Bóng đá Việt và nỗi buồn xuất ngoại

Thanh Hải |

Công Phượng hồi hương đồng nghĩa với việc Việt Nam không còn cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Sau nhiều năm, xuất ngoại mãi là câu chuyện buồn của bóng đá Việt.

Không phải các đại gia ở V-League 1 , bến đỗ mới của Nguyễn Công Phượng lại là Bình Phước, đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhất Quốc gia. Việc cầu thủ từng 56 lần khoác áo ĐTQG Việt Nam có thể tỏa sáng, xứng đáng với chi phí khổng lồ, bao gồm tiền lót tay và 3 năm lương, hay không là một dấu hỏi lớn. Nên nhớ rằng trong 2 năm qua, Công Phượng chỉ ra sân 3 lần (đều ở giải Cúp) với tổng cộng 85 phút thi đấu. Nói ra thật buồn, nhưng tất cả những gì khiến các đồng đội ở Yokohama FC nhớ đến chỉ là kỹ năng… “pha những ly cà phê thơm ngon”.

Công Phượng chia tay Yokohama FC sau 3 lần ra sân và 85 phút chơi bóng. Ảnh: Yokohama FC

Với quyết định hồi hương của Công Phượng, Việt Nam không còn cầu thủ nào đang chơi bóng ở nước ngoài. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện tại chỉ có chúng ta và hai nước Campuchia, Brunei rơi vào tình cảnh trên. Còn lại, ngay cả Lào và Timor Leste, cùng Singapore, Myanmar đều có 2 cầu thủ thi đấu bên ngoài lãnh thổ. Nhiều nhất là Philippines (22), Indonesia (21) và Thái Lan (12), sau đó tới Malaysia (5).

Công Phượng hiện là cầu thủ Việt xuất ngoại nhiều nhất, với 4 lần. Anh từng khoác áo Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), Sint Truiden (Bỉ) và Yokohama FC (Nhật Bản). Cầu thủ người xứ Nghệ ra sân tổng cộng 20 trận với 704 phút thi đấu.


Tất nhiên số lượng cầu thủ xuất ngoại không phản ánh chất lượng của nền bóng đá, chưa kể nhiều quốc gia đẩy mạnh công cuộc nhập tịch cho những người đang chơi ở nước ngoài. Mặc dù vậy, con số này cho thấy sự phát triển cũng như nỗ lực tiến bộ. Bóng đá thay đổi rất nhanh và việc có nhiều cầu thủ thi đấu ở các nền bóng đá tiên tiến giúp mang lại kiến thức, nâng cao trình độ và cải thiện tư duy.

Chẳng thế mà từng có một thời gian xuất ngoại như một trào lưu ở bóng đá Việt. Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu và Quang Hải, cùng nhiều cầu thủ trẻ được gửi đến Nhật. Hỡi ôi, tất cả ra đi với nhiều hứa hẹn, sau đó trở về trong những tiếng thở dài. Trừ Văn Lâm khá thành công tại Thái Lan (nhưng dự bị khi sang Nhật) và Quang Hải có vài lần đá chính tại hạng 2 Pháp, số trận ra sân của những người còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy các cầu thủ xuất ngoại không cho rằng họ thất bại, bởi thu lại nhiều bài học, kiến thức hữu ích, nhưng người hâm mộ sẽ nghi ngờ điều đó. Như trường hợp của Quang Hải, hầu hết đều mong đợi anh sẽ bùng nổ khi trở lại V-League cùng những kinh nghiệm tích lũy được từ châu Âu. Trên thực tế, ngôi sao 27 tuổi vẫn đang vật lộn để tái hiện những màn trình diễn đỉnh cao như trước ngày lên đường “du học”.

Chuyện xuất ngoại không hẳn “cứ đi là tốt”. Với các cầu thủ bóng đá, việc thường xuyên ngồi dự bị, thậm chí không có tên trong danh sách đăng ký, là thủ phạm mài mòn sự tự tin cũng như phong độ, thể lực và cả động lực. Liên tiếp những chuyến phiêu lưu thất bại của những người đi trước có thể trở thành rào cản cho thế hệ đi sau.

Tâm lý ngại ra nước ngoài dần xuất hiện, và thay vì đi để cải thiện khía cạnh chuyên môn, không ít người hài lòng với thực tại, với áp lực vừa phải và mức lương cao. Việc Công Phượng gia nhập Bình Phước là một minh chứng: chơi ở hạng Nhất Việt Nam vẫn có thể kiếm được thu nhập rất cao, chưa nói đến V-League 1, và vị trí đá chính gần như mặc định.

Liệu chúng ta sẽ lại chứng kiến làn sóng xuất ngoại mới, hoặc cầu thủ nào đó sẽ tỏa sáng nơi xứ người? Có lẽ có, nhưng để giấc mơ này cất cánh cần sự nâng cấp của cả nền bóng đá dẫn đến sự cải thiện chất lượng cầu thủ, sau đó là một chiến lược cụ thể, không phải nỗ lực của số ít cá nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại