Năm 2018 là năm bận rộn với bóng đá Việt Nam với rất nhiều sự kiện trong nước cũng như quốc tế của các cấp độ đội tuyển, từ U16, U19, U23, đội tuyển quốc gia đến V-League. 12 tháng tới đây không chỉ mang ý nghĩa thi đấu đơn thuần, mà nó còn quyết định đến sự chuyển mình và thay đổi của cả hệ thống bóng đá đang nỗ lực vươn tầm chuyên nghiệp.
Tuyển Việt Nam trở lại đỉnh cao khu vực
Sự kiện đáng mong đợi nhất sẽ diễn ra vào hai tháng cuối năm, khi tuyển Việt Nam chinh chiến tại AFF Cup - giải đấu bóng đá nước nhà đã xuất sắc đăng quang cách đây tròn 10 năm.
Ở hai kỳ AFF Cup gần nhất (2014, 2016), tuyển Việt Nam phải dừng bước đáng tiếc ở bán kết, dù đã có không ít cơ hội tái ngộ người Thái trong trận đấu cuối cùng. Sự sa sút của tuyển Việt Nam diễn ra cùng lúc với sự vươn lên mạnh mẽ của Thái Lan, để rồi từ vị thế "kỳ phùng địch thủ", bóng đá Việt Nam đã để Thái Lan vượt mặt trong khoảng bốn năm gần nhất.
Tuyển Việt Nam (áo đỏ) cần vượt qua Thái Lan.
Năm 2017, cán cân chênh lệch giữa hai nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á đang bớt dần chênh lệch, khi bóng đá trẻ Việt Nam liên tiếp lập được những kỳ tích, như tấm vé dự vòng chung kết châu Á của cả ba cấp độ đội tuyển (U16, U19, U23), U21 tuyển chọn Việt Nam xếp trên U21 Thái Lan tại giải giao hữu quốc tế báo Thanh niên, hay U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan ngay trên sân khách.
Dẫu vậy, bộ mặt của nền bóng đá vẫn nằm ở đội tuyển quốc gia - nơi vị trí số 1 Đông Nam Á chưa chứng minh sự trở lại mạnh mẽ của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Muốn lấy lại vị thế, tuyển Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất: Đăng quang AFF Cup 2018. Với dàn câu thủ trẻ trung, giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, tuyển Việt Nam đang có "thời cơ vàng" để trở lại đỉnh cao khu vực. HLV Park Hang Seo cùng các học trò còn 11 tháng để chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình chinh phục danh hiệu mà người hâm mộ đã mòn mỏi đợi chờ trong một thập kỷ đã qua.
Bóng đá trẻ tạo dựng tiếng vang
Dù sở hữu ba đội tuyển trẻ dự vòng chung kết châu Á, song bóng đá Việt Nam vẫn nằm ở vị trí khiêm tốn trên bản đồ bóng đá châu lục. Lí do rất đơn giản: Ngoại trừ kỳ tích của U19 Việt Nam trong năm 2016 (lọt vào bán kết U19 châu Á), các đội tuyển trẻ Việt Nam chưa tạo được tiếng vang đáng kể khi bước ra "biển lớn" châu lục.
Bóng đá trẻ không phản ánh toàn diện thực lực nền bóng đá, song tiếng vang từ sân chơi trẻ sẽ tạo nên sự khích lệ lớn với nền bóng đá và bản thân các cầu thủ.
Sau vòng chung kết U23 châu Á thất bại vào năm 2016 (thua cả ba trận vòng bảng), U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo đang quyết tâm tạo nên kỳ tích, dẫu phải nằm ở bảng đấu tử thần với sự góp mặt của U23 Hàn Quốc, U23 Australia hay U23 Syria. Chính vị thế "cửa dưới" có thể tạo nên tâm lý thoải mái cho các cầu thủ, từ đó hy vọng tạo nên những màn trình diễn đáng mong đợi - đúng như khẳng định của Park Hang Seo.
U19 Việt Nam cũng được kỳ vọng tạo nên "địa chấn" như U19 Việt Nam làm được cách đây hai năm. Tất nhiên, không dễ để thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tiếp tục làm nên bất ngờ trước các anh hào châu lục như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran.
Nhưng nên nhớ, U19 Việt Nam trong năm 2016 cũng bị đánh giá thấp và chuẩn bị vòng chung kết châu Á âm thầm như U19 Việt Nam hiện tại. Bóng đá Việt Nam luôn tiềm ẩn sức mạnh bất ngờ khi không được đặt quá nhiều niềm tin cũng như sức ép thành tích.
Người hâm mộ quan tâm đến bóng đá nữ
Từng có ý kiến cho rằng: VFF nên... bỏ bóng đá nam, để đầu tư nhiều hơn cho bóng đá nữ. Tuyển nữ Việt Nam mang lại rất nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà, song lại không nhận được ưu đãi nhiều như bóng đá nam.
Không phải! Theo khẳng định của HLV Mai Đức Chung, bóng đá nữ Việt Nam nhận được mức đãi ngộ bằng với các nam đồng nghiệp. Trong khu vực Đông Nam Á, hiếm có đội nữ nào được chăm sóc, quan tâm nhiều như tuyển nữ Việt Nam. Khác biệt ở chỗ: tuyển nam được tài trợ nhiều hơn tuyển nữ nên có nhiều tiền hơn, được chăm chút tỉ mỉ hơn.
Làm thế nào để tuyển nữ có nhiều tài trợ hơn? Điều đó đến từ người hâm mộ. Các trận đấu ở V-League cũng như tuyển nam, thậm chí U23 nam luôn được khán giả chào đón nồng nhiệt và theo dõi thường xuyên, song giải nữ thì khác. Những khán đài hiu quạnh, vắng ngắt đã trở thành "đặc sản" của bóng đá nữ.
Ít người xem như vậy, liệu có trách các "Mạnh thường quân" khi không đầu tư nhiều tiền cho các cô gái vàng của thể thao Việt Nam hay không?
V-League tránh được tiêu cực
Sự xuống cấp trầm trọng của V-League không phải vấn đề mới. Bạo lực sân cỏ, sự yếu kém trong khâu tổ chức, điều hành giải đấu, mất niềm tin với tính minh bạch, công tác trọng tài hay văn hóa cổ vũ trên các khán đài là vấn đề... biết rồi, khổ lắm, nói mãi. V-League 2017 chìm trong khó khăn, thách thức trăm bề, liệu V-League 2018 có khác?
Mong rằng, V-League 2018 sẽ giải quyết được phần nào những vấn nạn trong lẫn ngoài sân cỏ, để người hâm mộ quay trở lại và ủng hộ bóng đá nước nhà. Đã có những điểm sáng le lói, song như vậy là không đủ. Cần có sự vào cuộc mạnh tay hơn ở các cấp ngành, các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, cùng các tâm, cái tầm của những người làm bóng đá. Ngót hai chục năm khoác áo "chuyên nghiệp", V-League phải nỗ lực hơn nữa để xứng tầm khu vực, thay vì mang cái mác giả tạo, gượng gạo trong nhiều năm qua.
Còn bạn, bạn mong ước điều gì cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018?