“Miệng lưỡi của người Việt Nam thật đáng sợ. Người hâm mộ thích nói những điều to tát và sẵn sàng công kích bất cứ ai, cộng thêm vị HLV sẵn sàng gây war, tất cả cứ như thể đội tuyển của họ đang thống trị thế giới.
Nhưng đó chưa phải điều tệ nhất. Thật không may, họ không chỉ giỏi chém gió. Họ nói được và làm được. Sau một thời gian dài kiên trì, Việt Nam thực sự lớn mạnh. Chúng ta rơi vào nỗi thống khổ và tiếp tục phải chịu đựng sự chế giễu”.
Đó là những gì được viết ra bởi một người Thái Lan trên một blog về bóng đá. Một sự thừa nhận đầy cay đắng mà trong quá khứ họ không bao giờ có thể tưởng tượng ra.
Hãy ngược về quá khứ, vào những ngày cuối cùng của năm 2009.
Thường thì chúng ta sẽ bước vào một năm mới với những lạc quan. Nhưng thời điểm đó, có rất ít người hy vọng vào tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam.
Thật ra tâm trạng sẽ khác đi nếu U23 Việt Nam đoạt Huy chương Vàng Sea Games 25. Nhưng vì cuộc sống không bao giờ diễn ra theo cách chúng ta mong chờ, tâm lý thất vọng tột cùng nảy sinh sau khi hy vọng về một chiến thắng được đẩy lên tột cùng.
Không ai có thể lý giải một cách chính xác tại sao U23 Việt Nam lại thất bại, dù đối thủ chỉ là Malaysia từng bị đánh bại ở vòng bảng. Có thể vì pha phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp, sự bướng bỉnh của thủ môn Tấn Trường khi vẫn nhất quyết ở lại sân hay phản ứng thiếu quyết đoán của HLV Henrique Calisto.
Nhưng cũng có thể là vì định mệnh. Định mệnh, bằng cách nào đó, luôn khiến chúng ta nhận lấy trái đắng. Và khi các thất bại đến thường xuyên, có cảm giác Việt Nam không được sinh ra để giành chiến thắng ở SEA Games. Sau lần thứ 5 gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường, chúng ta bị gọi là “Vua về nhì”.
Biệt danh này cũng sớm trở nên lỗi thời khi 4 kỳ SEA Games sau đó, Việt Nam thậm chí còn không vào tới chung kết. Những sai lầm, từ việc bổ nhiệm HLV đến lựa chọn nhân sự, lối chơi khiến chúng ta trở nên yếu đuối đến thảm hại. Đừng nói Thái Lan, ngay Indonesia, Singapore, thậm chí cả Myanmar cũng biến thành các đối thủ khó chơi.
Thất vọng và đau đớn, ít người để ý, cũng chính những năm đen tối ấy, những hạt giống bắt đầu được gieo xuống mảnh đất khô cằn.
Đó là khi những cậu bé chỉ quen chơi bóng bằng chân đất trên những thửa ruộng, triền sông được đưa vào Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. “Vào đây đi giày xịn quá khiến em… khó chịu. Trước đây em toàn đá chân không thôi hà. Nhưng không sao, rồi em sẽ quen thôi vì muốn trở thành cầu thủ phải thế”, một cậu nhóc thuộc khóa đầu hồn nhiên chia sẻ.
Trung tâm PVF được thành lập vào năm 2009, chỉ muộn 2 năm so với Học viện HAGL Arsenal JMG, nơi sẽ đào tạo nên lứa Công Phượng, Tuấn Anh. Cũng trong năm 2009, Thể Công biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam, để lại cái tên Trung tâm thể thao Viettel mà sau này được đánh giá là một trong những lò đào tạo bóng đá xuất sắc nhất trong cả nước.
Cùng với đó, các CLB ở V League cũng có sự quan tâm đặc biệt đến đào tạo trẻ. Từ Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng đến Đồng Tháp đều đầu tư vào cơ sở vật chất và mở rộng mạng lưới tìm kiếm tài năng, cố gắng cho ra đời những ngôi sao tương lai.
Bầu Đức, bầu Hiển và những con người tâm huyết với bóng đá không cam chịu thất bại. Họ chung tay làm lại, xây dựng nền móng để tuyên ngôn “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” vồn một thời luôn luôn đúng của HLV Alfred Riedl trở thành quá khứ.
Đúng vào lúc người hâm mộ đã quá chán nản vì những kết quả tệ hại, bạo lực sân cỏ và các nghi án bán độ, bóng đá trẻ như một cơn gió mát lành thổi đến.
Năm 2014, lâu lắm rồi mảnh đất hình chữ S mới lại sục sôi vì bóng đá. Hàng ngàn người đổ về Thống Nhất hay Mỹ Đình, xếp hàng dài để chờ mua vé, sau đó được chứng kiến các chàng trai U19 thi đấu.
Với lối chơi đẹp mắt, kỹ thuật khéo léo và trên hết, tinh thần quả cảm cùng khát khao chiến thắng của Công Phượng, Quang Hải, Tuấn Anh hay Xuân Trường khiến cả nước nức lòng. Dù không vô địch ở các giải đấu trong năm đó, song những cầu thủ trẻ đã thành công trong việc gây dựng lại niềm tin của người hâm mộ, nhắc nhở tất cả rằng bóng đá vẫn quyến rũ và đáng để chờ đợi.
Rồi những thành công lại đến, thậm chí dồn dập để khiến cả nước nức lòng. Năm 2016, U23 Việt Nam lần đầu vượt qua vòng loại để giành vé tới VCK U23 châu Á. Năm 2017, U19 Việt Nam lọt vào VCK U20 World Cup. Năm 2018, ĐTQG, U23 và U19 giành quyền tham dự sân chơi châu lục.
Rồi đến năm 2018, một năm không bao giờ bị lãng quên. Tuyển U23 đi một mạch tới trận chung kết, tạo nên kỳ tích ở U23 châu Á. Cho đến mãi về sau, hình ảnh những chàng trai kiên cường dưới cơn mưa tuyết Thường Châu, sự thúc giục các đồng đội tiếp tục chiến đấu của Quang Hải hay lúc Duy mạnh cắm lá cờ Tổ Quốc trên ụn tuyết sẽ tiếp tục được kể như một truyền thuyết, hào hùng và bi tráng.
Một thập kỷ dài lê thê với thất bại, những hứa hẹn và lời xin lỗi đủ để một thế hệ anh hùng được tạo ra, lớn lên rồi trưởng thành, sau đó gặt hái thành quả.
Như người ta thường nói, chỉ cần kiên trì theo đuổi mục tiêu, thành công sẽ theo đuổi bạn. Trong một thời gian ngắn, bóng đá Việt Nam trở lại nơi mà chúng ta xứng đáng thuộc về. Cuối năm 2018 chúng ta có chức vô địch AFF Cup. 12 tháng sau là tấm Huy chương Vàng SEA Games, thứ mà bao thế hệ đổ cả máu cũng không thể có được.
Cũng không dừng lại ở đó, các chàng trai áo đỏ còn dắt 97 triệu người dân xứ rồng tiên vào những giấc mơ hoang đường nhất bằng các chuyến phiêu lưu kỳ thú ở ASIAD 2018, Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022.
Đây tất nhiên không phải là hiện tượng nhất thời. Bởi bóng đá Việt Nam không còn xây nhà từ nóc, mà ngôi nhà tráng lệ đang có được tạo ra sau một quá trình dài cả thập kỷ. Chúng ta đau khổ đủ nhiều, nhẫn nại đủ nhiều để giờ đây có thể nói về kỷ nguyên thống trị ở Đông Nam Á và đặt ra cho mình những mục tiêu vĩ đại tầm châu lục.
Mười năm, bắt đầu bằng nỗi đau và kết thúc trong hạnh phúc.
Nhưng trước hết, hãy cứ tận hưởng đi đã. Và “chém gió” theo cách của mình, như người Thái đang lo lắng.