*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 18/1 tiếp tục có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Hôm nay, chính quyền tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tổ chức lễ khen thưởng cho một số ngư dân địa phương vì đã giao nộp các thiết bị dưới nước "khả nghi" vớt được ở vùng biển và "gây nguy cơ cho an ninh quốc gia", báo chí Trung Quốc đưa tin.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 18/1, Quốc hội Indonesia đã chính thức thông qua luật dời thủ đô từ Jakarta sang đảo Borneo, báo Tuổi trẻ dẫn nguồn Nikkei Asia cho hay. Thay thế Jakarta đang lún dần, hay bị ngập với lượng dân cư đông đúc sẽ là thủ đô mới có tên Nusantara.
Thủ đô mới của Indonesia mang tên Nusantara, nằm ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Ảnh: Nikkei Asia
"Thủ đô mới giữ vai trò trung tâm và là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia cũng như một trung tâm kinh tế mới", Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Suharso Monoarfa phát biểu trước Quốc hội Indonesia sau khi dự luật được thông qua.
Được biết, luật mới sẽ là cơ sở pháp lý cho tham vọng để đời trị giá hơn 30 tỉ USD của Tổng thống Joko Widodo. Chính ông Widodo cũng là người chọn cái tên - Nusantara - có nghĩa là "quần đảo" trong tiếng Java - để đặt cho thủ đô mới.
Nhiều thiệt hại đáng kể đã được báo cáo tại khu vực dọc theo bờ biển phía tây của hòn đảo chính của Tonga sau vụ phun trào núi lửa và sóng thần cuối tuần qua, sân bay bị đóng cửa và thông tin liên lạc bị cắt đứt đang cản trở nỗ lực cứu trợ quốc tế, theo Reuters.
Cao ủy của New Zealand ngày 18/1 đưa ra báo cáo sơ bộ về thiệt hại dọc theo bờ biển phía tây của đảo Tongatapu, nơi tọa lạc thủ đô Nuku’alofa của Tonga.
Quần đảo Nam Thái Bình Dương này hầu như vẫn bị cắt liên lạc với thế giới kể từ vụ phun trào trên đảo núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai hôm 15/1.
Theo Cao ủy New Zealand, một lớp tro dày đã bao phủ toàn bộ hòn đảo, đồng thời, họ đang ưu tiên tái lập liên lạc với những hòn đảo nhỏ hơn của Tonga.
Cho đến nay, ít nhất một trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận. Đó là một người phụ nữ quốc tịch Anh, Angela Glover, 50 tuổi. Theo người thân của bà Glover, bà đang cố gắng giải cứu các chú chó tại một trại cứu hộ động vật ở Tonga do hai vợ chồng bà thành lập thì cơn sóng thần ập đến.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Phát biểu hôm 17/1 trên kênh truyền hình nhà nước ERR, Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng Estonia - Kusti Salm tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến một căn cứ quân sự ở phía Đông Bắc, cách biên giới Nga khoảng 110km.
"Estonia đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ đề phòng trường hợp NATO đưa 5.000 binh sĩ đến đây", ông Kusti Salm nói. "Có một căn cứ ở Tapa, nơi chúng tôi có thể tiếp nhận quân đồng minh, lưu trữ thiết bị quân sự và vũ khí để các đơn vị có thể từ đó di chuyển đi nơi khác."
Trang tin ECHO24.cz của Séc dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla cuối tuần qua cho biết phiên bản cải tiến của vaccine ngừa COVID-19 của hãng này sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 3/2022 và hãng đang triển khai sản xuất đại trà. Vaccine mới không chỉ ngừa biến thể Omicron mà còn cả những biến thể khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Chủ tịch Bourla bày tỏ hy vọng vaccine mới sẽ đạt được khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều so với hiện tại. Ông cũng trích dẫn các thông tin nghiên cứu về các loại vaccine hiện tại. Cụ thể, dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy 20 tuần sau mũi tiêm cơ bản thứ hai, cả vaccine của Pfizer /BioNTech và Moderna chỉ có 10% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên hiệu quả của mũi tăng cường (mũi thứ ba) lên đến 75%.
Trong khi đó, người phát ngôn chi nhánh Pfizer tại Séc Tomáš Sazima cũng đã xác nhận hãng đang phát triển vaccine ngừa Omicron.
Ông nêu rõ hiện Pfizer cùng công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang tiếp tục thu thập dữ liệu thí nghiệm bổ sung và đánh giá hiệu quả thực sự của vaccine để xác nhận khả năng phòng ngừa biến thể Omicron. Theo ông, các lô đầu tiên có thể được sản xuất và xuất xưởng trong vòng 100 ngày, tùy thuộc vào tiến độ cấp phép của cơ quan quản lý. Pfizer và BioNTech trước đó đã bắt đầu phát triển một loại vaccine cải tiến vào cuối tháng 11/2021. Hai công ty cũng thông báo kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều vào năm 2022.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo thông tin của báo New York Times, một tuần trước khi các cuộc đối thoại an ninh căng thẳng với Mỹ, NATO, Nga đã âm thầm rút bớt người rời khỏi Đại sứ quán nước này tại Kiev.
Báo Giao thông đưa tin, tờ NYT dẫn lời giới chức an ninh cấp cao Ukraine cho biết, ngày 5/1, Nga đã đưa 18 người, hầu hết là con và vợ của các nhà ngoại giao Nga, lên xe bus và đưa về nhà tại Moscow. Thời gian đi lại mất khoảng 15 tiếng.
Trong vài ngày sau, có thêm khoảng 30 người khác cũng rời cơ quan đại diện ngoại giao này và 1 lãnh sự quán ở Lviv, miền Tây Ukraine.
Các nhà ngoại giao ở hai lãnh sự quán khác của Nga cũng được thông báo chuẩn bị rời khỏi Ukraine – theo nguồn tin giấu tên trên.
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh - TASS
New York Times dẫn thông báo của một quan chức Mỹ cho biết, họ nhận thấy Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng đã chuẩn bị sơ tán.
"Chúng tôi có thông tin cho thấy chính phủ Nga đã chuẩn bị sơ tán các thành viên gia đình nhân viên Đại sứ từ cuối tháng 12 và đầu tháng 1", một quan chức Mỹ cho biết.
Báo Mỹ đã đặt câu hỏi mở về ý đồ của Nga khi thực hiện động thái trên tại thời điểm trước thềm đối thoại cấp cao căng thẳng với Mỹ và NATO.
Hôm nay, chính quyền tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tổ chức lễ khen thưởng cho một số ngư dân địa phương vì đã giao nộp các thiết bị dưới nước "khả nghi" vớt được ở vùng biển và "gây nguy cơ cho an ninh quốc gia", báo chí Trung Quốc đưa tin.
Tỉnh Giang Tô có đường bờ biển dài hơn 1.000km giáp với Hoàng Hải.
Từ năm 2020, các ngư dân ở tỉnh này đã tìm thấy 10 thiết bị do nước ngoài chế tạo, có khả năng hoạt động dưới nước và "đánh cắp bí mật", Xinhua đưa tin.
Hãng thông tấn này đăng một video lên trang web về buổi lễ các ngư dân được khen thưởng.
Châu Âu đang chuẩn bị những kịch bản xấu cho vấn đề Ukraine và tăng cường các hoạt động ngoại giao gây sức ép với Nga.
Hôm qua (17/1), Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Tây Ban Nha để thảo luận cùng với các thành viên của Liên minh Châu Âu về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Cùng ngày Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tới thủ đô Kiev mang theo sự hỗ trợ tài chính và khí tài cho Ukraine của châu Âu. Động thái này diễn ra sau các cuộc đàm phán về an ninh giữa Nga và phương Tây kết thúc tuần trước mà không đạt kết quả. Nó cũng cho thấy, Châu Âu đang chuẩn bị những kịch bản xấu cho vấn đề Ukraine và tăng cường các hoạt động ngoại giao gây sức ép với Nga.
Trong chuyến thăm Kiev vào hôm qua, tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock một lần nữa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức đối với Ukraine khi cảnh báo, Nga sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tấn công Ukraine. Theo bà Annalena Baerbock, ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt tình hình rất nguy hiểm hiện nay:
"Nga sẽ phải trả giá đắt nếu có các hành động gây hấn hơn nữa. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Nga, bởi ngoại giao là các duy nhất có thể để xoa dịu tình hình rất nguy hiểm hiện nay. Không quốc gia nào có quyền ra lệnh cho quốc gia khác phải đi theo hướng nào, có thể có quan hệ gì và có thể tham gia liên minh nào."
Trong chuyến thăm Tây Ban Nha cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Pedro Sanchez về những vấn đề lớn của khu vực, trong đó trọng tâm là căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga và nguy cơ xung đột quân sự bùng phát ở biên giới giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, nguy cơ bất ổn an ninh tại châu Âu đang tiếp tục dâng cao mỗi ngày sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và các quốc gia thành viên NATO vào tuần trước đã kết thúc trong bế tắc và châu Âu cần khẩn cấp yêu cầu Nga thực thi các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
"Chúng tôi đã thảo luận về các cuộc khủng hoảng ở các khu vực lân cận châu Âu và việc này có liên quan rất lớn đến tình hình ở biên giới Ukraine. Chúng tôi cực kỳ lo ngại vì tình hình hiện tại là hết sức nghiêm trọng. Điều quan trọng là châu Âu cần đề nghị các bước đi rõ ràng từ phía Nga để hạ nhiệt căng thẳng. Việc của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể để đảm bảo tránh được xung đột bởi nếu không thì kết cục là tất cả các bên đều sẽ gánh chịu hậu quả".
Ảnh minh họa: Reuters
Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA) vừa cho biết tên lửa mà nước này phóng đi hôm qua (17/1) là tên lửa dẫn đường chiến thuật.
Đây cũng là vụ thử tên lửa mới nhất trong loạt vụ thử vũ khí gần đây của nước này trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bị đình trệ.
Theo KCNA, Viện Hàn lâm Khoa học quốc phòng Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm tên lửa dẫn đường chiến thuật từ khu vực phía Tây và bắn trúng chính xác một mục tiêu ngoài khơi bờ biển phía Đông. Mục tiêu là nhằm đánh giá một cách có chọn lọc các tên lửa dẫn đường chiến thuật đang được sản xuất và triển khai, cũng như xác minh độ chính xác của các hệ thống vũ khí.
Trong số 3 vụ thử tên lửa trước đó của Triều Tiên, hai vụ là tên lửa siêu thanh có khả năng di chuyển với tốc độ cao sau khi cất cánh và một là tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ tàu hỏa./.
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hạ cánh xuống thủ đô Kiev hôm 17-1 (giờ địa phương) để đối mặt với các cáo buộc phản quốc.
Sau khi hạ cánh trên chuyến bay từ Warsaw - Ba Lan, ông Poroshenko cáo buộc các nhân viên biên phòng lấy hộ chiếu của ông. Sau đó, ông chào đám đông hàng ngàn người ủng hộ đang reo hò và vẫy cờ bên ngoài sân bay.
Sự trở lại của ông Poroshenko tạo ra một cuộc đối đầu với chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Các nhà phê bình chỉ trích đây là sự mất tập trung sai lầm khi Ukraine đang chuẩn bị trước nguy cơ bị Nga tấn công và phải tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây.
Các nhà ngoại giao phương Tây đã kêu gọi sự đoàn kết chính trị tại Ukraine trước khi ông Poroshenko về nước.
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong phiên tòa ngày 17-1. Ảnh: EPA-EFE
Cựu tổng thống Ukraine đang bị điều tra cáo buộc phản quốc có liên quan đến việc tài trợ cho các tay súng ly khai thân Nga thông qua việc bán than trái phép vào năm 2014 và 2015. Ông có thể đối mặt với án tù 15 năm nếu bị kết tội.
Cựu tổng thống tố ngược đây là hành động vu cáo của các đồng minh của ông Zelenskiy.
"Chúng ta có mặt ở đây không phải để bảo vệ bản thân tôi mà để đoàn kết và bảo vệ Ukraine" - ông Poroshenko nói với đám đông trước khi đến tòa án Pechersk ở Kiev để dự phiên tòa.
Trong giờ nghỉ giải lao, ông tiếp tục nói với người ủng hộ: "Các cơ quan chức năng đang bối rối và yếu đuối. Thay vì chống lại Nga, họ đang cố chống lại chúng tôi".
Cuối cùng, tòa án đã hoãn ra quyết định về việc bắt giữ ông Poroshenko sau phiên điều trình kéo dài gần 12 giờ. Phiên điều trần sẽ tiếp tục vào ngày 19-1.
Trao đổi với hãng tin Sputnik, ông Ablyazov - cựu quan chức ngân hàng Kazakhstan, cho biết, nhóm của ông này đã sử dụng một trụ sở điều phối ở thủ đô Kiev (Ukraine) để truyền thông tin về các cuộc biểu tình hàng loạt tại đất nước Trung Á.
Ông Mukhtar Ablyazov - cựu quan chức ngân hàng Kazakhstan. Nguồn: Internet
Theo Thời Đại, ông Mukhtar Ablyazov cho biết, trung tâm trên là nơi nhận các cuộc gọi từ người biểu tình và điều phối hành động phù hợp với những "quy trình" do phe đối lập xây dựng.
Theo đó, người biểu tình phải hành động một cách đồng bộ, không cho phép các quan chức thuộc phe này tham gia vào hành động khiêu khích, tuy nhiên lại tham gia vào hành động chiếm giữ các tòa nhà hành chính.
Ông Ablyazov khẳng định, các cuộc bạo loạn vừa nổ ra tại Kazakhstan trong 1 tuần đầu năm mới khiến 200 người thiệt mạng, không phải là đảo chính.
"Hành động được coi là đảo chính nếu là vi hiến, sử dụng quân đội. Còn tất cả các cuộc tuần hành chúng tôi thực hiện là quyền hợp hiến", ông Ablyazov khẳng định.
Cũng theo thừa nhận của cựu quan chức này, trong quá trình xảy ra bạo loạn, ông đã kêu gọi người biểu tình chiếm giữ các toàn nhà hành chính nhưng ý của ông chỉ là tụ tập đông tại các tòa nhà này chứ không phải đập phá hay tấn công.
Cựu quan chức ngân hàng Kazakhstan này hiện đã bỏ trốn sang Pháp.
Một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng cảnh báo rằng nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ sẽ có động thái mạnh mẽ để làm tổn hại vị thế chiến lược của Moscow và áp dụng các biện pháp nhằm vào nền kinh tế của họ.
Trả lời CBS News, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đang phối hợp với các đồng minh và đối tác lên kế hoạch đối phó với một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga nhằm vào Ukraine.
Tuần trước, ông Sullivan cho rằng Nga đang đặt cơ sở ngụy tạo cái cớ cho một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, sau cáo buộc Moscow đã bố trí hơn 100.000 binh lính ở biên giới với Kiev để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Giới tình báo Mỹ cho biết có thông tin rằng Nga đã bố trí một nhóm đặc nhiệm nhằm tiến hành chiến dịch "gắn cờ giả" ở miền Đông Ukraine.
"Chúng tôi đã sẵn sàng cho kịch bản Nga muốn đi theo con đường ngoại giao. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện điều đó với các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, nếu Nga muốn thực hiện cuộc tấn công và leo thang căng thẳng, chúng tôi cũng sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ để phá hủy vị thế chiến lược của họ", ông Sullivan nói.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Mỹ và NATO đang phối hợp để tạo ra một kịch bản trong đó khối quân sự do Mỹ đứng đầu và Nga "có một vị thế chiến lược suy yếu hơn".
"Nếu Nga tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp nhằm vào nền kinh tế của họ, nhằm vào vị thế chiến lược của họ ở châu Âu", ông Sullivan nói.
Ngày 12/1, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã đề xuất dự luật "Đạo luật Bảo vệ chủ quyền của Ukraine" nhằm cảnh báo những hệ quả nghiêm trọng nếu Nga xâm lược Ukraine, bao gồm lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng như đối với lĩnh vực ngân hàng của Nga.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley được xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đang có các triệu chứng rất nhẹ. Tư lệnh Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ, Tướng David Berger cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tá Dave Butler, cho biết Tướng Min-li, người tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 và cũng đã tiêm mũi nhắc lại, có kết quả dương tính vào ngày 16/1. Tướng Milley đã tự cách ly và làm việc từ xa ở một địa điểm mà ông có thể thực hiện mọi nhiệm vụ của mình.
Đại tá Butler cho biết thêm, cuộc tiếp xúc gần đây nhất của ông Milley với Tổng thống Joe Biden là vào ngày 12/1 vừa qua, tại đám tang của Tướng Raymond Odierno, người đã qua đời vì bệnh ung thư vào tháng 10 năm ngoái. Tướng Milley, 63 tuổi, đã xét nghiệm âm tính vài ngày trước khi tiếp xúc với Tổng thống Biden và xét nghiệm mỗi ngày sau đó cho đến khi được xác định dương tính với Covid-19.
Trong một tuyên bố, Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ cũng xác nhận Tư lệnh Berger dương tính với Covid-19 song không cung cấp thêm chi tiết, ngoại trừ nói rằng công việc của ông không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các thành viên khác của Hội đồng Tham mưu liên quân có kết quả xét nghiệm âm tính.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và cũng chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 17/1 vừa tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông như Philippines.
Theo đó, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh rằng: "Chỉ nhấn mạnh yêu sách của chỉ một phía và áp đặt ý chí của mình lên người khác không phải là cách thích hợp để các nước láng giềng đối xử với nhau. Điều này đi ngược lại triết học phương Đông về việc con người nên hòa hợp với nhau"
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và một nhóm vận động của Philippines tổ chức, ông Vương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình.
Tuyên bố trên được ông Vương Nghị đưa ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Philippines lên án Trung Quốc chặn một tàu tiếp tế quân sự của Manila ở Biển Đông.
Trước lời lên án này, Mỹ, một đồng minh có hiệp ước của Philippines, đã cảnh báo Trung Quốc rằng nếu tàu Philippines bị tấn công, Washington sẽ hành động theo các cam kết phòng thủ chung với Manila.
Theo PLO, tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng thời gian qua do các yêu sách chủ quyền ham hố và phi lý của Trung Quốc mà họ nói dựa trên các bản đồ lịch sử. Bắc Kinh đã bị các nước phương Tây cáo buộc là gây hấn và khiêu khích bằng cách triển khai hàng trăm tàu hải cảnh và tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trong đó có Philippines, và ở xa đại lục.
Trung Quốc nói hành động của họ là chính đáng, bởi vì các tàu này hoạt động ở khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên xem là "lãnh thổ" của họ. Philippines phản đối điều mà Manila cho là "xâm nhập" và "tràn ngập".
Ông Vương nói rằng Trung Quốc hy vọng có thể cùng Philippines quản lý và giải quyết vấn đề "một cách phù hợp, trên tinh thần thiện chí".
Phát ngôn viên của điện Kremlin đã đáp trả tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nuland về 18 kịch bản của Mỹ đối với hành động của Nga ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 15/1 tuyên bố qua tờ Financial Times rằng Mỹ đã chuẩn bị 18 kịch bản để đáp trả lại tình huống giả định là Nga sẽ "xâm lược" Ukraine. Vị này cho biết, trao đổi giữa các đồng minh của Mỹ là về việc "gây đau đớn rất sắc, rất nhanh nếu Nga động thủ dưới bất cứ hình thức nào".
Điện Kremlin Nga. Ảnh: Sputnik.
Hôm nay (17/1), phát ngôn viên điện Kremlin - Dmitri Peskov, đáp trả rằng Nga cũng đang xem xét các kịch bản của riêng mình trong trường hợp căng thẳng tiếp tục leo thang liên quan đến Ukraine, nhưng số lượng kịch bản đó ít hơn so với số kịch bản mà Thứ trưởng Nuland nêu.
Ông Peskov phát biểu tại buổi họp báo như sau: "Tất nhiên, trong bối cảnh tình hình hiện nay, Nga đang nghĩ về cách bảo đảm an ninh của chính mình. Chúng tôi biết rằng bà Nuland có 18 kịch bản. Chúng tôi đang xem xét các kịch bản khác nhau; chúng tôi tin rằng số lượng kịch bản của chúng tôi sẽ ít hơn nhiều vì không cần phải phức tạp hóa vấn đề vì vấn đề vốn không phức tạp như vậy. Vấn đề ở đây cực kỳ trực tiếp và cụ thể".
Quan chức ngoại giao Mỹ không nói rõ chính xác các lựa chọn của Mỹ là gì, chỉ nói rằng theo các cuộc trao đổi với đồng minh, các bên đã nói về việc "gây đau đớn rất sắc, rất nhanh" chống lại Nga.
Hiện phía Trung Quốc đã đóng cửa, tạm dừng thông quan để tiến hành truy vết Covid-19 và chưa có thông báo thời điểm mở cửa trở lại.
Sáng nay (17/1), cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) lại tiếp tục tạm dừng thông quan hàng hóa do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp bên phía nước bạn Trung Quốc.
Những ngày gần đây, tình hình xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma khá chậm, trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 50 xe. Đến hôm nay (17/1), tổng lượng xe tồn tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 1.300 xe, chủ yếu là nông sản như tinh bột sắn, hạt cà phê, nhựa thông,…
Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) cho biết, ngày 16/1, phía bạn có điện thoại trực tiếp cho Văn phòng UBND huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) thông báo, tình hình dịch bệnh bên phía Ninh Minh (Trung Quốc) đang diễn biến phức tạp, qua sàng lọc tại trấn Ái Điểm phát hiện 1 ca dương tính là công nhân có hoạt động bốc xếp hàng.
"Do vậy đến sáng nay (17/1) bên phía bạn đã đóng cửa, tạm dừng thông quan để tiến hành truy vết toàn bộ người dân tại thị trấn Ái Điểm. Họ chỉ thông báo là tạm dừng còn tạm dừng đến khi nào và bao giờ mở cửa trở lại thì họ cũng chưa thông tin chính thức", ông Ngọc cho biết.
Trước đó, phía nước bạn Trung Quốc có thư gửi tỉnh Lạng Sơn thông báo sẽ nghỉ Tết Nguyên đán, dừng thông quan từ 31/1 đến ngày 6/2 (tức từ 29 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng). Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Chi Ma lại nhận được thông tin phía bạn sẽ nghỉ Tết từ ngày 21/1 (tức 19 tháng Chạp Tân Sửu), sớm hơn tới 10 ngày so với thông báo của lực lượng chức năng Quảng Tây, Trung Quốc.
Hiện tỉnh Lạng Sơn cũng đã có thông báo gửi các địa phương về việc tạm dừng nhận hàng nông sản là hoa quả tươi lên cửa khẩu từ ngày 17/1 đến Tết Nguyên đán 2022 nhằm giải phóng hết lượng hàng đang tồn ở cửa khẩu./.
Tháng 11/2021, ông Wang Fuyu, cựu Phó Bí thư Đảng ủy tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã nhận tội nhận hối lộ 450 triệu nhân dân tệ, tương đương 70,7 triệu USD.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin một tòa án ở Thiên Tân ngày 17/1 đã tuyên phạt ông Wang Fuyu án tử hình treo trong thời gian hai năm, sau đó sẽ giảm xuống mức tù chung thân. Ngoài ra, ông Wang sẽ phải nộp phạt 1 triệu nhân dân tệ và bị tịch tu toàn bộ tài sản. Cựu quan chức này không có ý định kháng cáo.
Trường hợp tham nhũng của ông Wang được liệt kê chi tiết trong tập thứ hai của bộ phim tài liệu chống tham nhũng được chiếu trên đài truyền hình quốc gia CCTV vào tối 16/1. Trong đó, ông đã thú nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời bày tỏ sự hối hận.
Ông Wang Fuyu nhận tội trên sóng truyền hình ngày 16/1. Ảnh: CCTV
Ông Wang Fuyu, 69 tuổi, đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) giam giữ vào tháng 2 năm ngoái, hai năm sau khi ông nghỉ hưu.
Phim tài liệu cho biết vào năm 2014, ông Wang, lúc đó là Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị của nhân dân Quý Châu, đã lợi dụng chức vụ để giúp đỡ một doanh nhân trúng thầu dự án trị giá 2,2 tỷ nhân dân tệ. Sau đó, ông Wang đã đút túi 45% lợi nhuận từ dự án.
Cựu quan chức này nói chương trình: "Tôi không hiểu tại sao mình lại muốn số tiền đó, tôi đã có đủ rồi. Tôi muốn tiền để làm gì? Tự chôn mình hay sao? Bây giờ tôi biết rằng sự tham lam điên cuồng của tôi đã lên đến đỉnh điểm".
Đại diện CCDI cho biết: "Wang Fuyu đã đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của Trung ương Đảng trong chống tham nhũng. Chức vụ của ông ấy không phải lá chắn bảo vệ, và nghỉ hưu không có nghĩa là ông ấy sẽ hạ cánh an toàn".
Tập phim có tựa đề "Săn hổ và đập ruồi" đã nêu bật vụ án của cựu Phó Bí thư tỉnh Quý Châu làm ví dụ về quyết tâm của CCDI nhằm hạ gục "những con hổ" - ám chỉ các quan chức cấp cao tham nhũng.
Tập phim cũng làm sáng tỏ cách thức những "con ruồi" - những cán bộ cấp thấp và trung bình - trục lợi từ nguồn quỹ hưu trí hoặc trợ cấp y tế và nhà ở cho người nghèo.