*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Đứng trước một hoạt động quân sự của quân chính phủ Syria ở đông nam Idlib, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã "tiên hạ thủ vi cường".
Quân đội Chính phủ Syria (SAA) pháo kích nhiều vị trí của lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở các làng Deir Sonbol, Kansafra và Barah;
Các tay súng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nã pháo vào các vị trí của SAA ở gần thành phố Maarat al-Numan;
Lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ lập thêm một trạm quan sát trên đồi Al-Raqim Hill, phía Bắc Latakia.
Bản đồ chiến sự vùng Tây Bắc Syria ngày 10/8/2020. Ảnh: South Front
Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga ngày hôm nay cho biết, một máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân nước này một lần nữa lại được lệnh xuất kích ngăn chặn các máy bay do thám của Mỹ hoạt động trên vùng Biển Đen và buộc chúng phải di chuyển ra khỏi biên giới Nga.
“Ngày 10/8/2020, các hệ thống kiểm soát không phận Nga đã phát hiện thấy hai mục tiêu trên không phận trung lập ở Biển Đen đang tiếp cận biên giới Nga. Để ngăn chặn những mục tiêu này, máy bay Su-27 Nga đã được lệnh xuất kích”, thông báo của Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga viết.
Theo Trung tâm này, hai máy bay Mỹ được xác định gồm có một chiếc Boeing RC-135 và một chiếc Boeing P-8A Poseidon.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ngày hôm nay được cho là đã phát động một loạt vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA).
Theo các nhà hoạt động của LNA, lực lượng không quân của họ đã tấn công phá hủy một hệ thống phòng không, một radar và một trạm tác chiến điện tử do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.
Kênh truyền hình 24 TV của Libya xác nhận các vụ không kích diễn ra tại Al-Sadada, địa bàn nằm ở phía Tây thanh phố chiến lược Sirte.
LNA hiện vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vụ việc.
Ảnh minh họa: M-LNA
Hãng tin South Front vừa cho công bố bản đồ cập nhập mới nhất về vị trí của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên đại dương.
Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) là đội hình hoạt động trên biển của Hải quân Mỹ, thông thường gồm có một tàu sân bay giữ vai trò trung tâm cùng một không đoàn với khoảng từ 65 - 70 máy bay.
CSG có khoảng 7.500 nhân viên, ít nhất một tàu tuần dương, một liên đội gồm ít nhất hai tàu khu trục. Ngoài ra, đi theo đội hình thường còn có cả các tàu ngầm và tàu hậu cần.
Ngày hôm nay, Quân đội Chính phủ Syria (SAA) tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía Nam Idlib khi các đơn vị tên lửa và pháo binh của họ liên tiếp nã vào nhiều vị trí của phiến quân nổi dậy tại địa bàn Jabal Al-Zawiya.
Theo các nguồn tin địa phương, các cuộc tấn công của SAA đã nhận được sự yểm trợ đắc lực từ các máy bay trinh sát không người lái của Quân đội Nga hoạt động tại khu vực. Nhiều trận địa của phiến quân xung quanh thị trấn Al-Bara’a đã bị đánh phá ác liệt.
Trong vài tuần vừa qua, các máy bay trinh sát Không quân Nga đã gia tăng tần suất hoạt động ở phía Nam Idlib, trùng thời điểm với việc Quân đội Chính phủ Syria tăng cường pháo kích các trận tuyến của phiến quân ở vùng Jabal Al-Zawiya.
Theo Jerusalem Post, vào sáng 10/8 giờ địa phương (trưa cùng ngày giờ Việt Nam), nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza đã khai hỏa khoảng một chục rocket về phía Biển Địa Trung Hải.
Vụ phóng rocket diễn ra vài giờ sau khi Không quân Israel (IAF) không kích các tiền đồn của Hamas ở phía bắc Gaza gần Beit Hanoun.
Cuộc không kích được cho là để đáp trả việc các nhóm vũ trang ở Gaza thả bóng bay mang theo vật liệu cháy nổ vào miền nam Israel những ngày gần đây.
Các thành viên Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas, trưng bày đạn rocket tự sản xuất trong một cuộc diễu hành.
Theo AMN, thông qua mạng xã hội Facebook, Quân đội Li-băng (Lebanon) đã đưa ra phản ứng liên quan tới tin tức về việc phát giác các "đường hầm bí mật" nằm dưới địa điểm xảy ra vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển cảng Beirut.
Quân đội Lebanon được cho là "phủ nhận một cách dứt khoát" các thông tin cho rằng đây là một địa điểm bí mật và cho biết đây là một đường cống thoát nước của cảng Beirut - bao gồm một khu vực điều hành được xây dựng ngầm.
Tuyên bố cũng cho biết rằng có một số nhân viên đang làm việc trong khu vực để vận hành việc thoát nước.
Bộ Tư lệnh Lục quân đã tiếp tục kêu gọi truyền thông "không bị lôi kéo bởi những tin đồn không chính xác".
Một số tờ báo khu vực trước đó đã cáo buộc rằng đây là các cơ sở ngầm thuộc về lực lượng Hezbollah, dẫn đến một số tuyên bố rằng tổ chức này có vai trò trong vụ nổ.
Theo hãng tin Mehr của Iran, người đứng đầu Trung tâm Hòa giải của Quân đội Nga tại Syria thông báo nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) đã tiến hành xâm nhập tại ít nhất 8 đô thị thuộc các tỉnh Idlib và Aleppo của Syria.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Syria, Chuẩn đô đốc Alexander Sherbinsky cho biết thêm rằng 8 vụ tấn công đã được ghi nhận tại Jbala, Kermel, Maaret Mouhos, Kafr Battikh, Kafar Roma, Dahr al Kabir, Mellaja ở Idlib và trên Miznas ở Aleppo.
Ông Sherbinsky cho biết thêm rằng quân cảnh Nga vẫn tiếp tục tuần tra các tỉnh Aleppo, Al -Hasakah và Deir Ezzor, trong khi Không quân Vũ trụ Nga (VKS) tiến hành tuần tra trên không theo các đường bay cố định.
Vào ngày 5/3/2020, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, đã đồng ý ngừng bắn ở tỉnh Idlib và việc tuần tra của quân cảnh hai nước đã được tiến hành nhiều lần trên tuyến cao tốc chiến lược M4 thuộc tỉnh Idlib.
Tuy nhiên các hoạt động tấn công quân chính phủ Syria của các nhóm phiến quân Idlib vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các cuộc không kích của Không quân Arab Syria (SyAAF) và VKS.
Hình minh họa.
Trong tuần này, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (bao gồm Mỹ) nhiều khả năng sẽ bác bỏ dự thảo nghị quyết gia hạn cấm vận vũ khí với Iran do Washington đề xuất.
Đứng trước kịch bản xấu này, Mỹ được cho là đang chuẩn bị các "phương án thay thế".
Hôm 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra giải pháp "được chờ đợi từ lâu" liên quan tới lệnh cấm vận vũ khí Iran bất chấp sự phản đối gay gắt từ Nga và Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích của Asharq al-Awsat, người Mỹ đang tính sử dụng một chiến thuật được gọi là "snapback" (khôi phục nguyên trạng tất cả các lệnh trừng phạt của đối với Iran) và khiến Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đổ vỡ hoàn toàn.
Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vào năm 2018, ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra lập luận gây tranh cãi rằng Mỹ vẫn là một "bên tham gia" - và do đó có thể yêu cầu LHQ tái áp dụng các trừng phạt nếu thấy Iran vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận này.
Ông Pompeo cũng cáo buộc rằng việc Iran ủng hộ nhóm vũ trang Houthi ở Yemen là một ví dụ về việc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí và "báo động" về các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cung cấp vũ khí cho Iran khi lệnh cấm vận hết hạn (tháng 10/2020).
Đại diện các nước Mỹ, Iran Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh Châu Âu (EU) trong lễ ký JCPOA năm 2015.
Tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh dẫn nguồn tin đối lập Syria cho biết lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn đã bắn rơi một máy bay của quân chính phủ Syria ở khu vực đông nam nước này.
Vụ bắn rơi máy bay diễn ra sau nhiều ngày đụng độ giữa quân chính phủ và phiến quân do Mỹ hậu thuẫn ở miền đông Syria.
SOHR cho biết thêm rằng chiếc máy bay đã bị nhóm phiến quân aysh Usud al-Sharqiya (tạm dịch: Những con sư tử phương Đông) bắn rơi tại khu vực Tel Dakweh.
Nhà sáng lập trang tin đối lập Hammurabi Justice News, Mozahem Al-Salloum cho biết thêm đây là một chiếc MiG do Nga sản xuất và một cuộc tìm kiếm đang được tiến hành. Hiện các nguồn tin chính phủ chưa đưa ra bình luận về tin tức nói trên.
Hình minh họa (Nguồn: SOHR).
Vị trí của Tel Dakweh ở miền trung Syria.
TTXVN dẫn tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng tại thủ đô Beirut (Li-băng) hồi tuần trước.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến nhằm huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ Liban khắc phục hậu quả và tái thiết sau vụ nổ, ông Michel cho rằng điều cần thiết nhất vào lúc này là niềm tin và sự thật.
Chủ tịch EU nhấn mạnh người dân Liban muốn được biết rõ nguyên nhân vụ việc, sự minh bạch và công lý, vì vậy việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy về nguyên nhân của thảm họa là đặc biệt quan trọng.
Trước đó, ngày 8/8, ông Michel đã tới thăm thủ đô của Liban và trực tiếp thị sát hiện trường vụ nổ.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với vụ nổ tại thủ đô Beirut trong chuyến thăm tới Li-băng.
Tổng thống Pháp cũng ủng hộ những lời kêu gọi từ trong và ngoài Li-băng, cho rằng cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, Liban ngày 6/8 (Ảnh: TASS/TTXVN).
Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho của cảng Beirut khi các tia lửa hàn châm ngòi cho những quả pháo được cất giữ gần nhà kho, kéo theo 2.750 tấn amoni nitrat cùng phát nổ. Số hóa chất này lưu kho cảng Beirut để chờ được xử lý từ năm 2014. Theo các nhà địa chấn học, vụ nổ tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5.
Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy nguyên nhân có thể là do tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua.
Số nạn nhân thiệt mạng hiện đã lên tới con số 158 người, trong khi hơn 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Ngày 9/8, Thị trưởng Beirut Marwan Abboud cho biết có nhiều người mất tích mà giới chức chưa thể xác nhận danh tính, là những lái xe tải và những lao động người nước ngoài, không có người thân tới nhận diện.
Điều này khiến công tác nhận diện tử thi trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Chính phủ Syria mới đây cho rằng khoảng 45 nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ trên là người Syria. Các công dân Syria chiếm đa số trong lực lượng lao động người nước ngoài tại Liban, làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và giao thông.
Tình hình ở Beirut cũng trở nên phức tạp hơn khi hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ ngày 8/8, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán, dẫn tới những cuộc đụng độ khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.
Phát biểu tại hội nghị quốc tế về tài trợ cho Liban, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi ngày 9/8 đã kêu gọi người dân Liban tránh đẩy đất nước vào những mâu thuẫn và xung đột, cần tập trung nỗ lực để củng cố các cơ quan công quyền.
Ông al-Sisi cũng kêu gọi Chính phủ Liban nhanh chóng triển khai các biện pháp cải cách kinh tế để đáp ứng những mong mỏi của người dân.
Tới nay, Ai Cập đã điều 2 máy bay chở các thiết bị y tế và thực phẩm tới hỗ trợ Liban, thiết lập một bệnh viện dã chiến tại Beirut hỗ trợ chăm sóc cho những người bị thương.
Theo Sky News Australia, các điều tra viên tại cảng Beirut sau vụ nổ khủng khiếp hôm 4/8 đã phát hiện ra các dấu vết có thể là một loạt các hầm ngầm, dẫn đến hy vọng rằng một số trong số những người bị mất tích có thể được tìm thấy.
Theo nguồn tin nói trên, các "không gian dưới lòng đất" có thể là "một loạt các hầm trú ẩn" được phát hiện khi các công nhân đào bới đống đổ nát từ một silo (khu vực chứa ngũ cốc).
Các đội cứu hộ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với quân đội Li-băng hiện vẫn đang tìm kiếm những người sống sót.
Tờ Sputnik của Nga mô tả đây là một "mê cung dưới lòng đất" và căn cứ vào các phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Lebanon Michel Aoun đưa ra nghi vấn rằng vụ nổ ở Beirut có thể là một hành động có chủ đích.
Cảnh quay đường hầm dưới cảng Beirut.
Mới đây, tờ The Guardian đã đăng tải bài viết nhan đề: "Belarus election: Lukashenko's claim of landslide victory sparks widespread protests" (tạm dịch: Bầu cử Belarus: Tuyên bố chiến thắng "long trời lở đất" của ông Lukashenko châm ngòi cho các cuộc biểu tình lan rộng".
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan về tình hình đang diễn ra tại Belarus (The Guardian là một trang tin của Anh), chúng tôi xin được lược dịch một số nội dung chính trong bài viết.
Các cuộc đụng độ đã nổ ra ở các thành phố trên khắp Belarus kể từ tối 9/8 khi cảnh sát chống bạo động sử dụng đạn cao su, lựu đạn gây choáng, hơi cay và vòi rồng để dập tắt biểu tình phản đối kết quả của cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.
Cảnh sát chống bạo động ở Minsk giải tán người biểu tình ( Ảnh: AFP/Getty Images).
Trước đó, vào tối Chủ nhật 9/8, một phóng viên của Guardian đã bắt gặp những nhóm nhỏ thanh niên lang thang quanh trung tâm thành phố Minsk, nơi nhiều đường phố đã bị phong tỏa để ngăn chặn phản ứng dữ dội đối với kết quả bầu cử.
Biểu tình cũng được báo cáo diễn ra ở khoảng 20 thành phố khác, bao gồm Gomel và Vitebsk. Tuy nhiên, ở một số đô thị nhỏ, cảnh sát chống bạo động được cho là đã từ chối đối đầu với người biểu tình hoặc rút lui.
David Marples, giáo sư tại Đại học Alberta và là một chuyên gia về Belarus bình luận:
"Đây chắc chắn là cuộc biểu tình lớn nhất mà tôi từng thấy ở Belarus kể từ khi ông Lukashenko lên nắm quyền. Đối với tôi, dường như cả đất nước đang thực sự ủng hộ sự thay đổi ”.
Belta, hãng thông tấn nhà nước Belarus cho biết cảnh sát đã “kiểm soát tình hình tại các sự kiện tụ tập vô tổ chức”.
(Nguồn: TUT.BY).
(Nguồn: RFI/TUT.BY).
(Nguồn: TUT.BY).
(Nguồn: Belsattv).
Mới đây, hãng tin Sputnik dẫn một báo cáo của Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích đồng minh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở Syria vì tuyển mộ thanh thiếu niên, việc mà lực lượng đa phần là người Kurd hứa sẽ chấm dứt từ năm 2014.
Trong báo cáo quý (từ 1/4 đến 30/6/2020) gửi lên quốc hội Mỹ, trích dẫn Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM), Lầu Năm Góc cũng chỉ trích đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này là “major facilitation hub” (tạm dịch: đầu não) của IS.
Hình minh họa.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cáo buộc vi phạm nhân quyền của “lực lượng Hồi giáo cực đoan” do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria.
Cụ thể các cáo buộc bao gồm “bắt và giết người không theo pháp luật, tùy tiện tái định cư, hành động lặp đi lặp lại và có chủ ý ngăn nửa triệu dân thường Syria tiếp cận nguồn nước, và đưa người Syria bị bắt giam tùy tiện qua biên giới quốc tế".
Đối với Damascus và Tehran, báo cáo nói trên đồng thời coi những tay súng dân quân thân Iran này là "mối đe dọa dai dẳng" đối với lực lượng Mỹ và đối tác, nhưng đồng thời công nhận nỗ lực của Quân đội Arab Syria (SAA) và "các tay súng có liên hệ với Iran" đang "hoạt động chống IS lẻ tẻ" ở miền trung Syria.
Một kho vũ khí của IS bị Quân đội Arab Syria (SAA) phát hiện (Nguồn: SANA).
Hai cựu quân nhân Mỹ là Luke Denman và Airan Berry đã nhận tội và bị tòa án Venezuela kết án 20 năm tù vì tham gia một âm mưu bất thành hôm 4/5/2020 nhằm lật đổ tổng thống nước này, ông Nicolas Maduro.
Hoạt động lật đổ được gọi là "Chiến dịch Gideon" này thất bại khiến ít nhất 8 lính đánh thuê xuất phát từ các trại huấn luyện ở Colombia thiệt mạng cùng với 66 người khác bị bắt (2 người Mỹ bị phát hiện trong một làng chài tại Chuao).
Trong cuộc thẩm vấn của nhà chức trách Venezuela, Luke Denman và Airan Berry khai rằng nhiệm vụ của họ là chiếm lĩnh sân bay quốc tế Maiquetia, bắt cóc và đưa ông Maduro đến Mỹ.
Nhóm vũ trang cũng sẽ tiến hành cài đặt mìn sát thương, tấn công cơ sở hạ tầng và các mục tiêu kinh tế khác của Venezuela.
Hai công dân Mỹ đã bị bắt giam sau cuộc xâm nhập bất thành vào tháng 5/2020.
2 người Mỹ thuộc bị kết tội âm mưu lật đổ, khủng bố và buôn bán vũ khí trái phép trong lúc Jordan Goudreau, giám đốc của Công ty Silvercorp USA và đồng thời cũng là "chỉ huy" của họ - người đã nhận trách nhiệm trong vụ việc hiện vẫn ở Miami, Mỹ.
Goudreau tuyên bố rằng nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido và 2 "cố vấn chính trị" đã ký một thỏa thuận với công ty của ông ta với giá 213 triệu USD vào tháng 10/2019.
Thỏa thuận cũng bao gồm các chi tiết liên quan đến các khoản thanh toán của phe đối lập Venezuela cho Silvercorp USA trong vai trò "chống khủng bố" và "chống ma tuý" trong tương lai khi ông Guaido nắm quyền.
Về phần mình, ông Guaido và Mỹ đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong âm mưu này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng cao là tình báo Mỹ đã biết trước về hoạt động này.
Tờ Wall Street Journal đã trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết rằng Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và tình báo Colombia đã giám sát các trại huấn luyện bán vũ trang ở quốc gia láng giềng được sử dụng như bàn đạp của "Chiến dịch Gideon".
Một poster quảng cáo của Silvercorp USA.
Theo Southfront, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một hội nghị vào ngày 9/8 để thảo luận về viện trợ cho Li-băng, nước đang đối mặt với thách thức chính trị và kinh tế sau vụ nổ tại Beirut hôm 4/8.
Vụ nổ khiến hơn 150 người chết và 6.000 người khác bị thương. Thủ đô Beirut chịu thiệt hại vật chất hàng tỷ USD.
36 quốc gia và tổ chức đã tham gia hội nghị trực tuyến nói trên. Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran không nằm trong số này do họ đã viện trợ trực tiếp cho Li-băng sau vụ nổ.
Phát biểu trong hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ hợp tác với Pháp để giúp đỡ người dân Lebanon. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ nổ.
“Cần phải biết kẻ nào đứng sau vụ nổ ở cảng Beirut và làm rõ nguyên nhân xem vụ nổ có phải là một tai nạn hay không".
Một làn sóng biểu tình chống chính phủ đã nổ ra tại Beirut, người biểu tình đã xông vào một số tòa nhà chính phủ và đụng độ với lực lượng an ninh khiến hàng chục người bị thương.
Đồ họa về thiệt hại trong vụ nổ tại Beirut và vắn tắt các tin chính (Nguồn: Southfront).
Theo trang ISWNews, lực lượng Houthi tại Yemen (còn có tên khác là Ansar Allah) và các bộ lạc đồng minh đã tấn công vị trí của các nhóm khủng bố IS và al-Qaeda ở các quận al-Qurayshiyah và Walad Rabi nằm ở phía tây bắc tỉnh al-Baydha.
Các khu vực Al-Zahra, Al-Sharia, Al-Khabza và Jabal Al-Alib ở phía tây của khu vực Al-Qifa đã được giải phóng trong ngày 9/8, tuy nhiên đụng độ vẫn tiếp diễn.
Trong những năm gần đây, IS và al-Qaeda được Liên minh "làm ngơ" để hoạt động chống phá nhằm vào Houthi và các đồng minh trong khu vực.
Theo ISWNews, tính đến thời điểm hiện tại, các máy bay của Liên minh can thiệp do Arab Saudi dẫn đầu vẫn chưa tiến hành không kích hỗ trợ IS và al-Qaeda.
"Túi" chứa các nhóm khủng bố được cho là "vùng đệm" giữa Houthi và các vị trí tiền phương của Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu tại tây bắc tỉnh al-Baydha .
TTXVN dẫn tuyên bố của người đứng đầu nhóm chuyên gia quân sự thuộc quân đội Liban tại hiện trường vụ nổ kinh hoàng ở Beirut (Liban) nhận định rằng không còn hy vọng tìm kiếm thêm được những người sống sót.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Đại tá Roger Khoury cho biết:
"Sau 3 ngày tiến hành các chiến dịch tìm kiếm và giải cứu, có thể nói chúng tôi đã kết thúc giai đoạn 1 liên quan đến việc tìm kiếm người sống sót . Ngày càng ít hy vọng tìm được người sống sót trong đống đổ nát".
Nhân viên cứu hộ đến từ Nga tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau vụ nổ ở Beirut, Liban (Ảnh: AFP/TTXVN).
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn của Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố rằng quân đội nước này đang tập hợp lực lượng ở châu Âu để đưa lính Mỹ đến gần biên giới Nga hơn nữa.
“Chúng tôi sẽ tái triển khai thêm binh sĩ ở phía đông, gần biên giới với Nga hơn”.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, Washington sẽ giảm lực lượng tại Đức từ 36.000 xuống còn 24.000 trong đó 6.400 lính sẽ quay trở lại Mỹ và 5.600 sẽ được tái triển khai sang các nước châu Âu khác.
Việc triển khai binh lính hướng về phía đông được giải thích là để "kiềm chế Nga" và bảo vệ các đồng minh của Mỹ.
Đồng thời, Mỹ đang gia tăng số lượng binh lính được triển khai thường trực tại Ba Lan, nơi được dự kiến sẽ là bàn đạp cho các nỗ lực quân sự của Mỹ và NATO nhằm vào Nga.
Hiện có hơn 4.000 lính Mỹ tại Ba Lan và dự kiến sẽ có thường trực ít nhất 5.500 quân. Theo tuyên bố của các quan chức Ba Lan và Mỹ, con số này có thể còn gia tăng trong tương lai gần.
Nhận xét về chiến lược của Lầu Năm Góc, trang Southfront cho rằng:
"Nhiều khả năng các hoạt động này là nỗ lực châm ngòi xung đột ở Ukraine nhằm phá hoại các giải pháp hòa bình và gây bất ổn biên giới Nga trước cuộc bầu cử lập pháp Nga vào năm 2021.
Leo thang xung đột ở Ukraine và việc Mỹ hậu thuẫn sẽ có khả năng dẫn Kiev đến việc một lần nữa sử dụng vũ lực ở miền đông nằm loại bỏ các lực lượng ly khai".
Hình minh họa (Nguồn: Southfront).
Hàng loạt khí tài hiện đại của Nga đồng loạt "khoe cơ bắp" ở Syria là thông điệp răn đe nhằm vào các âm mưu công kích Damascus?
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hình minh họa.
Theo Southfront, Trung tướng Aviv Kochavi, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trong một cuộc họp với Đơn vị 212 "Sayeret Maglan" (đơn vị IDF đã phát hiện và "vô hiệu hóa" các tay súng đặt chất nổ gần đường phân giới Cao nguyên Golan hôm 2/8) tuyên bố:
"Các bạn đã tiêu diệt một âm mưu được tiến hành theo lệnh của Iran và là một phần trong nỗ lực tái định vị các hoạt động cực đoan ở Syria".
Trong bài phát biểu, Tướng Kochavi nhấn mạnh 3 mục tiêu của IDF trong cái mà ông gọi là chiến dịch "giữa các cuộc chiến" là:
1. Chương trình hạt nhân của Iran.
2. Ngăn chặn "trục cực đoan" (Iran và các đồng minh) thiết lập sự hiện diện ở Syria.
3. Ngăn chặn "kẻ địch của Israel" trên tất cả các mặt trận, đặc biệt là ở phía bắc (Li-băng) sở hữu tên lửa và vũ khí dẫn đường chính xác.
Lực lượng IDF ở miền bắc Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ ngày 20/7, khi một loạt các cuộc không kích của Israel vào thủ đô Damascus của Syria, đã khiến ít nhất một thành viên Hezbollah thiệt mạng.
Hình minh họa (Nguồn: Southfront).
Theo al-Masdar News, rạng sáng ngày 10/8, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã nã pháo vào các vị trí của Quân đội Arab Syria (SAA) tại đông nam Idlib sau khi máy bay không người lái (UAV) trinh sát di chuyển xung quanh khu vực Jabal Al-Zawiya.
Đây là lần thứ hai trong vòng 72 giờ qua, TAF pháo kích từ các "điểm giám sát ngưng bắn" vào các vị trí của SAA tại tỉnh Idlib sau vụ đấu pháo hôm 9/8.
Pháo binh Syria được cho là đã không đáp trả cuộc tấn công khiêu khích này.
Hình minh họa (Nguồn: Hurriyet Daily).
Khu vực Jabal al-Zawiya là nơi thường xuyên diễn ra đụng độ kể từ sau lệnh ngừng bắn hôm 6/3/2020 (Nguồn: Southfront).
Theo AMN, mới đây ông Joseph Borrell, Quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lo ngại về cái mà ông gọi là "các hoạt động quân sự trên biển" ở đông Địa Trung Hải, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa một bên là Ankara, một bên là Cairo và Athens về biên giới trên biển.
"Các hoạt động gần đây ở đông Địa Trung Hải là cực kỳ đáng lo ngại, và sẽ không góp phần tìm ra giải pháp, mà còn dẫn đến sự gia tăng của việc thiếu lòng tin và sự thù địch".
Ông Borrell nhấn mạnh rằng "Việc xác định biên giới trên biển nên thông qua đối thoại và đàm phán, chứ không phải các hành động đơn phương và hay di chuyển của các lực lượng hải quân".
Các hành động hiện tại sẽ không phục vụ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và EU. EU sẵn sàng hỗ trợ và thổ chức cho một cuộc đối thoại để giải quyết những khác biệt trong khu vực"
Hôm 6/8, Cairo và Athen đã ký thỏa thuận phân định biên giới trên biển giữa hai nước để xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa Ai Cập và Hy Lạp.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố: “Khu vực được miêu tả trong thỏa thuận Ai Cập - Hy Lạp nằm trong thềm lục địa Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ coi thỏa thuận là vô hiệu, và đồng thời xâm phạm quyền lợi của Libya".
Bình luận về thỏa thuận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng nó "vô giá trị" đồng thời nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại việc thăm dò dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải.
Hình minh họa (Nguồn: AMN).
Theo Sputnik, rạng sáng 10/8 giờ Việt Nam (chiều tối 9/8 giờ địa phương) những người biểu tình ở Thủ đô Beirut đã xông vào các tòa nhà của Bộ Lao động và Bộ Người tị nạn.
Theo truyền thông Li-băng (Lebanon), một đám cháy đã bùng phát tại lối vào quảng trường quốc hội khi đám đông người biểu tình cố gắng xông vào khu vực được bảo vệ bằng rào chắn.
Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông đang ném đá vào lực lượng an ninh gần tòa nhà quốc hội.
Theo AMN, lực lượng an ninh Lebanon mới đây đã thông báo rằng 1 người lính đã thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình ở thủ đô vào tối 8/8.
Lực lượng an ninh cho biết thêm rằng có 20 người biểu tình bị bắt với cáo buộc gây bạo loạn.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở thủ đô Li-băng kể từ ngày 8/8 sau vụ nổ hóa chất amoni nitrat khiến ít nhất 158 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người khác bị thương và một phần của Beirut tan hoang.
Người biểu tình yêu cầu chính phủ đương nhiệm từ chức trong bối cảnh vụ nổ diễn ra cùng lúc với một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Libăng kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1990.
Vài giờ sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu, Thủ tướng Li-băng Hassan Diab đề nghị tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội sớm trong ngày 10/8 để thực hiện các biện pháp "cải tổ" cần thiết.
(Nguồn: Sputnik).
(Nguồn: Gettyimages/AMN).
(Nguồn: AMN).
Theo hãng tin Nga Sputnik, ít giờ trước một loạt tiếng nổ lớn đã phát ra ở trung tâm Thủ đô Minsk của Belarus. Một đám khói sau đó đã bốc lên tại điểm giao cắt giữa Đại lộ Masherov và Phố Storozhevskaya.
Trước đó, người biểu tình đã bắt đầu sử dụng xe chở rác để dựng rào chắn trong khu vực. Một số nguồn tin cho rằng cảnh sát đã sử dụng vòi rồng, hơi cay và lựu đạn khói để giải tán người biểu tình ở trung tâm Minsk.
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại Đại lộ Victors ngay sau cuộc bầu cử tổng thống kết thúc vào tối 9/8 giờ địa phương. Sau đó, đám đông di chuyển đến Đại lộ Masherov và đụng độ được cho là đã xảy ra.
Nhà chức trách địa phương vẫn chưa xác nhận có thương tích xảy ra, nhưng xe cứu thương trước đó đã được điều đến hiện trường.
Tổng thống đương nhiệm Lukashenko được cho là sẽ đảm đương nhiệm kỳ thứ 6 sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử cho thấy ông đang chiếm đa số.
Theo trưởng cơ quan giám sát bầu cử, ông Lukashenko đang thắng thế ở tất cả các khu vực đã công bố dữ liệu bỏ phiếu.
Hình minh họa (Nguồn: Sputnik).
Đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động Belarus và người biểu tình tại Minsk (Nguồn: Sputnik).