Bóng đá châu Âu chao đảo với Super League

Đông Linh |

Nhóm các đội bóng hàng đầu châu Âu đã quyết định tham gia European Super League (ESL), giải bóng đá có khả năng sẽ phá vỡ cấu trúc bóng đá cựu lục địa.

Đêm 18-4, trang chủ của 12 đội bóng gồm Man United, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City, Tottenham, AC Milan, Inter Milan, Juventus, Atletico Madrid, Barcelona​​, Real Madrid đồng loạt đăng tải thông báo về việc tham gia ESL, một giải đấu mới sẽ diễn ra vào dịp giữa tuần song song với việc các đội bóng này tiếp tục tham dự các giải vô địch quốc gia Anh, Ý và Tây Ban Nha.

Theo hãng tin BBC, Ngân hàng JP Morgan đã sẵn sàng giải ngân 4,6 tỉ bảng để làm chi phí ban đầu cho việc hình thành sân chơi bóng đá này, trong đó 15 đội bóng thành viên sáng lập (chờ kết nạp thêm 3 đội bóng nữa) sẽ được nhận khoản tiền "trợ cấp hạ tầng cơ sở" từ 89 triệu đến 310 triệu bảng mỗi đội.

15 đội là thành viên sáng lập cùng với 5 đội bóng đủ điều kiện tham dự từng mùa căn cứ theo thành tích thi đấu trong nước sẽ tham dự ESL, tranh tài từ tháng 8. Các đội dự kiến sẽ được chia thành hai bảng, mỗi bảng 10 đội và thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách.

Ba đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành quyền vào tranh tứ kết với hai suất còn lại được xác định bằng cách thi đấu play-off hai lượt giữa các đội xếp thứ tư và thứ năm mỗi bảng.

Bóng đá châu Âu chao đảo với Super League - Ảnh 1.

Sự xuất hiện của ESL sẽ làm thay đổi cơ chế bóng đá châu Âu Ảnh: DAILYMAIL

Thể thức thi đấu từ tứ kết quay về đấu loại trực tiếp hai lượt giống như Champions League còn trận chung kết chỉ đấu một lượt vào tháng 5 tại sân trung lập.

Những nhà sáng lập ESL cam đoan giải đấu sẽ mang về nhiều tiền hơn so với Champions League, điều mà các đội bóng cùng hướng đến khi doanh thu mùa đầu tiên của Super League dự kiến chạm ngưỡng 10 tỉ bảng. ESL thậm chí cũng sẽ được tổ chức dành cho các đội bóng nữ hàng đầu sau khi giải nam vào guồng.

Việc 12 "ông lớn" khẳng định việc ly khai UEFA, đồng thời kêu gọi thêm nhiều đội bóng khác tham dự ESL chẳng khác nào cơn địa chấn làm rung chuyển làng cầu châu Âu chỉ một ngày trước khi UEFA dự kiến công bố phương án cải cách hai cúp châu Âu kể từ mùa giải 2024, theo đó Champions League sẽ có 36 đội tham dự kèm theo nhiều quyền lợi hơn cho các CLB tham dự.

Bảo vệ quan điểm của mình, "Liên minh ESL" cho rằng những cải cách của UEFA hoàn toàn chưa đủ trong tình hình mới, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã "đẩy nhanh sự bất ổn trong mô hình kinh tế bóng đá châu Âu hiện có".

Nhiều cuộc đối thoại đã diễn ra giữa các bên liên quan về thể thức thi đấu của bóng đá châu Âu trong tương lai nhưng các giải pháp của UEFA được cho là không giải quyết được các vấn đề cơ bản, bao gồm cả việc nâng chất các trận đấu.

UEFA dọa cấm những cầu thủ thi đấu ở Super League không được tham dự EURO và các giải chính thức khác còn FIFA cũng "tiếp sức" bằng việc cấm tiếp những cầu thủ này tranh tài ở World Cup. Các chính trị gia hàng đầu cũng nhanh chóng nhập cuộc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng sự xuất hiện của ESL sẽ "rất tổn hại cho bóng đá" còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẵn sàng hoan nghênh nếu các đội bóng Pháp từ chối tham gia.

Dư luận người hâm mộ châu Âu, kể cả lực lượng CĐV trung thành của chính 12 đội bóng tham dự ESL, đã mạnh mẽ phản đối "liên minh ly khai" mà đứng đầu là Florentino Perez (chủ tịch CLB Real Madrid) cùng các cấp phó của ông này là Andrea Agnelli (chủ tịch Juventus) và Joel Glazer (đồng chủ tịch Man United).

HLV Mourinho mất việc ở Tottenham

Sáu ngày trước khi cùng Tottenham đá chung kết League Cup với Man City, HLV Jose Mourinho hôm 19-4 bất ngờ nhận quyết định sa thải dù hợp đồng với "Gà trống" còn hiệu lực đến năm 2023.

Thành tích thi đấu kém cỏi của Tottenham, trong đó có việc bị loại khỏi Europa League cũng như sắp hết hy vọng giành vé dự cúp châu Âu mùa tới, khiến "Người đặc biệt" mất việc sớm. 18 tháng không thành tích nhưng Jose Mourinho sẽ nhận khoản đền bù không dưới 30 triệu bảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại