img
Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 1.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 2.

Lê Phước Chín là người có tình yêu đặc biệt với Sơn Trà, như anh từng tâm sự: Tôi đến với Sơn Trà một cách tình cờ, như một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng. Sơn Trà đẹp và bí ẩn hơn tôi tưởng, một Sơn Trà lung linh đa sắc màu, Sơn Trà với voọc chà vá chân nâu, Sơn Trà với muôn loài quý hiếm, nơi giao thoa giữa sông, biển, núi rừng với đất, trời…

Doanh nhân thích câu cá kiêm tay máy ảnh amateur, người tự nhận đến với Sơn Trà chỉ như một cuộc dạo chơi, lại có một "gia tài" bằng ảnh đáng nể với vùng đất này, với nhiều giải thưởng được trao. Ông là tác giả những tấm hình Sơn Trà đẹp hùng vĩ, bí hiểm, tươi tắn, thậm chí cả những hình ảnh "độc" kiểu như voọc chà vá "yêu" như thế nào.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 3.

Nhưng một điều không biết nên vui hay buồn: Tấm hình gây chấn động nhất của ông Chín lại là một bức ảnh phản ánh những điều "xấu xí".

Ông Chín kể, một chiều trong lúc câu cá, như mọi khi ông đưa máy ảnh chụp núi rừng Sơn Trà. Qua ống kính, ông giật mình khi thấy hàng chục phương tiện máy móc đang đào xới đất đá, chặt hạ cây rừng để xây dựng một công trình. Vốn đã thân thuộc với thiên nhiên Sơn Trà từ lâu, ông quyết định phải đưa bức ảnh lên mạng xã hội để tìm câu trả lời.

Một ngày đầu tháng 3/2017, bức ảnh "Sơn Trà bị thương" của Lê Phước Chín làm dậy sóng diễn đàn "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh – sạch – đẹp" trên mạng xã hội Facebook. Bức ảnh về một Sơn Trà lở loét, bị đào xới, chặt phá… nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm, bình luận, chia sẻ trên khắp các diễn đàn và trang cá nhân khác.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi nhìn thấy bức ảnh đã thảng thốt kêu lên: "Chuyện gì đang xảy ra ở Sơn Trà"?

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 4.

Câu trả lời cho ông Vinh có rất nhanh: Tại khu vực phía Đông Bắc bán đảo Sơn Trà, Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đang đào phá để xây dựng, mà không có giấy phép, một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có cùng tên.

Không chỉ một mình ông Vinh giật mình. Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã rất mau chóng đi kiểm tra thực địa, phát hiện 40 móng biệt thự không phép. Ông Thơ lắc đầu với cấp dưới: "Các anh quản lý địa bàn mà không biết họ làm trái phép. Các anh để một người dân đi ra biển câu cá phát hiện xây trái phép". Ông ra lệnh đình chỉ thi công ngay lập tức dự án trên.

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh lập tức yêu cầu điều tra làm rõ các sai phạm và nếu có phải tháo dỡ công trình.

Tuy nhiên, chuyện resort Biển Tiên Sa xây không phép chỉ là khúc dạo đầu của câu chuyện lớn về Sơn Trà. Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thấy, sẽ còn nhiều khu khác giống "Biển Tiên Sa".

Hơn 1.000 hecta, chiếm ¼ trên tổng diện tích 4.000 hecta bán đảo Sơn Trà sẽ dùng để phát triển du lịch với mục tiêu mang lại 1.900 tỉ đồng doanh thu và 3,5 triệu lượt khách trong năm 2025.

Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin thêm, có 17 dự án du lịch được phê duyệt, trong số đó có những dự án đã, đang và sắp triển khai.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 5.

Ông Huỳnh Tấn Vinh bắt đầu khởi động chiến dịch cứu Sơn Trà bằng việc soạn thảo một bức thư khuyến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Khuyến nghị của vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch mong muốn Thủ tướng xem xét lại "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà – TP Đà Nẵng".

"Để xây một công trình khách sạn mất vài năm, nhưng để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất hàng nhiều trăm năm", ông Vinh viết.

Thư khuyến nghị của ông Vinh gửi Thủ tướng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hàng nghìn người đã cùng nhau ký vào bức thư và đến nay đã có hơn 12.000 chữ ký.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 6.

Hành động của vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ngay lập tức bị Sở Du lịch ra công văn phản pháo. Sở du lịch cho rằng ông Vinh đã tự động soạn và gửi khuyến nghị thư mà không thông qua các thành viên Ban thường trực Hiệp hội. Một buổi làm việc được Sở Du lịch tổ chức để "làm rõ hành động" của ông Vinh. Các "đồng đội" của ông ở Hiệp hội đã đưa ra câu trả lời bất ngờ: Họ cùng quan điểm với vị Chủ tịch để cứu lấy Sơn Trà.

Giữa tháng 5, Tổng cục Du lịch, đơn vị thực hiện quy hoạch Sơn Trà, được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ các kiến nghị đến từ Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Nhưng tại cuộc làm việc, người đại diện Tổng cục Du lịch từ chối trả lời các khuyến nghị và chỉ khẳng định một điều: Bản quy hoạch đã thực hiện đúng quy trình.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 7.

Vị này cùng các thành viên của đoàn cũng mạnh mẽ tuyên bố: "Chúng tôi chưa nhìn thấy Voọc chà vá chân nâu và không cần thấy vẫn có thể quy hoạch được Sơn Trà". Buổi làm việc do vậy kết thúc mà biên bản không được ký.

Tuy nhiên, nỗ lực không mệt mỏi của những người muốn bảo vệ Sơn Trà đã được dư luận ủng hộ. Từ Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Quy hoạch đúng quy trình không có nghĩa là không thể điều chỉnh. Cuối tháng 5, ông Đam vác ba lô leo lên Sơn Trà khảo sát, và cuối cùng đưa ra chỉ đạo: Chưa triển khai quy hoạch đã được duyệt, chờ tiếp thu thêm ý kiến.

Những người bảo vệ sinh thái Sơn Trà đã có sự vững tâm bước đầu.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 8.

Sơn Trà là một bán đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa.

Bán đảo Sơn Trà cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, vây lại thành hình cánh cung như một tấm bia che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố biển Đà Nẵng.

"Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/ Lòng ta thương nhớ bạn nước mắt và lộn cơm". Nhà báo kỳ cựu Trương Điện Thắng cho hay có đến trên 30% số câu tục ngữ về thời tiết Quảng Nam - Đà Nẵng liên quan đến Sơn Trà (hay Sơn Chà).

Thạc sĩ sinh thái học Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Nước Việt Xanh (Green Việt), là người đã đồng hành cùng ông Huỳnh Tấn Vinh trong những nỗ lực bảo vệ sinh thái Sơn Trà. Ông Vỹ có hàng chục năm nghiên cứu về bán đảo Sơn Trà, về hệ sinh thái đặc biệt nơi đây, đặc biệt về loài Voọc chà vá chân nâu.

Ông Vỹ say sưa kể: "Bán đảo Sơn Trà được WWF đánh giá là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biển của toàn cầu, nơi trú ngụ của 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý hiếm cần bảo tồn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái san hô và cỏ biển với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển. Đặc biệt, bán đảo Sơn Trà còn được mệnh danh là vương quốc của loài Voọc chà vá chân nâu. Đây là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới và được yêu cầu bảo vệ khắp mọi nơi. Sơn Trà có khoảng 300 cá thể trong tổng số chưa đến 500 cá thế Voọc chà vá chân nâu trên toàn cầu. "Tôi may mắn có nhiều đồng nghiệp hỗ trợ và gặp được anh Huỳnh Tấn Vinh để cùng đồng hành bảo vệ Sơn Trà", ông Vỹ thổ lộ.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 9.

Ông Huỳnh Tấn Vinh cho hay Voọc chà vá chân nâu đã được Đà Nẵng chọn làm biểu tượng thành phố. Đây cũng là linh vật sẽ được giới thiệu đến các vị lãnh đạo cao cấp các quốc gia trong dịp APEC 2017 sắp tới tổ chức ở Đà Nẵng.

"Nếu tác động vào Sơn Trà thì môi trường sinh sống của Voọc chắc chắn bị ảnh hưởng. Khi đó, loài động vật biểu trưng cho Đà Nẵng sẽ không còn nhà để ở", ông Vinh bày tỏ lo lắng.

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, Nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng so sánh: "Vườn bách thảo ở Hà Nội chỉ có 20 loài cây, vườn bách thảo ở TP HCM chỉ có 30 loài còn ở Sơn Trà có gần 1000 loài cây. Trong khi đó, rừng Cúc Phương có diện tích lớn gấp 10 lần Sơn Trà cũng chỉ có hơn 2000 loài cây và không có nhiều loài cây quý như ở Sơn Trà. Động vật ở rừng Cúc Phương có rất nhiều nhưng không có Voọc chà vá chân nâu.

Tôi rất buồn khi người ta nói rằng độ cao dưới 200m để làm du lịch còn trên 200m là để bảo vệ sinh thái, để voọc sinh sống. Nhưng không có nước, không có lá non thì voọc lấy gì để sống. Các bạn giết nó đi rồi".

Tiến sĩ Dan Ringelstein, người đứng đầu bộ phận quy hoạch và thiết kế đô thị châu  âu của Công ty Quy hoạch - Kiến trúc Skidmore Owing & Merill, tỏ ra quan ngại: "Tôi cho rằng các bạn đã xây dựng quá nhiều resort, nhà hàng ở các sườn núi Sơn Trà. Đó là một vị trí hết sức nhạy cảm. Đà Nẵng còn nhiều nơi có thể khai thác trước khi nghĩ đến Sơn Trà. Cần coi Sơn Trà như một gia sản với khả năng bảo tồn động vật quý hiếm và nghiên cứu lâm sinh…".

Chưa thể nói hết vị thế quan trọng của bán đảo Sơn Trà nếu như chưa nhắc đến tầm quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng. Thiếu tướng Lê Minh Hùng, Nguyên Phó tư lệnh Quân khu V, nhấn mạnh ở núi Sơn Trà, từ độ cao 30m trở lên thì không nên đụng vào để xây dựng các công trình. Ở vị trí 30m trở xuống thì có thể xây dựng nhưng không được gây biến dạng địa hình.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 11.

Khi đến Việt Nam năm 1965, quân đội Mỹ đã ngay lập tức xây dựng ở núi Sơn Trà một sân bay, một bệnh viện dã chiến, đài rađa, đài khí tượng và các doanh trại trên đỉnh Sơn Trà… Trạm ra đa trên núi Sơn Trà được mệnh danh là "mắt thần Đông Dương". Đài quan sát radar ở đây có thể khống chế cả một vùng biển Đông rộng lớn và cả bán đảo Đông Dương.

Thiếu tướng Hùng nhận định dù xây dựng trong giới hạn nào cũng liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng. "Về lâu dài thì đây là nơi có thể phòng thủ đất nước, Đà Nẵng và cả miền Trung Tây Nguyên", Thiếu tướng Hùng nói.

Với sự đồng lòng ủng hộ của 12.000 người vào bản kiến nghị kêu gọi Thủ tướng Chính phủ thay đổi bản quy hoạch Sơn Trà, ông Vinh khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ Sơn Trà, bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, an ninh quốc phòng.

Bức ảnh xấu xí gây chấn động, 12.000 chữ ký và cuộc giải cứu chưa hồi kết ở Sơn Trà - Ảnh 12.

Đình Thức
BiMaxx
Theo Trí thức trẻ 4/7/2017