Tờ Al-Jareeda của Kuwait ngày 3/7 dẫn một nguồn tin cao cấp đề nghị giấu tên cho biết, Israel chính là nước đã đứng đằng sau hai vụ nổ bất thường tại hai cơ sở quân sự và năng lượng quan trọng của Iran trong tuần vừa qua.
Theo nguồn tin của Al-Jareeda, Israel đã sử dụng tiêm kích tàng hình F-35I để đánh bom tổ hợp sản xuất tên lửa của Iran gần căn cứ quân sự Parchin (26/6). Trong khi đó cuộc tấn công mạng của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz (2/7) đã dẫn đến vụ nổ tại khu lắp ráp máy ly tâm, thiết bị giúp Iran làm giàu uranium.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc F-35I của Israel có thể đánh bom một cơ sở quân sự ngay sát Tehran như Parchin được xem là một vụ việc hết sức nghiêm trọng. Bởi căn cứ này cũng như thủ đô Tehran được các hệ thống phòng không tốt nhất của Iran bảo vệ, trong số đó có các hệ thống phòng không S-300PMU-2 do Nga chế tạo.
Hệ thống phòng không S-300 của Iran, thứ vũ khí được cho là có thể "vít cổ" tiêm kích tàng hình F-35I của Israel.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao S-300PMU-2 của Iran không phát hiện ra các máy bay F-35I Israel, cho dùng chúng được quảng cáo là có thể phát hiện ra các mục tiêu bay diện tích phản xạ radar nhỏ như tiêm kích tàng hình.
Trong các cuộc đối đầu giữa F-35I và S-300 ở Syria, người ta có thể đổ lỗi cho sự "can thiệp" của người Nga, thế nhưng ở Iran tại sao điều này vẫn xảy ra? Phải chẳng Israel đã tìm được cách vô hiệu hóa được hệ thống radar cảnh giới của S-300 cho phép F-35I có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào mà họ muốn.
Nếu S-300PMU-2 bị "bẽ gãy" thì các hệ thống phòng không còn lại của Iran không là gì đối với người Israel, kể cả khi chúng từng bắn hạ nhiều máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ.
Còn Israel một lần nữa thể hiện họ là "bậc thầy" trong tác chiến điện tử và biết cách lợi dụng điểm yếu của đối phương để đạt được những thứ mà họ cần.
Tuy nhiên, cả hai thông tin trên đều chưa được các quan chức Israel xác nhận. Tel Aviv vẫn giữ thái độ im lặng trước những cáo buộc trên.