Toà Trọng tài xem xét đến quyền
hưởng các vùng biển và quy chế của các cấu trúc. Trước tiên, Toà tiến hành đánh
giá liệu một số bãi do Trung Quốc yêu sách có nổi khi thuỷ triều lên đỉnh hay
không.
Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với
lãnh hải 12 hải lý trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không
tạo ra quyền như vậy.
Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ
do việc bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu
trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để
đánh giá các cấu trúc.
Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào
trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm
vi 12 hải lý không.
Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải
lý và thềm lục địa nhưng các "đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có
đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".
Toà
kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc
khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định
hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài
hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác.
Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt
của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên
ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc.
Toà cũng thấy rằng các bằng
chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được
sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai
thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản.
Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn
hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt
động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác.
Theo đó, Toà
kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng
biển mở rộng.
Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau
tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Trên cơ sở kết luận không một
cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế,
Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên
bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì
không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể
có.