Cập nhật lúc

1.499.940 liều vaccine Pfizer bay thẳng từ Mỹ tới Việt Nam - WHO tháo rào cản, Sputnik V sắp được chấp thuận

Theo worldometers.info, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do COVID-19 vẫn là Mỹ, đứng thứ 2 là Ấn Độ và ở vị trí thứ 3 là Brazil.

1.499.940 liều vaccine Pfizer bay thẳng từ Mỹ tới Việt Nam - WHO tháo rào cản, Sputnik V sắp được chấp thuận
23
 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  •  

    Việt Nam nhận 1.499.940 liều vaccine Pfizer do Hoa Kỳ trao tặng từ COVAX

    Hoa Kỳ đã trao tặng thêm 1.499.940 liều vaccine Pfizer-BioNTech nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với COVID-19.  Lô vaccine này được bàn giao thông qua cơ chế COVAX và được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy của Pfizer tại thành phố Kalamazoo, bang Michigan, Hoa Kỳ. Số vaccine này tiếp nối ba đợt trao tặng trước đó mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX với tổng cộng 6 triệu liều vaccine.

    Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, dựa trên nền tảng là mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia và nguồn hỗ trợ của Hoa Kỳ trị giá hơn 1 tỷ USD trong những năm qua nhằm giúp Việt Nam phát triển hạ tầng y tế. Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vaccine, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Hoa Kỳ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.   

    Ngoài 7,5 triệu liều vaccine mà Hoa Kỳ trao tặng thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đã nhận 4.176.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX. Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành, và UNICEF đóng vai trò đối tác phân phối chủ chốt. Hoa Kỳ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho cơ chế COVAX, và thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp 4 tỷ USD để hỗ trợ COVAX mua và phân phối vaccine COVID-19 tới 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp.

    Vào tháng 6, Tổng thống Biden đã công bố Hoa Kỳ sẽ mua và trao tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp và Liên minh châu Phi. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về COVID-19 ngày 22 tháng 9 vừa qua, Tổng thống công bố một cam kết mạnh mẽ mới, theo đó Hoa Kỳ sẽ cung ứng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer, đưa tổng số vaccine mà Hoa Kỳ cam kết trao tặng lên hơn 1,1 tỷ liều.

    Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 160 triệu liều vaccine COVID-19 cho 100 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao tặng vaccine trên toàn cầu khi có thêm nguồn cung. Chúng tôi cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất vaccine của Hoa Kỳ nhằm tăng nguồn cung cho toàn thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác nhằm mở rộng năng lực sản xuất vaccine trên toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch này.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    WHO dỡ bỏ rào cản để phê duyệt Sputnik V

    Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko hôm 2/10 cho biết, vaccine Sputnik V chống lại Covid-19 đang trên đường chờ dấu chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

    "Tất cả các rào cản đã được dỡ bỏ cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi không thấy bất kỳ trở ngại nào trong quá trình tiếp tục công việc của mình. Điều này đã được Tổng giám đốc WHO xác nhận. Tất cả các vấn đề đã được giải quyết. Bây giờ công ty đăng ký vaccine với WHO cần phải ký một số tài liệu và cung cấp thêm các thủ tục giấy tờ. Và đó chỉ là một thủ tục hành chính."

    Bộ trưởng cũng đề cập đến khả năng công nhận chứng chỉ vaccine lẫn nhau giữa Nga và Mỹ.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Hồng Kông đặt hàng thuốc chống Covid-19

    Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Hồng Kông đang trong quá trình sản xuất viên thuốc Covid-19 đầu tiên trên thế giới, loại thuốc mà các nhà sản xuất tuyên bố có thể giảm một nửa số ca nhập viện và tử vong.

    Các nguồn tin nói với SCMP rằng, các cơ quan y tế đã lên kế hoạch mua hàng trăm liệu trình thuốc kháng virus sau khi gã khổng lồ dược phẩm MSD và đối tác Ridgeback Biotherapeutics công bố kết quả đầy hứa hẹn từ các thử nghiệm của họ.

    "Cơ quan quản lý bệnh viện có kế hoạch mua 500 liệu trình cho bệnh nhân, nhưng họ cũng đang suy nghĩ có thể mua thêm nhiều hơn nữa," Giáo sư David Hui Shu-cheong, cố vấn Covid-19 của khu vực cho biết hôm 2/10.

    Ông tiết lộ, giá thuốc cho mỗi liệu trình của 1 bệnh nhân là 700USD.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Mỹ chờ dữ liệu của Israel để tìm hiểu nguy cơ viêm cơ tim sau mũi 3 vắc xin Pfizer

    Giới chức y tế Mỹ hy vọng sẽ sớm tiếp cận dữ liệu của quân đội Israel nhằm làm rõ nguy cơ xuất hiện tình trạng viêm cơ tim ở người trẻ tuổi trong trường hợp tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 của Hãng Pfizer/BioNTech.

    Nguy cơ xảy ra tình trạng viêm cơ tim sau khi tiêm 2 mũi vắc xin mRNA của cả Pfizer/BioNTech và Moderna khá hiếm, đa số ở nam thanh niên, và lợi ích của việc tiêm vắc xin hoàn toàn vượt trội so với việc không tiêm phòng. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ đang nỗ lực tìm hiểu rõ hơn nguy cơ này ở người trẻ tuổi.

    "Câu hỏi được đặt ra là chúng ta chưa có câu trả lời chính xác về dữ liệu an toàn liên quan đến vắc xin mRNA ở giới thanh niên, cụ thể là chứng viêm cơ tiêm sau khi chủng ngừa", Hãng Reuters hôm 2.10 dẫn lời tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn Y tế Trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    "Israel sẽ sớm thu thập dữ liệu cần thiết vì họ đang tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân từ 12 tuổi trở lên, bao gồm các tân binh vừa nhập ngũ", theo tiến sĩ Fauci.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Vắc-xin Moderna ở Nhật Bản nhiễm tạp chất do 'sai sót của con người'

    Công ty Dược phẩm Takeda của Nhật Bản ngày 1/10 cho biết nguyên nhân khiến 3 lô vắc-xin Moderna ở nước này bị nhiễm tạp chất là do "sai sót của con người".

    Theo báo cáo của Takeda, công ty Rovi của Tây Ban Nha - đơn vị sản xuất vắc-xin Moderna - đã phát hiện một số lọ vắc-xin nhiễm hạt kim loại từ tháng 7/2021, nhưng vẫn vận chuyển số vắc-xin cùng dây chuyền đến Nhật Bản.

    Nguyên nhân khiến hạt kim loại lẫn vào vắc-xin được xác định là do khâu lắp ráp máy móc. "Các kỹ thuật viên đánh giá thiếu chính xác bằng mắt thường về khoảng cách tiêu chuẩn 1mm giữa bánh răng và nút lọ vắc-xin ở khâu đóng chai", theo Reuters.

    Giới chức Nhật Bản hồi tháng 8 đã đình chỉ 3 lô vắc-xin Moderna gồm 1,63 triệu liều sau khi được thông báo về tình trạng nhiễm hạt thép không gỉ bên trong 39 lọ. Hãng dược Moderna sau đó đã tiến hành một cuộc điều tra với sự phối hợp của Rovi và Takeda - công ty nhập khẩu và phân phối vắc-xin ở Nhật Bản.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Cuba tiêm chủng đại trà bằng vắc xin COVID-19 nội

    Cuba đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin COVID-19 trên toàn quốc, và đặt mục tiêu tiêm đầy đủ cho 90% dân số vào tháng 12-2021.

    Sinovac vượt ải ngoạn mục ở Malaysia - Mỹ quyết tâm sờ gáy WHO - Ảnh 1.

    Anh Pedro Montano bế con gái Roxana, 3 tuổi. Bé là một trong các tình nguyện viên thử vắc xin COVID-19 Soberana 2 của Cuba ở Havana ngày 24-8 - Ảnh: AFP

    Theo Hãng tin Reuters, ngày 30-9, bộ trưởng y tế Cuba cho biết đến hết tháng 9-2021, hơn 80% trong 11,3 triệu dân số Cuba đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19 nội địa.

    Tới nay, Cuba đã cấp phép cho 3 vắc xin COVID-19 nước này tự phát triển là Abdala, Soberana-2 hoặc Soberana-plus.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Malaysia phê duyệt có điều kiện tiêm vắc xin Sinovac cho trẻ 12-17 tuổi

    Tổng thư ký Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết Malaysia đã phê duyệt có điều kiện vắc xin ngừa COVID-19 của Sinovac (Trung Quốc) để tiêm cho thanh thiếu niên 12-17 tuổi.

    Cơ quan chức năng Malaysia phê duyệt vắc xin Sinovac vào ngày 1-10. Vắc xin được sản xuất bởi Hãng Sinovac Life Sciences Co Ltd từ Trung Quốc và Hãng Pharmaniaga LifeScience Sdn Bhd (PLS) của Malaysia.

    "Vắc xin Sinovac hiện được ưu tiên cho trẻ không mắc bệnh nền, trẻ bị dị ứng hoặc không thích hợp để tiêm vắc xin Comirnaty của Hãng Pfizer", ông Abdullah nói với Hãng thông tấn Bernama.

    Ông Abdullah cho biết thêm vắc xin của Sinovac là loại vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai được phê duyệt để tiêm cho thanh thiếu niên. Loại đầu tiên được phê duyệt là vắc xin Comirnaty của Pfizer-BioNTech.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Mỹ và các nước kêu gọi WHO nhanh chóng giải quyết bê bối tình dục

    Ngày 1-10, Mỹ và các nước tài trợ chính cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại sâu sắc trước bê bối lạm dụng tình dục phụ nữ tại Cộng hòa Congo của nhân viên tổ chức này, kêu gọi WHO nhanh chóng giải quyết vụ việc.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS

    "Chúng tôi trông đợi cam kết đầy đủ của WHO giải quyết những hành vi như vậy, bao gồm thông qua các cải cách cơ bản với WHO", phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết trong một tuyên bố thay mặt một số nước, trong đó có Anh và Liên minh châu Âu.

    Theo Hãng tin Reuters, một ủy ban độc lập đã phát hiện 83 nhân viên cứu trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có 21 nhân viên của WHO, đã lạm dụng tình dục hơn 50 phụ nữ trong giai đoạn các nhân viên này được cử tới Congo giúp chống dịch Ebola năm 2018-2020.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Mỹ viện trợ hơn 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Bangladesh, Philippines

    Ngày 1/10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ chuyển giao hơn 8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Bangladesh và Philippines.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Một quan chức Nhà Trắng cho hay, Mỹ sẽ bàn giao 5 đợt vận chuyển với tổng cộng 5.575.050 liều vaccine cho Philippines và 2.508.480 liều khác sẽ được chuyển đến Bangladesh vào đầu tuần tới. Toàn bộ số vaccine này đều của hãng Pfizer và được viện trợ cho hai nước trên thông quan chương trình COVAX của Liên hợp quốc.

    Quan chức này cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ Mỹ rằng để chấm dứt đại dịch COVID-19 thì phải loại bỏ dịch bệnh này trên khắp thế giới.

    Ngày 22/9 vừa qua, Mỹ thông báo tăng gấp đôi viện trợ vaccine ngừa COVID-19, lên tổng cộng 1,1 tỷ liều cho các nước trên thế giới.

    Hồi tuần trước, Bangladesh đã tiếp nhận 2,5 triều liều vaccine từ Mỹ trong tổng số hàng triệu liều vaccine viện trợ từ Washington. Theo thống kê, mới chỉ khoảng 10% trong tổng số 170 triệu dân Bangladesh đã tiêm đủ liều. Quốc gia Nam Á này đã áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

    Trong khi đó, tại Philippines, hơn 25% dân số trưởng thành nước này đã tiêm đủ liều trong bối cảnh chương trình tiêm chủng diễn ra chậm. Giới chức nước này cảnh báo nền kinh tế Philippines sẽ phải mất 1 thập kỷ để phục hồi sau đại dịch.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Thụy Sĩ tặng quà cho người thuyết phục được người khác đi tiêm vaccine Covid-19

    Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ tặng phiếu quà tặng cho người thuyết phục người khác đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhằm tăng tỉ lệ tiêm chủng hiện còn thấp tại nước này.

    Với mỗi người đi tiêm, người thuyết phục sẽ nhận phiếu ăn miễn phí tại nhà hàng hoặc được tặng vé xem phim. Ngoài ra, một số địa phương còn tặng phiếu quà tặng mua hàng trị giá 50 franc Thụy Sĩ (khoảng 53,68 USD).

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Geneva, Thụy Sĩ thời Covid-19. Ảnh: Reuters.

    Thụy Sĩ là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở khu vực Tây Âu, với chỉ 42% trong tổng số 8,7 triệu dân tiêm đầy đủ 2 liều vaccine. Chính phủ cho biết đang lên kế hoạch tổ chức tuần lễ tiêm chủng quốc gia, với 170 trung tâm tiêm chủng lưu động.

    Với tỉ lệ tiêm chủng còn thấp và biến thể delta có khả năng lây lan mạnh, Thụy Sĩ vẫn không loại trừ khả năng bùng phát đợt dịch mới trong những tháng mùa thu và mùa đông sắp tới./.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Quốc gia anh em của Việt Nam đặt mục tiêu "vượt mặt" các nước giàu đầy ngoạn mục

    Hôm 30/9 vừa qua, Cuba vừa tuyên bố rằng nước này đã trở thành một strong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới - khi có đến 94,6% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, trong đó bao gồm 46,4% dân số đã được tiêm đủ liều.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Bí quyết để "quốc gia anh em" của Việt Nam đạt được thành tích này bất chấp nhiều khó khăn và hạn chế là nhờ việc nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa. Đến nay, Cuba đã tự sản xuất được 5 loại vaccine ngừa COVID-19.

    Thành tựu nêu trên đồng nghĩa với việc Cuba không chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Mỹ, mà còn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên toàn cầu.

    Mặc dù đã đạt thành tích đáng nể, Cuba vẫn không chủ quan trước COVID-19: Hiện tại nước này đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu tiêm đủ 2 mũi cho 90% dân số trước tháng 12.

    The Guardian đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng mà ngay cả các quốc gia giàu có vẫn chưa đạt được. Nhưng đối với tốc độ tiêm chủng hiện nay ở Cuba, điều này hoàn toàn có thể.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

     

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Cảnh báo Singapore có thể chạm mốc 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày

    Nếu tốc độ lây nhiễm hiện nay còn tiếp diễn, một chuyên gia lập mô hình bệnh lây nhiễm hàng đầu Singapore cảnh báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày có thể chạm mốc 10.000 người trong hai tuần tới.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Người dân Singapore đi bộ ngang qua một tấm biển nhắc nhở quy định giãn cách tại Vịnh Marina. Ảnh: Reuters

    Bản thân số ca mắc mới hàng ngày cao không phải là nguyên nhân đáng báo động, khi tỷ lệ tiêm chủng ngừa virus SARS-CoV-2 của Singapore nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Dữ liệu chính thức cho thấy trong xấp xỉ 28.000 người bị nhiễm virus trong 28 ngày qua, khoảng 98% không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ; 1,6% cần hỗ trợ thở oxy và 0,2% bị chuyển nặng.

    Ông Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock của Singapore, cho biết dự đoán của ông cho thấy số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc đảo này sẽ vượt qua con số 5.000 vào tuần tới, với tăng gấp đôi vào tuần sau đó. Hôm 1/10, Sinagpore ghi nhận kỷ lục 2.909 trường hợp mới.

    Những dự báo này đã nhấn mạnh tốc độ virus lây lan nhanh chóng trong nền dân số 5,45 triệu người của Singapore, mặc dù 82% trong số họ đã được tiêm phòng đầy đủ.

    Trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh, một số chuyên gia y tế địa phương đang kêu gọi chính quyền ban hành các chỉ thị mới về việc giảm bớt xét nghiệm đối với những bệnh nhân không có triệu chứng.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Nghiên cứu về công nghệ mRNA tạo ra vaccine ngừa COVID-19 là ứng viên sáng giá cho giải Nobel năm nay

    Theo hãng tin AFP, những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hoá học năm nay.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Hai lọ vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Ảnh: Reuters

    Những vaccine được tạo ra bằng công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4,8 triệu người.

    Nhà báo chuyên viết về khoa học người Thuỵ Điển Ulrika Bjorksten đánh giá: "Sẽ là sai lầm nếu Uỷ ban Nobel không trao giải cho công nghệ mRNA". Nhà báo này cho rằng, Katalin Kariko từ Hungary và Drew Weissman của Mỹ - hai nhà khoa học tiên phong trong công nghệ vaccine mRNA – hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này. Kariko và Weissman đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản, một giải được coi như "giải Nobel của Mỹ".

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Thuốc điều trị COVID-19 của Merck giảm khả năng nhập viện hoặc tử vong

    Đây là kết quả thử nghiệm giai đoạn ba đối với 775 bệnh nhân được Merck công bố ngày 1/10.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus dạng uống đang thử nghiệm để chống COVID-19 của hãng dược phẩm Merck của Mỹ, có thể làm giảm khoảng 50% khả năng phải nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng.

    Trước đó, Merck thông báo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, thuốc Molnupiravir có thể hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta. Thuốc hiệu quả nhất khi được kê đơn cho bệnh vào giai đoạn mới nhiễm.

    Công ty Merck sẽ tiến hành 2 cuộc thử nghiệm lớn giai đoạn cuối. Nếu thuận lợi, Molnupiravir sẽ là thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên trên thế giới được cấp phép để điều trị COVID-19.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Singapore gồng mình chống Covid-19: Thay đổi chiến lược vẫn chưa đủ

    Mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 82% dân số, nhưng sự gia tăng số ca mắc Covid-19, phần lớn không có triệu chứng hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ, vẫn khiến chính phủ Singapore phải thắt chặt biện pháp giãn cách xã hội từ đầu tuần này.

    Bộ Y tế Singapore  hôm 30/9 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.268 ca mắc Covid-19, vượt mức kỷ lục ghi nhận 1 ngày trước. Như vậy, trong 2 ngày qua, số ca mắc mới tại Singapore liên tục lên mốc cao nhất từ trước tới nay.

    Ashley St. John, phó giáo sư tại Trường Y Duke, Đại học Quốc gia Singapore cho biết, nhiều ca mắc trong số này được phát hiện sau khi Singapore tăng cường xét nghiệm. Thực tế trên cho thấy, quốc gia này có thể phải thay đổi phương pháp khi tìm cách sống chung với dịch bệnh.

    "Chúng tôi thực sự cần phải thay đổi cách suy nghĩ: Đó là khi chuyển từ chiến lược ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 sang sống chung với dịch bệnh, thì những biện pháp nào chúng tôi có thể thực hiện để khiến căn bệnh trở nên bớt nghiêm trọng hơn đối với những người bị phơi nhiễm. Cùng với việc tăng cường xét nghiệm, những biện pháp như giãn cách xã hội có thể hữu ích trong một khoảng thời gian nhất định", bà Ashley St. John nói.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Pháp khắc phục tình trạng ngại tiêm vaccine COVID-19 bằng cách nào?

    Đến thời điểm hiện tại, Pháp là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất châu Âu. Sự thành công trong chiến lược tiêm chủng ở Pháp là do chính phủ đã đưa ra ý tưởng nới lỏng một số hạn chế, nếu người dân xuất trình chứng nhận y tế khi đến các nhà hàng, hộp đêm hoặc tham dự các sự kiện thể thao.

    Được triển khai vào tháng 8 vừa qua, hệ thống thẻ y tế của Pháp yêu cầu những người muốn sử dụng không gian công cộng, từ việc ngồi trong quán cà phê ở thủ đô Paris đến việc di chuyển bằng tàu cao tốc, đều cần quét mã để chứng minh rằng họ đã được tiêm phòng COVID-19, đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính gần đây. Pháp đồng thời quy định việc tiêm phòng COVID-19 là bắt buộc đối với các nhân viên y tế và nhân viên làm việc trong các trại dưỡng lão.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Tháng trước, Pháp đã đình chỉ việc làm đối với khoảng 3.000 nhân viên y tế do họ chưa tiêm vaccine COVID-19. Kết quả là hơn 14 triệu người ở Pháp đã tiêm mũi vaccine đầu tiên trong 11 tuần kể từ khi chính phủ ban hành quyết định này. Khoảng 88% số người trên 12 tuổi ở Pháp đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, cao hơn tỷ lệ ghi nhận tại Mỹ, Anh hoặc Đức.

    Sự thay đổi trong quan điểm của người dân Pháp là một bước ngoặt lớn đối với một quốc gia mà ban đầu bị tụt hậu so với các nước khác về tiến độ tiêm chủng, trong khi chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Mỹ lý giải vì sao chỉ mua vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer để viện trợ thế giới

    Về nguyên nhân vì sao Mỹ chỉ mua vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer để tài trợ cho thế giới, bà Gayle Smith, điều phối viên COVID-19 toàn cầu của bộ Ngoại giao Mỹ, trong buổi họp báo tối 30/9 giải thích rằng đó là vì "tốc độ và năng lực sản xuất" của hãng này.

    "Pfizer là phía có khả năng nhất trong việc sản xuất quy mô lớn với tốc độ đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của chúng tôi. Chúng tôi cũng cho rằng Pfizer là loại vaccine tuyệt vời, nhưng vấn đề mấu chốt là khả năng giao vaccine quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất", bà Smith cho hay.

    Lí do Mỹ chỉ mua 1 loại vaccine đang tiêm nhiều ở Việt Nam để viện trợ cho thế giới - Số vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Ảnh 1.

    Mỹ hiện đã cam kết viện trợ hơn 1,1 tỷ liều vaccine Pfizer cho thế giới. Ảnh minh họa

    Tuần trước, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 diễn ra bên lề khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: "Nửa tỷ liều vaccine Pfizer được Mỹ viện trợ thông qua COVAX mà tôi đã thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 đã bắt đầu được giao. Hôm nay, tôi công bố một cam kết lịch sử khác. Mỹ đang mua thêm nửa tỷ liều vaccine Pfizer nữa để viện trợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trên khắp thế giới. Nửa tỷ liều này sẽ được vận chuyển vào thời điểm này năm sau. Như vậy, tổng số vaccine mà chúng tôi cam kết viện trợ đã lên hơn 1,1 tỷ liều. Nói cách khác, với mỗi liều vaccine mà chúng tôi triển khai tới thời điểm này tại Mỹ, chúng tôi lại cam kết viện trợ 3 liều cho thế giới".

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Số người chết do Covid-19 ở Mỹ vượt quá 700.000

    Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca tử vong do Covid-19 khi đã ghi nhận hơn 700.000 ca.

    Số ca tử vong trung bình mỗi ngày do Covid-19 ở Mỹ hiện đang ở mức 2.000 và nước này tiếp tục đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh này.

    Số lượng vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Láng giềng sát vách Việt Nam công bố mục tiêu đầy tham vọng - Ảnh 1.

    Bản đồ hiển thị Covid-19 tại Mỹ (Ảnh: Getty)

    Biến chủng Delta trong thời gian qua đã khiến số ca nhiễm mỗi ngày ở Mỹ gia tăng đáng kể trước khi giảm xuống mức trung bình gần 118.000 ca ở thời điểm hiện tại.

    Tới nay đã có khoảng 56% dân số Mỹ được tiêm phòng đầy đủ. Mỹ hiện đang ưu tiên mũi tiêm bổ sung của Pfizer cho những người trên 65 tuổi và những người có bệnh lý nền./.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Trong tháng 10 Việt Nam sẽ nhận khoảng 54 triệu liều vaccine COVID-19, ưu tiên cho phía Nam

    Số lượng vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Láng giềng sát vách Việt Nam công bố mục tiêu đầy tham vọng - Ảnh 1.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - BYT)

    Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh Tây Nam bộ gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào ngày 30/9.

    Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Trong tháng 10, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 54 triệu liều vaccine COVID-19 . Số vaccine này sẽ ưu tiên cho các tỉnh phía Nam, gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, trong đó đủ vaccine tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

    Để triển khai tiêm vaccine hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị nhân lực tiêm vaccine đúng đối tượng ưu tiên, trong đó quan tâm tới công nhân sản xuất; chuẩn bị túi thuốc và trạm y tế lưu động, nâng cao năng lực điều trị giảm tử vong ở các tầng điều trị và một số nội dung về tầm soát, xét nghiệm trong tình hình mới.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Phuket muốn thu hút 1 triệu khách quốc tế trong 6 tháng tới

    Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết Phuket, hòn đảo du lịch nổi tiếng của nước này sẽ thu về hàng chục tỉ baht từ 1 triệu du khách quốc tế trong vòng 6 tháng tới.

     - Ảnh 1.

    Khách du lịch chụp ảnh tại bãi biển Patong ở Phuket, nơi thí điểm mô hình mở cửa cho khách du lịch được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ - Ảnh: Bangkok Post

    Ngày 30-9, Trung tâm Quản lý tình hình kinh tế (CESA) Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch quảng bá Phuket là điểm đến đẳng cấp thế giới với mục tiêu mang lại 60 tỉ baht (tương đương 1,8 tỉ USD) trong quý IV năm nay và quý I năm 2022.

    Theo báo Bangkok Post, các số liệu về hiệu quả của việc mở cửa Phuket từ ngày 1-7 cho thấy khách nội địa đứng đầu trong các nhóm khách đã đến Phuket trong ba tháng qua, sau đó là du khách từ thị trường Mỹ.

    Mô hình mở cửa Phuket đã mang lại 2,25 tỉ baht (tương đương 66,7 triệu USD) cho nền kinh tế trong 3 tháng đầu thí điểm.

    Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Thái Lan, ông Yuthasak Supasorn cho biết với quyết định giảm thời gian lưu trú bắt buộc tại Phuket từ 14 ngày xuống còn 7 ngày từ tháng 10, Thái Lan hy vọng lượng du khách sẽ tăng đáng kể trong quý cuối năm nay.

    Ngoài ra, tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 giảm đều trong nước cũng có lợi cho thị trường du lịch nội địa trong mùa cao điểm du lịch sắp tới, và kế hoạch thu hút các chuyến bay thương mại từ Nga vào cuối tháng 10-2021.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Australia công nhận vaccine Covid-19 Coronavac của Trung Quốc và Covishield của Ấn Độ

    Ngày 1/10, Australia thông báo công nhận 2 loại vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc và Ấn Độ sản xuất gồm Coronavac và Covishield. Quyết định này là mở đường cho việc Australia đón các sinh viên và khách du lịch quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia có sử dụng 2 loại vaccine này.

    Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Australia (TGA) hôm nay (1/10) vừa ra thông báo, mặc dù không được sử dụng tại Australia song nước này công nhận vaccine ngừa Covid-19 Coronavac do Trung Quốc sản xuất và vaccine Covishield do Ấn Độ sản xuất.

    Tuyên bố của TGA cho biết, việc công nhận 2 loại vaccine được đưa ra sau quá trình đánh giá các thông tin được công bố công khai của 2 loại vaccine này, cho thấy cả 2 đều có thể giúp ngăn ngừa khả năng mắc Covid-19 và các biến chứng nặng của căn bệnh này. Tuy nhiên việc công nhận này không đồng nghĩa với việc 2 loại vaccine này được cấp phép sử dụng tại Australia.

     - Ảnh 1.

    Một nhân viên y tế đang chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac. Nguồn: AP

    Ngoài ra, Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Australia cũng đang đánh giá các vaccine khác của Sinopharm và Cansino (Trung Quốc), Covaxin (Ấn Độ), Sputnik V (Nga). Tuy nhiên đến nay do chưa có đủ dữ liệu nên cơ quan này chưa thể công nhận các loại vaccine này. Khi được cung cấp thêm dữ liệu, Australia có thể tiếp tục đánh giá và đi đến công nhận các loại vaccine này.

    Việc công nhận các loại vaccine không được sử dụng tại Australia, được đưa ra trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị mở cửa biên giới quốc tế vào tháng 11 tới. Nếu không công nhận các loại vaccine khác ngoài 4 loại đang được sử dụng tại Australia thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc mở cửa biên giới quốc tế và nối lại các hoạt động kinh tế.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    EU xác định có thể có tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson

    Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 1/10 xác định có thể có mối liên quan giữa tình trạng huyết khối hiếm gặp trong tĩnh mạch sâu với vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J), đồng thời khuyến cáo liệt kê tình trạng này là tác dụng phụ của vaccine.

     - Ảnh 1.

    Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

    Bên cạnh đó, EMA cũng cho rằng cần bổ sung tình trạng giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) - một chứng rối loạn đông máu, do lượng tiểu cầu trong máu giảm bởi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào tiểu cầu khỏe mạnh - là phản ứng bất lợi, với tần suất chưa xác định, trên thông tin sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 của J&J và của hãng AstraZeneca.

    J&J cho biết nguy cơ gặp phải tình trạng này là rất thấp, song hãng sẽ cập nhật thông tin sản phẩm và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có EMA. Tuyên bố của J&J khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu và triệu chứng hiếm gặp nhằm đảm bảo xác định nhanh chóng tác dụng phụ cũng như chữa trị hiệu quả.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Toàn thế giới đã ghi nhận trên 234,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

    Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 1/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 234.730.900 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.800.665 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 211.536.497 người.

    Số lượng vaccine khủng sắp đổ bộ Việt Nam trong tháng 10 - Láng giềng sát vách Việt Nam công bố mục tiêu đầy tham vọng - Ảnh 1.

    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Lima, Peru. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

    Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 716.849 ca tử vong trong tổng số 44.315.162 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 448.396 ca tử vong trong số 33.768.516 ca. Brazil đứng thứ 3 với 596.800 ca tử vong trong số 21.427.073 ca.

    Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 323 người và CH Bắc Macedonia với 320 người/100.000 dân.

    Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 44,9 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có trên 67,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 75,9 triệu ca. Bắc Mỹ có trên 1 triệu ca tử vong trong trên 53,2 triệu ca. Châu Phi ghi nhận trên 211.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 2.900 người.

    Đọc toàn bộ bài viết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại