*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
"Hướng đi của nước Mỹ" là chủ đề lớn thứ hai trong phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Donald Trump và Hillary Clinton vào tối 26/9 (giờ địa phương).
Lester: Bà nói rằng chúng ta cần làm mọi việc trong khả năng để cải thiện năng lực cảnh sát, qua đó đánh thẳng vào vấn đề phân biệt đối xử ngầm. Bà có nghĩ rằng cảnh sát hiện nay phân biệt đối xử ngầm đối với người da đen hay không?
Clinton: Tôi cho rằng phân biệt đối xử ngầm là một vấn đề với tất cả mọi người, không chỉ cảnh sát. Quá nhiều người trong chúng ta đi đến kết luận quá sớm khi đánh giá người khác. Và do đó tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần phải nghiêm túc tự đặt ra câu hỏi, tại sao tôi lại cảm thấy như vậy?
Nhưng khi đề cập đến vấn đề năng lực cảnh sát, một khía cạnh có ý nghĩa và hệ quả mang tính sống còn, thì như tôi đã nói, trong gói ngân sách đầu tiên tôi phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ đầu tư vào việc hỗ trợ giải quyết vấn đề phân biệt đối xử ngầm, bằng việc tái huấn luyện đại đa số sĩ quan cảnh sát.
Vài tuần trước, tôi có nói chuyên với một nhóm các cảnh sát trưởng đầy kinh nghiệm và có năng lực. Họ cũng thừa nhận phân biệt đối xử ngầm là một vấn đề.
Họ có rất nhiều mối quan ngại. Vấn đề thần kinh là một trong những quan ngại lớn nhất, bởi ngày nay cảnh sát đang phải đối mặt với rất nhiều kẻ có vấn đề về thần kinh. Họ muốn có được sự ủng hộ. Họ muốn được huấn luyện thêm. Họ muốn được trợ giúp. Và tôi cho rằng chính phủ có thể làm được điều đó.
Trump: Tôi muốn được phản hồi về vấn đề này. Thứ nhất, tôi đồng tình, và rất nhiều người trong đảng của tôi muốn trao một số quyền nhất định cho những người trong diện theo dõi và diện cấm bay.
Tôi nói điều này dù đã có được sự bảo trợ của NRA (Hiệp hội Súng trường Mỹ - PV), nhưng chúng ta phải xem xét hết sức kĩ lưỡng những người này, dù họ có xứng đáng bị liệt vào danh sách đó không, chúng ta sẽ giúp họ ra khỏi danh sách, nhưng tôi đồng ý [với việc không thể bán súng cho họ].
Về vấn đề kiểm soát đột xuất, có lẽ động cơ chính trị là lý do khiến bà không dám nói về vấn đề này, nhưng tôi không cho rằng... Ở New York chúng ta có 2200 vụ ám sát mỗi năm và từ sau khi áp dụng kiểm soát đột xuất con số này giảm xuống còn 500.
500 vụ ám sát vẫn là rất nhiều, nhưng chúng ta đã giảm từ 2200 xuống 500 dưới thời Thị trưởng Bloomberg. Nhưng Thị trưởng đương nhiệm lại bãi bỏ chính sách này. Vậy nên bà không thể nói rằng chính sách này không có tác dụng, vì nó có tác dụng, tác dụng rất, rất lớn.
Clinton: Công bằng mà nói, nếu chúng ta so sánh giữa các Thị trưởng với nhau, thì dưới thời Thị trưởng đương nhiệm, tỉ lệ phạm tội vẫn tiếp tục giảm, trong đó có cả số lượng các vụ ám sát.
Trump: Bà nhầm rồi.
Clinton: Tôi không hề nhầm.
Trump: Số vụ ám sát đã tăng. Kiểm tra mà xem.
Clinton: Tôi đánh giá cao nỗ lực của cả hai thị trưởng, cả hai cảnh sát trưởng, bởi những gì họ làm đã phát huy tác dụng. Và những cộng đồng khác cần ngồi lại với nhau và học hỏi từ những gì đã phát huy tác dụng. Tôi cho rằng dù chỉ một vụ ám sát cũng là quá nhiều.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta học hỏi từ những gì đã phát huy tác dụng, chứ không phải từ những gì nghe qua có vẻ ổn nhưng không có tác dụng như mong muốn.
Chẳng ai không muốn đảm bảo an toàn cho các cụm dân cư cả, nhưng cũng chẳng ai phản đối việc tôn trọng quyền lợi của những thanh niên sinh sống tại các cụm dân cư này.
Vậy nên chúng ta cần làm tốt hơn việc hợp tác với các cộng đồng, các cộng đồng tôn giáo, cộng đồng kinh doanh, cũng như cảnh sát, để cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Lester: Xin nhắc lại, đây là phần tranh luận về sắc tộc.
Trump: Tôi muốn được phản hồi.
Lester: Xin mời ông.
Trump: Cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã quá thất vọng với giới làm chính trị. Những người đến mùa tranh cử như lúc này đây thì nói rất hay, nhưng sau mùa tranh cử thì hẹn 4 năm sau gặp lại nhé. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã bị đảng Dân chủ và giới làm chính trị lợi dụng để lấy những lá phiếu từ họ.
Các chính trị gia đã kiểm soát các cộng đồng này trong suốt một thế kỉ qua. Nếu nhìn vào khu vực nội thành, Detroit, Philadelphia, tôi đã tới khắp mọi nơi. Tôi đã gặp những con người vĩ đại nhất trong những cộng đồng ấy, và họ rất, rất thất vọng với những gì giới chính trị gia đã nói với họ và những gì giới chính trị gia làm được cho họ.
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Clinton: Tôi nghĩ Donald vừa chỉ trích tôi chỉ vì tôi chuẩn bị cho cuộc tranh luận này. Và đúng là tôi đã chuẩn bị. Và ông biết tôi còn chuẩn bị làm gì nữa không? Làm Tổng thống. Và tôi nghĩ đó là một việc làm đúng đắn.
Thưa ông Trump, trong 5 năm qua ông đã tuyên truyền một cáo buộc sai sự thật rằng Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ không phải cư dân sinh ra tại đây. Ông đã nghi ngờ tính hợp pháp của ông ấy.
Rồi trong vài tuần qua ông đã thừa nhận điều mà đa phần người Mỹ đã thừa nhận từ hàng năm trước, Tổng thống sinh ra tại Mỹ. Ông có thể cho chúng tôi biết tại sao ông mất bao lâu mới thừa nhận điều đó không?
Trump: Tôi sẽ nói cho bà biết, rất đơn giản thôi. Sidney Blumenthal làm cho chiến dịch tranh cử của bà, và là bạn rất thân của bà. Còn Patty Doyle, quản lý chiến dịch của bà khi tranh cử với Obama, khi đó đã trả lời phỏng vấn Wolf Blitzer (phóng viên chính trị nổi tiếng của CNN - PV) và nghi ngờ về xuất xứ của Obama.
Blumenthal sau đó cử McClatchy, một phóng viên được đánh giá cao, tới Kenya để tìm hiểu về vấn đề này.
Họ đã đẩy vụ việc lên cao trào, nhưng không thể ép Obama trình ra giấy khai sinh. Khi tôi tham gia vào, tôi đã ép ông ta phải công khai giấy khai sinh. Vậy nên tôi cảm thấy thỏa mãn.
Vì sao tôi thấy thỏa mãn ư? Vì tôi muốn xong đâu vào đấy thì tập trung vào đánh bại IS. Xong đâu vào đấy thì tạo công ăn việc làm. Xong đâu vào đấy thì xây dựng biên giới vững mạnh. Bởi tôi muốn xong đâu vào đấy thì tập trung vào những việc quan trọng đối với tôi, và quan trọng đối với đất nước.
Lester: Tôi muốn hỏi là giấy khai sinh đã được [ông Obama] công khai vào năm 2011. Nhưng sau đó ông vẫn tuyên truyền về việc Tổng thống sinh ra tại Kenya và nghi ngờ tính xác thực trong suốt các năm 2012, 2013, 2014, 2015, và gần đây nhất là tháng Một năm nay. Vậy điều gì đã khiến ông thay đổi quan điểm?
Trump: Thì không ai thúc đẩy việc làm rõ cả. Không ai quan tâm đến điều này. Nhưng tôi là người đã buộc họ phải công khai giấy khai sinh, và tôi nghĩ tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cựu Ngoại trưởng Clinton cũng tham gia mà, ai cũng sẽ nói rằng điều đó là không chính xác. Nhưng sự thật là vậy đấy. Sidney Blumenthal đã cử phóng viên đến.
Hãy xem lại CNN đi, xem lại đoạn phỏng vấn với cựu quản lý chiến dịch của bà đi, bà có liên quan đấy. Nhưng cũng giống như việc bà không thể mang về công ăn việc làm cho nước Mỹ, bà cũng chẳng làm được gì trong vụ này.
Lester: Bà Clinton, tôi sẽ để bà phản hồi. Nhưng xin nhắc lại rằng chúng ta đang muốn nói tới vấn đề hàn gắn mâu thuẫn sắc tộc trong phần này.
Clinton: Vâng, hãy nghe ông ta nói mà xem. [Cười lớn]. Rõ ràng, đúng như Donald vừa thừa nhận, ông ta biết khi đứng trên sân khấu này và Lester Holt hỏi về vấn đề sắc tộc, ông sẽ tìm cách lảng tránh, nhưng đâu có dễ vậy.
Sự thật là ông ta đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình dựa trên lời nói dối đầy tính phân biệt chủng tộc rằng Tổng thống da đen đầu tiên của chúng ta không phải công dân Mỹ.
Không hề có bất kì một bằng chứng nào cho thấy điều đó, nhưng ông ta cứ thế tuyên truyền.
Sở dĩ ông ta cứ lặp đi lặp lại luận điệu này trong nhiều năm bởi một bộ phận người ủng hộ ông ta dường như tin hoặc tự ép mình tin vào điều đó. Nhưng hãy nhớ rằng, khi Donald bắt đầu sự nghiệp vào năm 1973, ông đã bị Bộ Tư pháp kiện về việc phân biệt chủng tộc khi không cho phép người Mỹ gốc Phi thuê nhà tại các khu chung cư do ông sở hữu, và ông ta cũng nhắc nhở tất cả những người làm việc cho mình phải nhớ rõ đấy là chính sách phải tuân thủ.
Thực chất ông ta đã bị Bộ Tư pháp kiện tới hai lần. Do đó có thể thấy ông ta có tiền sử phân biệt chủng tộc. Và vụ nơi sinh của Tổng thống Obama là một lời bịa đặt gây tổn thương sâu sắc. Các bạn biết đấy, Barack Obama là một người có phẩm cách rất thanh cao, và tôi có thể thẩy rõ lời bịa đặt kia khiến ông ấy phiền lòng đến mức nào.
Nhưng tôi muốn nhắc đến lời của Michelle Obama trong bài phát biểu tuyệt vời của bà tại đại hội đảng Dân chủ. "Khi đối phương tìm cách chơi xấu, ta vẫn phải kiêu hãnh ngẩng cao đầu" (When they go low, we go high). Và Barack Obama vẫn kiêu hãnh ngẩng cao đầu, mặc cho những chiêu trò của Donald Trump tìm cách kéo ông xuống.
Lester: Thưa ông Trump, ông có thể phản hồi. Sau đó chúng ta sẽ chuyển sang phần tiếp theo.
Trump: Tôi xin được phản hồi. Thứ nhất, tôi đã được xem cái cách mà bà chuẩn bị trước khi tranh luận với Barack Obama. Bà đối xử với ông ta chẳng ra gì. Và rồi tôi xem cái cách mà bà nói về việc mọi thứ tốt đẹp ra sao, hay bà tuyệt vời như thế nào.
Bà đã tìm mọi cách bêu xấu Obama -- bà và bộ sậu tranh cử của bà thậm chí còn phát tán bức ảnh của Obama trong cái bộ trang phục ấy, bức ảnh rất nổi tiếng còn gì. Tôi nghĩ bà không thể phủ nhận điều đó đâu.
Bức ảnh về ông Obama mà Donald Trump đề cập.
Mới tuần trước thôi, quản lý chiến dịch tranh cử của bà còn thừa nhận điều đó. Vì thế nên bà đừng có tỏ ra thanh cao, không có tác dụng đâu.
Còn về vấn đề kiện tụng, đúng, khi đó tôi còn trẻ. Tôi vào công ty của cha mình, và không chỉ có công ty của tôi mà còn nhiều công ty khác trên khắp đất nước cũng bị kiện, đó là một vụ kiện liên bang. Chúng tôi đã giải quyết vụ kiện mà không phải thừa nhận sai phạm.
Tôi sẽ đi xa hơn một bước. Ở Palm Beach, Florida, một cộng đồng khó nhằn, nhưng là một cộng đồng tuyệt vời và giàu có, có lẽ là cụm dân cư giàu có nhất trên thế giới này, tôi đã mở một sân golf ở đây và được đánh giá rất cao.
Không hề phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Phi, không hề phân biệt đối xử người Hồi giáo, hay bất kì ai. Đó là một sân golf cực kì thành công. Và tôi rất mừng vì đã xây lên nó, và được đánh giá rất cao. Tôi rất tự hào về nó. Thực sự tôi cảm thấy vậy.