1. Phần lớn các forum bóng đá hay các diễn đàn Hội CĐV, hoạt động chính thức hoặc không chính thức, đều có ban quản trị, gọi là admin. Bộ phận này mang rất nhiều chức năng, thậm chí quyết định sự tồn vong của page.
Với mạng xã hội, mỗi chủ tài khoản tự làm admin cho trang của mình. Sự lan toả của trang facebook cá nhân, phụ thuộc vào độ hot của facebooker, hoặc các vấn đề, quan điểm mà người chơi đưa lên. Mạng xã hội tự do tự tại hơn nhiều, nhưng cũng dân chủ lắm luôn.
Trở lại câu chuyện chúng tôi đề cập ở trên, những bất đồng, tranh cãi đã mở rộng phạm vi, gần như không thể kiểm soát. Mới nhất là vụ CLB Sài Gòn thua trắng 3 bàn không gỡ trước Hà Nội T&T ngay trên sân nhà hay diễn biến nằm ngoài tưởng tượng ở Nha Trang, rồi Cần Thơ...
Những bức ảnh chụp lại cầu thủ, HLV quay lên khán đài thách thức khán giả, vốn không thiếu trong lịch sử giải đấu tuổi trăng tròn.
Khán giả, CĐV chủ yếu bày tỏ bức xúc với màn thể hiện của đội bóng, của cầu thủ, của HLV và thậm chí của cả các ông chủ. Như bị chiếu bí, cảm thấy bị tổn thương, cầu thủ bật lại khán giả, bật lại CĐV luôn, thậm chí còn ra điều thách thức, chỉ trích công khai ngược lại.
"Không thể bỏ vài chục ngàn mua vé vào sân rồi muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi", đấy là comment của một cầu thủ Hà Nội T&T nhằm vào một khán giả, cũng là một facebooker.
Cầu thủ có cái lý của mình, cần được tôn trọng, cớ sao chửi họ vô cớ, nghi ngờ họ làm kèo, diễn kịch? Chiều ngược lại, khán giả, CĐV, nhiều người cảm thấy bỏ tiền bạc lẫn lòng nhiệt tâm đến sân để đổi lấy sự bất bình.
Thế là tranh cãi, “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, có những mâu thuẫn không thể hàn gắn. Nghĩ cho cùng, cả hai bên đều đáng thương, khi lâu nay việc gắn kết giữa cầu thủ (đội bóng) và CĐV còn nhợt nhạt.
2. Sân khấu bóng đá chuyên nghiệp hoàn toàn không giống với sân bóng phong trào. Trận chung kết Cúp Nivea Men 2016 giữa Thành Đồng FC (Hà Nội) và Vinh Hiền 2 (TP.HCM), khán đài NTĐ Hồ Xuân Hương (Q.3), không còn một chỗ kín.
Giải bóng đá phủi Hà Nội (HPL) - được xem là điển hình tiên tiến, luôn kéo cả chục ngàn người đến sân mỗi buổi thi đấu, thiên hạ phải thán phục. Giải phong trào làm được thế, cớ sao giải chuyên nghiệp thì lại không thể?
Đến đây, tôi muốn kể một câu chuyện liên quan đến cái gọi là tình yêu bóng đá. Trận chung kết giải U16 Đông Nam Á, dù đội U16 Việt Nam thua đau Australia nhưng không một ai trong số hàng trăm CĐV và các phóng viên thể thao phải buồn mà trách cứ họ. Bởi đơn giản, đội đá thật, đá hết mình.
Trong số hơn 100 người theo chân thầy trò HLV Đinh Thế Nam bằng đường bộ hôm ấy, đến phân nửa chưa có hộ chiếu. Vậy bằng cách nào họ có thể xuất và nhập cảnh Hải quan ở cửa khẩu?!
Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, mỗi người không có hộ chiếu phải bỏ thêm 800 ngàn nữa (bên cạnh tiền vé) cho cò nhà xe, để "lo lót" thủ tục bắt buộc này. Còn may, Campuchia gần và giá cả sinh hoạt không quá cao, yêu và muốn cổ vũ bóng đá cũng cần phải có "điều kiện" chứ không đùa được.
Hỏi, những nhà làm bóng đá, các CLB và các cầu thủ, đã làm điều gì đó ý nghĩa ngược lại cho CĐV, cho người xem chưa? Bóng đá không có khán giả, không có người xem, tự nhiên sẽ chết dần, chết mòn. Khán giả mới là những người nuôi đội bóng, trực tiếp hay gián tiếp, chứ không phải các ông chủ.
Chúng ta đang xây dựng bóng đá chuyên nghiệp theo quy trình ngược, không mấy quan tâm đến khán giả. Thế nên, việc mấy vòng gần đây các khán đài sa sút khán giả đột biến, giải VĐQG bóng đá nữ chỉ vài nhúm khán giả, âu cũng hợp với luật nhân quả.