Bước trong bóng tối mịt, bầu Đức và Công Phượng đi đến đâu?

Văn Nhân |

"10 năm trước, Nhật Bản có những suy nghĩ, lo lắng giống bóng đá Việt Nam bây giờ. Chúng tôi đưa 40 cầu thủ đi nước ngoài, chỉ một nửa trong số đó thành công".

Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi“. Câu nói của Lỗ Tấn từng khắc sâu trong tâm trí của nhiều người. Tạm hiểu rằng, Mọi đường trên trên thé giới này không tự dưng có sẵn, mà chính chúng ta tạo nên với một hành trình đi miệt mài, theo đuổi không ngừng để tạo ra con đường.

Nhìn từ câu nói nổi tiếng trên về hành trình mang bóng đá Việt Nam ra thế giới của bầu Đức và Công Phượng, có lẽ người hâm mộ nhận thấy có nhiều điểm chung.

Bầu Đức bảo rằng bóng đá Việt Nam rồi nhất định phải có ngày hội nhập với bóng đá thế giới, giống như làm kinh tế cũng phải hội nhập. Hành trình này bắt đầu từ việc các cầu thủ Việt Nam cần nắm bắt cơ hội đi nước ngoài chơi bóng, đi không sợ thất bại, vì thành công nào cũng phải trải qua đôi lần thất bại. Nếu không có cái dũng khí dám ra châu Âu chơi bóng thì cầu thủ Việt Nam sẽ mãi thiếu sự tự tin, còn có những người dám đi thì dần dần xóa bỏ sự tự ti.

Đó là lý do Công Phượng chấp nhận liên tục ra nước ngoài chơi bóng. Bầu Đức đồng ý với Công Phượng, quyết định để tiền đạo “con cưng” đi từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, rồi bây giờ cất bước sang Bỉ.

Bước trong bóng tối mịt, bầu Đức và Công Phượng đi đến đâu? - Ảnh 1.

Bầu Đức và Công Phượng xác định phải mang bóng đá Việt Nam ra thế giới, dù có thất bại vẫn phải bước tiếp khi còn cơ hội.

“Sau khi nghe bài phát biểu của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, tôi đồng cảm với quan điểm muốn đưa cầu thủ Việt Nam sang nước ngoài thi đấu, học hỏi và phát triển.

10 năm trước, Nhật Bản cũng có những suy nghĩ, lo lắng giống bóng đá Việt Nam bây giờ. Chúng tôi đưa 40 cầu thủ đi nước ngoài, chỉ một nửa trong số đó thành công...”, CEO của Sin-Truidense nói về chuyện bầu Đức để Công Phượng đi Bỉ.

Với kinh nghiệm của một người đi trước, CEO của Sin-Truidense đã giải quyết một khúc mắc lớn cho người hâm mộ là cầu thủ xuất ngoại không phải ai cũng thành công nhưng phải đi, đi để học hỏi và tiến bộ. Bất kỳ nền bóng đá nào trên thế giới cũng trải qua một con đường như thế, phải đi mới thành đường và tạo ra tiền đề cho thế hệ cầu thủ sau tiếp nối.

Nhật Bản - một nền bóng đá từng thấp hơn so với Việt Nam thay đổi như thế nào? Mọi thứ bắt đầu từ văn hóa để thay đổi suy nghĩ cho nhiều trẻ em Nhật Bản đến với bóng đá. Sự thay đổi này đến từ lúc tác giả Takahashi Yōichi cho ra đời bộ truyện tranh Captain Tsubasa, phát hành từ năm 1981.

Ozora Tsubasa là một cậu bé thần đồng bóng đá ấp ủ ước mơ được thi đấu cho tuyển Nhật Bản và giành chức vô địch Giải vô địch bóng đá thế giới. Tsubasa bắt đầu xuất ngoại ở Sāo Paulo (Brazil), sau đó chuyển đến FC Barcelona. Những nhân vật khác như Hyuga Kojiro tới Juventus, Wakabayashi chơi cho Hamburg SV.

Thông điệp của người Nhật thông qua truyện tranh Captain Tsubasa là rất rõ ràng với việc bước ra thế giới để học hỏi. Đó cũng là lý do Captain Tsubasa trở thành niềm cảm hứng cho nhiều trẻ em Nhật Bản chơi bóng, còn một loạt danh thủ bóng đá thế giới từng xem Captain Tsubasa như bộ truyện gối đầu giường.

Ngay đến cách nghĩ trong tư tưởng thì người Nhật đã muốn ra thế giới, vậy tại sao cầu thủ Việt Nam có cơ hội thực tế là được ra nước ngoài chơi bóng lại từ chối?

Lẽ đó, bầu Đức và Công Phượng bây giờ có thể bước trong bóng tối nếu đặt xuất phát điểm là mặt chung của bóng đá Việt Nam so với Bỉ hay Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng tin một ngày sẽ mang đến sự khác biệt, thây được ánh sáng của hy vọng và hoài bão mang bóng đá nước nhà ra thế giới. Họ có những bước đi đầu tiên, còn những người khác tiếp tục bước để đến ngày thấy cầu thủ Việt Nam ra châu Âu thành công.

Cứ mang balo lên và đi khi có cơ hội, Công Phượng nhé ! Vì chẳng có con đường mang tên khát vọng nào trải hoa hồng, thậm chí phải lần từng bước để tạo nên con đường cho những người khác tiếp bước.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại