*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Nhiều diễn biến nóng đã xảy ra trên toàn cầu trong vòng 24 giờ qua.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP hôm 15/12, cựu Tổng thống Hamid Karzai cho biết chính ông là người đã mời phong trào Taliban tiến vào thủ đô Kabul hồi giữa tháng 8 .
Ông Hamid Karzai (63 tuổi) từng là tổng thống Afghanistan từ năm 2001 đến năm 2014. Hiện ông vẫn được coi là nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Afghanistan.
Ông Hamid Karzai trả lời phỏng vấn hãng tin AP từ Kabul. Ảnh: AP
Động thái này, theo ông Karzai, là cách duy nhất "để bảo vệ người dân, để đất nước và thủ đô không rơi vào hỗn loạn, để ngăn chặn tình trạng phá hoại, cướp bóc các cửa hàng."
Đầu tháng 8, khi lực lượng Mỹ rục rịch rút quân khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ hiện diện ở nước này, phong trào Taliban đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát các tỉnh và tiến sát thủ đô Kabul. Thời điểm đó, ông Karzai đã tham gia các cuộc đàm phán về thoả thuận chia sẻ quyền lực giữa Taliban với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani.
Ông tiết lộ rằng một thoả thuận hoà bình đã được đàm phán vào ngày 14/8. Tổng thống Ghani đồng ý tới thủ đô Doha của Qatar vào hôm sau để gặp các đại diện của Taliban.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một nghiên cứu mới được công bố tại Australia cho thấy mũi vaccine Covid-19 tăng cường có khả năng ngăn chặn trên 86% ca nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng và hơn 98% các trường hợp chuyển biến nặng.
Theo kết quả nghiên cứu nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu y học Kirby tại Australia, việc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường là hết sức cần thiết trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với biến thể Omicron được đánh giá là có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với các phiên bản trước.
Nghiên cứu của Viện Kirby cho thấy mũi tiêm nhắc lại có khả năng giúp tăng hiệu quả bảo vệ đối với các ca mắc Omicron có triệu chứng lên đến 86,2%, đồng thời ngăn chặn 98,2% các ca bệnh mắc biến thể này chuyển biến nặng.
Các nhà khoa học của Viện Kirby đã tiến hành nghiên cứu về hiệu quả của mũi vaccine thứ 3 sau khi xuất hiện biến thể Omicron và một nghiên cứu ban đầu được thực hiện tại Nam Phi cho thấy biến thể này đã làm giảm hiệu quả bảo vệ tổng thể của vaccine xuống còn 33% và tác dụng ngăn chặn các ca nhập viện chỉ còn 70%.
Để đối phó với biến thể mới của Covid-19, cơ quan y tế Australia đang kêu gọi người dân đi tiêm mũi vaccine thứ 3 sau khi hoàn thành mũi thứ 2 được 5 tháng. Dự kiến đến cuối tháng này sẽ có gần 4 triệu người dân đủ điều kiện để tiêm nhắc lại.
Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Hồng Kông ngày 15-12 cho Reuters biết sự khác biệt lớn về mức độ nhân lên của Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 khác có thể giúp dự đoán tác động của biến thể này.
So với biến thể Delta, Omicron tự nhân lên nhanh hơn 70 lần trong đường thở, khiến mức độ lây lan từ người sang người gia tăng nhanh chóng. Nhưng trong phổi, Omicron sao chép chậm hơn 10 lần so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2, có thể góp phần làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Hồng Kông Michael Chan Chi-wai nói: "Điều quan trọng cần lưu ý là mức độ bệnh nặng ở người không chỉ được xác định bởi sự nhân lên của virus mà còn bởi phản ứng miễn dịch của mỗi người, đôi khi tiến triển thành chứng viêm đe dọa tính mạng".
TS Chan cho biết: "Bằng cách lây nhiễm cho nhiều người hơn, một loại virus rất dễ lây nhiễm có thể gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao hơn. Mối đe dọa tổng thể từ biến thể Omicron có thể là rất đáng kể".
Theo nhóm nghiên cứu, mô hình cấu trúc về cách biến thể Omicron gắn vào tế bào và kháng thể làm sáng tỏ hành vi của nó và sẽ giúp tạo ra các kháng thể trung hòa.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại sẽ được thí điểm trong thương mại biên giới ở giai đoạn đầu, tập trung vào các giao dịch hàng hóa nhỏ và nhu yếu phẩm hằng ngày, Global Times đưa tin ngày 15/12.
Một nguồn tin giấu tên nói: "Trong tương lai, thỏa thuận nhân dân tệ sẽ mở rộng để áp dụng với thương mại chính ngạch, hàng hóa khối lượng lớn vận chuyển bằng container, bao gồm hải sản, máy móc, thiết bị…".
Một buổi lễ chính thức về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán biên mậu dự kiến được tổ chức vào ngày 1/1/2022 với sự tham dự của các quan chức Ngân hàng Trung ương Myanmar và Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar.
Nhiều nguồn tin và nhà phân tích Trung Quốc nói với Global Times rằng, động thái của Myanmar nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác mà Myanmar đang phải đối mặt, sau khi nước này sa lầy vào cuộc suy thoái kinh tế trong bối cảnh tình hình chính trị bất ổn sau cuộc chính biến hồi đầu năm.
Theo họ, sự bùng nổ thương mại Myanmar-Trung Quốc sẽ cung cấp một nguồn ổn định cho các ngân hàng Myanmar tiếp cận đồng nhân dân tệ, giúp giảm bớt khó khăn tài chính của nước này.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt Trời tại Đại học quốc gia Australia, vừa vinh dự được trao Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2021 trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiếu hiện là giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: vietnamplus.vn (do nhân vật cung cấp)
Sự kiện này do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, sinh năm 1988, bày tỏ rất hạnh phúc và tự hào khi được bình chọn là một trong 10 tài năng trẻ, xuất sắc nhất của Việt Nam được nhận giải thưởng trên.
Tiến sĩ Hiếu cho biết anh cũng rất ấn tượng với thành tích cùng sự đóng góp cho khoa học công nghệ của tất cả các ứng cử viên, dù đạt hay không đạt được giải.
Giới chức hàng hải Malaysia chiều 16/12 thông báo lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 18 thi thể sau khi một thuyền được cho là chở người di cư trái phép bị lật ngoài khơi bang Johor, miền Nam nước này trước đó một ngày.
Cơ quan Thực thi luật pháp Hàng hải Malaysia (MMEA) nêu rõ trong 18 nạn nhân xấu số, thi thể của 11 người được tìm thấy hôm 15/12. Tất cả những người này đều ở trên con thuyền xuất phát từ Indonesia. Ngoài ra, 14 người đã được cứu, trong khi 18 người vẫn mất tích. Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tiếp tục được triển khai trong ngày thứ hai.
Theo Cơ quan Bảo vệ Lao động di cư của Malaysia, các tài liệu thu được cho thấy hầu hết những người có mặt trên con thuyền xấu số này đến từ đảo Lombok của Indonesia. Trong số những người sống sót, một phụ nữ đang trong tình trạng nguy kịch do mất nước đã được đưa đến bệnh viện. Hiện giới chức trách đang tiến hành điều tra vụ việc.
Chiếc thuyền bị lật vào khoảng 4h30 sáng 15/12 trong điều kiện thời tiết rất xấu. Thông tin ban đầu cho biết vào thời điểm gặp nạn, trên thuyền có khoảng 60 người.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15-12 thông báo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rút ngắn lịch trình thăm các nước Đông Nam Á sau khi một thành viên trong đoàn mắc Covid-19.
Một phóng viên tháp tùng đoàn ông Blinken có xét nghiệm dương tính với Covid-19. Theo Reuters, kết quả xét nghiệm dương tính có vào chiều 15-12 tại Kuala Lumpur - Malaysia và phóng viên này đã được cách ly.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ông Blinken và các quan chức cao cấp trong đoàn đều có kết quả âm tính.
Trước đó, đoàn đã được xét nghiệm hôm 14-12 tại Jakarta (Indonesia) - điểm đến đầu tiên trong chuyến công du. Lúc đó, không phát hiện trường hợp dương tính nào.
Ngoại trưởng Antony Blinken đến Sân bay Subang ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 14-12. Ảnh: AP
Trong ngày 15-12, trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính, phóng viên nói trên đã tham gia buổi họp báo của ông Blinken và người đồng cấp Malaysia, ông Saifuddin Abdullah. Đại diện Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết cơ quan này đã nhận được thông tin về ca nhiễm Covid-19.
Ông Price lưu ý phóng viên này không tham gia bất kỳ hoạt động nào của Ngoại trưởng Blinken tại TP Kuala Lumpur.
Công ty Sinovac của Trung Quốc dẫn nghiên cứu mới nhất cho biết, tiêm liều vaccine thứ ba có thể tăng gấp đôi tỷ lệ kháng thể trung hòa đối với biến thể Omicron.
Nghiên cứu được Sinovac thực hiện trên 20 người đã tiêm hai mũi và 48 người khác đã tiêm ba mũi vaccine. Trong đó, 7 người thuộc nhóm đầu tiên và 45 người trong nhóm thứ hai cho kết quả dương tính với kháng thể trung hòa trong huyết thanh chống lại Omicron, với tỷ lệ kháng thể lần lượt là 35% ở người tiêm hai mũi và 94% ở nhóm tiêm ba mũi.
Sinovac khẳng định, dữ liệu đã chứng minh việc sử dụng thêm một mũi tiêm nhắc lại có thể tăng cường hiệu quả khả năng trung hòa đối với biến thể Omicron.Hôm thứ Hai vừa qua (13/12), nhóm nghiên cứu do giáo sư Yuen Kwok-yung của Đại học Hong Kong dẫn đầu đã xuất bản một bài báo trên trang Medrxiv, kết luận rằng biến thể Omicron có thể thoát khỏi các kháng thể trung hòa được tạo ra bởi BNT162b2 – vaccine của Pfizer - hoặc CoronaVac - vaccine của Sinovac.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Philippines, Indonesia và Campuchia vào ngày 16/12 đều ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên. Tờ Straits Times đánh giá diễn biến này góp phần gia tăng bất an khắp châu Á.
Các quan chức y tế tại Manila thông báo họ phát hiện 2 du khách, một người đến từ Nhật Bản ngày 1/12 và một người khác đến từ Nigeria vào ngày 30/11, đều mắc biến thể Omicron. Cả 2 du khách này đều không có triệu chứng.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận đã phát hiện biến thể Omicron ở một phụ nữ 23 tuổi mới trở về từ Ghana, có quá cảnh tại Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất và Thái Lan. Người phụ nữ này đang mang thai 15 tuần tuổi.
Cơ quan y tế Indonesia ngày 16/1 cũng thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Omicron.
Như vậy, biến thể Omicron đã được ghi nhận tại Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Những ca mắc mới Omicron tại châu Á trùng hợp với cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng biến thể này đang lây lan mạnh với tỷ lệ chưa từng có. Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi và nay xuất hiện tại 79 quốc gia.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - bà Kathleen Hicks (giữa) - thảo luận cùng các thành viên Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Hawaii ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Ngày 15-12, Hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết bà đã được báo cáo ngắn gọn về công cụ mới trong chuyến thăm tới Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Hawaii hôm 14-12. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết công cụ mới giúp tính toán "sự ma sát chiến lược", hỗ trợ giới chức Mỹ xem xét các hành động đã được lên kế hoạch trước 4 tháng.
Công cụ dựa trên dữ liệu từ đầu năm 2020, và đánh giá những hoạt động quan trọng đã tác động đến mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Phần mềm máy tính này sẽ giúp Lầu Năm Góc dự báo liệu một số bước đi cụ thể của Mỹ có khiến Trung Quốc phản ứng mạnh hay không.
Tờ Hoàn cầu đưa tin, quân đội Trung Quốc (PLA) hôm thứ Tư đã phát động một loạt các cuộc tập trận ở 3 mũi khác nhau của đảo Hải Nam, trong một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Một cuộc tập trận bắn đạn thật đã được tổ chức ở phía đông bắc của đảo Hải Nam. Trong khi đó, một cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ diễn ra từ thứ Năm đến thứ Sáu tại Vịnh Beibu, ở phía tây bắc của đảo Hải Nam.
Một thông báo hạn chế đi lại thứ 3 được đưa ra hôm thứ Hai cũng cho biết các cuộc tập trận quân sự sẽ bắt đầu từ thứ Tư và kéo dài đến thứ Sáu ở Biển Đông, và tọa độ cho thấy vị trí diễn tập cũng ở ngoài khơi đảo Hải Nam, về phía tây nam.
Các nhà quan sát nhận định, 3 cuộc tập trận trùng lặp về thời gian sẽ bao quanh hòn đảo lớn thứ hai của Trung Quốc từ 3 mũi khác nhau, đồng thời lưu ý rằng có khả năng PLA đang sử dụng Hải Nam để mô phỏng đảo Đài Loan.
Ông Kim Yong Ju, em trai của nhà lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, người từng được coi là quan chức số 2 của đất nước, đã qua đời, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi vòng hoa chia buồn, bày tỏ "lời chia buồn sâu sắc", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin.
"Ông Kim Yong Ju đã tận tụy đấu tranh để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và đóng góp vào việc đẩy mạnh xây dựng xã hội chủ nghĩa và phát triển hệ thống xã hội nhà nước kiểu Triều Tiên, đồng thời làm việc tại các chức vụ quan trọng của đảng và nhà nước trong nhiều năm", KCNA viết.
Tuy nhiên, bản tin không cho biết chính xác thời điểm ông Kim Yong Ju qua đời. Theo Bộ Thống nhất Seoul, ông sinh năm 1920, nghĩa là ông 100 hoặc 101 tuổi vào thời điểm qua đời.
Ông Kim Yong-ju sinh năm 1920, từng được coi là người đứng thứ 2 trong bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên và là người kế vị tiềm năng nhất cho anh trai Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, Kim Jong-il, con trai ông Kim Nhật Thành, sau đó trở thành lãnh đạo kế nhiệm cha.
Ngày 15-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vắc xin hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron. Biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn, Tuổi trẻ đưa tin.
Người dân xếp hàng để tiêm liều tăng cường bên ngoài một trung tâm tiêm vắc xin COVID-19 ở London, Anh, ngày 14-12-2021 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, WHO đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể Omicron là "vẫn còn rất cao", và cho biết cần nhiều dữ liệu hơn để đánh giá rõ hơn về khả năng lẩn tránh miễn dịch ở người đã tiêm vắc xin hay từng nhiễm COVID-19 của biến thể Omicron .
WHO cũng ghi nhận, tỉ lệ giải trình tự gene của biến thể Delta trên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID trong tuần này đã giảm so với các biến thể đáng lo ngại khác. Tuy nhiên, điều này có thể do nhiều nước tập trung giải trình tự gene với biến thể Omicron, ít cập nhật về các biến thể khác, trong đó có Delta.
Hiện tại, biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo, chiếm 99,2% trong gần 880.000 trình tự gene được cập nhật lên GISAID với các mẫu thu được trong vòng 60 ngày qua. Dù vậy, xu hướng này đang giảm về tỉ lệ so với các biến thể Alpha, Beta và Gamma, và Omicron. Có tổng cộng khoảng 3.775 mẫu (tức 0,4%) là biến thể Omicron, các biến thể Alpha, Beta và Gamma chiếm gần 0,1% mỗi loại.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể phổ biến nhất tại châu Âu, chậm nhất vào giữa tháng 1-2022 do số ca nhiễm Omicron tại châu Âu tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.
Cũng trong ngày 15-12, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ra khuyến cáo cho phép tiêm liều tăng cường với vắc xin COVID-19 loại một liều do hãng Johnson & Johnson phát triển. Mũi tiêm này, sẽ được tiêm từ ít nhất 2 tháng sau khi tiêm liều đầu tiên cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo EMA, mũi tiêm tăng cường với vắc xin COVID-19 do Johnson & Johnson làm tăng kháng thể chống lại virus. Liều vắc xin này có thể dùng làm liều thứ ba cho người đã tiêm với vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna trước đó.
Nhiều nước đang cho siết lại các biện pháp hạn chế kiểm soát dịch do lo ngại biến thể Omicron. Các nước cũng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.
EMA đã khuyến cáo sử dụng vắc xin do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất để tiêm liều tăng cường từ 6 tháng sau tiêm. Cơ quan này cũng đang xem xét các dữ liệu liên quan đến tiêm tăng cường với vắc xin do hãng AstraZeneca sản xuất.
Phát biểu trên kênh Russia 1, bác sĩ Alexander Myasnikov, người đứng đầu Trung tâm Thông tin về Covid-19 Quốc gia Nga đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm và các biến thể của virus này.
Theo ông Myasnikov, hiện nay mọi người chủ yếu lo ngại về đại dịch Covid-19 và đó là lý do vì sao nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn lại ít được quan tâm đến. Bác sĩ lưu ý rằng, với nhiều bệnh, trong đó có cúm gia cầm, việc kiểm soát động vật mang virus là điều không thể.
Trước đó, chuyên gia người Nga đã chỉ ra cách duy nhất để bảo vệ bản thân trước biến thể Omicron của SARS-CoV-2. Đó là tiêm chủng. Ông Myasnikov nhấn mạnh rằng, bất kỳ biến thể nào xuất hiện sau cũng sẽ lây mạnh hơn biến thể trước và diễn biến đó là thông thường đối với quá trình tiến hóa của virus.
"Tôi không biết trong trường hợp một biến thể cúm gia cầm mới xuất hiện, chúng ta có nhanh chóng phản ứng và bảo vệ bản thân bằng khẩu trang được hay không. Khi ấy có lẽ chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn", bác sĩ Myasnikov nói.
Ông Myasnikov cho biết thêm rằng, tỷ lệ tử vong do mắc căn bệnh này rất cao.
Theo dữ liệu của WHO, từ năm 2003 đến 2021, có 863 ca H5N1 ở người được ghi nhận, trong đó 456 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong gần 53%). Mặc dù tình trạng lây nhiễm là hiếm hoi nhưng nó vẫn xảy ra. Thông thường, người nhiễm bệnh là do tiếp xúc gần hoặc chạm vào gia cầm nhiễm bệnh, các chất dịch do chúng tiết ra hoặc ổ của chúng.
Cúm gia cầm (avian influenza) là bệnh truyền nhiễm ở động vật do virus gây ra, virus này có "họ xa" với virus gây bệnh influenza ở người.
Mặc dù rất hiếm hoi nhưng một số chủng có thể truyền sang người. Đã có nhiều chuyên gia y tế cộng đồng bày tỏ lo ngại về khả năng virus này đột biến thành các tuýp phụ gây bệnh cho người. Vì vậy, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về mối đe dọa bùng phát đại dịch influenza mới.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - bà Maria Van Kerkhove - cho rằng thế giới có đủ công cụ để chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19 trong năm 2022, theo Báo Tin tức.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Sputniknews, phát biểu ngày 15/12 trong chương trình hỏi đáp trực tuyến của WHO, bà Kerkhove nói: "2022 là năm chúng ta có thể kết thúc đại dịch COVID-19. Hiện chúng ta đã có các công cụ. Chúng ta có thể khiến COVID-19 không còn gây chết chóc nữa."
Tháng 10 vừa qua, WHO công bố chiến lược nhằm đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, với 70% dân số thế giới được tiêm đủ vaccine vào giữa năm sau.
Trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần, ngày 15/12, WHO cho biết bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron và biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn. Vì vậy, WHO đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể mới Omicron "vẫn còn rất cao".
Tuy nhiên, WHO cho rằng cần thêm dữ liệu để đánh giá rõ hơn về mức độ biến thể Omicron có thể lẩn tránh hệ miễn dịch của người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm virus.
Theo dữ liệu của Viện MIT (Mỹ), năm 2019, Việt Nam xuất khẩu antimon thứ 2 thế giới.
Antimon (Sb) là kim loại màu quan trọng, antimon nguyên chất có tính chất đặc biệt cứng và giòn. Nó hầu như chỉ được sử dụng dưới dạng hợp kim mà không được sử dụng ở dạng kim loại.
Antimon được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất vòng bi, trục máy, phụ tùng ôtô. Đặc biệt, antimon được sử dụng nhiều trong sản xuất các sườn cực ắc-quy, chiếm từ 10 đến 12% khối lượng của các sườn điện cực.
Không chỉ có vậy, trong lĩnh vực quốc phòng, antimon còn được dùng để chế tạo vỏ lựu đạn, chất nổ. Một số lĩnh vực khác dùng tới Antimon có thể kể đến như sản xuất cao su, thủy tinh, thuốc nhuộm, diêm, dây cáp, vật liệu bán dẫn cũng dùng các nguyên liệu chứa kim loại antimon.
Christopher Ecclestone, nhà chiến lược khai thác tại Hallgarten & Company có trụ sở tại London, cho biết cách đây vài năm, Trung Quốc sản xuất tới 80% nguồn cung antimon trên thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất quá mức các mỏ chủ chốt trong nhiều năm, cùng với giá hàng hóa thấp kéo dài đã làm giảm tỷ trọng sản xuất antimon trên toàn cầu của Trung Quốc xuống còn 53%.
Theo dự án quan sát kinh tế OEC thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu lượng antimon trị giá 34,3 triệu USD, trở thành nhà xuất khẩu antimon thứ 2 thế giới. Địa điểm xuất khẩu chủ yếu của antimon Việt Nam là: Bỉ (9,63 triệu USD), Nhật Bản (6,44 triệu USD), Tây Ban Nha (4,49 triệu USD), Mỹ (4,01 triệu USD) và Pháp (2,66 triệu USD).
Các thị trường xuất khẩu Antimon của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 là Tây Ban Nha (1,42 triệu USD), Hàn Quốc (1,29 triệu USD) và Mỹ (1,06 triệu USD).
Cũng trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 641 nghìn USD antimon, chủ yếu nhập từ Trung Quốc (khoảng 600 nghìn USD).
Theo Statista, sản lượng antimon khai thác tại Việt Nam vẫn chưa ổn định. Cụ thể, trong 10 năm qua, sản lượng trung bình là khoảng 300 nghìn tấn, chỉ có năm 2013 (1,2 triệu tấn) và năm 2014 (1,37 triệu tấn).
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Hai năm sau vụ 39 thi thể người Việt được tìm thấy trong thùng xe tải từ Bỉ sang Anh, ngày 15/12, tòa án Bỉ đã mở phiên xét xử 23 nghi phạm liên quan đường dây buôn người đứng sau vụ việc.
Phiên xét xử diễn ra tại thành phố Bruges dự kiến kéo dài 2 ngày, tập trung vào chi tiết chiếc xe tải đã rời Anderlecht, thuộc vùng ngoại ô phía Tây của thủ đô Brussels vào ngày 22/10/2019, để đến Anh.
Phiên tòa xét xử các nghi phạm liên quan đường dây buôn người tại thành phố Bruges, Bỉ, ngày 15/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây được cho là nơi đường dây buôn người bố trí 2 ngôi nhà để phân nhóm những người di cư trước khi khởi hành. Sau khi tiến hành xét xử, tòa án sẽ cần vài tuần để đưa ra phán quyết cuối cùng. Các công tố viên đề nghị án tù từ 18 tháng đến 15 năm cho các đối tượng.
Trước đó, ngày 23/10/2019, nhà chức trách Anh đã phát hiện 39 thi thể người Việt trong một thùng xe container đông lạnh đỗ tại khu công nghiệp ở thị trấn Grays. Chiếc xe này được đưa từ Bỉ đến Anh qua đường phà. Vụ việc liên quan đến hoạt động buôn người và vận chuyển người trái phép qua biên giới. Theo kết quả điều tra, trong quá trình di chuyển, những người trên xe đã bị ngạt khí và đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến họ tử vong.
Sau vụ việc, giới chức Anh và Bỉ đều đã tiến hành các cuộc điều tra. Hồi tháng 5/2020, giới chức Bỉ đã bố ráp một số địa điểm, chủ yếu ở vùng Brussels, để tìm những đối tượng tình nghi liên quan.
Tháng 1 năm nay, một tòa án Anh đã kết tội 7 đối tượng nam, trong đó có một số người bị kết tội ngộ sát, với mức án từ 3-27 năm tù gian./.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn và xáo trộn nhưng trong những chuyến bay hồi hương đưa người Việt về nước, Đại sứ quán luôn đặt sinh mệnh của đồng bào là ưu tiên cao nhất.
"Chưa bao giờ ở vào vị thế khó khăn như vậy"
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cho tới nay, đã có hàng nghìn chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, trong đó có các chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã có những chia sẻ thực tế về khó khăn trong công tác bảo hộ công dân giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới suốt 2 năm qua.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.
"Khó khăn nhất là số lượng người về rất lớn, vì ở Mỹ không chỉ có dịch Covid-19 mà còn các vấn đề như bạo loạn và kỳ thị người gốc Á. Do đó, số lượng người Việt muốn về nước rất đông, trong khi số lượng chuyến bay hạn chế", Đại sứ Hà Kim Ngọc cho hay.
Ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát rộng tại Mỹ, việc đưa công dân về nước an toàn là một thách thức lớn. Các cán bộ sứ quán đã làm việc ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ và hỗ trợ đồng bào.
Đại sứ cũng chia sẻ: "Cá nhân tôi, khi những chuyến bay đầu tiên được tiến hành, tôi hầu như không ngủ, thức thâu đêm suốt sáng vì giờ Mỹ và giờ Việt Nam chênh nhau 12 tiếng. Trong nước liên tục gọi điện sang nên chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng, thiết lập rất nhiều đường dây nóng để tiếp nhận nhu cầu của công dân. Khi đó, tôi cảm thấy mình chưa bao giờ ở vào vị thế khó khăn như vậy bởi phải xét xem ai đủ tiêu chuẩn được về, vì người này được về sẽ là nỗi buồn của người kia. Ngoài ra, chúng tôi còn phải sàng lọc các trường hợp ốm đau bệnh tật, những người có người thân ở nhà bị bệnh hiểm nghèo… Đó là giai đoạn rất khó khăn đối với chúng tôi".
Sinh mệnh của đồng bào mình phải được đặt lên cao nhất
Bên cạnh đó, phía Đại sứ quán cũng phải thiết lập quy chế, quy trình sàng lọc để người lên máy bay không bị mắc Covid-19. Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, vào giai đoạn đầu, xét nghiệm Covid-19 không phải là việc đơn giản. Dù vậy, phía Đại sứ quán vẫn thiết lập được cơ chế đảm bảo an toàn và có lẽ các chuyến từ Mỹ về Việt Nam là có số người mắc Covid-19 ít nhất so với các chuyến khác.
"Những lần đưa công dân về nước, tôi cũng trực tiếp ra sân bay để động viên bà con, công dân của mình, mặc dù sau đó khi trở về nhà, tất cả chúng tôi đều phải cách ly. Tôi phải cách ly với những người trong gia đình và không gặp các cán bộ, nhân viên trong sứ quán. Tài liệu chuyển cho nhau được bỏ vào một chiếc khay, sau đó người nhận ra lấy phải sát trùng. Điều đó gây tác động nhất định, làm xáo trộn đến công việc nhưng đối với chúng tôi, sinh mệnh của đồng bào mình, công dân mình là số 1 và phải được đặt lên cao nhất", Đại sứ Hà Kim Ngọc bày tỏ.
Nỗ lực ngoại giao đã giúp Việt Nam từ nước tiếp cận vaccine Covid-19 chậm trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 31.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 31 hôm nay. Ảnh: Báo Quốc tế.
"Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19", Thủ tướng nói. "Thông qua đường ngoại giao, Việt Nam từ một nước tiếp cận vaccine Covid-19 chậm trở thành một nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nỗ lực ngoại giao vaccine đã góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính tới ngày 14/12, Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 cho 77,7% dân số, trong đó gần 61% dân số tiêm đủ liều. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi của Anh, Đức, Mỹ, những nước triển khai tiêm vaccine sớm, lần lượt là hơn 75%, hơn 72% và gần 72%, theo dữ liệu từ trang Our World in Data.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 651.163 trường hợp mắc COVID-19 và 7.110 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 272 triệu ca, trong đó trên 5,3 triệu người không qua khỏi.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Báo Tin tức dẫn số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu trên 272.385.927 ca, trong đó có 5.344.167 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch "nóng nhất" nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), đồng thời cũng có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.300 ca.