Bóng đá Việt tệ hại, lỗi là tại người hâm mộ?

Facebook Nguyễn Hoài Nam |

Nếu ngay bây giờ, mỗi người nhắc đến chữ "bóng đá" một lần trong ngày, đi "đá bóng" một lần trong tuần, cho con chơi bóng đá thay vì ipad... thì bóng đá Việt Nam sẽ khác.

Bóng đá Việt Nam nhiều tai tiếng, các khán đài trống vắng. V-League lúc nào cũng bị chỉ trích và người ta cho rằng vì nó tệ nên NHM bỏ đi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trách nhiệm của NHM ở đâu và hiện giờ, NHM nên làm gì để góp phần giúp bóng đá nước nhà đi lên?

Dưới đây là quan điểm của một nhà quản lý bóng đá, hiện đang điều hành một trung tâm bóng đá cộng đồng lớn bậc nhất Việt Nam.

"Vòng về gần nhà cũ tôi có bác bán phở bò vỉa hè, xây biệt thự. Hồi đầu vắng lắm, chả có ai ăn. Rồi bác ra đòn, mắng mọi người tại vì không chịu ăn ủng hộ nên thịt thừa phải để qua đêm, nước dùng ít xương nên nhạt.

Thế mà có tác dụng, mọi người ăn thử xem bác làm thế nào, quả nhiên, thịt chẳng còn mà bán, nên lúc nào cũng tươi ngon, nước dùng thì đậm đà quá đi. Tiếng lành đồn xa, đông khách, bác thuê thêm người phục vụ, lắp cái máy lạnh, khuyến mại trà đá, đã đông lại càng đông, ngon lại càng ngon.

Và bác xây biệt thự. Thế thôi.

Vòng qua Châu Âu, Real Mandrid đông fan vì luôn có dải ngân hà những Ronaldo, Bale, trước đó đếm không hết. Barca đâu có kém cạnh khi Messi chưa già lại sắm thêm Neymar. Manchester ở Anh, Juventus ở Ý, Munich của Đức… trước khi được hâm mộ cũng đã và đang bỏ hàng đống tiền ra để làm bóng đá.

Mà tiền đấy lấy từ đâu, từ fan đến kín sân hay bỏ tiền ra mua truyền hình, từ quảng cáo trực tiếp hay gián tiếp, từ bán đồ lưu niệm cho chính lượng fan đó mà có.

Và bóng đá họ phát triển. Thế thôi.

Bóng đá Việt tệ hại, lỗi là tại người hâm mộ? - Ảnh 1.

Thay vì chỉ trích, NHM nên cùng trở lại, vun xới cho bóng đá Việt Nam.

Đi xa đi gần trở lại bóng đá Việt Nam…

Những người hoài cổ có thể nhớ lại những trận bóng nghẹt thở sân Hàng Đẫy, Cột Cờ, Vinh, Thống Nhất, Chùa Cuối… trên khán đài khán giả chèn kín, hò reo vang trời, dưới sân cầu thủ đá "chết bỏ" vì được bước ra sân cỏ lúc đó là một niềm vinh dự của cả họ, cả huyện.

Các chú bác kể lại lúc đó, việc đá xụi khác nào phản bội tổ quốc, trọng tài chỉ cần nhìn lên khán đài thôi nghĩ đến làm bậy còn không dám. Còn có chú kể tao thèm cốc bia quá, đi uống lén bị khán giả phát hiện chửi cho một trận, bảo chúng mày uống bia sao có sức đá phục vụ nhân dân, cút về tập ngay.

Còn giờ đây, những khán đài lặng ngắt. Thủ môn đang trấn giữ khung thành ở cầu môn xa còn nghe thấy ban huấn luyện nói xấu mình. Cầu thủ lẽ ra rướn thêm tí nữa là cướp được quả bóng thì dừng lại vì hụt hơi, mà lẽ ra có thêm tí động lực là có thể làm được.

Không áp lực, trọng tài muốn làm gì thì làm. Trong nhà hàng, tuyển thủ quốc gia ngồi cùng mâm mà phải giới thiệu người ta mới biết. Ngoài xã hội, cứ nhắc đến bóng đá là người ta lại úi xờ, rủ nhau đừng đi xem.

Nhà đầu tư thì hiển nhiên chán nản, coi bóng đá như một chuyến đi chợ, dẫn đến nay đội này bỏ, đội kia nghỉ, nói ra thật là thê thảm vô cùng. Tương lai mịt mờ, sự nghiệp tăm tối, cũng chẳng trách được nhiều người không thực sự cống hiến hết mình cho khán giả, cho bóng đá.

Nếu…

Nếu ngay bây giờ, mỗi người nhắc đến chữ "bóng đá" một lần trong ngày, đi "đá bóng" một lần trong tuần, cho con chơi bóng đá thay vì ipad, bỏ ra chục buổi chiều mỗi năm với giá vé chỉ vài chục nghìn mỗi trận...

Cho bóng đá một cơ hội, khán đài lại đầy ắp, tiếng hò reo lại rộn vang, nhà tài trợ lại phi đến ầm ầm, tiền đầu tư như thác đổ, cầu thủ, HLV tự hào và yên tâm sống được với nghề và sau nghề, truyền thông vun xới, xã hội ủng hộ, tôi không tin có nhiều cầu thủ dám thi đấu dưới sức, có nhiều trọng tài dám cất tiếng còi đen tối, lãnh đạo nào dám mở mồm bỏ giải…

Và bóng đá sẽ phát triển lại. Thế thôi.

Lội ao tù chớ chê bèo tấm

Tắm vũng lầy chớ ngại đỉa trâu.

Ngẫm mà xem!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại