Bóng ma trên chấm penalty

Bảo Thắng |

Đội tuyển Nhật Bản trượt 3/4 quả penalty trong loạt luân lưu để rồi ngậm ngùi thua Croatia. Trước đó, những ngôi sao hàng đầu như Messi, Lewandowski, Andre Ayew cũng không hoàn thành nhiệm vụ khi đội nhà được hưởng 11m. Penalty có vẻ như đang là thách thức lớn với các cầu thủ tại World Cup 2022.

Quá khứ dậy sóng

Euro 1992, sau trận bán kết thua penalty trước Đan Mạch mà chính mình là người sút hỏng, tiền đạo Hà Lan Marco Van Basten nói một câu nổi tiếng: “Tôi cũng chỉ là con người thôi”. Ý Van Basten nhấn mạnh rằng, cuộc chơi trên chấm trắng có thể loại bỏ bất cứ ai, dù người đó là ngôi sao hàng đầu hay chân sút cự phách.

Sau này, ngôi sao từng 3 lần đoạt Quả bóng Vàng châu Âu chia sẻ thêm, trong cuộc đời cầu thủ của ông, những cú penalty chính là thử thách lớn nhất, chứ không phải chấn thương hay phải đối mặt hậu vệ giỏi nào đó. “Có những cầu thủ mất cả sự nghiệp chỉ vì một cú penalty hỏng”, Van Basten nói trên tờ Gazzetta Dello Sport sau khi ông nhận Quả bóng Vàng châu Âu 1992. Thời điểm đó, Van Basten bị cho là “được ưu ái” khi về nhất cuộc bình chọn vì Hristo Stoichkov của Bulgaria xuất sắc hơn. Đặc biệt, ngôi sao khoác áo Barca không hỏng bất cứ quả penalty nào khi được giao nhiệm vụ trong màu áo CLB lẫn ĐTQG.

Bóng ma trên chấm penalty - Ảnh 1.

Cú sút penalty hỏng ăn của Minamino khởi đầu cho thất bại của đội tuyển Nhật Bản trên chấm 11m trước Croatia (Ảnh: Getty).

Nói thêm về những quả penalty nổi tiếng, cả thế giới chắc chẳng bao giờ quên cú sút quyết định hỏng ăn của Roberto Baggio trong trận chung kết World Cup 1994 với Brazil. “Đuôi ngựa thần thánh” đã sút thẳng cơ hội của tuyển Ý lên trời và từ đó, anh không thể nào lấy lại những gì tốt nhất của một ngôi sao hàng đầu, đặc biệt là sự thừa nhận từ công chúng. Trận chung kết Champions League 2008 cũng vậy, trung vệ John Terry với cú trượt chân lịch sử đã dâng cơ hội cho Man Utd.

Penalty, nếu coi đó là cơ hội ghi bàn thì đấy chính là lợi thế cực lớn của đội được hưởng. Bởi trước khung thành rộng 7m32, cao 2m44 có mỗi người sút và thủ môn. Tuy nhiên, cuộc chơi bóng tròn không đơn giản và những cú đá trên chấm 11m cũng không dễ dàng. Nó là cuộc chiến trước tiên về mặt tâm lý. Sau đó là sự kiên định, cuối cùng mới là kỹ thuật.

Penalty tạo ra sự căng thẳng tột độ và nó mang lại sức hấp dẫn với khán giả. Đa số người xem thích loạt luân lưu vì ở đó, người ta cảm nhận được đầy đủ tính chất nghiệt ngã và cả thăng hoa nhất về cảm xúc. Nhưng ở góc độ cầu thủ, chẳng ai muốn mình đứng trước chấm trắng dù cơ hội ghi bàn dành cho họ là mười mươi. Bởi, chỉ cần một khoảnh khắc lạc nhịp, cú penalty có thể quyết định cả một số phận.

Thế giới từng chứng kiến những cầu thủ giỏi nhất sút trượt penlty và danh sách đó chắc chắn chưa dừng lại.

Bóng ma trên chấm trắng

Nếu phải dùng phương pháp nào đó để miêu tả, chẳng từ nào thích hợp hơn từ “bóng ma”. Các cầu thủ Croatia - Nhật Bản sút tổng cộng 8 quả thì hai đội hỏng đến 4 lần. Đại biểu châu Âu giành chiến thắng vì họ... dở ít hơn Samurai châu Á. Nếu phân tích kỹ hơn, trong ba kỳ World Cup gần nhất, chưa lần nào loạt luân lưu lại cho xác suất sút trượt lên đến 50% như cuộc đọ sức Croatia - Nhật Bản.

Trước đó, Lewandowski hỏng penalty khiến Ba Lan đánh rơi 2 điểm ngay trận đầu. Alphonse Davies đánh rơi chiến thắng của Canada cũng vì cú penalty hỏng. Messi mất bàn thắng lịch sử cũng vì sút hỏng. Tại vòng 1/8, Lewandowski phải sút đi sút lại đến 2 lần mới ghi được bàn danh dự cho đội nhà trước tuyển Pháp. Từ trong giờ đấu chính thức đến loạt luân lưu, số cầu thủ không hoàn thành nhiệm vụ ngày một nối dài khiến World Cup 2022 trở thành kỳ World Cup có nhiều cầu thủ hỏng penalty nhất tính đến thời điểm giải đấu mới đi được hơn nửa đường.

Vấn đề của những cú penalty không thành vẫn là tâm lý và sự kiên định. Các cầu thủ có thể bị chi phối bởi suy nghĩ thiếu nhất quán, trong đó việc lựa chọn phương án dứt điểm cũng là một nguyên nhân. Như trường hợp của Lewandowski, tiền đạo Ba Lan sử dụng phương án nhảy chân sáo để dứt điểm trước Hugo Lloris. Trước đó, hiếm khi (gần như không bao giờ) người ta thấy Lewandowski thực hiện cách này. Chính bởi khi chuyển qua một phong cách mới trong ngắn hạn, sai số dành cho Lewandowski chẳng có gì lạ.

Trước đây, nhiều người lập luận rằng, sút penalty là một năng khiếu và có người phù hợp với nó. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng tập luyện và nó không liên quan nhiều đến năng khiếu. Ví dụ, tiền đạo Brazil Neymar thường xuyên tập luyện đá penalty trong các buổi tập. Có lần, chân sút của PSG còn tiết lộ, anh dành hơn 2 giờ mỗi ngày để luyện cách ghi bàn trên chấm 11m vì “không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội ghi bàn rõ ràng nào”. Cristiano Ronaldo cũng tập luyện sút penalty khá thường xuyên. Trong quá khứ, tiền đạo huyền thoại của Man Utd, Eric Cantona, luôn nghiên cứu cách di chuyển của các thủ môn ở giải Ngoại hạng Anh khi họ đối mặt penalty để thực hiện ngược lại. Phương pháp này giúp ông trở thành “hung thần” trên chấm trắng khi thường xuyên lừa được các thủ môn bay ngược hướng sút bóng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại