết định được đời chúng nó đâu, đừng mơ.

Tài sản lớn nhất của một cuộc hôn nhân chính là 2 chữ CÙNG NHAU. Nó sẽ là một khối tài sản lớn hoặc nó sẽ là con số 0 tròn trĩnh khi cuộc hôn nhân kết thúc. Nó mới thực sự là linh hồn của một cuộc hôn nhân.

Chúng ta cưới nhau về nếu chỉ để kiếm tài sản thì ta vẫn có thể kiếm điều đó từ những đối tác, đồng nghiệp. Chúng ta cưới nhau về nếu chỉ để sinh con đẻ cái thì chúng ta chỉ cần thụ tinh nhân tạo. Chúng ta cưới nhau về là để CÙNG NHAU. Cùng nhau sống- Cùng nhau làm- Cùng nhau yêu- Cùng nhau làm chuyện ấy- Cùng nhau tận hưởng cuộc sống này- Cùng nhau già- Cùng nhau trải nghiệm… Là hai chữ Cùng- Nhau như thế. Thương hiệu rèm của chúng tôi chính là cách nói hai chữ Cùng Nhau. Và 2 thương hiệu trước đó cũng thế. Là Cùng Nhau.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 22.
“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 23.

Nàng. Nàng vẫn cứ nói với tôi rằng nàng rất kém khoản làm Mẹ và làm dâu. Nhưng tôi không đồng ý. Nàng làm Mẹ và làm dâu cũng "bá cháy" không kém gì làm vợ- làm kinh doanh - làm sếp - làm đồng nghiệp lãng mạn của tôi.

Nàng vẫn nói với tôi từ những ngày đầu nàng gặp mẹ tôi. Rằng nàng là con một, từ nhỏ nàng đã không được dạy nhiều về cách bày tỏ tình cảm. Bố mẹ nàng cũng như nhiều ông bố bà mẹ của thiên niên kỷ trước, đều dạy con bằng quát mắng, roi vọt và kiệm lời khen vì sợ con sinh kiêu. Vì sợ cả việc khen nghe rất giả tạo.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 24.

Nàng nói vậy không phải để tránh bày tỏ tình cảm với mẹ tôi. Mà là nàng bị khó khăn trong việc thể hiện tình cảm với chính bố mẹ nàng. Nhưng nàng chọn cách chăm sóc, để tâm theo một cách khác. Đó là tìm kiếm những kiến thức về bệnh tiểu đường của bố tôi, mua những thứ đồ chăm sóc sức khoẻ cho mẹ tôi. Đó là sự chăm sóc bằng kiến thức thay vì bằng những món quà cáp hay lời hay ý đẹp.

Đó là việc thúc đẩy tôi phải có trách nhiệm với bố mẹ mình vì  đàn ông thường xuề xòa, khiến tôi hiểu và giải toả cả những gay gắt tôi hay cãi cọ với bố mình. Đó là sự công bằng với cả hai bên nội ngoại, một tay lo toan đám cưới em gái tôi, mua  từng cái máy đo huyết áp hay đọc kỹ từng đơn thuốc của phụ huynh.

Tôi cảm nhận được điều đó và cảm thấy thế là đủ. Tôi sợ những hình thức quan tâm ngoài mặt mà trong lòng dửng dưng, lạnh nhạt. Tôi sợ sự gần gũi với những tuyên ngôn coi mẹ chồng như mẹ ruột nhưng vẫn xoen xoét đi nói xấu mẹ chồng. Tôi cũng không kỳ vọng vào việc một người con dâu có thể coi mẹ chồng như mẹ ruột vì mối quan hệ đó thực sự không thể đạt đến mức ấy đâu.

Ai coi mẹ chồng được như mẹ ruột thì hẳn mối quan hệ của họ với mẹ ruột chẳng vui vẻ gì cho cam. Cái sợi dây ruột thịt nó kỳ diệu đến kỳ quặc. Mẹ với con gái da liền da, thịt liền thịt, tâm ý tương thông, người này đau người kia nhói, không dễ gì có được mối quan hệ nào giống thế đâu. Huống chi mẹ chồng với con trai cũng vậy. Làm sao mẹ chồng bênh con dâu mà hại con trai mình? Là tôi nói phần đa như thế. Chứ ai coi mẹ chồng như mẹ ruột được, coi con dâu như con đẻ được thì đều có thể trở thành những huyền thoại được rồi. Tôi nói thực không châm biếm.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 25.

Và với con mình, 3 đứa trẻ nhà tôi, nàng vẫn luôn nói nàng là người mẹ… lạnh. Nàng có thể cắm cúi đầu vào công việc 25 tiếng mỗi ngày nhưng nàng thật khó nếu phải ngồi trông con một tối khi tôi bận lên một chương trình trực tiếp.

Nàng vẫn bảo: Không có anh, em chả biết làm gì với 3 đứa nó. Là nàng nói vậy thôi! Rằng tôi mới là người chịu trách nhiệm trông 3 đứa trẻ. Nhưng, nàng là mẹ lạnh thế nào mà 3 đứa nhà tôi răm rắp nghe nàng, thích nàng, nuốt từng lời mẹ nói, thay đổi theo lời mẹ khuyên?

Khi cậu cả 13 tuổi bị bạn bè tẩy chay, cậu tìm ở mẹ lời khuyên thay vì ông bố Chánh Văn lừng danh 4 cõi? Khi cô thứ hai 12 tuổi, toàn đi cùng bố mua váy áo nhưng ăn mặc phải học cách của mẹ, lấy đồ của mẹ mặc? Khi cô thứ ba, 8 tuổi, luôn phân định rạch ròi chuyện này chỉ có mẹ mới giúp được con, bố xê ra đi!

Nàng là mẹ lạnh kiểu nào mà cả 3 đứa đều tuyên bố xanh rờn, nếu bố mà đối xử với mẹ không đủ tốt thì chúng con sẽ cho bố biết tay? Mẹ lạnh thế nào mà biến 3 đứa từ những đứa ham chơi đi bắt Pokemon Go với bố, thành 3 đứa muốn học? Lạnh thế nào mà đưa ra chiến lược học giải cứu những lỗ hổng kiến thức một cách ngoạn mục cho từng đứa? Nếu là tôi, làm sao tôi có thể làm được điều đó?

Mẹ lạnh thế nào mà bữa cơm nào 3 đứa cũng xuýt xoa vì mẹ nấu trúng phóc món con đang thèm, đang thích? Mẹ lạnh thế nào mà quần áo đứa nào cũng trúng phóc gu của mỗi đứa? Mẹ lạnh thế nào mà tiếng quát con toàn giọng bố nhưng mẹ chỉ nói nhẹ một câu chúng nó vui vẻ làm? Mẹ lạnh thế nào mà tôi- một chuyên gia về con cái, sáng thứ 4 nào cũng chường mặt trên Café Sáng với VTV3 toàn nói lại những gì tôi học được từ cách dạy con của nàng?

Nói không ngoa, 90% những bài viết dạy con của tôi đều là những bài học từ nàng dạy con. Là bởi nàng dạy con bằng tâm, bằng gương và bằng tầm của mình. Tâm đặt tại con nên tôn trọng con, cái gì mình không làm được sao bắt con làm?

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 26.

Tâm đặt tại con nên mục tiêu đưa ra cho con phải là thứ con đạt được. Con đạt được thì nó mới hưng phấn làm tiếp, phấn đấu tiếp. Tâm đặt ở con nên thấy con khóc, biết rõ nước mắt kia không phải vì đau mà là vì tủi thân, khi đó, thứ cha mẹ cần làm không phải là đánh chừa cái ghế làm con mẹ đau hay quát con "có mỗi tí thế mà cũng khóc", mà phải là một cái ôm vỗ về, cho con biết con không cô độc.

Tâm đặt ở con nên chăm nói lời khích lệ, sử dụng kỹ năng mềm dùng lời khen làm động lực thúc đẩy con chứ không dùng lời chê gây áp lực cho con. Bằng gương từ mình. Muốn con đừng làm gì thì mình cũng nên như thế. Mình không làm được thì đừng cố ép con phải làm. Muốn con làm được phải có lộ trình từng bước.

Bằng những cuộc trò chuyện tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng nàng đều nâng tầm bay của con lên level khác, khác với bạn bè cùng trang lứa. Nàng nắn cậu cả nên bỏ đi sự so sánh, đố kỵ hay những lời lẽ tiêu cực, bởi đàn ông "cần bao dung và tích cực như… bố con", thì mới khiến phụ nữ như mẹ yêu, kính và nể. Nàng nắn cô con gái thứ 2 về việc phụ nữ tự lập là tốt nhưng độc lập sẽ tốt hơn. Tôn trọng mình chính là việc không cho phép người khác hạ thấp mình. Và nàng nói với cô con gái thứ ba vừa 8 tuổi, rằng con có thể làm được nhiều thứ mà chính mẹ cũng không làm được, khích lệ cô ấy thể hiện bản thân tốt hơn.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 27.

Không! Các Quý ông! Đây không phải là một bài viết nịnh vợ, sợ vợ đâu. Đây là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người cha, người tình, người bạn muốn dành tặng cho vợ mình. Nói như điều vợ tôi hay giữ trong lòng: Gia đình hạnh phúc là nơi người vợ được quan tâm- người chồng được ghi nhận- và những đứa con được cha mẹ biết lắng nghe.

Nàng đã làm được điều đó, mỗi ngày, cùng tôi nuôi lớn gia đình mình. Dù nàng vẫn nói: Không có anh, em chẳng thể làm gì. Thì tôi vẫn hiểu rằng mẹ sinh ra tôi nhưng vợ tôi mới là người giúp tôi làm chồng, làm cha, làm một người đàn ông tử tế.

“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 28.
“Các Quý ông! Đừng nói đây là bài viết nịnh vợ, sợ vợ. Đó là lời biết ơn sâu sắc của một người chồng, người tình” - Ảnh 29.
Hoàng Anh Tú
Trần Tuấn Việt
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ22/03/2019