*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Báo Khmer Times ngày 2/9 đưa tin thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Campuchia đang được hối thúc khẩn trương đi tiêm vaccine phòng COVID-19, trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi này diễn ra còn chậm và giới chức liên quan cần phải có giải pháp phù hợp để hoàn thành chiến dịch tiêm phòng đúng thời hạn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Bộ Y tế Lào ngày 2/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 170 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 41 ca cộng đồng, những trường hợp còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay.
Số ca mắc Covid-19 là thai phụ trong giai đoạn này cũng tăng, khi trong tháng 5 mới chỉ ghi nhận 3 trường hợp, thì nay đã tăng lên 71 trường hợp, trong số đó có cả trường hợp tử vong.
Nhiều địa phương của Lào đang triển khai chương trình tiêm vaccine cho người dân.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khởi động nỗ lực nhằm tăng tốc độ phát hiện và ứng phó với bệnh tật bằng cách chia sẻ dữ liệu cho quốc tế.
Trung tâm tình báo về Đại dịch của WHO tại Berlin sẽ nhận được khoản hỗ trợ ban đầu là 100 triệu USD từ Đức và trong năm nay dự kiến sẽ mở một cơ sở lâu dài tại thành phố. Cơ sở mở ra với mục đích tổng hợp và chia sẻ dữ liệu dịch bệnh trên toàn cầu, đồng thời sản xuất các công cụ để dự đoán các đợt bùng phát, tuy nhiên tính hiệu quả của cơ sở phụ thuộc vào các quốc gia tham gia.
Tại buổi khai trương của cơ sở ở Berlin hôm 1/9, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lặp lại những lời kêu gọi chưa được trả lời của Trung Quốc về việc chia sẻ thêm thông tin về các ca mắc Covid-19 thời điểm đầu dịch được phát hiện ở Vũ Hán.
"Lý do [nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19] bị chính trị hóa là vì quyền truy cập vào dữ liệu và thông tin không như mong đợi. Để biến cuộc tranh luận trở nên khoa học, chúng tôi phải chia sẻ dữ liệu và đó là điều chúng tôi yêu cầu ... Trung Quốc, hãy vui lòng chia sẻ dữ liệu," ông Tedros nói tại Berlin.
Ngày 2-9, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất trong vòng 2 tháng. Chính phủ đang rất lo lắng khi đã vào mùa tựu trường và mùa lễ hội.
Mưa lớn làm đường phố New Delhi, Ấn Độ, ngập nước vào ngày 1-9 - Ảnh: REUTERS
Bang Kerala đang là tâm điểm bùng phát dịch ở Ấn Độ, chiếm gần 70% trong số 47.092 ca mắc mới và 1/3 số ca tử vong trong 24 giờ qua.
Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya đã trao đổi với giới chức hai bang giáp với Kerala là Tamil Nadu và Karnataka, yêu cầu thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan giữa các bang, như tăng cường tiêm phòng ở các quận lân cận bang Kerala.
Cho tới nay, Ấn Độ đã tiêm 662 triệu liều vắc xin, tiêm ít nhất 1 liều cho 54% trong số 944 triệu người trưởng thành. Số người tiêm đầy đủ chỉ đạt 16%.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Unicef hôm 1/9 cho biết, Triều Tiên đã từ chối khoảng 3 triệu liều vaccine Covid-19 của Sinovac và cho rằng chúng nên được gửi đến các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đất nước này cho rằng nguồn cung vaccine toàn cầu có hạn và virus Sars-Cov-2 đang tiếp tục hoành hành ở những khu vực khác. Cho đến nay, Triều Tiên chưa ghi nhận bất cứ trường hợp dương tính với Covid-19 nào và quốc gia cũng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống lại đại dịch bao gồm việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước.
Thành phố Sydney của Australia có thể vượt thành phố Melbourne, trở thành nơi áp lệnh phong tỏa lâu nhất ở nước này. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 10 tới Sydney mới có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng 70% những người từ 16 tuổi trở lên để có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Bang New South Wales, nơi có thành phố Sydney là thủ phủ đã từ bỏ tham vọng đưa số ca mắc Covid-19 về 0 khi các ca bệnh liên tục gia tăng cho dù áp dụng lệnh phong tỏa trong nhiều tuần. Vì vậy hy vọng duy nhất để thành phố Sydney có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa là khi tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine tại đây đạt 70%.
Đường phố khu vực trung tâm thành phố Sydney vắng vẻ vì lệnh phong tỏa.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo nghiên cứu quy mô lớn vừa được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Lancet, nguy cơ tình trạng bệnh diễn tiến nặng giảm đáng kể ở những người đã tiêm 1 hoặc 2 liều vaccine.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng nguy cơ mắc di chứng COVID kéo dài (Long COVID) cũng giảm còn 50% ở những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Ủy viên Quốc Vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 1/9 có cuộc điện đàm với Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne, trao đổi nhiều vấn đề trong nước và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne tại Bắc Kinh ngày 19/7/2019. Ảnh: Tân Hoa xã.
Ủy viên Quốc Vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, quan hệ Trung – Pháp phát triển lành mạnh và ổn định, mong muốn tăng cường trao đổi cấp cao giữa hai nước, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ song phương ổn định và cải thiện, vươn lên tầm cao mới.
Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne cho biết, Pháp cam kết phát triển quan hệ Pháp - Trung Quốc, sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao với Trung Quốc, thúc đẩy khôi phục hợp tác và trao đổi nhân sự giữa hai nước trong bối cảnh bình thường hóa công tác chống dịch. Pháp sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của EU và xem đây là cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa EU và Trung Quốc trong lĩnh vực y tế công cộng, môi trường, khí hậu và thương mại.
Theo Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, cần truy xuất nguồn gốc virus SARS-CoV 2 một cách khoa học để tránh đại dịch tương tự tái diễn. Ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế là tăng cường đoàn kết, hợp tác sâu rộng trong việc đẩy lùi đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới. Pháp đánh giá cao việc Trung Quốc cung cấp lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 cho cộng đồng quốc tế và hy vọng sẽ cùng Trung Quốc hợp tác tại châu Phi.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong quá trình kiểm dịch ở sân bay, Nhật Bản đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu – một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách "biến thể đáng quan tâm".
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết trong quá trình nghiên cứu cấu tạo gene của các mẫu bệnh phẩm đã được thu thập trước đó, giới chức y tế Nhật Bản đã phát hiện 1 phụ nữ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và 1 phụ nữ khác từ Vương quốc Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7 đều nhiễm biến thể Mu.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji cho rằng có nhiều biến thể mới đang được xác nhận, nhưng cần phải chú ý tới các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể khác.
Trước đó, ngày 31/8, WHO đã đưa biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” vì biến thể này có các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Theo NHK, cho đến nay, biến thể này đã được xác nhận ở ít nhất 39 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Âu, chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Colombia là 39%. WHO nhấn mạnh cần có các nghiên cứu bổ sung để hiểu rõ hơn về các đặc điểm của biến thể này.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về khả năng điều trị chưa được kiểm chứng của thuốc Ivermectin đối với bệnh Covid-19, nhưng vẫn có một số người dân Australia tự ý sử dụng loại thuốc này dẫn đến việc phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh viện Westmead tại Sydney, Australia mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn mửa do tự ý sử dụng thuốc Ivermectin để điều trị Covid-19. Phó giáo sư Naren Gunja, chuyên gia về chất độc của Bệnh viện cho biết, bệnh nhân phải cấp cứu do sử dụng thuốc quá liều, đồng thời lạm dụng các phương pháp được cho là có thể điều trị bệnh Covid-19 đang lan truyền trên các mạng xã hội.
Cơ quan dược phẩm Australia cảnh báo Ivermectin không có tác dụng điều trị Covid-19. Ảnh: TajPharmaImages
Bệnh nhân này hiện đã xuất viện và đang hồi phục tại nhà, đồng thời không bị các biến chứng nghiêm trọng từ việc lạm dụng thuốc điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng. Giới chuyên gia y tế cho rằng trường hợp mới nhất này là hồi chuông cảnh báo trước tình trạng một số người dân tự ý sử dụng Ivermectin hoặc nghe theo những lời đồn thất thiệt trên mạng Internet như sử dụng thuốc hydroxychloroquine, rượu và thậm chí là các chất khử trùng và chất tẩy trắng để điều trị Covid-19.
Tại Australia, Ivermectin hiện chỉ được cấp phép để điều trị các bệnh liên quan đến nhiễm ký sinh trùng, như điều trị giun đũa, ghẻ và một số bệnh viêm da. Tháng 8 vừa qua, Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Australia (TGA) tiếp tục ra thông báo khẳng định hiện chưa có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Ivermectin có khả năng điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh Covid-19, đồng thời cơ quan này cũng khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng Ivermectin để điều trị Covid-19 vì điều này có thể gây nguy hiểm đối với tính mạng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Kết quả điều tra được Bộ Y tế Nhật Bản công bố cho thấy, chất lạ phát hiện trong một số lô vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna bị đình chỉ sử dụng tại nước này thời gian gần đây là thép không gỉ.
Đại diện của Moderna ngày 1/9 đã liên hệ với Bộ Y tế Nhật Bản để giải thích rằng, sở dĩ các hạt thép không gỉ được hình thành do sự cố lắp đặt trong dây chuyền sản xuất dẫn tới hiện tượng ma sát giữa các kim loại.
Chất lạ phát hiện trong các lọ vaccine của Moderna là thép không gỉ. Ảnh minh họa: Reuters
Takeda Pharmaceutical - nhà phân phối vaccine Moderna tại Nhật Bản, đã quyết định thu hồi số vaccine có lẫn tạp chất từ ngày 2/9 sau khi trao đổi với giới chức Bộ Y tế Nhật Bản. Hiện tại cả Moderna và Takeda Pharmaceutical đều khẳng định không có quá nhiều nguy cơ về sức khỏe nếu lỡ tiêm vaccine có chứa tạp chất vừa được phát hiện, bởi hợp kim kim loại này vốn cũng được sử dụng trong các khớp nhân tạo.
Thêm một "chất lạ" khác được tìm thấy trong các lọ vaccine của Moderna ở Tokyo, Okinawa và một số nơi khác cũng vừa được xác định rõ là các mảnh nút cao su có khả năng bị vỡ ra khỏi lọ vaccine nào đó lẫn vào dây chuyền sản xuất. Phía Moderna cũng đã công bố kết quả điều tra về sự cố này, đồng thời khẳng định nguy cơ rủi ro về sức khỏe gần như là không có bởi vaccine vẫn đảm bảo độ an toàn.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thật khó tin là ngay cả Mỹ mà nhiều người cũng tin vào việc dùng thuốc thú y như cho ngựa, có thể giúp chữa Covid-19, nhưng câu chuyện đó là thật. Còn ở Việt Nam, việc lan truyền dùng giun đất để chữa Covid cũng có không ít người tin.
Trong khoảng thời gian này, nhiều người dân Mỹ thay vì tìm nghe, đọc thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin chính thống, lại chọn tin vào các thông tin lan truyền về các phương thuốc chữa Covid-19 trên Facebook, Reddit.
The New York Times đưa tin, nhiều người Mỹ đổ xô đi mua một loại thuốc có tên ivermectin thay vì đi đăng ký đi tiêm vaccine. Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở đây là loại thuốc này vốn dĩ được dùng để chữa bệnh cho… ngựa và một số không nhỏ người dân lại có niềm tin rằng thuốc chữa ký sinh trùng ở động vật có thể chữa được Covid-19.
Theo các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ khoảng giữa tháng 8/2021, các đơn thuốc ivermectin đã tăng lên hơn 88.000 mỗi tuần từ mức trung bình trước đại dịch là 3.600 mỗi tuần. Một số lượng không nhỏ người dân đã mua thuốc từ các trung tâm nuôi động vật. Không dừng lại ở đó, tình trạng khan hiếm loại thuốc này cũng đã xảy ra ở một số nơi, ví dụ như ở Idaho.
Gần đây, ở Việt Nam đã có những bài viết lan truyền trên mạng về việc dùng giun đất chữa Covid-19, thậm chí có cả những clip nuốt giun đất sống. Dựa theo tin đồn này, nhiều nơi đã bán các mặt hàng giun đất sống và cả sản phẩm thuốc có chứa thành phần giun đất với quảng cáo là chữa khỏi Covid-19.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: ""Bộ Y tế chính thức thông báo là không có cơ sở khoa học nào chứng minh giun đất hoặc chiết xuất từ giun đất có thể chữa Covid-19. Vì thế, chúng tôi sẽ xử lý những người tiếp tục lan truyền, quảng cáo thông tin này". Tuy nhiên, tính đến ngày 31/8, vẫn còn rất nhiều Facebooker chia sẻ những thông tin về tác dụng của việc nuốt giun đất sống, trong số đó có cả một diễn viên nổi tiếng.
Trước đó, một số người đã đua nhau tìm mua tích trữ Xuyên tâm liên, Corticoid, rồi đến Tylenol được thổi bùng lên thành "thần dược". Không những thế, vừa qua, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một bài thuốc Đông Tây y kết hợp điều trị nhiễm Covid-19 kết hợp Paracetamol và xông trong 7 ngày liên tục.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Những hòn đảo Caribe đón cả du khách chưa tiêm vaccine COVID-19 lại không hấp dẫn với những du khách đã tiêm vaccine và ngược lại.
Theo kênh CNBC, Adina Eigen có chuyến nghỉ đầu tiên ở quần đảo Virgin thuộc Anh hồi tháng 12/2020. Quanh thời điểm đó, đây là nơi có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất thế giới trong số những hòn đảo đã mở cửa. Từ đó, Eigen đã quay lại đây hai lần và mỗi lần đều kiểm tra tỷ lệ lây nhiễm, thống kê tiêm chủng trước khi đi. Cô cho biết mọi nhân viên ở khu nghỉ dưỡng đã tiêm vaccine COVID-19.
Gia đình Eigen tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Ảnh: Eigen
Quần đảo Virgin thuộc Anh là một trong nhiều điểm đến ở Caribe thu hút du khách đã tiêm vaccine, nhưng lại kém hấp dẫn với người chưa tiêm vaccine.
Cùng với Barbados và St. Lucia, quần đảo Virgin thuộc Anh chỉ cho phép du khách chưa tiêm vaccine nhập cảnh nếu họ chịu cách ly một thời gian. Dữ liệu cho thấy không mấy ai muốn cách ly, đặc biệt là khi họ có các lựa chọn khác ở Caribe mà không cần cách ly hay tiêm chủng.
Hai nhóm khách này hình thành hai xu hướng ngược nhau trên các đảo Caribe...
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 1/9, người phát ngôn của Bộ Y tế Slovakia cho biết, nước này đã chính thức ngừng sử dụng vaccine Sputnik V của Nga.
Theo báo cáo của cơ quan y tế, 6 người cuối cùng đã được tiêm mũi thứ 2 vaccine Sputnik V của Nga. Bà Zuzana Elyasova, phát ngôn viên của Bộ Y tế Slovakia cho biết, đã có khoảng 18.500 người được tiêm vaccine Sputnik V.
Nước này đã mua 200.000 liều vaccine của Nga vào tháng 3 và trở thành quốc gia EU thứ hai sau Hungary sử dụng sản phẩm này cho công dân, mặc dù vaccine này vẫn chưa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu cấp phép. Việc mua bán vaccine đã chia rẽ nội bộ đảng phái chính trị và dẫn đến việc Thủ tướng Igor Matovic phải từ chức.
Ảnh minh họa
Cũng trong ngày hôm qua (1/9), hàng trăm người biểu tình đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Bratislava để phản đối các biện pháp hạn chế Chính phủ và hoạt động tiêm chủng. Đến 16h ngày 1/9, một số nhóm người biểu tình đã chặn tuyến đường cạnh phủ Tổng thống, khiến giao thông khu vực này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Lực lượng cảnh sát cũng đã được triệu tập để ứng phó nếu xuất hiện các tình trạng gây rối trật tự và cản trở giao thông, tuy nhiên, đa số các cuộc biểu tình diễn ra trong không khí tương đối ôn hòa./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed ngày 1/9 cho biết Ai Cập có kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vaccine Sinovac của Trung Quốc mỗi năm, đồng thời khẳng định nước này sẽ trở thành nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất tại châu Phi và Trung Đông.
Vaccine CoronaVac do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Cairo, bà Zayed cho hay theo thỏa thuận được ký kết giữa Công ty Sinh phẩm và Vaccine Ai Cập (VACSERA) và Công ty dược sinh học Sinovac của Trung Quốc, một nhà máy tại Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều vaccine Sinovac mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, một nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều mỗi ngày, tương đương khoảng 1 tỷ liều mỗi năm, với mục tiêu xuất khẩu loại vaccine ngừa COVID-19 này sang các nước châu Phi.
Theo bà Zayed, dự án trên sẽ đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Các chuyên gia Trung Quốc đã tới Ai Cập để kiểm tra các trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất vaccine Sinovac tại các nhà máy của công ty VACSERA.
Ai Cập, với dân số hơn 100 triệu người, tính đến nay đã ghi nhận hơn 288.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 16.700 trường hợp tử vong. Khoảng 7,5 triệu người Ai Cập đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Phóng viên TTXVN tại Brussels ngày 1/9 dẫn kết luận của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) dựa trên một báo cáo kỹ thuật cho biết, việc tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ ba cho người trưởng thành đã được tiêm phòng đủ 2 liều là không cần thiết.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Brussels , Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Với kết luận này, đây là lần đầu tiên ECDC khẳng định vị thế của mình trong cuộc tranh luận tại châu Âu về sự cần thiết của việc sử dụng mũi tiêm thứ 3 trong phòng chống COVID-19. Mặt khác, theo ECDC, một số liều bổ sung nên được sử dụng cho những người không được bảo vệ đầy đủ sau hai mũi tiêm thông thường, chẳng hạn như những người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Theo đó, ECDC ủng hộ khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc không nên sử dụng mũi tiêm thứ 3 đối với những người đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
ECDC cho biết thêm rằng tất cả các loại vaccine được chấp thuận ở Liên minh châu Âu (EU) hiện cung cấp khả năng bảo vệ đầy đủ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng và nhập viện do COVID-19. Tuy nhiên, để đạt được cùng mức độ bảo vệ với hai liều thông thường (hoặc một liều với vaccine của Johnson & Johnson), những người bị rối loạn miễn dịch sẽ cần được tiêm mũi vaccine thứ ba. ECDC đã để ngỏ rằng họ có thể đề nghị tiêm mũi thứ ba trong tương lai cho những người già yếu, chẳng hạn các trường hợp tại viện dưỡng lão.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 1/9, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khai trương Trung tâm Cảnh báo sớm đại dịch tại thủ đô Berlin, Đức với sự tham dự của Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Giám đốc Chương trình khẩn cấp WHO Mike Ryan.
Theo Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Mike Ryan, mục đích của việc thành lập trung tâm cảnh báo sớm là tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các đại dịch và dịch bệnh cũng như nguy cơ xảy ra đại dịch để các chính phủ có thể phản ứng một cách nhanh chóng, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trao huy chương lãnh đạo toàn cầu của WHOcho Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: EPA
"Chúng ta phải có khả năng dự đoán, chuẩn bị và lên kế hoạch cho những gì có thể xảy ra. Nhưng sau đó chúng ta phải có khả năng phát hiện, đánh giá và phản ứng với tín hiệu sớm nhất có thể về điều gì đó đang thực sự xảy ra. Và quan trọng là, chúng ta phải thích ứng với những gì đang xảy ra. Thực tế của một tình huống khẩn cấp về y tế không bao giờ giống hoàn toàn như những gì bạn đã lên kế hoạch hoặc những gì bạn mong đợi", ông Ryan nói.
Đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Giám đốc WHO đã cắt băng khánh thành Trung tâm cảnh báo sớm đại dịch.
Theo WHO, Chính phủ Đức đã cung cấp 30 triệu euro (35 triệu USD) để tài trợ cho trung tâm này và sẵn sàng cung cấp chuyên gia, cơ sở thực nghiệm cho trung tâm.
Cũng tại buổi lễ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trao cho Thủ tướng Đức Angela Merkel huy chương lãnh đạo toàn cầu của WHO để vinh danh những đóng góp to lớn của bà cho sức khỏe người dân trên thế giới.
"Chúng ta phải làm việc cùng nhau và trên hết chúng ta cần hiểu rằng một quốc gia tiêm vaccine là chưa đủ. Mọi người trên thế giới đều phải tiêm vaccine để ngăn chặn tất cả các đột biến vốn đang ngăn cản chúng ta thoát khỏi đại dịch. Đại dịch cũng cho thấy chúng ta cần WHO đến mức nào. Đây là cơ quan vì sức khỏe toàn cầu và cần có nguồn tài chính vững chắc, đảm bảo", bà Merkel nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, WHO một lần nữa kêu gọi thế giới chưa vội tiêm mũi vaccine tăng cường và dành nó cho các quốc gia đang có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Khi Indonesia và Thái Lan bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 sau khi số ca nhiễm giảm bớt, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca nhiễm mới có thể tăng trở lại vì tỷ lệ tiêm phòng vaccine vẫn còn thấp.
Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Sau khi kiềm chế đại dịch tốt hơn nhiều so với các nước khác trong năm ngoái, trong những tháng gần đây, khu vực Đông Nam Á đã lại trở thành tâm dịch toàn cầu với sự hoành hành của biến thể Delta siêu lây nhiễm.
Dù số ca nhiễm mới vẫn tăng nhanh ở hầu hết các nước trong khu vực này, nhưng Indonesia và Thái Lan - hai nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại các nhà hàng và trung tâm mua sắm để giảm bớt các tác động kinh tế của việc phong tỏa.
Điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, ông Abhishek Rimal bày tỏ: "Chúng tôi vẫn lo ngại về việc mở cửa nền kinh tế khi chưa đạt các tiêu chí mà WHO đưa ra. Giờ đây, khi biến thể Delta hoành hành và tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến dịch bệnh tái bùng phát trong những ngày tới".
Ông Dale Fisher, một chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, thừa nhận rằng các lợi ích kinh tế của việc nới lỏng phong tỏa là không thể phủ nhận, nhưng cũng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ảnh minh họa: AFP
Mỹ đã vứt bỏ ít nhất 15,1 triệu liều vaccine COVID-19 kể từ ngày 1/3/2021, theo dữ liệu của chính phủ do NBC News thu được - một con số lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố trước đó và có khả năng vẫn chưa đầy đủ.
Dữ liệu do CDC Mỹ công bố do các hiệu thuốc, tiểu bang và các nhà cung cấp vaccine báo cáo. Con số này vẫn chưa đầy đủ do vẫn còn thiếu một số tiểu bang và nhà cung cấp liên bang, và cũng chưa nêu rõ lý do khiến những liều vaccine này bị vứt bỏ.
Theo NBC News, có nhiều lý do khiến các điểm tiêm chủng phải bỏ vaccine - có thể là do lọ chứa bị nứt, do lỗi trong thành phần khiến vaccine bị hỏng trong tủ đông, hoặc do liều lượng vaccine trong lọ không đạt quy chuẩn.
Thông tin trên được công bố khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang đe dọa nước Mỹ - khiến nước này đứng trước áp lực phải đẩy mạnh tiêm liều bổ sung cho người dân.
Sharifah Sekalala, phó giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Warwick của Anh, nhận định: "Thật là bi kịch khi chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng lãng phí vaccine, trong khi rất nhiều quốc gia châu Phi thậm chí chưa có 5% dân số được tiêm chủng."
Trong khi đó, người phát ngôn của CDC, Kristen Nordlund, nói rằng tỉ lệ vaccine bị vứt bỏ tại Mỹ "vẫn còn thấp" - "đây là bằng chứng cho sự nỗ lực của chính phủ, các cơ quan pháp lý và các nhà cung cấp để đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân và giảm thiểu lãng phí vaccine".
Ít nhất 10 phạm nhân tại nhà tù tỉnh Banteay Meanchey phía Tây Bắc của Campuchia đã mắc Covid-19 biến thể Delta.
Phát ngôn viên của Tổng cục trại giam thuộc bộ Nội vụ Campuchia Nuth Savana cho biết, tính đến hôm nay ( 01/09) đã phát hiện 10 phạm nhân bị mắc Covid-19 biến thể Delta.
Trước đó, qua công tác khám sàng lọc và xét nghiệm nhanh Covid-19 thì đã phát hiện 10 phạm nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay lập tức các bác sỹ đã tới lấy mẫu xét nghiệm và gửi về thủ đô Phnom Penh để phân tích, cùng với đó các bệnh nhân này cũng được đưa đi cách ly và theo dõi y tế.
Ông Nuth Savana cũng cho biết, Campuchia có 10 trại giam bùng phát dịch Covid-19, nhưng đến nay chỉ còn trại giam của tỉnh Banteay Meanchey, tỉnh Kampong Cham và tỉnh Tbong Khmum là còn trường hợp bị nhiễm Covid-19.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, Campuchia đã có 01 nữ phạm nhân tại trại giam tỉnh Kampong Speu tử vong vì dịch bệnh Covid-19.
Theo thông báo của bộ Y tế Campuchia hôm nay nước này ghi nhận thêm 455 trường hợp mắc Covid-19 và 13 người chết, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của nước này lên 93.510 trường hợp, trong đó có 1.916 người chết vì dịch bệnh này.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 1/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 218.794.845 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.538.277 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 195.615.697 người.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 657.934 ca tử vong trong tổng số 40.119.098 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 439.361 ca tử vong trong số 32.851.586 ca. Brazil đứng thứ 3 với 580.525 ca tử vong trong số 20.777.867 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 601 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 299 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 43,2 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có trên 63,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,2 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1 triệu ca tử vong trong trên 70,2 triệu ca. Bắc Mỹ có trên 995.837 ca tử vong trong trên 48,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận trên 196.800 ca tử vong, Trung Đông có trên 182.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 2.100 người.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây