*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 21/2 tiếp tục có nhiều diễn biến nóng, đáng chú ý.
Reuters dẫn nguồn tin Nhà Trắng cho biết: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tổ chức một cuộc họp với nhóm an ninh quốc gia về vấn đề Ukraine.
Thông tin được đăng tải ngay sau phiên họp bất thường của Nga.
Theo RIA Novosti, Hội đồng An ninh Nga đã nêu ý kiến về vấn đề công nhận độc lập của khu vực Donbass. Các quan chức cấp cao trong hội đồng nhìn chung đạt nhất trí cao về lập trường.
- Ngoại trưởng Sergei Lavrov: Công nhận
- Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov: Công nhận
- Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu: Công nhận
- Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev: Nếu không có tiến triển thì công nhận
- Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin: Công nhận
- Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko: Công nhận
- Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev: Cho ông Biden 2-3 ngày, nếu không có kết quả thì công nhận
- Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin: Nếu không có tiến triển thì công nhận.
- Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergey Naryshkin: Công nhận
- Giám đốc Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov: Công nhận
Kết thúc cuộc họp Hội đồng An ninh bất thường của Nga, Tổng thống Putin cho biết: "Tôi đã lắng nghe ý kiến của tất cả các vị. Tôi sẽ đưa ra quyết định trong hôm nay. Xin cảm ơn!"
Trước đó, ông Putin đã yêu cầu các quan chức cấp cao của Nga có mặt tại buổi họp nêu quan điểm về vấn đề công nhận độc lập cho 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine.
Trong cuộc họp, các quan chức ủng hộ công nhận độc lập cho 2 khu vực này và cho rằng đây là việc cần làm ngay.
Bày tỏ quan điểm với Tổng thống Putin trong phiên họp bất thường của Hội đồng An ninh Nga về khả năng công nhận độc lập của 2 khu vực ở Đông Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko cho rằng:
"Mối đe dọa cấm vận gây tổn hại nhưng đã tới lúc ra quyết định. Ta không thể trì hoãn được nữa".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (cựu Thủ tướng Nga) đã bày tỏ quan điểm, cho rằng Nga nên công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine.
Theo ông Medvedev, Ukraine không cần Donbass mà chỉ sử dụng khu vực này để "mặc cả".
Ông Medvedev cũng nhấn mạnh: "Phương Tây muốn vẽ lại bản đồ thế giới, tiến tới biên giới Nga", Sputnik đưa tin.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev
Về vấn đề công nhận DPR và LPR, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho hay: "Tôi không thấy có cách nào khác, 2-3 ngày sẽ không thay đổi được gì".
Phát biểu tại buổi họp bất thường của Hội đồng An ninh Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng: "Xét về vũ khí hạt nhân thì Ukraine có năng lực nhiều hơn hẳn so với Iran, Triều Tiên".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị các quan chức Nga có mặt tại cuộc họp bày tỏ quan điểm về vấn đề công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine. Ông Putin khẳng định chưa tham vấn với các quan chức trước khi cuộc họp diễn ra và bày tỏ mong muốn được lắng nghe.
Trước diễn biến ở Đông Nam Ukraine, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, Moscow đã làm tất cả những gì có thể để giúp giải quyết các vấn đề giữa chính phủ Ukraine và các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass một cách hòa bình.
Ông Putin cho rằng, tình trạng đối đầu giữa chính quyền Kiev và 2 khu vực Donetsk, Lugansk đã bắt đầu từ khi những nước cộng hòa tự xưng này được thành lập.
Phát biểu tại buổi họp Hội đồng an ninh bất thường, ông Putin cho biết: "Hiện có nguy cơ Kiev sẽ bắt đầu chiếm lại Crimea bởi Kiev không công nhận việc Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga. NATO sẽ tham gia vào những sự kiện đó".
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/2 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì phiên họp bất thường của Hội đồng an ninh quốc gia diễn ra cùng ngày.
Ông Peskov cho biết đây là một cuộc họp "lớn" và không phải thường lệ của Tổng thống Putin với các ủy viên thường trực của Hội đồng an ninh. Mặc dù không tiết lộ chủ đề của phiên họp, nhưng người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh rằng ông Putin sẽ trình bày bài phát biểu quan trọng, cũng như lắng nghe các báo cáo khác của những người tham gia.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Mới đây, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Australia rằng một tàu hải quân của Trung Quốc chiếu laser vào máy bay của Australia, trong một vụ việc mà Thủ tướng Scott Morrison cho là "hành động hăm dọa".
Các tàu Trung Quốc ngoài khơi Đông Bắc Australia. Ảnh: Reuters
Theo Bộ Quốc phòng Australia, tuần trước một tàu hải quân Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía Bắc Australia đã chiếu laser vào một chiếc máy bay tuần tra P-8A Poseidon của nước này và nhấn mạnh: Đây là động thái "có thể gây nguy hiểm tính mạng".
Tuy nhiên, phía Bắc Kinh nói cáo buộc chiếu laser là "không đúng" và khẳng định các hoạt động của tàu Trung Quốc là "điều hướng thông thường... phù hợp với luật pháp quốc tế", AFP đưa tin.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một video được đăng trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy, hàng trăm xe tăng, phương tiện liên lạc và bệ phóng tên lửa, được cho là của Nga đang ùn ùn kéo đến khu vực biên giới. Điều thu hút sự chú ý là nhiều khí tài trong số này mang được sơn một ô vuông màu trắng, bên trong có chữ Z.
Phóng viên Aric Toler của hãng tin Bellingcat (có trụ sở tại Hà Lan) cho biết, mặc dù đã theo dõi các biểu tượng quân sự của Nga trong 8 năm qua, nhưng anh không biết ký tự Z là gì và cũng chưa nhìn thấy chúng trước đây.
Một số nhà phân tích khác, chẳng hạn như chuyên gia chính sách quốc phòng người Nga Rob Lee tin rằng, biểu tượng này có thể được dùng riêng cho những lực lượng tiến đến gần biên giới Ukraine. "Có vẻ như các lực lượng Nga ở gần biên giới đang sử dụng ký hiệu đặc biệt, trong trường hợp này là chữ Z, cho các phương tiện để phân biệt giữa các lực lượng khác nhau hoặc đánh dấu các cấp bậc khác nhau," ông tweet vào cuối tuần này.
Những người khác cho rằng, Nga có thể đang áp dụng chiến thuật từng được sử dụng trong Thế chiến 2, sử dụng ký hiệu để tránh bắn nhầm vào quân mình, do các xe tăng của Ukraine có từ thời Liên Xô rất dễ nhầm lẫn với xe tăng của Nga. Việc tránh nhầm lẫn là điều được suy đoán nhiều nhất vì Z không phải là một chữ cái trong bảng chữ cái Kirin của Nga./.
Phuket là tỉnh đầu tiên của Thái Lan tự tuyên bố sự lây lan của Covid-19 là một bệnh đặc hữu bất chấp số lượng khách du lịch đến tỉnh này bị lây nhiễm ngày càng tăng.
Phó tỉnh trưởng Piche Panapong cho biết, Phuket sẽ rất vui mừng khi trở thành tỉnh đầu tiên tại Thái Lan đưa ra tuyên bố này. Ông cũng hy vọng điều này sẽ giúp giảm bớt lo ngại về Covid-19 và thay vào đó là chuyển sang tập trung cho phục hồi kinh tế. Ngoài ra, báo cáo số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày nên bị huỷ bỏ thay vào đó là tập trung vào báo cáo về các trường hợp bệnh nặng.
Phuket - một điểm đến du lịch của Thái Lan. Ảnh: Telegraph.
Tình trạng đặc hữu được đưa ra nếu tỷ lệ lây nhiễm của một tỉnh không vượt quá 10.000 ca mỗi ngày trong khi tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% người dân đã được tiêm hai liều vaccine. Tỉnh Phuket cũng sẽ đề nghị chính phủ rút ngắn thời gian cách ly từ 10 xuống 5 ngày đối với du khách đi theo chương trình "hộp cát". Phó tỉnh trưởng Phuket khẳng định, hòn đảo du lịch này là an toàn vì nó có đủ nguồn lực y tế để chăm sóc người dân địa phương cũng như du khách. Tỉnh này cũng đã xúc tiến việc tiêm vaccine cho trẻ em cùng với nhiều biện pháp khác bao gồm đeo khẩu trang bắt buộc.
Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm ở khách du lịch vẫn là một vấn đề lớn đối với hòn đảo lớn nhất Thái Lan vì có tới 3% trong số họ được phát hiện nhiễm Covid-19 .
Truyền thông Italy cho biết, hôm 20/2 vừa qua, Đại sứ Italy tại Australia Francesca Tardioli, 56 tuổi, được phát hiện trong trạng thái đã tử vong bên ngoài ngôi nhà ở thị trấn Foligno thuộc vùng Umbria, miền bắc Italy.
Bộ Ngoại giao Italy đăng trên Twitter hôm 20/2: "Chúng tôi vô cùng đau lòng trước thông tin bà Francesca Tardioli qua đời và xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bà. Bà là nhà ngoại giao tuyệt vời, tận tụy phụng sự đất nước".
Thông tin ban đầu cho biết nhà ngoại giao đã gặp tai nạn do mất thăng bằng khi nghiêng người trên ban công. Hiện cảnh sát địa phương đang tiến hành điều tra vụ việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo hôm 20/2 rằng, việc xe tăng Nga tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine có khả năng cao sẽ diễn ra, giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh NATO cảnh báo Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine.
Căng thẳng tăng cao giữa Moscow và Kiev từ 2014, khi Nga ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và sáp nhập Bán đảo Crimea. Trong những tuần gần đây, căng thẳng đã leo thang sau khi Nga tập hợp 150.000 binh lính gần biên giới với Ukraine. Tổng thống Joe Biden và các nước Tây Âu cảnh báo nguy cơ Nga tấn công Ukraine đang ở ngay trước mắt, đồng thời hối thúc người dân rời khỏi nước này.
Xe tăng Nga trong cuộc diễu hành quân sự ở Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2021. Ảnh: Getty
"Chúng ta sẽ chứng kiến điều đó, khả năng cao sẽ xảy ra. Một số lượng đáng kể các phương tiện chiến đấu sẽ rất nhanh chóng chiếm Kiev", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định.
Ngày 20/2, CSB News đưa tin, tình báo Mỹ cho biết các chỉ huy quân đội của Nga đã được lệnh tấn công Ukraine. Trước đó, hôm 18/2, Tổng thống Biden cũng cho rằng Tổng thống Putin đã quyết định tiến hành một cuộc tấn công.
Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR) cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ và nước ngoài xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, như bán dẫn, sang Nga. Hiện chưa biết mức độ hiệu quả của đòn cấm vận này ra sao trước Nga, nhưng trong một số trường hợp khác, hạn chế xuất khẩu theo EAR đã phát huy công dụng và giới chức Nhà Trắng cam kết đây sẽ là một yếu tố chủ chốt để cô lập, ngắt kinh tế Nga với thế giới bên ngoài.
Theo Douglas Rediker, học giả cấp cao tại Viện Brookings, "vũ khí trừng phạt nguyên tử" này là điều ông Putin không mong đợi. Nga sẽ bị ngắt khỏi tất cả liên kết trong phát triển trí tuệ nhân tạo và rộng hơn là mọi công nghệ giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế của thế kỷ 21. Đây là lần đầu tiên Mỹ bóng gió đề cập đến trừng phạt qua EAR và có thể hành động đơn phương, không cần sự góp sức của Liên minh châu Âu (EU).
Ngay sau khi ông Biden tuyên bố Mỹ tin rằng Nga đã có sẵn kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh ngày 18/2 đã làm rõ hơn những tính toán của Mỹ trong răn đe trừng phạt Nga. Phát biểu trước báo giới về kế hoạch tổng thể của Nhà Trắng, ông Singh cho biết cấm vận tài chính nhằm triệt tiêu khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của Nga, còn kiểm soát xuất khẩu là giải pháp tước đoạt các sản phẩm công nghệ đầu vào mà Nga cần để đa dạng hóa nền kinh tế.
Thừa nhận các công ty của Trung Quốc ít có khả năng chùn bước trước biện pháp của Mỹ, ông Singh khẳng định Mỹ có ưu thế mang tính hệ thống khi xét đến những công nghệ nền tảng của thời đại. Nga không có khả năng thay thế bù đắp những sản phẩm, công nghệ bị cấm dù có tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ những nước khác, kể cả Trung Quốc.
Các lực lượng ly khai tại Donbass, miền Đông Ukraine đã cáo buộc quân đội Ukraine tăng cường tấn công vào các cứ điểm của họ vào ngày 20/2.
Theo RT, những vùng lãnh thổ do Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng đã hứng chịu hỏa lực từ các vụ bắn pháo hạng trong ngày hôm qua. Theo các video lan truyền trên mạng xã hội, cuộc tấn công xảy ra dữ dội hơn vào buổi tối.
Phát ngôn viên của DPR, ông Eduard Basurin cho biết: "Tình hình hiện nay đã trở nên tồi tệ hơn so với những ngày qua. Chúng tôi phát hiện khoảng 700 quả đạn pháo bị bắn vào lãnh thổ của DPR".
Trong khi đó, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cũng thông báo về vụ tấn công tương tự. Người phát ngôn của LPR cho biết: "Tình hình ở giới tuyến đã leo thang đáng kể trong vài giờ qua".
Kể từ ngày 17/2, DPR và LPR liên tiếp cáo buộc quân đội Ukraine bắn phá dữ dội vào khu vực giới tuyến được thiết lập bởi các thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào năm 2014 và 2015. Phe ly khai cho rằng, nhiều khả năng như Kiev đang chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lực, bắt đầu bằng việc dội hỏa lực pháo binh, sau đó là huy động các lực lượng trên bộ. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã bác bỏ kế hoạch giành quyền kiểm soát khu vực miền Đông bằng vũ lực và cáo buộc phe ly khai vi phạm lệnh ngừng bắn.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, Tập đoàn năng lượng, đồng thời là nhà xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprom, các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm ở Liên minh châu Âu (EU) đã dùng hết hơn 95,3% trữ lượng kể từ hai ngày trước đó. Theo đó, châu Âu hiện chỉ còn 4,7% trữ lượng khí đốt cho quãng thời gian còn lại của mùa đông.
Khối lượng khí còn lại tại các kho chứa ít hơn 21% (8,3 tỷ m3) so với cùng thời điểm năm 2021. Tổng cộng, châu Âu đã tiêu thụ 44,8 tỷ m3 khí đốt trong mùa đông này.
Theo Gazprom, trữ lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Ukraine cũng ở mức tối thiểu, đã giảm xuống 10,6 tỷ m3, tức là ít hơn 45% so với năm 2021.
Ngoài ra, vào đầu tuần này, các nhà chức trách ở Đức, một trong những quốc gia có công suất lưu trữ ngầm lớn nhất ở châu Âu, cũng báo cáo về việc lượng lưu trữ giảm xuống xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Châu Âu hiện chỉ còn 4,7% trữ lượng khí đốt cho quãng thời gian còn lại của mùa đông. (Ảnh: AP)
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraine, phương Tây vẫn quan ngại về nguy cơ gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga đến lục địa này. EU vừa tuyên bố, nguồn dự trữ khí đốt của họ đủ để kéo dài thêm vài tuần nữa trong trường hợp Nga ngừng vận chuyển dòng khí đốt. Hiện giới chức EU và Mỹ vẫn đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Nguồn cung khí đốt của Nga cho các nước châu Âu đã bắt đầu giảm vào giữa năm 2021 và giảm mạnh hơn nữa từ đầu năm 2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo ngắn gọn với người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào tối 20/2 về các cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nhà Trắng cho biết hai tổng thống Mỹ và Pháp "đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang được tiến hành để đáp trả việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine". Cuộc gọi kéo dài khoảng 15 phút.
Trong cuộc điện đàm diễn ra trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Putin đã đồng ý thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn leo thang xung đột ở miền đông Ukraine, Điện Elysee cho biết trong một tuyên bố.
Ông Macron đã đề nghị dàn xếp các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy "trong vài giờ tới" để đảm bảo một lệnh ngừng bắn dọc theo ranh giới ở khu vực tranh chấp Donbass (miền đông Ukraine).
Văn phòng tổng thống Pháp cũng cho biết 2 lãnh đạo đã thảo luận về "một cuộc họp ở cấp cao nhất để xác định trật tự hòa bình và an ninh mới ở châu Âu". Các cuộc đàm phán này sẽ có sự tham gia của "tất cả các bên liên quan", có lẽ bao gồm cả Mỹ.
Về phía Nga, Điện Kremlin xác nhận rằng "hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau", nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào cụ thể.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tiết lộ một số chi tiết của các lệnh trừng phạt mà Nga sẽ phải đối mặt nếu tấn công Ukraine, đồng thời cho biết Nga sẽ bị mất quyền tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế và nguồn hàng hóa xuất khẩu lớn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà lãnh đạo phương Tây cho đến nay chỉ loại trừ một biện pháp đáp trả quân sự và cam kết các biện pháp trừng phạt kinh tế có quy mô lớn chưa từng có.
Phát biểu trên kênh truyền hình Đức ARD vào tối 20/2, bà Von der Leyen cho hay về nguyên tắc, Nga sẽ bị tách khỏi thị trường tài chính quốc tế. Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt lên toàn bộ hàng hóa do Liên minh châu Âu (EU) sản xuất mà Nga đang rất cần để hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế đất nước.
Bà cho biết thêm các biện pháp trừng phạt sẽ chưa được áp dụng cho đến sau khi có bất kỳ cuộc tấn công nào, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi ngày 19/2 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về các biện pháp trừng phạt ngay lập tức.
Ngày 20/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo những ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron vào đúng thời điểm đánh dấu tròn một năm ngày xảy ra "Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20/2" hồi năm 2021 tại nước này, gây làn sóng lây nhiễm cao đỉnh điểm. Phát biểu với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, Tiến sĩ Or Vadine cảnh báo rằng, số ca lây nhiễm mới hàng ngày đang có chiều hướng tiến đến mức 4 con số nếu như người dân còn tỏ ra chủ quan với các biện pháp đề phòng y tế. Bà Or Vadine cho biết, số ca lây nhiễm mới tại Campuchia tiếp tục tăng và phần lớn đều là biến thể Omicron.
Ngày 20/2, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo về 2 ca tử vong do COVID-19, trong đó có một trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cả hai ca này đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Cùng ngày, Campuchia ghi nhận số ca lây nhiễm Omicron cao chưa từng thấy ở mức 736 ca, trong số này có 730 người do lây nhiễm cộng đồng và 6 trường hợp nhập cảnh. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho đến nay được ghi nhận là 126.489 ca, trong đó tổng số ca nhiễm biến thể Omicron là 6.036 người.
Moskva cảnh báo lực lượng vũ trang Ukraine có thể tăng cường tấn công trong đêm nay, 21/2 sau khi di chuyển ngày càng nhiều về khu vực Donbass.
Binh sĩ Ukraine bắt đầu ca gác tại vị trí tiền tuyến ở ngoại ô Popasna, Luhansk, ngày 20/2. Ảnh: D.M
Hãng tin TASS dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Nga (Duma Quốc gia), ông Viktor Vodolatsky nhận định các lực lượng vũ trang Ukraine có thể tăng cường tấn công gần các nước Cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk vào đêm 21/2.
"Right Sector (tổ chức bị cấm ở Liên bang Nga - TASS) và các Lực lượng Vũ trang Ukraine đang di chuyển ngày càng nhiều về phía Lugansk và Donetsk. Điều này cho thấy rằng trong tương lai gần, vào đêm nay, cuộc tấn công sẽ được tăng cường", ông Vodolatsky nói.
Tình hình dọc theo ranh giới liên lạc ở miền đông Ukraine trở nên xấu đi nhiều từ sáng 17/2. Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Donetsk (DPR) đã báo cáo về một số cuộc pháo kích dữ dội nhất của lực lượng Kiev trong những tháng gần đây. Các cuộc pháo kích đã làm hư hại một số cơ sở dân sự. Về phần mình, phía chính phủ Ukraine cũng cáo buộc các lực lượng đòi độc lập vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Ngày 18/2, LPR và DPR tự xưng đã thông báo sơ tán công dân sang vùng Rostov ở miền nam Nga do căng thẳng leo thang dọc theo đường liên lạc và nguy cơ bị quân đội Ukraine tấn công chính thức.
Theo phái bộ của DPR tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung về chế độ ngừng bắn (JCCC), các lực lượng Ukraine đã pháo kích vào nhiều khu định cư ở DPR, sử dụng súng cối cỡ nòng 120 mm bị cấm theo các thỏa thuận Minsk.
Trước đó trong đêm, phái bộ của DPR cho biết lực lượng Kiev đã bắn 12 quả cối 120 mm vào thành phố Donetsk và 4 quả đạn 122 mm vào vùng ngoại ô Donetsk của Oleksandrivka. Vùng ngoại ô Donetsk cũng bị nhắm mục tiêu sau đó trong đêm. DPR báo cáo rằng lực lượng Kiev đã bắn 4 đạn cối cỡ 120 mm vào khu định cư Staromykhailivka và 24 quả đạn cối cỡ nòng 120 mm tại Spartak, một vùng ngoại ô khác. Khu định cư Zaitseve cũng bị oanh tạc.
Ngày 19/2, các nhà chức trách của DPR và LPR tự xưng bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga. Họ cũng tuyên bố tổng động viên trong khu vực.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này là điều không thể tránh khỏi, song vô tác dụng.
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo ngày 18/2. Ảnh: AP
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 18/2, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Moskva không thể tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây, vì chúng không nhằm mục đích thay đổi hành vi của Điện Kremlin. Theo quan điểm của ông, chúng thực chất là một kế hoạch cản trở sự phát triển kinh tế của Nga.
Tuy nhiên, theo kênh truyền hình RT, Tổng thống Putin cảnh báo không có biện pháp trừng phạt mới nào có thể ngăn cản Nga làm những gì họ muốn, bởi vì Moskva đã có kinh nghiệm đối phó với chúng trong nhiều năm.
Trao đổi với người đồng cấp Belarus, ông cho rằng phương Tây sẽ tìm ra mọi lý do, chẳng hạn như tình hình miền Đông Ukraine hiện nay, để cấm vận Nga và Belarus nhằm mục tiêu làm chậm sự phát triển của hai đất nước này.
Điện Kremlin xem các biện pháp trừng phạt này là vi phạm luật pháp quốc tế và là công cụ cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ cùng các đồng minh.
Mới đây, phát biểu trên chương trình State of the Union của kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhận định rằng mọi diễn biến trên thực địa, bao gồm việc Nga và Belarus thông báo kéo dài các cuộc tập trận, đều cho thấy Nga đang chuẩn bị "xâm lược" Ukraine.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng phương Tây đã sẵn sàng và sẽ tận dụng mọi cơ hội ngoại giao để thuyết phục Nga từ bỏ ý định tấn công nước láng giềng.
Ông Blinken cho biết cuộc gặp của ông với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov dự kiến diễn ra vào tuần tới sẽ tiếp tục được tiến hành miễn là Moskva không tiến hành cuộc "xâm lược".
Trong một diễn biến liên quan, Sputnik cho biết mới đây Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã phát cảnh báo khẩn, kêu gọi công dân nước này tự lên kế hoạch sơ tán.
Theo Đại sứ quán Mỹ, nhiều nguồn tin đã cảnh báo về "mối đe dọa tấn công nhằm vào các trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm và các địa điểm công cộng khác ở các khu vực đô thị lớn, bao gồm cả Moskva và St.Petersburg, cũng như tại các khu vực căng thẳng gia tăng dọc biên giới Nga với Ukraine."
Theo Sputnik, Bộ An ninh Quốc gia của CHND Donetsk tự xưng (DPR) mới đây thông báo, một nhóm biệt kích đã lên kế hoạch làm nổ tung các chủ thể cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực.
"Trên địa bàn thành phố Donetsk đã phong toả chặn đứng một nhóm biệt kích-khủng bố của kẻ thù, chúng đã lên kế hoạch phá nổ các trạm biến áp điện, đường ống dẫn khí đốt và trạm lọc trên lãnh thổ nước Cộng hòa", - thông báo đăng trên trang web của Bộ An ninh Quốc gia của CHND Donetsk.
Khi bị bắt giữ bọn khủng bố-phá hoại đã chống trả, làm hai chiến sĩ của lực lượng đặc nhiệm DPR bị thương, Sputnik cho biết.
"Vốn đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến, Nga là nước cuối cùng ở châu Âu muốn nói đến từ "chiến tranh", - ông Dmitry Peskov tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Pavel Zarubin trong chương trình "Moscow. Kremlin. Putin".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp trực tuyến. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cuộc điện đàm bắt đầu lúc 11h sáng 20/2, giờ Pháp (17h, giờ Việt Nam). Cuộc điện đàm diễn ra 2 tuần sau khi ông Macron đến Moskva để hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga về tình hình an ninh khu vực. Điện Elysée gọi đây là nỗ lực cần thiết cuối cùng để tránh nổ ra một cuộc xung đột lớn tại Ukraine. Trước đó ngày 19/2, Tổng thống Pháp cũng điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong đó, theo thông báo từ điện Elysee, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với Moskva.
Ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre cũng cho rằng vẫn còn cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp ngoại giao. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM, bà Legendre cho biết nếu xảy ra xung đột lớn tại Ukraine, Pháp sẽ hỗ trợ Kiev thông qua các biện pháp trừng phạt với "áp lực chưa từng có" đối với nền kinh tế Nga.
Ngày 20/2, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin tuyên bố Nga và Belarus sẽ tiếp tục các cuộc tập trận do tình hình an ninh ở Donbass ngày càng xấu đi.
Binh sĩ tham dự tập trận Nga - Belarus. Ảnh: Sputnik
"Liên quan đến việc gia tăng hoạt động quân sự gần biên giới bên ngoài của liên minh Nga - Belarus và tình hình ở Donbass ngày càng leo thang căng thẳng, Tổng thống Cộng hòa Belarus và Tổng thống Nga đã quyết định tiếp tục kiểm tra sự sẵn sàng của các lực lượng ứng phó của liên minh hai quốc gia", đài Sputnik (Nga) dẫn lời ông Khrenin cho biết hôm 20/2.
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus nêu rõ rằng các cuộc tập trận này sẽ liên quan đến các vấn đề huấn luyện tác chiến - không nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Quyết tâm Đồng minh Nga-Belarus 2022, nhưng trọng tâm không thay đổi - nhằm đảm bảo khả năng phản ứng đầy đủ và ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn nào của những kẻ xấu.
Hiện vẫn chưa rõ thông báo này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lực lượng Nga đang ở Belarus. Theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lực lượng này gồm khoảng 30.000 binh sĩ. Nhóm binh sĩ này cũng đang ở rất gần biên giới với Ukraine. Cuộc tập trận này đang nhận được rất nhiều sự chú ý.