Tối 23/10, U17 Việt Nam có trận hòa 0-0 với U17 Kyrgyzstan ở bảng I vòng loại U17 châu Á 2025. Dĩ nhiên, kết quả này chưa thể khiến người hâm mộ hài lòng. Tuy nhiên, trái với hình ảnh có phần "vô hồn" trong thời gian gần đây của nhiều đội tuyển trẻ, U17 Việt Nam phần nào đó vẫn cung cấp những tình huống đủ sức hấp dẫn và mang đến hứng khởi cho người xem. Thay đổi ấy đến từ nỗ lực của HLV Cristiano Roland, các cộng sự và học trò.
Thầy ngoại lĩnh nhiệm vụ 'giải cứu' bóng đá trẻ
Nhiều tháng trước, thất bại 0-5 trước U16 Indonesia ở giải U16 châu Á khiến HLV Trần Minh Chiến phải rời chiếc ghế của mình. Thực ra, nhà cầm quân này không né tránh trách nhiệm. Ông hiểu đã đến lúc dừng lại. Cristiano Roland xuất hiện như một phương án thay thế quan trọng. Cựu trung vệ của Hà Nội FC bắt đầu công việc mới ở giải giao hữu Peace Cup 2024 trên đất Trung Quốc.
Thất bại nặng nề trước chủ nhà trong ngày ra quân khiến chỉ số niềm tin vào chiến lược gia người Brazil suy giảm đáng kể. Nhưng 2 chiến thắng liên tiếp trước Uzbekistan và Nhật Bản mở ra nhiều điều. Các cầu thủ trẻ tự tin hơn, bản thân HLV Cristiano Roland cũng hiểu rõ năng lực của từng học trò, bước đầu xây dựng triều đại của mình bằng những viên gạch vững chắc.
Cần hiểu rằng, người hâm mộ Việt Nam lúc này cần nhiều chiến thắng, thậm chí phải là chiến thắng "mãn nhãn". U23 Việt Nam bế tắc ở giải U23 châu Á. U20 Việt Nam bị loại, không có vé dự giải châu Á. U16 Việt Nam thua tan nát trước đối thủ "truyền kiếp" Indonesia. Chưa kể, đội tuyển quốc gia thi đấu không thành công, nhiều câu chuyện bên lề ảnh hưởng đến tâm lý trụ cột.
Vòng loại giải U17 châu Á 2025 là giải đấu quan trọng cuối cùng của bóng đá trẻ Việt Nam trong năm nay. Rõ ràng, nhiệm vụ của thầy trò HLV Roland là giành vé đến vòng chung kết. Sau trận hòa ngày ra quân, U17 Việt Nam vướng phải những chỉ trích nhưng không quá gay gắt. Cổ động viên vẫn nhìn thấy điểm sáng trong cách Lê Huy Việt Anh và đồng đội chơi bóng. Chiến thắng trên đất Phú Thọ lúc này chẳng khác nòa nào ốc đảo giữa sa mạc với dư luận vốn đang khát chiến thắng.
Thế khó của "thầy ngoại"
Câu chuyện cần được bắt đầu từ sau khi HLV Park Hang Seo chia tay bóng đá Việt Nam và ông Troussier lên nắm quyền. Liên tiếp thất bại ở SEA Games 32, Asian Cup 2023, vòng loại World Cup 2026 đẩy nhà cầm quân người Pháp khỏi chiếc ghế của mình. Khi đội bóng thất bại nặng nề, huấn luyện viên trưởng là người chịu trách nhiệm chính. HLV Troussier chấp nhận mất việc và chỉ đền bù vài tháng lương.
Nhưng phải đến khi HLV Kim Sang-sik dẫn dắt vài trận đấu của tuyển Việt Nam, sự thông cảm, sẻ chia và thái độ đảo ngược của người hâm mộ với ông Troussier mới xuất hiện nhiều hơn. Nhiều người đã nhận ra rằng muốn có được đội bóng mạnh, các huấn luyện viên cũng cần có cầu thủ tốt, xa hơn là phù hợp với triết lí bóng đá. Chất lượng cầu thủ giảm sút nghiêm trọng mới là nguyên nhân mang đến nhiều thất bại thời gian gần đây.
Với các cầu thủ lớn tuổi, họ dường như không còn nhiều động lực trên sân tập và trong quá trình thi đấu. Những khoản lót tay quá lớn biến họ trở thành triệu phú USD trong 1 đêm. Sự tận hiến vẫn còn, nhưng động lực và khát khao chơi bóng trong từng cầu thủ ở mức nào vẫn là câu hỏi mà chỉ họ mới có thể trả lời.
Trong khi đó, sau thế hệ của Văn Khang, Đình Bắc, Thái Sơn, bóng đá trẻ Việt Nam tỏ rõ sự khan hiếm về mặt nhân sự. Chẳng có nhiều cầu thủ trẻ cho thấy rằng mình sẽ là "của hiếm" như cách các đàn anh từng thể hiện. Gần đây nhất, nhìn nhiều pha xử lý bóng của U20 Việt Nam, người ta tự đặt câu hỏi rằng khi học trò đá như vậy, ông Hứa Hiền Vinh làm thế nào có thể nâng tầm đội bóng?
Thầy ngoại là biện pháp cứu vãn tình thế đúng đắn của VFF. Tuy nhiên, các nhà quản lý và đào tạo cần luôn nhớ rằng không có cầu thủ tốt, huấn luyện viên tài mấy cũng khó làm nên chuyện.