*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ca mắc mới ở Hà Nội chưa rõ nguồn lây, không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng.
Ngay sau khi đón 202 khách trên chuyến bay VN7160 về từ Đà Nẵng chiều nay, toàn bộ hành khách được đưa về cách ly tập trung tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây) Hà Nội.
Sau khi từ sân bay Nội Bài về, đoàn xe được nhân viên y tế của trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn toàn bộ.
Những trường hợp trở về từ Đà Nẵng sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 tối thiểu 2 lần ngay tại khu cách ly
Toàn bộ hành lý của hơn 200 hành khách liên tục được phun khử khuẩn
Hành khách được trang bị bảo hộ y tế toàn thân và sẽ cách ly 14 ngày tại đây trước khi được trở về nhà sau 1 tháng trời mắc kẹt vì COVID-19
Liên quan đến ca bệnh 867, ca bệnh mới nhất tại Hà Nội vừa được Bộ Y tế công bố, bệnh nhân 63 tuổi, ở tỉnh Hải Dương lên Viện 108 và Thanh Nhàn khám khi có triệu chứng liên quan đến COVID-19, PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Bộ Y tế về phòng chống dịch nói:
"Nếu ca bệnh 867 lây ở Hà Nội thì rất lo. Bởi ta "bắt" được ca này nhưng chưa chắc đã là F0. Vì càng nhiều chu kỳ dịch thì số ca mắc ở cộng đồng càng lớn. Do vậy, nếu ca này mắc ở Hà Nội thì chúng ta phải đặt vấn đề tìm ra yếu tố lây nhiễm".
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh bệnh nhân 867 đã qua hai bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội khám bệnh. Đặc điểm ca bệnh là hiện nay chưa xác định được nguồn lây nhiễm và cũng không liên quan đến TP Đà Nẵng.
"Đây là trường hợp đáng lo ngại vì chỉ khi vào bệnh viện mới xác định được bệnh nhân dương tính", ông Quý nói.
Tối 12-8, tiểu ban truyền thông Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết tính đến ngày 11-8, các địa phương đã xử phạt 401 trường hợp (số tiền 497 triệu đồng) vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, nhiều nhất là các hành vi vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, tụ tập đông người, sử dụng ma túy trái phép, đánh bạc...
Chiều 12/8, Tiểu ban điều trị Covid-19 đã có cuộc hội chẩn trực tuyến trên cả nước để đưa ra các phương án điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Theo báo cáo, hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại 24 bệnh viện, trong đó có khoảng 15 bệnh nhân Covid-19 nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo….phải thở máy, chạy ECMO, tiên lượng tử vong cao.
Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà siết chặt chốt trực tại khu vực các chung cư có ca mắc COVID-19.
Phó Bí thư Đà Nẵng cho rằng, thời gian tới, Nại Hiên Đông có thể là "điểm nóng" về dịch COVID-19 của thành phố nên lãnh đạo địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, kiến nghị, đề xuất những khó khăn, vướng mắc với thành phố để kịp thời tháo gỡ...
Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay trên địa bàn Nại Hiên Đông ghi nhận 12 ca mắc COVID-19. Trong đó, có nhiều bệnh nhân sống tại các khu chung cư như Chung cư B1, Chung cư A3...
Chiều 12/8, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch COVID-19, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hà Nội cho biết, ngày 11/8, Hà Nội phát hiện một ca dương tính với nCoV. Bệnh nhân là người Hải Dương đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Ca dương tính mới là 63 tuổi, địa chỉ tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Theo điều tra ban đầu không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh. Từ khi vào bệnh viện, bệnh nhân được quản lý chặt chẽ, xét nghiệm lần đầu âm tính, vì vậy, khả năng lây lan ra cộng đồng trước đó cũng sẽ hạn chế.
Bản tin 18h chiều ngày 12/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 14 ca mắc mới COVID-19, trong đó 01 ca ghi nhận tại Hà Nội (có địa chỉ Hải Dương), 13 ca tại Đà Nẵng. Đến nay Việt Nam có 880 ca bệnh.
CA BỆNH 867 (BN867): Nam, 63 tuổi; ở Bình Giang, Hải Dương. Ngày 31/7/2020, bệnh nhân có ho, mệt mỏi. Ngày 8/8/2020, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó về nhà con gái tại Thanh Trì, Hà Nội.
Ngày 9/8/2020 khám và nhập Bệnh viện Thanh Nhàn với chẩn đoán viêm phổi nặng, ngày 10/8/2020 lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, kết quả lần 1 âm tính.
Ngày 11/8/2020 lấy mẫu lần 2, kết quả xét nghiệm Bệnh viện Thanh Nhàn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đều dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH 868 (BN868): Nữ, 58 tuổi; ở Thanh Khê, Đà Nẵng. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 19-25/7/2020.
CA BỆNH 869 (BN869): Nữ, 83 tuổi; ở Hòa Vang, Đà Nẵng. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian 04-08/7/2020 và 11-19/7/2020.
CA BỆNH 870 (BN870): Nữ, 35 tuổi; ở Điện Bàn, Quảng Nam. Bệnh nhân là con và có tiếp xúc với BN478.
CA BỆNH 871 (BN871): Nữ, 59 tuổi; ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bệnh nhân là vợ của BN825. - CA BỆNH 872 (BN872) Nam, 56 tuổi; ở Hòa Vang, Đà Nẵng. Bệnh nhân tiếp xúc với BN823 và tiếp xúc với mẹ là BN873.
CA BỆNH 873 (BN873): Nữ, 77 tuổi; ở Hòa Vang, Đà Nẵng. Bệnh nhân có đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị và có tiếp xúc với con dâu là BN823.
CA BỆNH 874 (BN874): Nữ, 56 tuổi; ở Hải Châu, Đà Nẵng. Là vợ bệnh nhân BN666.
CA BỆNH 875 (BN875): Nữ, 26 tuổi; Liên Chiểu, Đà Nẵng. Là sinh viên thực tập tại Bệnh viện Đà Nẵng và trong thời gian từ ngày 15-24/7/2020 có tiếp xúc với 2 nhân viên y tế là BN435 và BN574.
Các ca bệnh 868-875 (BN868-875) được lấy mẫu ngày 11/8/2020, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH 876 (BN876): Nam, 51 tuổi; ở Duy Xuyên, Quảng Nam - CA BỆNH 877 (BN877): Nam, 41 tuổi; ở Thanh Khê, Đà Nẵng
CA BỆNH 878 (BN878): Nam, 30 tuổi; ở Hải Châu, Đà Nẵng
CA BỆNH 879 (BN879): Nam, 33 tuổi; ở Hải Châu, Đà Nẵng
CA BỆNH 880 (BN880): Nam, 46 tuổi; ở Thanh Khê, Đà Nẵng Các ca bệnh 877-880 (BN877-880) ghi nhận tại Đà Nẵng đang được điều tra, bổ sung thông tin dịch tễ.
Tổng số ca mắc: 880 ca
Tính đến 18h ngày 12/8: Việt Nam, có tổng cộng 880 ca mắc COVID-19, trong đó 321 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: ghi nhận 419 ca.
Tính từ 6h đến 18h ngày 12/8: ghi nhận 14 ca mắc mới
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 134.248, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.365
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.180
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 104.703
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: trong ngày có 01 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh đó là BN445 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Như vậy đến thời điểm này có 400 bệnh nhân/880 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Chiếm tổng số 45,5%.
Tính đến chiều ngày 12/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 61 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 402 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Số trường hợp tử vong: 17 ca đó là các bệnh nhân (BN496, BN426, BN429, BN524, BN475, BN499, BN428, BN437, BN651, BN718, BN456, BN430, BN737, BN436, BN52, BN832 và BN431).
Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi...
Chiều 12/8, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau khi có thông tin về một đối tượng F1 tiếp xúc với bệnh nhân (BN) số 791 nhiễm COVID-19 đã đến địa bàn Thừa Thiên Huế lan truyền trên mạng xã hội và nhận được công văn yêu cầu hỗ trợ của Công an tỉnh Quảng Bình, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Công an TP Huế phối hợp với các lực lực lượng chức năng xác minh, điều tra, làm rõ.
Ngay sau đó, Ban Chỉ huy Công an TP Huế đã chỉ đạo các đội nghiệp phối hợp với Công an các phường triển khai phương án xác minh đối tượng nói trên. Qua đó làm rõ đối tượng là Ngô Thái Nguyên (quê quán ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; trú tại số 10/27 khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hòa, TP Huế).
Trước đó, ngày 5/8, Nguyên đi xe khách từ TP Hà Nội về tỉnh Quảng Bình. Nguyên ngồi cùng chuyến xe với BN COVID-19 ca số 791 cùng với 2 người ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình, hiện 2 người này đã được cách ly theo quy định) rồi xuống xe ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đến ngày 6/8, Nguyên bắt xe từ huyện Lệ Thủy vào tỉnh Thừa Thiên Huế gặp vợ ở nhà trọ phường Thủy Xuân, TP Huế, sau đó rời khỏi Huế.
Nguyên là đối tượng liên quan đến ma túy và đã từng đi tù nên tìm cách lẩn trốn, không chịu khai báo y tế và hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trước sự việc này, Công an TP Huế đã phối hợp với các ngành chức năng để có phương án cần thiết trong việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với vợ Nguyên, những người liên quan, khu vực phòng trọ...
Qua phối hợp giữa Công an các địa phương, đến trưa 12/8, Công an TP Hà Nội đã bắt được Ngô Thái Nguyên để thực hiện khai báo y tế và có biện pháp xử lý đối tượng theo đúng quy định.
207 người mắc kẹt ở tâm dịch Đà Nẵng đã về tới Hà Nội. Trong chiều nay và 2 ngày tiếp theo, sẽ có tổng cộng khoảng 1.500 người cả Việt Nam và nước ngoài về Hà Nội và TP HCM.
12h24 phút trưa nay, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN-A616 xuất phát từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã hạ cánh an toàn tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Đây là chuyến bay đầu tiên đưa những người mắc kẹt tại TP Đà Nẵng trở về Hà Nội.
Đoàn xe của các đơn vị chức năng thực thi nhiệm vụ kiểm soát dịch tễ, an ninh và đưa người đi cách ly đã có mặt tại sân bay từ sớm để đón đoàn.
Những người về từ tâm dịch Đà Nẵng sẽ cách ly tập trung trong 14 ngày, khai báo sức khoẻ, dịch tế, lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR.
Chuyến bay này có 207 hành khách, gồm 203 người lớn và 4 trẻ em dưới 2 tuổi. Đây là chuyến đầu tiên trong 4 chuyến đưa tổng cộng 828 người (trong đó 799 người Việt, 29 người nước ngoài) về Hà Nội. Toàn bộ đều đã xét nghiệm và âm tính với SARS-CoV-2.
Các lực lượng chức năng mặc đầy đủ đồ bảo hộ y tế.
Hành khách của chuyến bay đặc biệt được đón lên xe bus, chuẩn bị về nơi cách ly. Ngoài 4 em nhỏ dưới 2 tuổi, có thể thấy còn nhiều trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau trong đoàn.
Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đầu tiên chở du khách mắc kẹt ở Đà Nẵng
Ngay sau khi nhận được thông tin có người địa phương nghi mắc Covid-19, huyện Bình Giang (Hải Dương) đã họp khẩn trong đêm và tổ chức cách ly 1 thôn.
Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông tin ông V.D.B., 63 tuổi, ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng (Bình Giang - Hải Dương) nghi mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch Covid -19 huyện Bình Giang đã họp khẩn trong đêm 11/8.
BCĐ huyện Bình Giang yêu cầu tiến hành rà soát các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ông V.D.B., thực hiện cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện và phối hợp với CDC Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm; triển khai các biện pháp cách ly, phòng bệnh khác theo quy định.
Huyện Bình Giang đã tổ chức phong tỏa, phun thuốc khử khuẩn tại gia đình ông V.D.B., các hộ xung quanh và gia đình ông D.N. tại thôn Nhuận Đông, Trạm Y tế xã Bình Minh.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC) vừa báo cáo về lịch trình của một trường hợp bệnh nhân (BN) dương tính virus SARS-CoV-2 do CDC Hà Nội thực hiện ngày 11/8/2020.
Theo đó, BN có địa chỉ tại thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Từ ngày 5/6 - 10/6, BN ở nhà tại huyện Bình Giang, Hải Dương. Từ ngày 10/6 - 31/7, BN ở tại nhà con gái tại thành phố Hải Dương.
Ngày 27/7, BN xuất hiện nấc, tức ngực được con gái đưa đi khám tại phòng khám tư, địa chỉ 36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, Hải Dương (chẩn đoán: trào ngược dạ dày).
Đến ngày 30/7, BN có biểu hiện sốt nhẹ, không điều trị gì. Ngày 1/8, BN về quê tại Hải Dương. Ngày 3/8, BN đi xe bus từ Bình Giang lên thành phố Hải Dương đi ăn đám cưới. Đến khoảng 21h cùng ngày, BN đi xe riêng về Bình Giang.
Đà Nẵng vừa cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối với 10 bệnh nhân COVID-19 mới công bố.
1. Bệnh nhân số 846: Nam, sinh năm 2003. Địa chỉ: Đường Thân Nhân Trung, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
2. Bệnh nhân số 852: Nam, sinh năm 1980. Địa chỉ: đường Hoa Phượng 1, Euro Village, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; là bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.
3. Bệnh nhân số 851: Nữ, sinh năm 1953. Địa chỉ: tổ 1 Lệ Sơn Nam, xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng.
4. Bệnh nhân số 848: Nữ, sinh năm 1942. Địa chỉ: đường Nguyễn Thiện Kế, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
5. Bệnh nhân số 855: Nữ, sinh năm 1959. Địa chỉ: tổ 31, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
6. Bệnh nhân số 854: Nữ, sinh năm 1950. Địa chỉ: đường Lê Duẩn, tổ 1, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
7. Bệnh nhân số 849: Nữ, sinh năm 1981. Địa chỉ: Chung cư B1, đường Dương Vân Nga, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
8. Bệnh nhân số 856: Nam, sinh năm 1990. Địa chỉ: cuối đường Hồ Quý Ly, tổ 31, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
9. Bệnh nhân số 853: Nam, sinh năm 2006. Địa chỉ: Chung cư A3 Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
10. Bệnh nhân số 850: Nam, sinh năm 1965. Địa chỉ: K105 Ngô Gia Tự, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Lúc 10h sáng 12-8, tại Km20+800 đường tránh Nam Hải Vân, tổ tuần tra kiểm soát Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT Công an Đà Nẵng) phát hiện 1 ôtô chở 4 người lên đường tránh để đón xe rời khỏi Đà Nẵng.
Theo lời khai của lái xe, sáng 12-8, anh đang ở nhà thì có một người chạy xe ôm đến nói qua đường Hà Huy Tập chở 4 người khách lên khu vực đường tránh Nam Hải Vân để những người này đón xe về quê với giá 1,6 triệu đồng.
Khi anh T. chở khách đến đường tránh Nam Hải Vân và cho khách xuống xe thì bị CSGT phát hiện.
Anh T. thừa nhận việc vận chuyển hành khách từ vùng dịch bệnh đang được cách ly xã hội là sai. Còn nhóm khách cho biết họ từ quê vào Đà Nẵng làm thuê được hơn 1 tháng thì xảy ra dịch bệnh nên thất nghiệp. Vì thế phải thuê xe lên đường tránh Nam Hải Vân để bắt xe về quê.
Sở Y tế Hà Nội đã thông báo khẩn yêu cầu những người đã đến quán bia này phải liên hệ ngay với cơ quan y tế để được tư vấn, hỗ trợ.
Quán bia hiện đã được phong tỏa.
Cách đây 4 ngày, vào ngày 8/8, một bệnh nhân 63 tuổi, quê ở huyện Bình Giang, Hải Dương có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước khi phát hiện dương tính, người này đã tới quán bia Lộc Vừng chơi và nghỉ qua đêm. Chủ quán bia là con gái của bệnh nhân. Hiện tại, quán bia đã bị đóng cửa để phong tỏa, cách ly.
Từ tối 11/8, khi Bộ Y tế công bố thêm 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Quảng Trị, UBND tỉnh phát văn bản hoả tốc về phong toả tạm thời khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện Gio Linh.
Cụ thể, tỉnh Quảng Trị thực hiện các biện pháp khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus SARS-CoV-2 gây ra ở mức ứng phó cấp độ 3, tại địa bàn huyện Gio Linh.
Bên cạnh đó, khoanh vùng, phong toả cách ly tạm thời tại khu vực Xóm Bàu (đội 3, thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh) từ 21h ngày 11/8.
Ghi nhận của phóng viên vào trưa nay (12/8), chính quyền huyện Gio Linh đã huy động khá đông lực lượng, gồm: công an, quân sự, y tế, xã đội, công an xã, dân quân… túc trực tại các chốt để kiểm soát.
Bệnh nhân 862 sau khi được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Trị đã bỏ ăn 4 bữa và nằng nặc đòi về nhà.
Sáng 12-8, ông Trương Huyền Trường - giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Trị (là nơi điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 của tỉnh) - cho biết đến thời điểm này, bệnh nhân 862 đã bỏ ăn bữa thứ tư và một mực đòi về nhà.
Theo ông Trường, từ bữa vào khu cách ly đến nay, bệnh nhân 862 đã bỏ 4 bữa không ăn.
"Chúng tôi phải động viên mãi bệnh nhân 862 mới uống ít sữa. Bệnh nhân cứ đòi về nhà, mặc cho các y bác sĩ hết lời khuyên nhủ", ông Trường nói.
Bệnh nhân 862 là mẹ của bệnh nhân 832 (đã qua đời) và là người dân tộc ít người ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hiện các bác sĩ vẫn chưa cho bà biết con mình đã tử vong vì COVID-19.
Ngày 11/8, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Thanh Trì. Theo đó, bệnh nhân là nam giới, 63 tuổi, địa chỉ ở xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương lên Hà Nội khám bệnh và qua nhà con gái nghỉ lại.
Về ca bệnh này, PGS.TS. Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, ngày 9/8 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện với biểu hiện ho, sốt nhẹ. Trường hợp này đã được phân luồng ngay từ cổng để đưa vào khu khám, sàng lọc riêng. Các cán bộ y tế có tiếp xúc với bệnh nhân đều đảm bảo trang phục bảo hộ đầy đủ từ quần áo, mũ, khẩu trang theo đúng quy định. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện tại phòng cách ly riêng.
“Vì thế, nguy cơ lây nhiễm từ trường hợp này sang cán bộ y tế của bệnh viện gần như là không có”.
Ngày 12/8, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết vừa làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân T.T.N.H (nữ, 61 tuổi, trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), là bệnh nhân mắc Covid-19 số 445.
Bác sĩ Phúc cho biết bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS- CoV-2.
"Bệnh nhân được xe y tế chở về tận nhà và tiếp tục cách ly tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế địa phương", ông Phúc nói.
Ngày 12-8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối với một trường hợp bệnh nhân còn lại mắc COVID-19 tại TP được công bố ngày 10-8 và 9/10 trường hợp bệnh nhân đã được công bố trong ngày 11-8.
Trong số này, Bệnh nhân 852 là Bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 26-7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng (lần 1) cho kết quả âm tính.
Từ ngày 27-7 đến 10-8, Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa nên bệnh nhân được cách ly và tham gia làm việc tại Khoa Hồi sức chống độc.
Ngày 3-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng (lần 2) cho kết quả âm tính.
Ngày 9-8, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, không ho, không khó thở.
Ngày 10-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng có kết quả xét nghiệm nghi ngờ nên được chuyển mẫu đến CDC Đà Nẵng xét nghiệm khẳng định kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo khẩn về trường hợp nam bệnh nhân 63 tuổi ở Hải Dương có kết quả xét nghiệm 2 lần đều dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 63 tuổi có dấu hiệu ho, mệt mỏi từ 31/7. Ngày 8/8, ông đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau đó bệnh nhân về nhà con gái tại Thanh Trì, Hà Nội. Ngày 9/8, chuyển vào BV Thanh Nhàn khám và nhập viện do viêm phổi nặng.
Liên quan đến trường hợp nói trên, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết, đã rà soát được 11 trường hợp tiếp xúc gần (F1). Tất cả đều đã được lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm.
Cơ quan chức năng của Hà Nội thực hiện phong toả, phun khử khuẩn quán bia hơi Lộc Vừng ngay đêm qua
Trong đó, 11 người F1 được cách ly tại Khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc, trường hợp còn lại có biểu hiện ho, sốt, mệt (con rể bệnh nhân) được chuyển đến BV đa khoa Hà Đông để cách ly.
Sau khi phát hiện thêm 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, tỉnh Quảng Trị đã rà soát, truy vết lịch trình và làm rõ lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân số 861 và 862. Trong đó, bệnh nhân 861 có lịch sử tiếp xúc phức tạp, đi đến nơi có nhiều người.
Theo đó, bệnh nhân số 861 là bà H.T.T, 36 tuổi, trú tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bà T là nhân viên của Công ty Bảo Châu (số 221 Lê Duẩn, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), đồng nghiệp của bệnh nhân 750 và bệnh nhân 833.
Nhà của bệnh nhân 861 là quán cháo tại Xóm Bàu, đội 3, thôn Hà Thanh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bệnh nhân có tiếp xúc với khách hàng ăn sáng của quán.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ.
Bệnh nhân số 862 là bà H.T.X, 66 tuổi, trú tại thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Bà X là mẹ của bệnh nhân 832, trước khi phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, từ ngày 2.8 đến 7.8, bà X đã có mặt ở bệnh viện để chăm sóc cho bệnh nhân 832.
Từ ngày 12/8, Đà Nẵng triển khai phát thẻ để người dân vào chợ theo ngày chẵn - lẻ để hạn chế tập trung đông người, giảm tần suất đi chợ nhằm phòng ngừa COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, do gấp gáp, nhiều nơi chính quyền in thẻ không kịp để phát cho dân, nên dân vẫn đi chợ thoải mái, vô tư.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng nay (12/8), hàng loạt chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng đã tiến hành giăng dây, bố trí các lực lượng canh gác chỉ cho phép người dân đi vào một lối để thực hiện việc kiểm tra phiếu đi chợ theo ngày chặn - lẻ.
Tuy nhiên, tại các địa phương do quy định phát thẻ phiếu ra vào chợ triển khai gấp, thẻ phiếu chưa kịp in, chưa kịp phát cho dân nên trong ngày 12/8 chưa thể triển khai theo yêu cầu của Sở Công thương. Người dân vào chợ chỉ phải sát khuẩn tay trước khi ra vào chợ.
Bên trong các chợ, hàng quán được giăng dây để hạn chế tiếp xúc gần giữa người mua và người bán.
Một người dân mang thẻ vào chợ ghi ngày chẵn (12/8). Theo quy định của Sở Công thương Đà Nẵng, thẻ đi chợ màu hồng dành cho ngày chẵn, màu xanh dành cho ngày lẻ.
Chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) được rào chắn hết các lối đi vào chợ, chỉ chừa một lối đi vào ở khu vực chính, nhằm kiểm soát ra vào. Tuy nhiên, do phường chưa thể in và phát phiếu kịp cho dân trong chiều và tối hôm qua nên việc kiểm soát thẻ phiếu vẫn chưa thể triển khai. Người dân vẫn thoải mái và vô tư đi chợ như bình thường.
Người dân ý thức đeo khẩu trang, đội mũ chống bắn giọt đi vào chợ. Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, giải pháp thẻ phiếu vào chợ mang tính vận động người dân là chủ yếu, bởi quan trọng nhất là ý thức của người dân trong phòng chống dịch. "Nếu mọi người dân có ý thức thì không cần phải làm việc này", ông Bắc nói.
Người dân đi chợ mua sắm bình thường, mỗi gia đình được phát 5 phiếu đi chợ trong 15 ngày. Chị Lê Thị Hoa (phường An Hải Bắc) cho biết: "Mỗi tuần gia đình tôi đi chợ một lần ăn cho cả tuần. Dịch bệnh, giờ tạm thời thất nghiệp chỉ lo không có tiền đi chợ thôi"
Trao đổi với PV vào sáng 12/8, một thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội cho biết, theo quyết định thành lập, Ban có một Trưởng ban và 3 Phó Trưởng ban.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Chung trước đó là Trưởng ban chỉ đạo, ông Ngô Văn Quý làm Phó Trưởng ban Thường trực, 2 Phó Trưởng ban còn lại là Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản và Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền.
Ông Nguyễn Đức Chung.
Do đó, khi ông Chung bị tạm đình chỉ, các công việc của Ban chỉ đạo đang được giao cho các Phó Ban điều hành.
Về việc ai sẽ là người chỉ đạo chính trong giai đoạn hiện nay, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiêm Phó Ban Nguyễn Khắc Hiền cho hay, hiện nay ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Phó Ban Thường trực sẽ chủ trì chỉ đạo công tác phòng chống dịch dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Thành uỷ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong thứ 17 do Covid-19 tại Việt Nam.
Đây là bệnh nhân 431 (BN 431), nam, 55 tuổi, địa chỉ: Hòa Khánh Bắc – Liên Chiểu – Đà Nẵng.
Tiền sử: đái tháo đường type 1, suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp.
Từ ngày 26/7 - 30/7, bệnh nhân nhập viện được điều trị và cách ly tại khoa Nội thận - Nội Tiết, Bệnh viện Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm ngày 26/7;
Ngày 27/7, bệnh nhân có kết quả dương tính SARS-COV-2;
Ngày 31/7, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19 – Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, được chẩn đoán: Viêm phổi nặng do COVID-19, trên bệnh nhân đái tháo đường type I, suy thận mạn tính giai đoạn cuối;
Từ ngày 31/7 – 04/8, bệnh nhân mê, thở máy, thiếu máu được truyền máu và lọc máu liên tục, được điều trị hồi sức tích cực, thở máy xâm nhập; tối ngày 04/8: bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, xẹp phổi hai đáy, phù toàn thân, viêm mô tế bào hoại tử - loạn dưỡng vùng cánh tay phải;
Từ ngày 06/8 -10/8, bệnh nhân mê sâu, yếu tứ chi, nhịp tim nhanh, huyết áp dao động thấp;
Ngày 10/8, bệnh nhân bắt đầu sốt cao liên tục;
Ngày 11/8, 03:00 bệnh nhân có ngưng tim, được hồi sức tim phổi hiệu quả;
Ngày 12/8, 0h00: bệnh trở nặng, mạch rời rạc, huyết áp tụt kẹp, sau 30 phút bệnh nhân ngừng tim hoàn toàn; 0h30: bệnh nhân tử vong.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do COVID-19, trên bệnh nhân đái tháo đường type 1, suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng.
Ngày 11/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng, vận hành bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Ông Quảng yêu cầu Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan hoàn thành những khâu cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng ngày 14/8 sắp tới.
Sở Y tế Đà Nẵng cho biết bệnh viện đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành diễn tập để có thể đưa vào hoạt động. Tất cả trang thiết bị y tế, dụng cụ phục vụ bệnh nhân đều đã được trang bị.
Các phòng bện được đánh số theo từng khu, mỗi khu được chia ra thành nhiều phòng. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn có khả năng đáp ứng được 700 giường bệnh. Hiện tại, bệnh viện mới lắp đặt khoảng 300 giường bệnh.
Dự kiến bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và vừa. Mỗi phòng được bố trí 2 giường cách nhau hơn 1 mét. Mỗi giường đều có nệm, chăn, gối, quạt, hệ thống điện, đèn báo. Mỗi buồng bệnh có diện tích 3 x 2,44 m, lối ra vào được che bằng rèm.
Tại đây, có 2 khu K, J dành để điều trị bệnh nhân nặng. Các phòng tại khu này sẽ chỉ được bố trí 1 giường cho 1 bệnh nhân. Các phòng này được trang bị thêm máy thở, bình ô xy, camera để theo dõi bệnh nhân từ phòng điều khiển.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị những người đến quán bia hơi Lộc Vừng (Ngũ Hiệp, Thanh Trì) từ 10h30 ngày 8/8 - 21h ngày 9/8 liên hệ ngay với cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ.
Ảnh cơ quan chức năng phun khử khuẩn quán bia hơi Lộc Vừng.
Trường hợp nghi nhiễm Covid-19 là ông V.D.B (63 tuổi, trú ở xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Khoảng ngày 31/7, ông B xuất hiện ho, mệt mỏi. Ngày 8/8, ông đi taxi (cùng vợ) đến khám tại Bệnh viện 108 từ 7h30-11h, sau khi khám, bệnh nhân về nhà con gái là chị V.T.H, chủ quán bia hơi Lộc Vừng, địa chỉ: TT3.13, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội và nghỉ qua đêm ở đó.
Đến ngày 9/8, ông đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Thanh Nhàn với chẩn đoàn viêm phổi nặng.
Ngày 10/8, Bệnh viện Thanh Nhàn gửi mẫu xét nghiệm lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 lần 1.
Đến ngày 11/8, Bệnh viện Thanh Nhàn tự lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Cùng ngày Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tối 11/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký Quyết định số 2235/QĐ-UBND về việc phong tỏa tạm thời khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn huyện Gio Linh.
Các lực lượng chức năng đã khoanh vùng, phong tỏa, cách ly tạm thời tại khu vực xóm Bàu, thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh từ 21h ngày 11/8. Sở Y tế Quảng Trị hướng dẫn UBND huyện Gio Linh, triển khai khẩn cấp các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế. Lực lượng liên ngành gồm: Công an, Bộ đội, Y tế và các ngành liên quan thành lập, bố trí các chốt, trạm kiểm dịch cô lập khu vực này, đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Nhiều người trở về TPHCM từ vùng dịch Covid-19 tại Đà Nẵng nhưng né tránh khai báo y tế, không đến lấy mẫu xét nghiệm. Những trường hợp trên sẽ bị xử lý hình sự theo chỉ đạo của thành phố.
Hiện đã có hơn 51.000 người rời Đà Nẵng tới TPHCM từ 1/7 thực hiện khai báo y tế, trong số đó, hơn 48.000 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, hơn 45.000 người đã có kết quả xét nghiệm, trong đó có 6 ca dương tính Covid-19. Tất cả các trường hợp dương tính kể trên đều liên quan đến bệnh viện Đà Nẵng và điểm nguy cơ tại Đà nẵng theo thông báo của Bộ Y tế.
Sáng 12/8, Bộ Y tế công bố thêm 3 ca mắc mới Covid-19 (BN864-866) tại Hải Phòng, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể:
BN864, nữ, 36 tuổi; Nghi Lộc, Nghệ An
BN865, nam, 33 tuổi; Cẩm Giàng, Hải Dương
BN866, nam, 33 tuổi; Mỹ Lộc, Nam Định
Các bệnh nhân từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 10/8 trên chuyến bay VN331. Sau khi nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, được đưa về Hải Phòng cách ly ngay. Ngày 11/8, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng lấy mẫu, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tính đến 6h ngày 12/8 Việt Nam có tổng cộng 866 ca mắc COVID-19, trong đó 321 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. 405 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 134.248, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.365
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.180
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 104.703
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 10 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 51 ca.
- Số ca tử vong: 16 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 399 ca.