Tại hội thảo Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt, đã có rất nhiều tham luận được đưa ra về toàn cảnh golf Việt Nam. Đáng chú ý chính là phần chia sẻ của nhà sáng lập GolfEdit, The Golfers - BLV Nam Giang về quy hoạch sân golf, định hướng tương lai và chiến lược phát triển phù hợp cho thị trường sân golf Việt.
Trong phần trình bày rất chi tiết và đầy đủ, ông Nam Giang đã chia sẻ sự tăng trưởng sân golf Việt Nam trong thời gian qua và đã có thống kê về sân golf của 3 miền Bắc Trung Nam ở thời điểm hiện tại. Việc gần đây bùng nổ quy hoạch sân golf là một điểm sáng, khích lệ mạnh mẽ tinh thần đầu tư và hướng sự quan tâm đến thị trường golf Việt. Động lực khiến các sân golf liên tục được quy hoạch xuất phát từ Nghị định số 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ khi các tỉnh sẽ được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương thay vì theo định hướng quy hoạch quốc gia như trước đây. Chính vì vậy, nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đã và đang tận dụng cơ hội mở cửa chính sách để kêu gọi, thu hút đầu tư hệ sinh thái sân golf từ các tập đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên BLV Nam Giang cho biết vẫn còn nhiều thách thức: “Từ câu chuyện quy hoạch đến việc xây dựng, đầu tư và hình thành nên sân golf đưa vào sử dụng vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Đầu tiên chính là nguồn đầu tư rất lớn cần huy động và vẫn còn rất nhiều thủ tục đảm bảo quy định pháp lý không dễ dàng thực hiện. Việc vẫn chưa thể chủ động được nguồn cung đầu vào để xây dựng sân golf từ cỏ, thiết bị máy móc, vận hành và phải nhập khẩu nước ngoài đã khiến cho đầu vào có chi phí rất cao. Chưa kể các sân golf mở ra vẫn phải đáp ứng nhu cầu việc làm cho địa phương, trong đó việc làm cho caddie là một phần phí không nhỏ nằm trong giá chơi golf. Ngoài ra việc chịu các loại thuế trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tác động lớn đến giá thành. Do vậy để phát triển golf ở Việt Nam vẫn là một ngành ngoài cần điều kiện rất chi tiết, quy định nghiêm ngặt thì còn là một ngành cần khoản đầu tư khổng lồ. Đây là những thách thức không nhỏ khiến cho việc từ quy hoạch trở thành thực tiễn vẫn còn có một khoảng cách lớn”.
Ông Nam Giang cũng bổ sung thêm: “Thách thức tiếp theo nữa chính là ở thu nhập bình quân của người dân Việt Nam theo danh nghĩa vẫn ở mức thấp trong khu vực mặc dù đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua. Số lượng người chơi golf vẫn nằm trong nhóm người có điều kiện và thực sự đam mê với bộ môn này. Và để thu hút nhiều người chơi golf hơn thì việc đầu tiên mà nhiều chuyên gia nhận định cần phải hạ được mức giá chơi golf xuống thấp hơn. Điều này có vẻ bị mâu thuẫn với chính việc kinh doanh của các sân golf nơi đầu vào đầu tư của họ đang là rất lớn. Thực tế nhiều sân golf ở Việt Nam mặc dù có mức thu phí người chơi ngang ngửa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nơi có thu nhập cao gấp đôi, gấp ba lần chúng ta nhưng vẫn kêu lỗ hay chỉ hoà vốn”.
Mặc dù vậy theo ông Nam Giang thì golf Việt vẫn đang trong đà tăng trưởng và các sân golf mới sẽ tiếp tục được khai trương trong thời gian tới. Vậy câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần khoảng bao nhiêu sân golf? Ông Nam Giang chia sẻ: “Thị trường Golf của chúng ta đi sau rất nhiều các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới nhưng tôi thấy đó cũng là một điểm lợi khi chúng ta có cơ hội để học hỏi họ và tránh những bài học đắt giá trong quy hoạch và phát triển sân golf. Nhật Bản là một ví dụ rất tiêu biểu về xây dựng quá nhiều các sân golf và rồi ngành công nghiệp sân của họ gặp bế tắc, bắt buộc phải chuyển đổi với nhiều biện pháp để duy trì. Với như tốc độ hiện tại, mỗi năm Việt Nam đang có khoảng từ 3-6 sân golf mới thì từ nay đến 2030 thì có thêm được 30-40 sân golf mới được xây dựng và đi vào hoạt động. Một con số lý tưởng theo tôi là dao động từ 90-110 sân golf ở Việt Nam có thể được coi là một con số hiện thực từ nay đến 2030”.
Về định hướng phát triển sân golf của Việt Nam ông Nam Giang nhấn mạnh: “Để cạnh tranh giá rẻ với các quốc gia như Thái Lan theo tôi không phải là chiến lược đúng đắn nếu dựa vào thực tế. Đã có những hội thảo kêu gọi việc bỏ hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành golf theo tôi là cũng khó thực hiện ngay bởi thuế vẫn là công cụ điều tiết nhằm tránh sự tăng trưởng nóng và các đơn vị chưa có một bài toán chứng minh thuyết phục được việc giảm thuế này sẽ mang đến được lợi ích thực sự hài hoà, cụ thể rõ ràng. Sân golf ở Việt Nam nói riêng và ngành golf nói chung theo quan điểm của tôi thì không cần phải đi tắt đón đầu, như chạy đua về mặt số lượng nhưng thay vào đó hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến đẳng cấp trải nghiệm sân golf hàng đầu trên thế giới. Phát triển bền vững, chắc chắn và có sự đồng bộ về hệ sinh thái là điều phù hợp. Đất nước chúng ta có quá nhiều cảnh quan đẹp tuyệt vời với bờ biển dài hàng ngàn km. Ẩm thực, văn hóa đa dạng nhiều màu sắc cùng con người thân thiện và hòa đồng luôn ghi dấu ấn trong lòng bè bạn. Việt Nam không thiếu những khu nghỉ dưỡng, du lịch đẳng cấp mà ngoài chơi golf, thì các golfer có thể trải nghiệm những dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe”.
Về tầm nhìn dài hạn, ông Nam Giang cũng chia sẻ thêm: “Một hướng phát triển mới trong xây dựng sân golf của các chủ đầu tư ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai đó chính là phát triển xanh. Đây là một tầm nhìn dài hạn không chỉ vì kinh doanh lợi nhuận trước mắt mà còn vì môi trường, vì giá trị để lại cho thế hệ sau này. Rất nhiều sân golf tại Việt Nam đã chuyển đổi sang dùng loại cỏ mới có khả năng chịu hạn tốt, thân thiện môi trường và không làm tiêu tốn nhiều nước cũng như cả phân bón. Ngoài ra nhiều sân golf đã sử dụng cả nguồn năng lượng xanh như pin mặt trời để cung cấp điện cho sân. Hay cũng nhiều sân golf khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường từ tee gỗ đến các cốc dùng bằng giấy hoặc golfer tự mang cốc nước của mình….Rõ ràng định hướng phát triển xanh đang là xu thế mà các sân golf của Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài cuộc”.