Bóng đá châu Âu: Tái xuất và hệ lụy tàn khốc

Đông Linh |

Pháp, Bỉ hay Hà Lan hủy bỏ giải vô địch quốc gia từ rất sớm giữa mùa đại dịch nhưng có lẽ tất cả sẽ chẳng nuối tiếc về quyết định này bởi đưa bóng đá trở lại không hẳn đã là điều tốt nhất.

LĐBĐ châu Âu (UEFA) cho đến nay mới chỉ hài lòng… một nửa, sau khi nhiều giải đấu hàng đầu được phép trở lại, như Đức, Tây Ban Nha và mới nhất là sân cỏ nước Ý. Đây là điều kiện tiên quyết để các cúp châu Âu có thể tiếp tục tranh tài, không phá vỡ cấu trúc và hệ thống thi đấu thường niên mà UEFA dày công xây dựng.

Tuy vậy, cho đến thời điểm này, UEFA cũng chưa nhận được phản hồi tích cực nào từ giới chức bóng đá Anh, những người đang rất lo lắng về quy định của chính phủ nước này buộc các đội thể thao quốc tế phải chấp nhận cách ly trong 2 tuần khi đặt chân đến xứ sở sương mù.

Nếu quy định này không được làm giảm nhẹ theo hướng chỉ xử lý các trường hợp phát hiện nhiễm mới và cho phép những người khỏe mạnh nhập cảnh, các trận đấu trong khuôn khổ vòng 1/8 Champions League và Europa League trên xứ sở sương mù khó lòng diễn ra như dự định, ảnh hưởng khủng khiếp đến cơ hội của Man City hay Man United, Wolverhampton, cũng chính là những ứng viên vô địch sáng giá nhất năm nay.

 Bóng đá châu Âu: Tái xuất và hệ lụy tàn khốc  - Ảnh 1.

Thủ môn Bernd Leno (Arsenal) mắng người gây ra chấn thương cho mình Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến với chiều hướng phức tạp, việc du di trong các biện pháp phòng chống là điều không thể. Câu chuyện đội bóng Rostov ở Giải Vô địch quốc gia Nga bị cách ly toàn bộ đội hình chính thức, phải tung lực lượng dự bị ra sân và thua với tỉ số khó tin 1-10 trước đối thủ Sochi FC kém mình 9 bậc trên bảng xếp hạng là ví dụ sinh động nhất về di họa của đại dịch.

Đại dịch không chỉ "tàn phá" mọi nơi nó đi qua mà còn để lại "di chứng" khủng khiếp khi các cầu thủ suy sụp thể lực tệ hại sau hàng tháng trời ròng rã tự rèn thể lực hoặc chỉ tập luyện toàn đội được ít ngày rồi được tung vội vã vào cuộc. 

Sau tròn 100 ngày bóng đá vắng bóng trên sân cỏ nước Anh, cầu thủ nổi tiếng "khỏe như voi" Granit Xhaka đá được đúng 8 phút rồi rời sân chỉ sau một va chạm nhẹ với đồng đội ở Arsenal. Tân binh Pablo Mari chỉ đá được 24 phút rồi bị thay thế cũng với lý do tương tự. Chỉ sau 2 trận, Arsenal mất luôn 3 chiến binh đến hết mùa giải, mới nhất là trường hợp thủ thành Bernd Leno sau pha va chạm không quá mạnh với một cầu thủ Brighton.

Yếu thể lực, các cầu thủ còn rơi vào tình trạng mất cảm giác bóng, khả năng tham chiến cũng mong manh hơn bao giờ hết. Một trung vệ đang được đề nghị gia hạn hợp đồng với Arsenal là David Luiz, chỉ vài chục phút có mặt trên sân đã "biếu không" cho đối thủ Man City 2 bàn thắng, còn chính mình nhận thẻ đỏ rời sân. 

Thủ thành De Gea (Man United) trong một thoáng mất tập trung đã dễ dàng để tiền đạo của Tottenham ghi bàn, dù anh khẳng định đã tìm lại được phong độ tốt nhất sau hơn 3 tháng cách ly.

Việc phải chơi bóng trong 6 tuần liên tiếp với mật độ dày đặc để "giải quyết" 92 trận đấu, các đội bóng Anh sẽ khép lại mùa giải trong trạng thái kiệt quệ tột cùng về thể lực lẫn tinh thần, bên cạnh việc nơm nớp lo lắng phải đối diện với nguy cơ chấn thương rất cao mà câu chuyện của 3 cầu thủ Arsenal hay cầu thủ 19 tuổi Eric Garcia của Man City phải nhập viện cấp cứu ngay sau trận mở màn vừa qua là minh họa sinh động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại