Vào đầu tháng này, Sudan đã giành quyền tham dự Giải vô địch các quốc gia châu Phi 2024 (CHAN) sau khi vượt qua Tanzania ở loạt luân lưu. Hôm 18/11, họ cũng hoàn thành vòng loại Cúp châu Phi 2025 (CAN Cup) với vị trí thứ hai bảng F, đồng nghĩa với tấm vé đến Morocco tranh tài vào cuối năm sau.
Cuối cùng là vòng loại World Cup 2026 . Hiện Sudan đang đứng đầu bảng B với 10 điểm, nhiều hơn 2 so với đội xếp sau Senegal. Vẫn còn 6 trận đấu nữa nhưng cánh cửa đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần đầu tiên đã vô cùng rộng mở với đội bóng có biệt danh Chim ưng Jediane.
Một loạt thành công không ngờ này đến trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo. Sudan không thể chơi các trận đấu sân nhà tại đất nước mình trong 19 tháng qua. Các sân vận động quanh thủ đô Khartoum cũng ngừng hoạt động từ lâu, trở thành hố chôn tập thể. Hầu như trước mỗi buổi tập của đội tuyển đều dành ra một phút mặc niệm, bởi người thân của cầu thủ nào đó mới chết.
Bi kịch bắt đầu vào tháng 4/2023, khi quốc gia Đông Bắc Phi này bị cuốn vào cuộc nội chiến khốc liệt giữa một bên là quân đội quốc gia do chính phủ lãnh đạo và một bên là lực lượng bán quân sự RSF. Theo ước tính của Hoa Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ), có tới 150.000 người đã thiệt mạng và 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Số người chết thực tế có lẽ còn lớn nhiều, khiến LHQ gọi đây là “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên trái đất”.
Vậy nhưng giữa súng đạn, giết chóc và nạn đói tràn lan, bóng đá vẫn tồn tại ở Sudan. Thậm chí, bóng đá gắn kết mọi người lại với nhau, mang đến động lực, niềm vui và hy vọng cho bức tranh u ám ở mảnh đất đau khổ nằm kề Biển Đỏ.
“Tôi vinh dự được đeo băng thủ quân, sau đó đại diện cho đất nước vào thời điểm khó khăn này”, Ramadan Agab, đội trưởng của ĐT Sudan nói với The Athletic khi đang ở trung tâm huấn luyện đặt tại Rabat, thủ đô Morocco, “Quê hương Sudan là tất cả đối với tôi. Mọi cảm xúc và suy nghĩ của tôi đều hướng về Sudan. Cố gắng làm cho đất nước hạnh phúc là một cảm xúc mà tôi không thể diễn tả được”.
Tiền vệ Abuaagla Abdalla thì cho biết: “Không chỉ là chơi bóng, chúng tôi còn đang gánh vác hy vọng của 40 triệu người dân Sudan, đồng thời đại diện cho họ trên toàn thế giới”. Thủ môn Mohammed, anh trai của Abuaagla nói thêm: “Ai cũng cổ vũ cho đội tuyển, bởi chúng tôi là biểu tượng của tự do”.
Theo HLV James Kwesi Appiah, trong thời gian tập trung đội tuyển, vài ngày lại có tin truyền đến, về việc ai đó trong đội vừa mất đi một thành viên trong gia đình. Sau quá nhiều lời an ủi lặp đi lặp lại, cùng những gì đã chứng kiến qua TV, ông quyết tâm biến nỗi đau thành động lực, thúc đẩy các học trò làm thế nào đó để mang lại chút niềm vui cho người dân ở quê nhà.
“Tôi đã nói với các cầu thủ, rằng tất cả cha mẹ, người thân của chúng ta ở Sudan, sẽ gác lại lo toan để xem trận đấu. Đây là cơ hội để làm họ vui”, Appiah chia sẻ. Bản thân Appiah cũng rất tham vọng. Lúc LĐBĐ Sudan mời ông làm HLV, ông hỏi về mục tiêu, họ nói muốn “ xây dựng đội bóng”. “Nếu chỉ vậy thì thôi”, Appiah nói, “Là HLV, tôi đặt ra mục tiêu phải đến CAN Cup hoặc World Cup”.
Thoạt đầu, không ai tin các mục tiêu này thành hiện thực. Họ từng là đội bóng mạnh của châu Phi, nhưng nó thuộc về quá khứ rất xa xôi (vô địch châu Phi năm 1970 cùng hai lần về nhì vào các năm 1959 và 1963). Từ năm 1978 đến nay, chỉ ba lần Sudan giành quyền tham dự CAN Cup. Với World Cup lại càng quá xa vời. Họ chưa khi nào nghĩ đến, dù chỉ trong mơ.
Thế nhưng mọi thứ đang dần được hiện thực hóa. Chim ưng Jediane làm nên hết chiến tích này đến chiến tích khác, bao gồm cả chiến thắng 2-0 trước gã khổng lồ Ghana trên hành trình tìm kiếm tấm vé tới World Cup 2026. Trận đấu này diễn ra tại Libya, nhưng như HLV Appiah nói với học trò, rằng “với tình hình ở quê nhà, chúng ta đâu có lựa chọn nào khác là chơi tại đó”, và rằng “đừng quan tâm có ai cổ vũ hay không, mà tập trung cho điều quan trọng nhất: làm thế nào để đi tới cái đích cuối cùng”.
Ngoài niềm vui với thành công của đội tuyển, những người dân Sudan cũng tìm thấy lối thoát từ bóng đá.
Sudan vốn có khoảng 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Cuộc nội chiến càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Theo Arif Noor, Giám đốc chương trình quốc gia Cứu lấy trẻ em Sudan, khoảng một nửa dân số cần viện trợ nhân đạo. Riêng trại tị nạn ở khu vực Bắc Darfur của Sudan ước tính hơn 700.000 trẻ em được dự đoán sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Việc người dân chạy trốn các cuộc xung đột đổ về ngày càng đông đã tạo nên áp lực lớn cho các trại tị nạn. Có thể họ tạm thời tránh được súng đạn, nhưng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men.
Trong tháng ngày chỉ cố gắng để tồn tại, bóng đá mang lại chút niềm vui nho nhỏ, ít nhất cũng có vài phút quên đi thực tại. Một vài đội bóng đã được thành lập ở các trại tị nạn, bên cạnh những lớp dạy bóng đá cộng đồng được mở ra.
Muhammad Munir Ibrahim, một người tị nạn ở trại Adre nói với The Athletic: “Nhiều người trong số chúng tôi đã chết trên đường. Chỉ có số ít sống sót và tới được đây. Tôi không tìm thấy lớp học nào để ghi danh, vậy nên chuyển sang chơi bóng đá, điều tích cực duy nhất trong hoàn cảnh hiện tại”.
Ngay cả những vùng chiến sự, bóng đá vẫn diễn ra bất chấp nguy cơ trúng bom hay pháo kích. “Thể thao nói chung luôn là nơi trú ẩn an toàn cho tất cả mọi người, riêng bóng đá có vai trò đặc biệt bởi người dân Sudan rất đam mê trò chơi này”, cựu tuyển thủ Sudan Awadallah cho biết, “Các cầu thủ nghiệp dư, từ trẻ đến già tụ họp và chơi tuần này qua tuần khác, dù rằng có thể bị kẹt giữa hai làn đạn hoặc dính pháo kích ngẫu nhiên”.
Các trận bóng chỉ bị gián đoạn nếu trận đấu của ĐT Sudan diễn ra. “Đội tuyển là nguồn hạnh phúc duy nhất mà người dân Sudan có được vào lúc này. Chúng tôi rất tự hào về họ và luôn cầu chúc họ sẽ thành công”, Awadallah nói, tiếng nói từ nơi địa ngục trần gian với tiếng súng không biết khi nào mới dừng, và cái chết thì luôn thường trực.