*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 8/5: Việt Nam bước vào ngày thứ 22 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cam kết TP HCM trong 5 tháng sẽ phục hồi hoạt động các ngành sản xuất, dịch vụ... bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19.
Ngày 8/5, họp trực tuyến với Thủ tướng và các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn, giúp TP HCM phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân nói thành phố đang nỗ lực phục hồi các hoạt động phục vụ nhu cầu người dân.
Ngành dịch vụ, du lịch TP HCM sẽ "mở cửa có chọn lọc" dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát nguồn dịch bệnh từ các nước khác. Trong quý 2, thành phố có thể phục hồi hoạt động của các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng. Riêng ngành hàng xuất khẩu cần làm việc với từng nước để có bàn bạc về lộ trình mở cửa.
Theo ông Nhân, kinh tế có giảm sút 3 tháng qua, chủ yếu do nhu cầu (cả nội địa và nước ngoài) giảm nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo. Hiện, thành phố có 7.730 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa - chiếm 3% trong tổng số hơn 250.000 doanh nghiệp. "Nếu có biện pháp giúp họ giữ người lao động, giảm áp lực chi trả khoản vay, từ tháng 5 trở đi các doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại được", ông Nhân nói.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng khi TP HCM nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ông cho biết, dịch bệnh 4 tháng qua tác động toàn diện mọi mặt của thành phố: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đều giảm; hơn 7.700 doanh nghiệp ngưng hoạt động... Nhưng kinh tế thành phố vẫn còn điểm sáng khi GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn, dành cho cấp tỉnh) và ngân sách chiếm 25% cả nước; giải ngân tăng hơn hai lần so cùng kỳ.
TP HCM đang bước vào giai đoạn thực hiện tiêu chuẩn kép - vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần "có thể phát sinh người bệnh mới nhưng không có nguy cơ hình thành ổ dịch trong cộng đồng".
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GRDP của TP HCM năm 2020 sẽ tăng 6,7%. Tuy nhiên theo tính toán của Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, chỉ số này chỉ đạt khoảng 5% nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái và lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao quá trình khôi phục kinh tế.
Từ đó, ông Phong kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ thành phố vực dậy nền kinh tế sau Covid-19, đề xuất giảm giá điện, giãn tiến độ nộp thuế sử dụng đất... cho các doanh nghiệp.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://vnexpress.net/ong-nguy...
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu 8 tháng còn lại trong năm TP HCM phải phát triển phù hợp với tiềm năng, trở lại vị thế tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước.
"Việc đặt mục tiêu phát triển năm 2020 trên 6% không chỉ là cam kết, mà còn là trách nhiệm của thành phố với đất nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, ngày 8/5.
Khẳng định TP HCM là trung tâm kinh tế thị trường năng động, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn khó khăn hiện tại, thành phố cần phát huy được khả năng sáng tạo, quyết liệt.
Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mỗi người trong bộ máy chính quyền thành phố cần nỗ lực hơn. Đặc biệt, TP HCM và cả nước phải tiêu diệt được "virus trì trệ" đang tồn tại ở các thành viên Chính phủ, một số sở, ban, ngành...
"Chúng ta đã quyết tâm tiêu diệt virus corona đang hoành hành trên thế giới. Virus trì trệ cũng cần quyết chí mới có thể khắc chế thành công", Thủ tướng nói.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư của thành phố 4 tháng đầu năm chỉ đạt 9,2% - thấp hơn bình quân cả nước, ông Phúc đặt câu hỏi "đây có phải là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế TP HCM không?", và đề nghị lãnh đạo thành phố phân tích kỹ, có giải pháp khắc phục giải ngân hết vốn đầu tư công, kể cả vốn tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị TP HCM chủ động nắm bắt "cơ hội vàng" đầu tư trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam là nơi an toàn dịch bệnh, an toàn đầu tư... Thành phố cần tận dụng để "biến nguy thành cơ", đặc biệt là những dự án công nghệ.
Các bộ, ngành cũng như các cơ quan của thành phố cần lăn xả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, bỏ thói quen bị động, thay đổi cách làm, nếp suy nghĩ cũ
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://vnexpress.net/thu-tuon...
UBND TP.HCM đã có quyết định cho phép nhiều dịch vụ không thiết yếu được hoạt động lại từ ngày 8/5, sau thời gian đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.
Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 chiều 8/5. Theo đó, các dịch vụ như rạp chiếu phim, spa, massage, trung tâm tiệc cưới... được mở cửa trở lại.
Một tiệm spa tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngoài ra, các ngành nghề không thiết yếu khác cũng được phép hoạt động lại sau hơn một tháng phải ngừng để phòng chống dịch bệnh COVID-19 còn có: cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, xông hơi, các khu vui chơi, giải trí, sân khấu, pub, beer club, các điểm kinh doanh Internet, hát với nhau.
Riêng vũ trường, quán bar và karaoke chưa được phép hoạt động.
Tất cả các dịch vụ nói trên đã tuân thủ yêu cầu đóng cửa từ đầu 15/3 để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Ông Châu cho biết theo quyết định mới của UBND TP.HCM, các cơ sở tôn giáo được tiến hành các nghi lễ trở lại, các cuộc họp đông người cũng sẽ được tổ chức bình thường. Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng vẫn là bắt buộc đối với mọi người.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://tuoitre.vn/rap-chieu-p...
Lúc 18h48 ngày 8/5, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đưa hơn 343 công dân Việt Nam từ California, Mỹ, về nước đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.
Trước đó, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, các cơ quan liên quan của Mỹ tổ chức chuyến bay VN1 khởi hành từ San Francisco (California, Mỹ) vào ngày 7/5 để đưa công dân Việt Nam về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.
Đây là chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines chở khách từ Mỹ về Việt Nam để đưa hơn 340 công dân Việt Nam về nước. Hành khách chủ yếu là là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa.
Hành khách trên chuyến bay từ Mỹ về làm thủ tục kiểm tra y tế tại sân bay Vân Đồn - Ảnh: VNA
Trước đó, chuyến bay chiều đi, cũng mang số hiệu VN1, của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi San Francisco đã chở theo công dân Mỹ hồi hương. Chuyến bay này còn hỗ trợ vận chuyến miễn cước trang bị y tế do các đơn vị trong nước ủng hộ, gửi tặng cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.
Theo đại diện Vietnam Airlines, Mỹ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines. Chuyến bay đưa công dân từ Mỹ về có tổng chiều dài hành trình bay thẳng hai chiều không điểm dừng hơn 25.000 km nên công tác tổ chức chuyến bay này đòi hỏi sự phối hợp đặc biệt chặt chẽ, kỹ lưỡng giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam, Vietnam Airlines với các nhà chức trách Mỹ.
Công tác xin cấp phép bay trải qua nhiều khâu, thực hiện với nhiều đơn vị trong nhiều ngày để nhà chức trách Mỹ đi đến quyết định cấp phép cho chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam khởi hành vào ngày 7-5.
So với tổ bay của một chuyến bay chặng dài thường lệ là 14 đến 16 người, chuyến VN1 huy động số lượng thành viên tổ bay gần gấp đôi, lên tới gần 30 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, 2 nhân viên mặt đất.
Việc này nhằm đảm bảo an toàn bay, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe của tổ bay.
Sau khi hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, toàn bộ hành khách được đưa về các khu vực cách ly y tế tập trung để theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Ông Phạm Ngọc Sáu - giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn - cho biết đây là chuyến bay thẳng đầu tiên từ Mỹ về sân bay Vân Đồn do một hãng hàng không trong nước khai thác.
"Trong 3 tháng qua, sân bay Vân Đồn đã đón hơn 40 chuyến bay từ các vùng dịch khác nhau trên thế giới về nước đảm bảo an toàn tuyệt đối" - ông Sáu chia sẻ.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://tuoitre.vn/chuyen-bay-...
Tính tới chiều 8/5, Việt Nam đã có 240 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, 48 ca còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế có 30 người từ nước ngoài về. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, 14 người là trường hợp tái dương tính sau khi đã được công bố khỏi bệnh.
7 bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 công bố khỏi bệnh chiều nay đều là người Việt Nam. Trong đó, có 1 ca là trường hợp tái dương tính sau khi ra viện, 1 bệnh nhân nặng, từng phải thở máy xâm nhập, 2 ca liên quan ổ dịch Hạ Lôi, 1 ca là trường hợp lây do tiếp xúc gần bệnh nhân 163 và 2 người được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Danh sách các bệnh nhân cụ thể như sau:
Bệnh nhân 130, nam, 30 tuổi, quê Bình Chánh, TP.HCM, là bệnh nhân Covid-19 tái dương tính nCoV trong thời gian theo dõi sau khỏi bệnh tại viện. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV lần 1 vào ngày 29/4, lần 2 vào ngày 30/4 và lần 3 ngày 3/5.
Bệnh nhân 162, nữ, 63 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội, là con dâu bệnh nhân 161 và là một trong những bệnh nhân nặng từng phải can thiệp thở máy không xâm nhập. Trong quá trình điều trị, các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cho kết quả âm tính nCoV liên tiếp vào các ngày 7/4, 9/4, 12/4, 15/4, 22/4, 28/4 và 4/5.
Bệnh nhân 209 là nữ, 55 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội, lây bệnh do tiếp xúc gần bệnh nhân 163. Bệnh nhân nhập viện hôm 30/3, kết quả xét nghiệm âm tính nCoV hai lần liên tiếp vào các ngày 2/5 và 5/5.
Bệnh nhân 212, nữ, 35 tuổi, quê Hưng Hà, Thái Bình, từ Nga về Việt Nam hôm 27/3 và đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Bệnh nhân nhập viện hôm 31/3, kết quả xét nghiệm 2 lần liên tiếp âm tính nCoV các ngày 4/5 và 7/5.
Bệnh nhân 226, nam, 22 tuổi, quê Yên Thành, Nghệ An, từ Nga về Việt Nam hôm 27/3 và được cách ly ngay khi nhập cảnh. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 ngày 1/4. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có kết quả âm tính nCoV vào các ngày 2/5 và 5/5.
Bệnh nhân 243 là nam, 47 tuổi, ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày 6/4, kết quả xét nghiệm liên tiếp âm tính nCoV vào các ngày 4/5 và 7/5.
Bệnh nhân 260 là nữ, 35 tuổi, cũng là người thôn Hạ Lôi, lây bệnh do tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân 243. Bệnh nhân nhập viện ngày 12/4, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào các ngày 27/4, 30/4 và 6/5.
Hiện các bệnh nhân trên đều tỉnh táo, không ho, không sốt, không đau ngực, không khó thở. Những người này sẽ tiếp tục được cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
TS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM cho rằng, virus gây ra bệnh Covid-19 không thể sống chung với chúng ta như cúm mùa hay cảm lạnh.
Covid-19 khác SARS
Chúng ta cũng biết tác nhân gây Covid-19 là một dòng coronavirus không phải có nguồn gốc từ người. Coronavirus có nguồn gốc từ động vật hoang dã là dơi rồi lây qua người một cách tình cờ rất giống tác nhân gây bệnh SARS vào năm 2003.
Nếu virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã không phải gần người thì tác nhân gây bệnh sẽ không thể sử dụng người làm vật chủ mang mầm bệnh được.
Điểm chung của hai tác nhân gây Covid-19 và SARS là rất dễ lây lan từ người sang người, qua thụ thể là các ACE2 có nhiều trên tế bào biểu mô hô hấp, đặc biệt là hô hấp dưới.
SARS và Covid-19 điểm khác biệt rất lớn. Đó là đa số các trường hợp mắc SARS đều có biểu hiện lâm sàng phải nhập viện, có nhiều trường hợp nặng hay thậm chí nguy kịch. Không có trường hợp người mắc SARS không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ ở ngoài cộng đồng làm nguồn lây bệnh. Sau khi dịch SARS bị cô lập thì đến tháng 7/2003 thì đã biến mất.
Dịch bệnh Covid-19 thì có đến trên 51% là không có triệu chứng, 30% là triệu chứng nhẹ, chỉ có 20% là cần phải nhập viện để được điều trị. Nếu không phát hiện được tất cả người mắc Covid-19 sẽ có 80% người nhiễm tác nhân SARS-CoV-2 trong cộng đồng làm dịch bệnh lây lan rất nhanh.
Con người có chiến thắng được virus
Nhiều quốc gia trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 đã lơ là không kiểm soát nguồn lây vì cho rằng Covid-19 là bệnh nhẹ như cúm mùa. Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, trên toàn thế giới đã có gần 3.8 triệu người nhiễm Covid-19 và tử vong trên 250 ngàn người. Nhiều quốc gia tiên tiến ở Châu Âu có tỷ lệ tử vong lên đến trên 15% như: ở Bỉ, nhiều quốc gia khác có tỷ lệ tử vong trên 10%.
Covid-19 lây lan nhanh nên đến nay chưa thấy được điểm dừng, đã làm cho nhiều người cho rằng, chúng ta đành phải sống chung dịch bệnh sẽ khó thể nào chấm dứt hẳn như SARS hay MERS.
Xem toàn bộ bài viết tại đây:
Bản tin lúc 18h00 ngày 8/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay Việt Nam đã tròn 22 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày có 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, hiện chỉ còn 47 ca đang điều trị
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 8/5: Như vậy đã tròn 22 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 18h ngày 8/5: Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 6h đến 18h ngày 8/5: 0 ca mắc mới
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.525, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 162
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.693
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 9.670
Đại lễ Phật đản năm nay, dù ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã giảm sự phức tạp, yêu cầu giãn cách xã hội đã tạm dừng nhưng các chùa trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc phòng dịch.
Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, Trưởng Ban trị sự giáo Hội Phật giáo huyện Mỹ Đức, Trụ trì chùa Hương thì trên địa bàn huyện Mỹ Đức ngoài chùa Hương còn có 93 chùa khác với 130 tăng ni, khoảng 25.000 phật tử, tín đồ.
Sau khai hội chùa Hương thu hút hàng nghìn khách thập phương, khi dịch Covid-19 bùng phát, chùa Hương cùng với các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn đã đóng cửa để phòng dịch.
Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng CAH Mỹ Đức thay mặt Ban chỉ huy CAH thăm hỏi chúc mừng Thượng tọa Thích Minh Hiền nhân Lễ Phật đản, Phật lịch 2564
Ở thời điểm này, khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế tại Việt Nam, yêu cầu giãn cách xã hội đã được nới, nhưng Giáo hội Phật giáo huyện Mỹ Đức vẫn yêu cầu các phật tử, tín đồ tuân thủ các quy tắc về phòng dịch dù đang trong thời gian diễn ra Lễ phật đản.
"Các tăng ni, tín đồ, phật tử đã chấp hành nghiêm quy định pháp luật, Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố và Thông tư hướng dẫn của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chỉ tổ chức lễ Phật đản trong nội tự chùa" – Thượng tọa Thích Minh Hiền thông tin.
Sáng ngày 8/5, Sở Y tế Tp.HCM cho hay, bệnh nhân 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM: hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tràn khí màng phổi phải lượng ít, đang tiếp tục dẫn lưu, lọc máu, tiếp tục thở máy, tiên lượng còn rất nặng.
Chiều 7/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế làm việc với các Tổ chức quốc tế về chiến lược xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị Covid-19 trong giai đoạn mới và thảo luận một số ca bệnh Covid-19.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn cho hay, bệnh nhân phi công vẫn trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân này.
Đối với trường hợp bệnh nhân 19 (bác ruột bệnh nhân 17 ở Hà Nội) đã rút ECMO, cai máy thở. Bệnh nhân hiện nói và ăn uống được đồng thờ tiếp tục tập phục hồi chức năng và tăng cường dinh dưỡng.
Bệnh nhân161 đã hồi phục, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Bạch Mai.
GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có ca nào tử vong do Covid-19. Về trường hợp tử vong của bệnh nhân 251, Hội đồng Chuyên môn khẳng định bệnh nhân này tử vong do xơ gan giai đoạn cuối.
Bệnh nhân 251 đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19, theo dõi 15 ngày sau khỏi bệnh và xét nghiệm 5 lần âm tính trước khi chuyển về điều trị bệnh gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Các chuyên gia quốc tế cũng thống nhất với những nội dung của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế về đánh giá và kết luận ca bệnh 251, đồng thời khẳng định sẵn sàng phối hợp với Việt Nam xây dựng chiến lược xét nghiệm phù hợp trong thời gian tới.
Sáng ngày 8/5, Sở Y tế Tp.HCM cho hay, bệnh nhân 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM: hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tràn khí màng phổi phải lượng ít, đang tiếp tục dẫn lưu, lọc máu, tiếp tục thở máy, tiên lượng còn rất nặng.
Chiều 7/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế làm việc với các Tổ chức quốc tế về chiến lược xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị Covid-19 trong giai đoạn mới và thảo luận một số ca bệnh Covid-19.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn cho hay, bệnh nhân phi công vẫn trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân này.
Đối với trường hợp bệnh nhân 19 (bác ruột bệnh nhân 17 ở Hà Nội) đã rút ECMO, cai máy thở. Bệnh nhân hiện nói và ăn uống được đồng thờ tiếp tục tập phục hồi chức năng và tăng cường dinh dưỡng.
Bệnh nhân161 đã hồi phục, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Bạch Mai.
GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có ca nào tử vong do Covid-19. Về trường hợp tử vong của bệnh nhân 251, Hội đồng Chuyên môn khẳng định bệnh nhân này tử vong do xơ gan giai đoạn cuối.
Bệnh nhân 251 đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19, theo dõi 15 ngày sau khỏi bệnh và xét nghiệm 5 lần âm tính trước khi chuyển về điều trị bệnh gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Các chuyên gia quốc tế cũng thống nhất với những nội dung của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế về đánh giá và kết luận ca bệnh 251, đồng thời khẳng định sẵn sàng phối hợp với Việt Nam xây dựng chiến lược xét nghiệm phù hợp trong thời gian tới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo ông Nguyễn Thành Phong, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề. Về giá điện, Bộ Công thương đã có chủ trương giảm 10% giá cho từng nhóm khách hàng với tổng giá trị 11.000 tỉ đồng.
Tuy vậy, mấu chốt là áp giá bậc thang trong điều kiện khí hậu hiện nay đang rất nóng, trong khi doanh nghiệp mới hoạt động lại, nhu cầu dùng điện tăng cao nên gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi kiến nghị của TP.HCM, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công thương đã có hướng dẫn giảm giá điện và giảm tiền điện 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020) cho các khách hàng là người dân, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch và cả các cơ sở tham gia công tác phòng, chống, chữa trị dịch bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: TT
Dự kiến mức hỗ trợ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7, tổng giá trị tạm tính 11.000 tỉ đồng.
Theo ông Hải, đến hết 3 tháng hỗ trợ, tùy theo tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế nói chung, Bộ Công thương sẽ rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét việc có hỗ trợ thêm hay không.
Liên quan đến kiến nghị của TP về việc tạm dừng tính giá điện theo bậc thang, ông Hải cho biết điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Do đây là năng lượng không được tái tạo nên đòi hỏi việc sử dụng phải tiết kiệm.
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://tuoitre.vn/tp-hcm-kien...
Sáng 8/5, Sở Y tế TP HCM cho biết đến thời điểm này số trường hợp mắc Covid-19 tại TP là 55, trong đó số đã xuất viện là 53 trường hợp.
Bệnh nhân 271 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi hiện tình trạng sức khỏe ổn định. Riêng bệnh nhân 91 - phi công người Anh - đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, kết quả xét nghiệm PCR phết mũi họng mới nhất vào ngày 6-5 cho thấy bệnh nhân lại dương tính với virus SAR-CoV-2. Hiện tình trạng sức khỏe của BN 91 ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tràn khí màng phổi phải lượng ít, đang tiếp tục dẫn lưu, lọc máu, tiếp tục thở máy, tiên lượng còn rất nặng.
Cũng theo Sở Y tế TP HCM, tổng số trường hợp hiện đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của TP là 99 trường hợp, tại quận-huyện đang còn theo dõi 18 trường hợp và tại nhà-khu lưu trú đang theo dõi 83 trường hợp.
Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong khu lưu trú công nhân tại TP HCM
Trong cùng diễn biến, Trung tâm Y tế quận Bình Tân đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho hơn 500 nhân viên phục vụ tại khu bếp ăn của Công ty TNHH PouYuen. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại công ty. Dự kiến việc lấy mẫu sẽ được thực hiện trong 3 ngày 7, 8 và 11-5 cho hơn 2.600 nhân viên và công nhân làm việc tại các xưởng sản xuất.
Trong đợt này, Trung tâm Y tế quận Bình Tân và Công ty Pouyuen thống nhất ưu tiên lấy mẫu cho những công nhân đến từ các tỉnh thành khác ngoài TP HCM.
Bài viết được dẫn nguồn từ https://nld.com.vn/suc-khoe/ph...
Liên quan đến 17 ca bệnh mắc mới COVID-19 công bố chiều ngày 7/5, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam các trường hợp này đều được cách ly ngay nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là không có. Hiện sức khoẻ các bệnh nhân tương đối ổn định
Theo thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chuyến bay VN-0088 từ Dubai đưa 297 hành khách là công dân Việt Nam trở về nước.
Ngay sau khi nhập cảnh toàn bộ 297 hành khách này được đưa về cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. Tại đây tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, theo thông báo kết quả xét nghiệm ngày 7/5 củaViện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có 17 ca dương tính, 280 ca âm tính với SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Theo thông tin sơ bộ, trong số 17 hành khách mắc bệnh COVID-19, có 1 gia đình ba người đã sống cùng một bệnh nhân dương tính tại Dubai. Hiện nay, 17 bệnh nhân này đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Các thành viên phi hành đoàn đã được cách ly.
"Chúng ta phải khẳng định là những trường hợp này là dương tính từ khi còn ở nước ngoài, khi nhập cảnh vào Việt Nam đều được cách ly ngay nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là không có. Theo thông tin chúng tôi nhận được, hiện tại tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân này tương đối ổn định"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin thêm, hiện Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đến Bạc Liêu để hỗ trợ địa phương này về công tác chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế một cách chặt chẽ
"Chúng tôi cũng cho rằng, trong thời gian tới đây cũng có thể sẽ xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trên những chuyến bay khác từ các khu vực khác trở về Việt Nam. Tuy nhiên không nên quá lo lắng bởi vì các trường hợp này đều được cách ly ngay từ khi nhập cảnh đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng"
Bài viết được lược dẫn từ nguồn https://suckhoedoisong.vn/thu-...
Bản tin lúc 6h00 ngày 8/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Số ca bệnh vẫn là 288 trường hợp, trong đó hiện chỉ còn 34 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2
Số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 8/5: Việt Nam bước vào ngày thứ 22 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Về số ca bệnh nhập cảnh, tính đến 6h ngày 8/5: Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh. Các ca bệnh này đều được cách ly ngay ngay sau khi nhập cảnh. Trong số này tính riêng từ ngày 14/4 đến nay có 20 ca nhiễm mới là người nhập cảnh được ghi nhận.
Cụ thể, 17 bệnh nhân được công bố chiều 7/5 đều thuộc đoàn 297 công dân Việt Nam từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất về nước hôm 3/5 đang được theo dõi sức khoẻ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu; trước đó chiều 1/5 có 01 bệnh nhân là chuyên gia người Anh- tới Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay riêng mang số hiệu AXY 2504 (không phải chuyến bay chở khách thương mại).
Trước đó nữa ngày 24/4 có 02 bệnh nhân là du học sinh trở về từ Nhật Bản ngày 22/4 trên chuyến bay VN311. Ngay sau nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, họ được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.
- Tính từ 18h ngày 7/5 đến 6h ngày 8/5: 0 ca mắc mới được ghi nhận
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.525, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 162
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.693
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 9.670