Theo Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Quân đội Belarus thừa hưởng kho vũ khí khá tốt từ thời Liên Xô, cùng nền công nghiệp quốc phòng có thể coi là đứng thứ ba trong khối SNG.
Belarus là một trong một số ít các quốc gia thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) sở hữu một lực lượng vũ trang thật sự tốt trong suốt một thời gian dài kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Trong 7 lần tham gia Tank Biathlon, đội tuyển Belarus luôn nằm trong Top 4, trong đó có 1 lần giành huy chương Bạc và 2 lần giành huy chương đồng (không tính năm 2013). Đó là một thành tích đáng nể với một quân đội không lớn lắm.
Trước hết cũng như LB Nga, Belarus được thừa hưởng khá nhiều từ quân đội Liên Xô trước đây cả về nền tảng tinh thần, cơ cấu tổ chức, trang bị vũ khí (TBVK), hạ tầng cơ sở phục vụ huấn luyện - sẵn sàng chiến đấu.
Bởi vậy sẽ có nhiều thuận lợi khi luyện tập chuẩn bị dự thi. Sở dĩ, đội tuyển Belarus đạt được thành tích kể trên bởi họ sở hữu những thuận lợi rất cơ bản.
Theo Sputnik, tại vùng Brest, Belarus đã thiết kế một thao trường chuyên biệt phục vụ cho huấn luyện xe tăng và xe chiến đấu bộ binh dự thi Army Games. Ngoài ra, về khí hậu, thời tiết của Belarus cũng cơ bản giống như khu vực thao trường Alabino của Nga.
Đặc biệt, Belarus cũng là 1 trong 2 nước (cùng với Trung Quốc) tự mình đem xe tăng tới dự thi chứ không sử dụng xe của Ban tổ chức cho mượn.
Với lực lượng xe tăng tương đối hùng hậu, hiện đại và nền công nghiệp quốc phòng hiện đại cộng với quan hệ thân thiện với Nga, Belarus đã tiến hành hiện đại hóa một số xe tăng T-72 có trong biên chế từ lâu lên chuẩn T-72B3 với tên gọi T-72BME (theo Sputnik tiếng Việt).
T-72BME (còn gọi là T-72B3 model 2016) là một phiên bản nâng cấp sâu dựa trên xe tăng T-72B3 nhưng cải tiến vượt trội về hệ thống giáp bảo vệ. Đó chính là những chiếc xe tăng được đội tuyển Belarus mang tới Tank Biathlon.
Xe cơ bản vẫn giữ nguyên cấu hình như T-72B3 nhưng bên ngoài các khối giáp phản ứng nổ Kontakt-5 thì xe còn được bổ sung thêm các giáp phản ứng nổ Reklit ở phía hai bên hông tháp pháo và hông xe, nâng cao khả năng bảo vệ. Đuôi xe và cửa xả động cơ được bọc kín bằng giáp lồng giúp có thể chống được đạn chống tăng RPG.
Việc gia tăng giáp khiến cho xe khối lượng của xe tăng lên. Tuy nhiên, do sử dụng loại động cơ mới, V-92S2F có công suất 1.130 mã lực nên vẫn đảm bảo công suất riêng lên tới 25,4 mã lực/tấn. Bên cạnh đó, hộp số sàn cũng được thay bằng hộp số tự động.
Các yếu tố trên cho phép T-72BME có khả năng vượt vật cản và tốc độ cơ động khá cao. Trên thực tế, nhìn những chiếc T-72BME của Belarus thi đấu thấy nó hoàn toàn ngang ngửa với những chiếc xe hàng thửa của đội chủ nhà cũng như Type-96B của Trung Quốc.
Về mặt nhân sự, với đội ngũ quân nhân phục vụ theo chế độ hợp đồng đông đảo, việc tuyển chọn thành viên đội tuyển có trình độ chuyên môn cao với Belarus không quá khó khăn. Về thể hình người Belarus hoàn toàn phù hợp với T-72BME. Về thể lực nhìn chung rất tốt, lại quen với thời tiết khí hậu cũng là một thuận lợi.
Về mặt tinh thần, tâm lý thi đấu của các tuyển thủ, có thể thấy các tuyển thủ Belarus có tâm lý thi đấu rất ổn định. Dù thứ hạng thế nào hoặc dù có tình huống gì xảy ra vẫn thấy họ thi đấu một cách rất bình tĩnh, không có biểu hiện nôn nóng.
Với những thuận lợi kể trên, đội tuyển Belarus đã thường xuyên nằm trong Top 4 từ khi tham gia giải đấu đến nay.
Tuy nhiên, dường như các tuyển thủ Belarus còn thiếu sự đột phá trong thi đấu, chưa phát huy hết khả năng của xe T-72BME nên chưa tạo ra sự đột biến về mặt kết quả. Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng TBVK cũng chưa thật thành thục, đã có lần để động cơ bị quá nhiệt, phải thay xe.
Mặc dù vậy, đội tuyển xe tăng Belarus vẫn là một đối thủ "đáng nể" không chỉ với đội tuyển Việt Nam mà với tất cả các đội tuyển tham gia giải đấu.