Bóng đá Việt Nam bị chê cười vì có giải VĐQG giá 'rẻ mạt' dù liên tục gây tiếng vang ở châu Á

Hiếu Lương |

Đội tuyển quốc gia Việt Nam nằm trong top 15 đội tuyển tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng của FIFA nhưng Giải vô địch quốc gia - V.League dường như chưa đạt được giá trị xứng tầm.

Xét riêng về tổng giá trị cầu thủ thuộc giải đấu, V.League đạt ngưỡng 7,45 triệu Euro (khoảng 192 tỷ đồng) theo thống kê của chuyên trang định giá Transfermakt. Con số này được cho là "rẻ mạt" so với tiềm năng, trình độ thật của cầu thủ và chất lượng giải đấu.

V.League nằm ở vị trí thứ 19 trong số 20 giải VĐQG của châu Á được thống kê, chỉ xếp trên Giải VĐQG Philippines (Philippines Football League) với giá trị 2,23 triệu Euro (khoảng 57,5 tỷ đồng).

Bóng đá Việt Nam bị chê cười vì có giải VĐQG giá rẻ mạt dù liên tục gây tiếng vang ở châu Á - Ảnh 1.

V.League xếp thứ 19/20 về tổng giá trị cầu thủ trong 20 Giải VĐQG thuộc châu Á do Transfermakt thống kê.

Giải VĐQG của Malaysia, Indonesia, Myanmar, Singapore, Thái Lan đều xếp trên V.League. Thậm chí, Thai League 1 của Thái Lan còn nằm trong top 10 giải đấu có tổng giá trị cầu thủ cao nhất châu Á. Thai League 1 đạt con số 69,18 triệu Euro (khoảng 1800 tỷ đồng), gấp 9 lần V.League.

Giải VĐQG Trung Quốc (China Super League) xếp hạng 1 với giá trị cầu thủ đạt 574,23 triệu Euro (khoảng 14.800 tỷ đồng). Xếp sau lần lượt là J.League 1 (Nhật Bản), Saudi Professional League (Saudi Arabia), Qatar Stars League và K.League Classic (Hàn Quốc).

Tổng giá trị cầu thủ ở V.League thấp có thể được lý giải bởi 2 nguyên nhân. Đầu tiên là chất lượng ngoại binh chưa cao, giá thấp. Cầu thủ ngoại có giá trị cao nhất ở V.League lúc này là trung vệ Sajjad Moshkelpour (Iran) của Hà Nội FC với giá 400.000 Euro (khoảng 10 tỷ đồng). Bên cạnh đó, mỗi CLB chỉ được sử dụng tối đa 3 ngoại binh là rào cản. Trong khi đó, Heberty là cầu thủ có giá cao nhất Thai League 1 với số tiền 1 triệu Euro (khoảng 25,8 tỷ đồng).

V.League vẫn được xem chưa tương xứng với tiếng vang mà đội tuyển quốc gia Việt Nam tạo ra. Ảnh: Tùng Lê - Tiến Tuấn.

Điều thứ hai là việc rất nhiều cầu thủ nội ở V.League chưa được định giá trên Transfermakt. Những cái tên được đánh giá có chất lượng đủ sức khoác áo đội tuyểnquốc gia như Văn Thuận, Phi Sơn (CLB TPHCM),… vẫn chưa có giá trị chuyển nhượng rõ ràng.Xuân Trường có giá trị 200.000 Euro (khoảng 5 tỷ đồng), cao nhất trong số cầu thủ nội chơi ở V.League. Với Thai League 1, Teerasil Dangda đạt ngưỡng 800.000 Euro (khoảng 20 tỷ đồng).

Điều này phản ánh một vấn đề khác là sự mập mờ trong chuyển nhượng cầu thủ, đặc biệt ở khâu công bố giá trị chuyển nhượng ở các CLB thuộc V.League. Sự chênh lệch về giá trị với các giải đấu khác vì thế càng bị kéo xa.

Giá trị một giải đấu là sự tổng hoà của nhiều yếu tố mà giá trị cầu thủ chỉ là một phần. Giá trị thương hiệu, giá trị bản quyền truyền hình,… cũng là một yếu tố cần nhắc đến. Tuy nhiên, V.League hiện tại có giá trị thương hiệu thấp, hàng năm vẫn phải đi tìm kiếm nhà tài trợ chính bằng cách chào mời. Trong khi đó, tiền bản quyền truyền hình gần như là con số không tròn trĩnh.

Bóng đá Việt Nam bị chê cười vì có giải VĐQG giá rẻ mạt dù liên tục gây tiếng vang ở châu Á - Ảnh 3.

Hà Nội FC là đội có tổng giá trị cầu thủ cao nhất V.League thời điểm hiện tại, xếp sau là HAGL. Điều này được lý giải bởi không có nhiều cầu thủ nội được định giá trên Transfermakt, đa phần là những cái tên đã và đang là tuyển thủ quốc gia.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại