Tầng lõi tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát trên quỹ đạo Trái Đất. Vị trí chính xác mà nó lao xuống vẫn chưa thể biết chính xác.
Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia thiên văn học đang theo dõi sát sao đường đi của nó để xem cuối cùng mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống địa điểm nào.
Nhà thiên văn học hàng đầu của Viện Franklin (Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ), ông Derrick Pitts đã đưa ra một số nhận xét đáng chú ý sau:
“Thông thường, ngày nay, khi các quốc gia khai thác không gian vũ trụ mà phóng đi vật thể gì đó có kích thước như vậy vào không gian, họ sẽ phải tự động lập trình để nó có thể thoát khỏi quỹ đạo một cách an toàn, rơi xuống một đại dương nào đó hoặc bốc cháy khi hồi quyển”, chuyên gia Pitts cho biết.
Tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B hiện đang bay ở vận tốc trên 17.000 dặm/h, ở quỹ đạo vòng quanh Trái Đất xấp xỉ 90 phút.
Mặc dù tốc độ cao làm cho việc dự đoán đường đi và vị trí của nó khi hồi quyền cực kỳ khó khăn nhưng vẫn có một số tin tốt lành xảy ra khi nó lao xuống Trái Đất.
“Thứ nhất, 75% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước. Vì vậy, nhiều khả năng nó sẽ rơi xuống đại dương. Mặt khác, rất nhiều vùng đất trên thế giới không hề có người ở”, chuyên gia Pitts phân tích.
Điều này có nghĩa là, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là tầng lõi tên lửa Trung Quốc sẽ đáp xuống mặt nước hoặc một khu vực không có dân cư trên địa cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ không thể rơi xuống ở một nơi như Philadelphia (Mỹ) nhưng xác suất mà nó rơi xuống một vị trí đông dân cư là rất, rất nhỏ.