Bóng đá Việt Nam… và 11 niềm hy vọng

Tùy Phong |

“11 cầu thủ trên sân sẽ nói thay khát vọng của hàng triệu con tim, khát vọng của một dân tộc yêu bóng đá. Nhưng, đây thậm chí không đơn thuần chỉ là câu chuyện về bóng đá, mà là cả những đấu tranh, giằng xé của những người trẻ say mê lý tưởng.

Không chỉ tôi, mà tất cả các bạn, sẽ đều nhìn thấy mình trong chuỗi câu chuyện ấy”, đạo diễn - đồng thời là người viết kịch bản bộ phim điện ảnh về bóng đá “11 niềm hy vọng”, Robie Trường chia sẻ trong ngày ra mắt phim.

Phim được bấm máy vào tháng 4/2017, do Metan Entertainement làm chủ đầu tư và sẽ được GALAXY Distribution Studio phát hành, dự tính ra rạp vào tháng 5/2018.

Lịch sử phim về bóng đá Việt

Đầu những năm 1980, điện ảnh Việt Nam – Hãng phim truyện Việt Nam, Xưởng phim II, đã thực hiện một bộ phim đầu tiên về bóng đá có tựa đề “Phút 89”. Bộ phim lấy bối cảnh của bóng đá miền Bắc sau ngày đất nước thống nhất, với các cái tên giã tưởng như Đông Đô, Sông Hồng. Phim trường chính – không khí một trận đấu bóng đá, chủ yếu được thực hiện trên SVĐ Chùa Cuối (nay là Thiên Trường), với đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh.

Các địa anh nổi tiếng thành Nam lúc bấy giờ như Cầu Treo, khách sạn Vị Hoàng, rồi Hồ Tây… cũng lên phim.

Bóng đá Việt Nam… và 11 niềm hy vọng - Ảnh 1.

Gần 20 năm sau “Phút 89”, những người làm điện ảnh Việt Nam cũng đã thực hiện một thước phim dài đến hơn 1 giờ 30 phút về bóng đá mang tên “Sút…dzô”. Bộ phim quy tụ dàn cầu thủ “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Quốc Cường, Công Minh…, ngoài ra còn có sự tham dự của những diễn viên gạo cội như Bảo Quốc, Việt Anh...

Đó là thời điểm có thể nói là cực thịnh của bóng đá Việt Nam, kể từ sau hội nhập, với tình yêu bóng đá được đo bằng hàng vạn khán giả - CĐV đến với các SVĐ, chứ không èo uột như bây giờ.

Năm 2016, bộ phim khác có tên gọi “Sút” do Việt Max thực hiện, cũng được giới thiệu và công chiếu ra mắt trên hệ thống các rạp hàng đầu Việt Nam, nhưng có thể nói là thất bại về mặt doanh thu, cũng như sự đón nhận của dân ghiền bóng đá.

Chiến tích đáng kể nhất của bộ phim là giải thưởng Cánh diều vàng Việt Nam cho Quay phim xuất sắc nhất, thể loại phim điện ảnh. Phải, bởi thực hiện các thước phim bóng đá vô cùng khó.

“11 niềm hy vọng” được phôi thai từ cách đây hơn 10 năm, theo chia sẻ của Đạo diễn – nhà biên kịch Robie Trường, bấm máy trong bối cảnh hàng loạt các phim về bóng đá gần như đã thất bại.

Robie Trường và nhà sản xuất Metan tất nhiên cũng đã tính đến các khả năng xấu nhất, sau rất nhiều các tham khảo trước đó, nhưng theo chia sẻ của vị đạo diễn từng thực hiện rất nhiều các dự an điện ảnh lớn từ hơn nửa thập niên qua, thì ông làm bộ phim này phần cũng là thỏa chí tang bồng của một thời trai trẻ. Nghe đâu, Robie Trường chơi bóng rất cừ.

“Tôi còn nhớ mãi một trận đấu cách đây 20 năm, đội bóng của tôi với tôi và một anh bạn người Việt Nam khác, đã đánh bại những anh chàng cao to người Australia. Chúng tôi ôm nhau ăn mừng và ước gì, mình đang đứng giữa sân khấu lớn như World Cup.

Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải thực hiện một bộ phim về bóng đá Việt Nam. 11 cầu thủ trên sân là 11 niềm hy vọng, mới hoài bảo, giằng xé khi đối diện với những khó khăn, cám dỗ, tình yêu, gia đình, bè bạn…”, Robie Trường chia sẻ.

Bộ phim dự định công chiếu tại hệ thống các rạm của GALAXY vào tháng 5/2018 này quy tụ được dàn diễn viên khá khủng và hot nhất hiện nay như Nhan Phúc Vinh, Hoàng Phi, Rima Thanh Vy, NSUT Công Ninh, NSUT Võ Hoài Nam, Hùng Chilhyun, Lâm Minh Thắng… Phần âm nhạc do Đức Trí thực hiện.

Từ phim ảnh đến đời sống bóng đá thực

Người Việt Nam vẫn có câu cửa miệng, rằng chuyện (này) chỉ có ở trên phim. Hay phim ảnh và đời thực khác xa nhau lắm. Tùy vào tiêu chí hướng tới của đề tài, mà một bộ phim điện ảnh có thể được cách điệu nội dung so với thực tế: Bi đát hơn hoặc cũng có thể được tô hồng hơn.

Nhưng về cơ bản, phim ảnh cũng như các hoạt động khác trong địa hạt giải trí, có thể thay lời muốn nói, chắp cánh giấc mơ. Bộ phim “11 niềm hy vọng” là một trong số này. Bóng đá Việt Nam từng hy vọng – kỳ vọng nhiều, nhưng rút cuộc chỉ là sự bể dâu.

11 niềm hy vọng là câu chuyện xoay quanh những chàng trai trẻ với tình yêu bóng đá mãnh liệt và niềm khát khao được một lần khoác lên mình màu cờ của đất nước, cháy hết mình cho niềm tin từ hàng triệu trái tim Việt Nam. Đặc biệt, 3 danh thủ Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn và Phan Văn Tài Em cũng sẽ góp mặt trong phim.

Lấy bối cảnh giả định tại một thành phố biển năng động của Việt Nam, nơi diễn ra giải đấu bóng đá uy tín giữa các nước trong khu vực, câu chuyện 11 niềm hy vọng là cuộc hành trình đi tìm chính mình của Phong (Nhan Phúc Vinh), một cầu thủ dự bị luôn mang trong mình tình yêu cháy bỏng dành cho bóng đá.

Nhan Phúc Vinh vào vai Phong. Anh yêu bóng đá, dù bị cha cấm đoán nhưng vẫn kiên trì với đam mê của mình.Trên con đường theo đuổi đam mê, anh vấp phải sự ngăn cản từ gia đình, những thử thách của cuộc sống, tình yêu, tình bạn… Đôi khi nó đẩy anh và đồng đội của mình đến những cám dỗ khôn lường.

Không chỉ khai thác đề tài bóng đá, bộ phim còn khắc họa chân dung của những chàng trai trẻ đứng trước những thử thách của cuộc sống, đặc biệt là khi họ khoác lên màu cờ của Tổ quốc thì mỗi lựa chọn, bước đi của họ đều có thể là hy vọng cho hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam.


photo-2

Đạo diễn Robie Trường có kinh nghiệm hơn 20 năm đạo diễn sân khấu và sự kiện cho các chương trình và sự kiện kinh tế cũng như giải trí lớn cho các thương hiệu có tên tuổi như khai trương nhà máy đầu tiên của Intel tại Việt Nam; các sự kiện đưa Cup UEFA danh giá về Việt Nam tại các sân vận động lớn, thu hút hàng chục ngàn người; hay sự kiện đưa con tàu Voyager về Việt Nam với một sâu khấu nổi trên biển tại Vịnh Hạ Long….

Anh chính thức tham gia vào lĩnh vực điện ảnh từ năm 2010. Anh được biết đến với vai trò là nhà sản xuất của các bộ phim nổi tiếng: Lửa Phật, Bao giờ có yêu nhau.

photo-3

Đạo diễn Lê Hoàng: “Tôi không dự lễ ra mắt, cũng chưa xem qua teaser phim, nhưng điều đầu tiên tôi rất cảm phục đấy là nhà sản xuất và đạo diễn, đã rất dũng cảm khi làm một bộ phim điện ảnh về bóng đá. Bản thân đề tài về bóng đá Việt Nam, vốn hư hư thực thực rất khó nắm bắt, đấy là chưa nói đến chuyện dựng bối cảnh, hiện trường các trận đấu với hàng chục ngàn khán giả. Do diễn viên quần chúng ở Việt Nam không chuyên, nên khó tạo hiệu ứng số đông, ví như văn hóa cổ động không tự nhiên chẳng hạn. Còn nếu lấy không khí thật trên các khán đài của những trận đấu thật, khi đưa vào phim, cũng rất khó lắp ghép sao cho khớp với diễn biến và chất lượng hình ảnh của một bộ phim điện ảnh”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại