*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 235,84 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,81 triệu người không thể qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 212,75 triệu người.
Bộ Y tế Lào đang khẩn trương triển khai kế hoạch phân bổ và tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thêm 3 nhóm đối tượng, trong đó cho phép phụ nữ mang thai 12 tuần trở lên được tiêm vaccine.
Theo Bộ Y tế Lào, ngoài các nhóm đối tượng phổ thông, 3 nhóm đối tượng gồm phụ nữ mang thai 12 tuần trở lên, phụ nữ đang cho con bú và người 17 tuổi được phép tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Hơn 3 triệu người dân Lào đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Nguồn: Đài phát thanh Lào
Bộ Y tế nước này cũng cho biết, ngoài thời gian theo dõi 30 phút tại viện, phụ nữ mang thai sẽ phải tiếp tục tự theo dõi tại nhà trong 28 ngày tiếp theo, đặc biệt chú ý 7 ngày đầu sau tiêm.
Đối với phụ nữ sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ thì tất cả vaccine được phê duyệt hiện nay không sử dụng virus còn sống. Do đó không có nguy cơ lây nhiễm virus sang trẻ qua sữa mẹ. Ngoài ra, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi tiêm vaccine, các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ, vì vậy giúp bảo vệ trẻ chống lại Covid-19.
Tính đến 4/10, trên 3 triệu người tại Lào đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, đạt 41% và có hơn 2,1 triệu người đã được tiêm đủ liều, đạt 28,84%.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Campuchia gần như đã hết sạch vaccine Jansen Johnson & Johnson ngừa COVID-19 mà nước này nhận được từ Mỹ trong khuôn khổ sáng kiến COVAX, theo Khmer Times.
Theo đó, vào tháng 7 và tháng 8, Campuchia đã nhận được 1.060.100 liều vaccine đơn liều Jansen của hãng dược Johnson & Johnson, và đã tiêm hết 1.053.151 liều cho người dân.
Ngày 21/9, Johnson & Johnson đã công bố dữ liệu mới củng cố khả năng bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ của vaccine Jansen, và khả năng bảo vệ sẽ còn tăng thêm nếu vaccine Jansen được sử dụng để tiêm liều bổ sung.
Cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường ở Blitar, Đông Java từ tuần tới khi thành phố này trở thành địa điểm thử nghiệm chương trình sống chung với COVID-19 của chính phủ Indonesia.
Binh sĩ Indonesia xịt khử trùng lên người dân đến sân vận động tại Tây Java để tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP
Tờ Straits Times (Singapore) cho biết kế hoạch này được triển khai sau khi Indonesia đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 gần đây nhất. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày đạt mức cao điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 trường hợp. Con số này nay đã giảm xuống còn 1.700 trường hợp. Tỷ lệ tử vong cũng đi theo đà giảm khi ở mức cao điểm là 1.700 ca trung bình 7 ngày vào đầu tháng 8 xuống 100 ca trong những ngày gần đây.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, người phụ trách phối hợp các nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 ở Java và Bali, cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm. Quay trở lại cuộc sống bình thường ở Blitar. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn duy trì, nhưng hãy tiếp tục và tham gia vào đám đông".
Ông nhấn mạnh rằng việc tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt là vẫn cần thiết và những công dân tham gia vào các hoạt động xã hội cần phải được tiêm đủ vaccine COVID-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 5/10, hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ thông báo đã gửi dữ liệu lên Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp mũi tiêm tăng cường vaccine phòng COVID-19 của hãng này đối với người từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Một số quốc gia trên thế giới, gồm cả Mỹ, đã triển khai tiêm mũi tiêm tăng cường cho những đối tượng có nguy cơ cao bất chấp việc các nhà khoa học vẫn bị chia rẽ về hiệu quả cũng như sự cần thiết của việc tiêm mũi tăng cường này.
Động thái trên được đưa ra sau khi FDA thông báo sẽ tiến hành họp ban cố vấn vào ngày 15/10 nhằm thảo luận về việc có cấp phép sử dụng khẩn cấp cho mũi tiêm tăng cường vaccine của hãng Johnson & Johnson hay không. Vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson là loại vaccine 1 mũi duy nhất.
Trước đó, hãng Johnson & Johnson thông báo việc tiêm hai liều vaccine Janssen ngừa COVID-19 của hãng có thể đem lại hiệu quả 94% bảo vệ bệnh nhân khỏi các triệu chứng nặng của bệnh, tương đương với mức độ hiệu quả của vaccine của các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech.
Theo Johnson & Johnson, việc tiêm một liều bổ sung cho loại vaccine một liều duy nhất này của hãng cũng giúp tăng miễn dịch, bảo vệ mạnh mẽ khỏi nguy cơ lây nhiễm virus. Đó là kết quả của 3 nghiên cứu mà hãng đã thực hiện để xem xét các mặt khác nhau của vaccine Janssen.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 5/10, Nga ghi nhận 895 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Nước này cũng có thêm 25.110 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, giới chức Nga đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vaccine và khẳng định đây là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, các nhà chức trách đang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Campuchia, tính đến hết ngày hôm qua (4/10), đã có hơn 13 triệu người Campuchia được tiêm chủng vaccine Covid-19, chiếm 84,09% tổng dân số cả nước.
Trong tổng số 13.454.384 người đã được tiêm vaccine Covid-19 tại Campuchia, có 9.913.396 người trưởng thành, 1.763.850 thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi và 1.777.139 trẻ em từ 6 đến 12 tuổi. Campuchia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho người dân từ ngày 10/2/2021 và hiện đang trên đà hoàn thành mục tiêu tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng trước kế hoạch.
Đến nay, đã có 9.913.396 người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine, đạt tỷ lệ 99,19% kế hoạch. Trong đó có 9.497.809 người đã được tiêm đầy đủ hai liều và 907.176 người đã được tiêm liều bổ sung (liều thứ ba). Hiện chỉ còn khoảng 15.000 người trưởng thành tại Campuchia chưa được tiêm vaccine và 72.130 người khác không đủ điều kiện để tiêm chủng vì lý do sức khỏe.
Dự kiến số người được tiêm vaccine liều thứ 3 tại Campuchia cũng sẽ tăng nhanh trong ít ngày tới khi chiến dịch tiêm liều bổ sung sẽ được triển khai rộng rãi từ ngày 11/10. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch, Campuchia hiện đang tính đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt là việc đón nhận khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Tây Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo một số chuyên gia, Đức vẫn đang trong "tâm điểm" của đại dịch COVID-19 và rằng mùa Thu và Đông có thể sẽ là thời điểm chứng kiến sự gia tăng của dịch bệnh. Quyết định trên có thể khiến trẻ em gặp rủi ro cũng như có thể làm gia tăng sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2.
Những người ủng hộ các biện pháp an toàn hơn trong trường học cho rằng trẻ em cũng có thể bị biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến hậu quả lâu dài được gọi là hiện tượng "COVID kéo dài" (Long COVID).
Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết ngày 4/10, tại Berlin, một bản kiến nghị phản đối việc chấm dứt đeo khẩu trang tại các trường tiểu học ở thủ đô đã thu thập gần 1.900 chữ ký. Phát biểu với hãng tin DPA, Julia Noack, người khởi xướng bản kiến nghị trên khẳng định: "Khẩu trang chỉ là một sự khó chịu quá nhỏ so với tác hại mà dịch bệnh có thể gây ra". Bởi vì ở trường, trẻ em dưới 12 tuổi không được bảo vệ bằng bất cứ phương tiện gì. Theo Noack, học sinh khó có thể giữ khoảng cách với nhau, thậm chí hàng chục em ngồi học trong cùng một phòng nhiều giờ với nhau.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Số ca tử vong trung bình mỗi tuần do Covid-19 trên toàn thế giới thấp nhất trong 11 tháng qua khi chiến dịch tiêm vaccine đạt nhiều tiến bộ.
Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới ngày 27/9 - 3/10 là 53.245, với trung bình 7.606 trường hợp mỗi ngày, thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020, giảm hơn so với giai đoạn ghi nhận số ca tử vong trung bình mỗi ngày kỷ lục là khoảng 10.000, cho thấy đại dịch Covid-19 tiếp tục xu hướng hạ nhiệt từ cuối tháng 8.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên.
Ngoài ra, EMA cũng nhất trí rằng liều tăng cường vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Châu Á vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh FDI trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch COVID-19 so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Theo tờ Business Times, Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hồi tháng 9.2021 cho thấy, dòng vốn FDI toàn cầu giảm 1/3 từ 1,5 nghìn tỉ USD năm 2019 xuống 1 nghìn tỉ USD năm 2020. Trên thực tế, dòng vốn FDI năm 2020 thấp hơn 20% so với năm 2009, do việc đóng cửa và viễn cảnh suy thoái kinh tế đã khiến nhiều công ty trên thế giới phải đánh giá lại kế hoạch đầu tư của họ.
Trong bối cảnh đó, bất chấp tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, Châu Á vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với FDI. Báo cáo của UNCTAD cho thấy dòng vốn FDI vào Châu Á năm 2020 tăng 4% lên 535 tỉ USD, trong đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đạt 149 tỉ USD so với 141 tỉ USD vào năm 2019.
Tăng trưởng FDI ở Châu Á dự kiến sẽ tiếp tục, với mức tăng từ 5 đến 10% hàng năm trong năm 2021. Theo báo cáo của UNCTAD, động lực này được thúc đẩy bởi "thị trường đang phát triển, liên kết khu vực và toàn cầu sâu rộng cùng môi trường đầu tư nhìn chung vẫn mở bất chấp đại dịch".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Đơn hàng mua bộ xét nghiệm PCR tại Hồ Bắc tăng vọt vài tháng trước khi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, theo nghiên cứu mới công bố.
Báo cáo được nhóm nghiên cứu gồm nhiều cựu quan chức tình báo Anh, Mỹ và Australia công bố hôm 4/10, cho thấy khoảng 10,5 triệu USD được dành để mua các bộ xét nghiệm PCR tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc trong năm 2019, gần gấp đôi mức mua năm 2018. Dữ liệu được lấy từ website chuyên tổng hợp thông tin về các cuộc đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm công tại Trung Quốc.
Xét nghiệm PCR được dùng để phát hiện các chuỗi gene nhất định trong mẫu thử, được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ giới hạn trong phát hiện nCoV. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng số đơn hàng tăng vọt có thể là dấu hiệu cho thấy giới chức Hồ Bắc đã biết về dịch bệnh đang lây lan ở Vũ Hán từ nhiều tháng trước khi công bố với thế giới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hãng dược phẩm CanSino của Trung Quốc hy vọng sẽ bắt đầu phân phối vaccine Covid-19 của mình ở Brazil sau khi ký được thỏa thuận với một công ty địa phương, mặc dù Brazil được cho là đã quay lưng với một loại vaccine được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.
Công ty dược phẩm sinh học của Brazil Biomm đã thông báo vào cuối tuần trước rằng họ đã ký một thỏa thuận độc quyền để phân phối và sản xuất vaccine CanSino ở Brazil. Công ty cũng cho biết, họ sẽ xin giấy phép sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp.
CanSino vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận để sử dụng khẩn cấp, tổ chức đã bật đèn xanh cho hai loại vaccine khác của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac.
"Chúng tôi rất vui khi có thể hợp tác với một đối tác công nghiệp hàng đầu cho phép vaccine Covid-19 có tên Convidecia của chúng tôi trở thành tiềm năng trong cuộc chiến chống lại đại dịch ở Brazil," Giám đốc điều hành CanSino Yu Xuefeng cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi mong muốn tiến về phía trước và giúp xây dựng công tác tiêm chủng hàng loạt xảy ra kịp thời."
Toà án Tối cao Ấn Độ đã thông qua kế hoạch của chính phủ bồi thường cho toàn bộ các nạn nhân tử vong do COVID-19 tại nước này.
Cảnh hỏa táng một nạn nhân tử vong vì COVID-19, trên bờ sông Brahmaputra, ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào tháng 5/2021. Ảnh: Getty Images
Theo CNN, ngày 4/10, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã thông qua quyết định của chính phủ chi trả 50.000 rupee (khoảng 670 USD) cho mỗi ca tử vong do COVID-19 như một khoản bồi thường cho thân nhân của người đã khuất.
CNN tính toán rằng, dựa trên dữ liệu thống kê ca tử vong hiện tại của Ấn Độ, khoản bồi thường nói trên sẽ lên tới hơn 300 triệu USD. Tính đến sáng 4/10, Bộ Y tế Ấn Độ chính thức ghi nhận 448.997 trường hợp tử vong do COVID-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Giữa bối cảnh chúng ta đã tiến gần đến dấu mốc 2 năm trải qua cuộc khủng hoảng y tế Covid-19, các chuyên gia đã đưa ra những dự đoán về việc tình hình đại dịch sẽ thay đổi như thế nào trong năm 2022.
Covid-19 liệu có kết thúc vào năm 2022?
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm, nhận định với CNN rằng, Mỹ sẽ phần nào kiểm soát được dịch Covid-19 vào mùa xuân trong khi CEO của Moderna - Stéphane Bancel dự đoán, đại dịch có thể kết thúc trong 1 năm nữa.
"Nếu bạn nhìn vào sự mở rộng khả năng sản xuất trong 6 tháng qua, chúng ta sẽ có đủ số liều vaccine trong năm tới để mọi người trên Trái Đất đều có thể tiêm vaccine", CEO Moderna dự đoán.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Reuters cho biết, hiệu quả của vaccine Pfizer Inc (PFE.N) / BioNTech SE trong việc ngăn ngừa nhiễm Covid-19 giảm từ 88% xuống còn 47% trong 6 tháng sau liều thứ 2, dữ liệu được công bố hôm 4/10 bởi các cơ quan y tế Mỹ khi quyết định cần tiêm bổ sung.
Thông tin về khả năng của vaccine được công bố trên tạp chí y khoa Lancet trước đó hồi tháng 8. Reuters chỉ ra, phân tích cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong vẫn ở mức 90% trong ít nhất 6 tháng, ngay cả khi đang phải đối mặt với biến thể Delta.
Hiệu quả của vắc-xin chống lại biến thể Delta là 93% sau tháng đầu tiên, giảm xuống còn 53% sau bốn tháng. Đối với các biến thể coronavirus khác, hiệu quả giảm từ 97% xuống 67%.
Sara Tartof, trưởng nhóm nghiên cứu của Kaiser Permanente Nam California, cho biết: "Điều đó cho thấy Delta không phải là một biến thể phá được sự bảo vệ của vaccine."
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép sử dụng liều tăng cường của vaccine Pfizer cho người lớn tuổi và những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Các nhà khoa học đã kêu gọi thêm dữ liệu để cân nhắc xem có nên khuyến khích tất cả mọi người tiêm mũi bổ sung hay không.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh kêu gọi người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế sử dụng mọi phương tiện giao thông công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Chiều tối hôm nay (4/10), Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã ra thông báo kêu gọi người dân đi và đến thủ đô Phnom Penh cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Theo chính quyền thủ đô Phnom Penh, trong ba ngày nghỉ lễ Pchum Ben sắp tới sẽ có nhiều người đi du lịch, về quê hoặc gặp gỡ bạn bè và gia đình, điều này có thể đẩy Campuchia đứng trước nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên diện rộng. Vì vậy để ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan dịch COVID-19 trên diện rộng trong cộng đồng, chính quyền Phnom Penh kêu gọi và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân và hạn chế sử dụng mọi phương tiện giao thông công cộng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây