*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 22h ngày 9/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 203.678.916 ca nhiễm, trong đó có 4.311.989 ca tử vong do COVID-19. Số bệnh nhân bình phục lên tới 182.993.449 người.
Các nhà khoa học cảnh báo, biến thể Lambda có nguy cơ trở thành mối đe dọa lớn đối với nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 của nhân loại, trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang gồng mình đối phó với biến thể Delta.
Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru vào cuối năm ngoái, song phải đến ngày 14/6 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới xếp biến thể này vào danh mục biến thể cần chú ý, mức thấp hơn so với các biến thể đáng lo ngại như biến thể Delta. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, biến thể này đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, trở thành biến thể chủ đạo tại các quốc gia Mỹ Latin.
Tính đến thời điểm hiện nay, biến thể lây lan ra hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới. Nhật Bản mới đây cũng công bố phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể Lambda . Hiện cũng có một số cảnh báo nguy cơ bùng phát các ca nhiễm biến thể Lambda tại Mỹ.
Sau khi được phát hiện tại Peru, biến thể Lambda đã "thống trị" khu vực Mỹ-Latinh. Trong ảnh, các nhân viên y tế tiêm chủng cho một phụ nữ bằng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech (Mỹ) tại Arequipa, miền nam Peru, ngày 2/7/2021 (Ảnh: DIEGO RAMOS/AFP)
Theo một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nhật Bản, so với chủng gốc, biến thể Lambda mang 7 đột biến, làm cho chúng lây nhiễm mạnh hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 và có khả năng kháng vaccine ngừa Covid-19 cao hơn. Giới chuyên gia cho rằng với tốc độ lây lan như hiện nay, nếu không được ngăn chặn, biến thể Lambda hoàn toàn có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng khác tương tự như cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ "cơn sóng thần" biến thể Delta.
Hiện cũng còn quá sớm để xác định liệu biến thể Lambda có dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn, hay có thể trở thành biến thể chủ đạo hay không. Tuy nhiên, việc một số lượng lớn người chưa tiêm vaccine đang khiến virus có nhiều cơ hội hơn để lây lan và đột biến thành những biến thể mới. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 và thực hiện biện pháp phòng dịch là những biện
Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin tại đây
Các nhân viên tang lễ chuẩn bị mai táng một người tử vong do Covid-19, thi thể được chuyển trực tiếp từ bệnh viện tới nghĩa trang ở Bekasi, Indonesia, ngày 23/7/2021 (Ảnh:AFP via Getty Images)
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 10/8, Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia đã ghi nhận thêm 2.048 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.
Mốc cao nhất là 2.069 ca tử vong, được ghi nhận vào ngày 27/7 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 110.619 ca.
Số ca tử vong ở Indonesia liên tục gia tăng kể từ tháng 7 và thường xuyên ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vài tuần qua. Nước này cũng ghi nhận 32.081 ca mắc mới trong ngày 10/8, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên mức 3.718.821 ca.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa xếp Israel vào danh sách các nước mà tại đó con người dễ mắc Covid-19 nhất, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ không nên tới đó.
Cụ thể CDC Mỹ hôm 9/8 đã nâng mức nguy cơ về mắc Covid-19 khi đến Israel lên mức 4 - mức nguy cơ cao nhất của tổ chức này. CDC khuyến cáo công dân Mỹ hãy tránh tới Israel và nếu phải tới đó thì phải bảo đảm đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19.
Một người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Tel Aviv, Israel, ngày 4/7/2021 (Ảnh: Tomer Neuberg/Flash90)
CDC dẫu vậy vẫn khuyên người đã được chủng ngừa đầy đủ không nên đến Israel vào thời điểm này vì ở quốc gia Tây Á này có sự tập trung cao ca nhiễm SARS-CoV-2 (virus gây bệnh Covid-19) nên người đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có thể lây nhiễm bệnh và làm lan truyền các biến thể của SARS-CoV-2.
Khuyến cáo của CDC mở rộng cho toàn lãnh thổ Israel cũng như cho Bờ Tây và Dải Gaza. CDC khuyên công dân Mỹ nếu tới đó vẫn phải thực hành đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách xã hội.
Từ cuối tháng 7, Israel đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho người trên 60 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm nhắc lại nhằm chống lại sự lây lan của biến chủng Delta.
Được ca ngợi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai tiêm phòng Covid-19 trên thế giới, tính đến ngày 1/7, khoảng 76% dân số trưởng thành trên 16 tuổi tại Israel đã được tiêm chủng đầy đủ.
Mời độc giả theo dõi thông tin gốc tại đây
Quang cảnh buổi ký Bản Thỏa thuận giữ Bí mật (Non-Disclosure Agreement, NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax, tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 8/8/2021 (Ảnh: ĐSQVN tại Ấn Độ)
Vừa qua, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ông Yogendra Vekaria, Giám đốc điều hành Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ cùng với ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen của Việt Nam đã ký Bản Thỏa thuận giữ Bí mật (Non-Disclosure Agreement, NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Chứng kiến lễ ký kết có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, các cán bộ của ĐSQ cùng một số Nghị sĩ Quốc hội, Lãnh đạo ngành Y tế và Chủ tịch các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực y tế, vắc xin, dược phẩm của Ấn Độ như Bharat Biotech (công ty sản xuất vắc xin Covaxin), Granule…
Việc ký thỏa thuận NDA sẽ là cơ sở để hai bên tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến sản xuất, phân phối vắc xin Nanocovax quy mô lớn khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Mời độc giả theo dõi thông tin gốc tại đây
Thông báo của Bộ Y tế Singapore đưa ra trong bối cảnh nước này mở rộng công nhận các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Bộ trưởng Y tế Singapore cho biết, tiêu chuẩn phê duyệt vaccine của WHO đã được xác minh và công nhận rộng rãi.
Trước khi công nhận vaccine của Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca thì Singapore chỉ phê duyệt 2 loại vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/Biontech và Moderna sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Những người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ không bị giới hạn sử dụng các dịch vụ như ăn uống tại nhà hàng hay các hình thức vui chơi giải trí khác tại Singapore.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thuốc điều trị Covid-19 Vipder Vir đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế đồng ý cho thử nghiệm lâm sàng trên người nhiễm SARS-CoV-2. Đây là loại chế phẩm thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
PGS, TS, Nghiên cứu viên cao cấp Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ sinh học, tác giả của nghiên cứu của thuốc Vipder Vir cho biết, chế phẩm thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược có tác dụng liên kết mạnh với các phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Báo Nhân dân)
Sáng 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Đây là công trình trọng điểm của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn Lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam trong việc tạo ra chế phẩm phòng và điều trị Covid-19 từ nguồn cây thuốc Việt Nam.
Sản phẩm được Hội đồng Đạo đức quốc gia đánh giá cao, chấp nhận đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người nhiễm SARS-CoV-2.
Mời độc giả theo dõi thông tin gốc tại đây
Tiến sĩ Prasert Auewarakul, Phó Trưởng Khoa nghiên cứu của Bệnh viện Siriraj, Thái Lan phát biểu trên truyền thông trong nước cho biết, cần phải áp dụng luật dự trữ vaccine để đảo bảo nhu cầu trong nước thay vì xuất khẩu.
Theo đó, chuyên gia y tế này mong muốn sẽ giữ lại 10 triệu liều AstraZeneca được sản xuất trong nước mỗi tháng để phục vụ cho chương trình tiêm chủng của Thái Lan. Tiến sĩ Prasert Auewarakul cho rằng ba tháng tới là bước ngoặt lớn đối với chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Ông kêu gọi người dân tham gia một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Thái Lan viện dẫn luật an ninh vaccine quốc gia để hạn chế xuất khẩu AstraZeneca do Siam Bioscience sản xuất. Với việc xuất khẩu ít hơn, Thái Lan sẽ có đủ số lượng thực hiện chương trình tiêm chủng toàn quốc.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Cảnh sát Philippines hôm qua (9/8) đã bắt nhân viên dân sự của quận Tondo, thủ đô Manila với cáo buộc giết một người đàn ông được cho là vi phạm các lệnh giới nghiêm. Vụ nổ súng xảy ra vào ngày thứ hai của đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tuần theo lệnh "kiểm dịch cộng đồng tăng cường" ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận nhằm mục đích kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta.
Cảnh sát cho biết, nạn nhân Eduardo Geñoga, 55 tuổi, gây ồn ào trong giờ giới nghiêm và bị Cesar Panlaqui, một nhân viên dân sự của quận Tondo, Manila, bắn chết. Cảnh sát đã thu hồi khẩu súng không có giấy phép từ nhân viên dân sự này.
Thứ trưởng Nội vụ Philippines, Jonathan Malaya cho biết chính quyền sẽ không chấp nhận sự lạm dụng quyền lực. Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền lên án hành động trên, gợi nhớ đến cái chết của những người vi phạm kiểm dịch cộng đồng tăng cường vào năm ngoái.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tiến sĩ Robert Redfield, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự đoán rằng sẽ có một biến thể mới, nguy hiểm hơn biến thể Delta, xuất hiện vào mùa thu.
Tiến sĩ Robert Redfield, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, dự đoán rằng đại dịch Covid-19 sẽ có một bước ngoặt đen tối vào mùa thu này.
Ông Redfield cho biết, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây lan nhanh chóng và do đó nguy cơ xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn là rất cao.
"Chúng ta đã đối mặt với biến thể Alpha. Mọi người nghĩ rằng điều này thật tồi tệ vì nó có khả năng lây nhiễm gấp đôi chủng virus ban đầu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng 3-4 tháng sau, biến thể Delta đã xuất hiện và hiện tại đây là biến thể thống trị ở Mỹ", ông Redfield nói.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Phi đội Contracting Squadron thứ 36 của Không quân Mỹ ở căn cứ Andersen (Guam) ngày 10/8 đã thông báo kế hoạch gửi 77 tủ đông âm sâu bảo quản vaccine với tổng trị giá là 691.000 USD cho Việt Nam.
Những tủ đông âm sâu này sẽ cung cấp cho 63 tỉnh thành ở Việt Nam và 14 tủ đông lớn hơn được sử dụng ở cấp độ quốc gia nhằm bảo quản 31 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNtech sẽ đến Việt Nam ngày 30/8 tới.
"Việc mua và vận chuyển các tủ đông âm sâu này đã thể hiện cam kết của Mỹ với sức khỏe và sự an toàn của người dân Việt Nam thông qua việc hỗ trợ nhân đạo nhằm làm giảm tác động của đại dịch Covid-19", Christian Luevano, sĩ quan thuộc Phi đội Contracting Squadron thứ 36 nói.
Theo trang web của Không quân Mỹ, việc mua các tủ đông âm sâu như vậy thường phải mất từ 45 - 120 ngày nhưng ông Luevano và đội ngũ của mình đã làm việc ngày đêm để hoàn tất hợp đồng này trong chưa đầy 2 tuần.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
COVID-19 gây ra những di chứng thần kinh, thể chất đeo bám dai dẳng không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em, cho dù chỉ mắc bệnh thể nhẹ.
Theo tờ New York Times, Will Grogan 15 tuổi ở Dallas (Mỹ) gặp chứng sương mù não (rối loạn chức năng nhận thức) nghiêm trọng tới mức quên cả kiến thức môn sinh học mà mình đã thuộc làu làu ngày trước đó. Will trông mệt mỏi tới mức giáo viên phải bảo cậu gặp y tá ở phòng y tế trường học.
Những gì xảy ra với Will trong giờ sinh học chỉ là một trong nhiều lần cậu bé bị rối loạn nhận thức sau khi mắc COVID-19 hồi tháng 10/2020, cùng với các vấn đề như mệt mỏi và đau chân nghiêm trọng.
Trước đây, Will là học sinh năng động, chơi tennis rất giỏi, nhưng sau khi mắc COVID-19, cậu bé hiếm khi rời khỏi giường trong 35 ngày liền. Cậu bé chóng mặt tới mức phải ngồi tắm để tránh ngất. Khi đi học trở lại, chứng sương mù não khiến cậu cảm thấy các con số trôi khỏi trang sách, quên nộp bài tập, viết tiếng Pháp trong bài tập tiếng Anh.
Will cho biết tình trạng này thật đáng sợ và có thể không bao giờ cậu trở thành học sinh giỏi như xưa.
Với Sierra Trudeau 12 tuổi, sau 6 tháng mắc COVID-19, các triệu chứng kéo dài khiến cô bé và mẹ phải lái xe 80km tới Bệnh viện Nhi Boston để điều trị.
Sierra mệt, đau đầu, hay quên và gặp nhiều triệu chứng khác. Mọi thứ đều có thể khiến Sierra khóc và mẹ cô bé cho biết Sierra không còn là mình nữa.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
“Tôi không nghĩ Covid-19 sẽ bùng phát suốt cả mùa thu và mùa đông. Tôi nghĩ rằng đây là làn sóng dịch bệnh cuối cùng, với giả định không xuất hiện biến thể mới với khả năng né tránh hệ miễn dịch do từng nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine. Đây có lẽ là làn sóng lây nhiễm phần lớn ảnh hưởng đến những người do dự tiêm chủng”, Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ, cho biết.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ. Ảnh: Getty Images
Ông Gottlieb cho rằng, người Mỹ cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch trong vài tháng nữa, đặc biệt ở các bang miền Bắc nước Mỹ, cho đến khi làn sóng lây nhiễm có dấu hiệu dịu lại.
"Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một giai đoạn khó khăn", ông Gottlieb nói. Tuy nhiên, cựu quan chức FDA cho biết, bản chất dễ lây lan của biến thể Delta và tỷ lệ tiêm chủng tăng có thể làm thay đổi quỹ đạo của làn sóng lây nhiễm trong tương lai.
“Chúng ta sắp đạt đến ngưỡng gần như toàn bộ người dân miễn dịch với virus nhờ tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh trước đó”, ông Gottlieb nói thêm.
Bài viết được tham khảo từ
Người nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể có các triệu chứng nhẹ hơn và giống như không liên quan đến virus, dẫn đến lầm tưởng là bệnh dị ứng hoặc bệnh thông thường.
Joe Kanter, quan chức y tế bang Louisiana, Mỹ, nói biến thể Delta vẫn gây ra những triệu chứng cơ bản của Covid-19 như sốt, ho và khó thở, theo tờ The Hill.
Tuy nhiên, Kanter nhận thấy nhiều bệnh nhân nhiễm biến thể Delta có triệu chứng giống các bệnh thông thường khác như viêm xoang, chảy nước mũi và đau họng.
Nói cách khác, các triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy một người nhiễm biến thể Delta, ông Kanter nói.
"Một người có thể bộc lộ những triệu chứng tương đối nhẹ, khiến dễ nhầm lẫn với dị ứng hoặc bệnh nào đó", ông Kanter giải thích. "Nếu có triệu chứng, dù là nhẹ đến đâu, như đau họng, sổ mũi, thậm chí là nghẹt mũi viêm xoang, hãy đi xét nghiệm Covid-19 và hạn chế tiếp xúc với người khác".
Báo Mỹ dẫn dẫn kết quả nghiên cứu về triệu chứng Covid-19, cho thấy hắt hơi quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu nhiễm biến thể Delta.
Các nhà khoa học ở Mỹ nói: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy những người đã được tiêm vaccine, nếu dương tính với Covid-19 thì nhiều khả năng có triệu chứng hắt hơi hơn so với người chưa tiêm ngừa".
Các loại vaccine được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hiện nay ở Mỹ, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson đều có hiệu quả cao trong ngăn ngừa các trường hợp nhiễm Covid-19 có triệu chứng.
Trong khi đó, một chuyên gia nói trên CNN rằng, khẩu trang vải có thể ít hiệu quả hơn so với khẩu trang KN95 hoặc N95 trong việc ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Delta.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Vaccine ngừa COVID-19 đã mang lại doanh thu hàng tỷ USD cho các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức thể hiện rõ lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực bào chế vaccine, khi họ là những hãng dược phẩm đầu tiên của phương Tây công bố kết quả khả quan từ các thử nghiệm lâm sàng vaccine bào chế theo công nghệ mRNA hồi năm ngoái. Pfizer và BioNTech cũng là những hãng dược đầu tiên được các cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấp phép bán vaccine.
Pfizer đã đạt doanh thu 10,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, đồng thời nâng mức dự báo tăng trưởng doanh thu cả năm 2021 lên mức 33,5 tỷ USD.
BioNTech cũng công bố mức doanh thu 7,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, khác với Pfizer, sản phẩm duy nhất mà hãng này bán ra trong thời gian qua là vaccine ngừa COVID-19. BioNTech dự kiến doanh thu từ vaccine ngừa COVID-19 sẽ đạt hơn 18,7 tỷ USD trong cả năm nay, tăng so với ước tính trước đó là 11,5 tỷ USD.
Nghiên cứu tại Mỹ, Israel và Canada cho thấy vắc xin COVID-19 của Moderna nhỉnh hơn về hiệu quả trước biến thể Delta so với vắc xin COVID-19 của Pfizer dù cả hai cùng sử dụng công nghệ mRNA.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra vắc xin COVID-19 của Moderna hiệu quả với biến thể Delta hơn vắc xin Pfizer - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể ít hiệu quả hơn trước biến thể Delta, theo 2 nghiên cứu đăng trên trang medRxiv.
Một trong hai nghiên cứu đã phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vắc xin trên hệ thống của Bệnh viện Mayo tại Mỹ.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 của Moderna giảm còn 76% vào tháng 7-2021, thời điểm biến thể Delta chiếm đại đa số ở Mỹ từ mức 86% hồi đầu năm nay. Trong cùng giai đoạn, vắc xin Pfizer/BioNTech giảm hiệu quả còn 42% từ mức 76%.
Cả hai nghiên cứu đều kết luận vắc xin hiệu quả cao trong việc bảo vệ bệnh nhân khỏi nhập viện.
Đọc đầy đủ bài viết tại:
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ yêu cầu tất cả quân nhân tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 15/9 tới.
Theo Bản ghi nhớ từ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gửi quân đội Mỹ và được công bố ngày 9/8, ông sẽ xin sự chấp thuận của Tổng thống Joe Biden về việc bắt buộc sử dụng vaccine đối với binh sĩ Mỹ không muộn hơn giữa tháng sau, hoặc ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Ảnh: Getty
Ông Lloyd Austin đồng thời cho biết, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng do biến thể Delta với mức độ lây lan cao. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, một khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của quân đội Mỹ, ông sẽ không ngần ngại hành động sớm hơn, hoặc đề xuất một lộ trình khác với Tổng thống Biden nếu cần thiết.
Kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho các quân nhân Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden khi ông cam kết về việc đảm bảo quân đội Mỹ có mọi công cụ cần thiết để thực hiện công việc của mình một cách an toàn nhất có thể. Theo Tổng thống Biden, việc được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp đảm bảo rằng quân đội Mỹ sẵn sàng hoạt động ở mọi nơi trên thế giới./.
Bài viết được dẫn lại từ:
Một người cao tuổi Israel tiêm mũi vắc xin thứ ba. Ảnh: Times of Israel
Hiện chưa rõ nhóm 14 người này lây virus từ nguồn bệnh trước hay sau khi tiêm liều thứ ba.
Dữ liệu được Channel 12 công bố hôm 8/8 cho thấy đã có ít nhất 14 người Israel mắc COVID-19 dù đã tiêm liều vắc xin thứ ba. 11 trong số 14 người là đói tượng trên 60 tuổi. Trong số đó, đã có hai người phải nhập viện. Ba người còn lại là những người bị suy giảm miễn dịch dưới 60 tuổi.
Hiện chưa rõ 14 người này nhiễm virus trước hay sau khi tiêm liều thứ ba. Do đó, dữ liệu hiện chưa đủ để các quan chức y tế đưa ra kết luận về hiệu quả chung của liều thứ ba trong việc chống lại biến thể Delta.
Đến thời điểm hiện tại, khoảng 420.000 người cao tuổi ở Israel đã được tiêm mũi vắc xin thứ ba của Pfizer-BioNTech trong tuần trước, tương đương một phần ba nhóm đối tượng trên 60 tuổi, Thủ tướng Naftali Bennett cho biết trong một cuộc họp nội các.
Tới nay, Israel chỉ duyệt tiêm 2 loại vaccine là Moderna và Pfizer. Mũi tiêm thứ 3 đã bắt đầu được áp dụng từ ngày 30/7, việc một số người đã tiêm đầy đủ vẫn nhiễm Covid-19 có thể làm giới y tế nước này và thế giới thay đổi chiến lược phòng dịch trong thời gian tới.
Đọc bài viết gốc tại đây:
Việc tiêm chủng chững lại cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh chóng đã kéo Mỹ trở lại một đợt bùng phát Covid-19 mới, thậm chí có nguy cơ đối mặt với điều tồi tệ nhất từ trước cho đến nay.
Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và số ca mắc Covid-19 mới giảm mạnh vào mùa xuân, nhiều người Mỹ nghĩ rằng họ sẽ có một mùa hè tuyệt vời.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine chững lại cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây nhiễm đã kéo Mỹ trở lại một đợt bùng phát Covid-19 mới .
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cá nhân trước khi vào điểm xét nghiệm Covid-19 tại hạt El Paso, bang Texas. Ảnh: Getty Images
Hầu hết các ca mắc bệnh mới tại Mỹ xảy ra ở những người chưa tiêm chủng. Ngoài ra, các quan chức y tế cảnh báo rằng, phần lớn các bệnh nhân Covid-19 nhập viện và tử vong trên khắp đất nước cũng đều chưa tiêm vaccine.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu Mỹ không tiêm chủng cho số lượng lớn dân số nhằm dập tắt đợt bùng phát dịch này, thì đợt gia tăng này có thể trở thành điều tồi tệ nhất của đất nước.
"Sự gia tăng số ca mắc bệnh mà chúng ta đang trải qua có khả năng trở thành điều tồi tệ nhất mà nước Mỹ phải đối mặt cho đến nay", Tiến sĩ Jerome Adams, cựu bác sĩ phẫu thuật, cho biết.
Một chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc vừa cho biết, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần phải tiêm mũi tiêm tăng cường trong vòng một năm.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh công chúng lo ngại đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại kể từ giữa tháng 7, đặc biệt là mối đe dọa do biến thể Delta rất dễ lây lan.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một nghiên cứu mới đây của Trung Quốc chỉ ra rằng thời tiết nắng nóng khiến người dân ngại đeo khẩu trang và giảm sự tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, do vậy có thể là một "tác nhân" khiến Covid-19 bùng phát trong cộng đồng...
Tuần báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc bản tiếng Anh hôm 6/8 vừa đăng một nghiên cứu về nhận thức nguy cơ của cộng đồng và những thay đổi trong hành vi phòng chống dịch dưới tác động của nhiệt độ cao và các đợt nắng nóng trong các đợt bùng phát Covid-19, tập trung vào mùa hè của 2020 với việc sử dụng các dữ liệu trực quan.
Đường phố Bắc Kinh thời Covid-19. Ảnh: VOV-Bắc Kinh.
Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 9/2020, Trung Quốc đã đưa ra tổng số 18.992 cảnh báo nhiệt độ cao trên cả nước. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thời tiết nắng nóng đã phân tán sự cảnh giác của người dân trước Covid-19. Hành vi đeo khẩu trang liên tục đã giảm 20,6%. Xác suất đeo khẩu trang liên tục dưới thời tiết nhiệt độ cao cũng giảm trung bình 58% và xác suất đi phương tiện công cộng thông thoáng giảm 41%.
Các nghiên cứu còn cho thấy, thời tiết nắng nóng làm gián đoạn sự tuân thủ của công chúng đối với các biện pháp phòng chống dịch và cái nóng của mùa hè là một thách thức "vô cùng cấp bách" đối với sức khỏe cộng đồng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây