Chắc hẳn phần đông người hâm mộ cả nước đều đồng tình với ý kiến tâm huyết của các danh thủ, rằng phải cải cách, chấn chỉnh hoạt động của VFF, vì trong thời gian qua bóng đá Việt Nam có thể nói là không phát triển và còn dính không ít những vụ lùm xùm.
Tuy vậy, thành thực mà nói, cách làm của các cựu danh thủ có lẽ là chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào VFF có thể khiến cho FIFA cho là vi phạm, vì họ luôn yêu cầu chính trị tách biệt với bóng đá, giữ sự độc lập cho các Liên đoàn thành viên.
Các cơ quan chính phủ có thể có định hướng, đưa ra đường lối phát triển nhưng can thiệp quá sâu, mà ở đây là vấn đề nhân sự của tổ chức, thì rất khó.
Ở nước láng giềng Trung Quốc, khi cải cách bóng đá việc đầu tiên họ làm không phải là tung tiền tấn ra thị trường như chúng ta hay nghe, mà họ đã tách biệt hẳn liên đoàn bóng đá nước này với cơ quan quản lý, thứ "cơ chế" đã khiến nền bóng đá nước này trì trệ vì tham nhũng trong thời gian dài.
Bóng đá Trung Quốc đang cải thiện dần hình ảnh trong mắt người hâm mộ.
Chúng ta lại "đi ngược" so với thế giới thì hẳn là không nên. Nếu bây giờ có sự can thiệp từ cấp trên, có thể giải quyết vấn đề ở thời điểm này. Song về lâu về dài, VFF vẫn cần một nền tảng vững chắc. Lá đơn của các cựu danh thủ, vì thế có thể chỉ là một dạng áp lực dư luận, chứ chưa thể khiến mọi sự thay đổi hoàn toàn.
Tuy vậy, các cựu danh thủ cũng hoàn toàn có thể góp sức thật sự cho nền bóng đá nước nhà. Theo ý kiến cá nhân của người viết, để một nền bóng đá phát triển, có một điều cần đặc biệt lưu tâm, chính là chất lượng cầu thủ, và điều này liên quan đến đào tạo trẻ. Các cựu danh thủ có thể cùng nâng tầm vấn đề này.
Thật ra V-League hay hạng Nhất vắng khán giả, lý do chính là chất lượng cầu thủ kém. Tại sao các giải đấu ở châu Âu như Champions League, Premier League, La Liga,... hay gần nước ta là giải vô địch của Thái Lan dù cũng chẳng hiếm sai sót trọng tài, cũng có cầu thủ chơi thô bạo đến mức đồng nghiệp gãy chân, và nhiều vấn đề khác nữa nhưng vẫn thu hút được khán giả?
Nhiều trận đấu V-League rất ít khản giả.
Là bởi vì những giải đấu đó có chất lượng chuyên môn cao, khán giả được phục vụ "món ăn chính" quá chất lượng nên họ sẵn sàng coi những "vết gợn" kia là không đáng kể, đồng thời chấp nhận nó theo đúng tinh thần "đó là một phần của bóng đá".
Còn ở ta, cầu thủ thì kém, CLB thiếu chuyên nghiệp, lại thêm những vấn đề nhức nhối như trên thì không chán mới lạ. Nhưng đặt câu hỏi rằng nếu bây giờ cấp quản lý có những thay đổi, mỗi ông chủ một đội bóng, trọng tài bắt 100% chính xác, cầu thủ không đá thô bạo.... nhưng chất lượng trận đấu vẫn dở tệ thì có ai xem không? Chắc chắn là không.
Với uy tín cũng như tài năng của mình, các cựu danh thủ có thể chủ động đứng ra kêu gọi thành lập một học viện bóng đá để đào tạo trẻ, hoặc cũng có thể kết hợp với các lò đào tạo có sẵn để giảng dạy, truyền lửa đam mê cũng như danh dự khi làm nghề.
Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ mọc lên ở khắp nơi nhưng chưa đủ.
Hay thiết thực hơn nữa họ có thể trở thành những chuyên gia "săn đầu người", tức dùng con mắt chuyên môn của mình tìm kiếm những cầu thủ chất lượng cung cấp cho nền bóng đá.
Những việc như vậy tuy không phải dễ, nhưng nếu các ông bầu bóng đá và các cựu danh thủ gặp gỡ cũng như kết nối được với nhau thì cũng không khó để thực hiện.
Nói tóm lại, lá đơn kiến nghị trên cho thấy những người còn đau đáu với nền bóng đá nước nhà còn rất nhiều, đó là điều đáng mừng, nhưng thiết nghĩ, ngoài lời nói và những chữ ký, nếu mọi người cùng chung tay một cách trực tiếp, trực diện hơn, thì quả ngọt cho bóng đá Việt sẽ thu hoạch được nhiều hơn so với việc cách chức một vài người nào đó.