*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Ngày 22/9, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã bày tỏ sự ủng hộ ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục giữ chức Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thêm một nhiệm kỳ nữa.
Bộ trưởng Spahn cũng nhấn mạnh Đức kêu gọi các nước đối tác cùng đề cử ông Tedros giữ chức Tổng Giám đốc WHO nhiệm kỳ thứ 2.
Với quyết định đề cử của Đức, ông Tedros, 56 tuổi, người từng là Bộ trưởng Y tế Ethiopia, dường như là ứng cử viên duy nhất cho vị trí này trước thời hạn chót đề cử vào ngày 23/9. Sự ủng hộ của Đức được cho là rất quan trọng vì đây là quốc gia hỗ trợ tài chính lớn cho WHO.
Ông Tedros hiện chưa công khai xác nhận kế hoạch ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc WHO nhiệm kỳ thứ 2. Ông cho biết ông đang tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Tổng thống Biden đã lên kế hoạch công bố các cam kết bổ sung vaccine Covid-19 của Mỹ trong cuộc họp hôm 22/9 (theo giờ Mỹ) để thúc đẩy phần còn lại của thế giới cùng đưa ra “cam kết với mức độ lớn hơn”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy các quốc gia khá giả làm nhiều hơn nữa để kiểm soát đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới, một số nhóm viện trợ và tổ chức y tế toàn cầu đưa ra cảnh báo về tốc độ tiêm chủng đang chậm lại.
Ông Biden sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về vaccine vào ngày 22/9 để thúc đẩy các nước khác đi theo sự dẫn dắt của Mỹ - nước cho đến này đã tài trợ vaccine cho quốc tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, ông Biden chuẩn bị công bố một đợt mua vaccine mới để chia sẻ cho thế giới và đặt ra mục tiêu cho các quốc gia khác làm điều tương tự.
Ngày 21/9, ông Biden đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc Mỹ đã chi hơn 15 tỉ USD cho phản ứng toàn cầu đối với Covid-19, để hỗ trợ hơn 160 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước khác. Mỹ cũng đã mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và tặng cho chương trình COVAX .
"Máy bay chở vaccine từ Mỹ đã hạ cánh ở 100 quốc gia, mang đến cho mọi người trên khắp thế giới một chút hy vọng, như một y tá đã nói với tôi. Một liều hy vọng từ người dân Mỹ - và quan trọng là không có ràng buộc", ông Biden phát biểu.
Nhưng ngay cả như vậy, hành động của Mỹ vẫn vấp phải sự chỉ trích vì quá khiêm tốn, đặc biệt khi chính quyền Biden ủng hộ việc cung cấp mũi tiêm tăng cường cho hàng chục triệu người Mỹ trước khi những người dễ bị tổn thương ở các quốc gia nghèo nhận được mũi tiêm đầu tiên.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong lễ ký kết hợp tác vaccine Hàn - Mỹ diễn ra tại New York có sự tham dự của Tổng thống Moon Jae-in, Cytiva đã công bố phương hướng đầu tư vào Hàn Quốc.
Cụ thể, hãng cho biết đã trình hồ sơ đăng ký đầu tư 52,5 triệu USD từ năm 2022-2024 lên Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên một công ty sản xuất nguyên liệu vaccine nước ngoài đăng ký đầu tư cơ sở sản xuất tại Hàn Quốc kể từ sau khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Cytiva có kế hoạch sản xuất tại Hàn Quốc dung dịch nuôi cấy tế bào dùng một lần, một loại nguyên liệu vaccine hiện đang khan hiếm trên toàn thế giới do dịch Covid-19.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Theo SCMP Trung Quốc đang phát triển loại vaccine thế hệ đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA.
Trước đây, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với các loại vaccine thế hệ đầu tiên ở nước ngoài vì không có đủ trường hợp nhiễm Covid-19 ở trong nước.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm địa điểm cho các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine thế hệ thứ hai, nhắm mục tiêu đến các biến thể cụ thể hoặc lây lan rộng, ngày càng trở nên khó khăn vì việc cung cấp giả dược (hay còn gọi là Placebo là các chất hoặc các can thiệp không có tác dụng, thường được sử dụng trong các nghiên cứu có đối chứng để so sánh với các thuốc có khả năng có hoạt tính tiềm năng) trong các thử nghiệm có đối chứng sẽ bị coi là phi đạo đức khi tỷ lệ truyền bệnh cao, đặc biệt là khi các vaccine khác có sẵn.
Vaccine mRNA đầu tiên của Trung Quốc, do Yunnan Walvax Biotechnology, Suzhou Abogen Biosciences và Học viện Khoa học Quân sự phát triển, đã được các cơ quan quản lý dược phẩm ở Mexico và Indonesia cho thử nghiệm giai đoạn 3 vào tháng 8.Có khoảng 6.000 người ở Mexico tham gia đợt thử nghiệm ban đầu được lên kế hoạch vào cuối tháng 5.
Sinopharm đã giới thiệu các vaccine thế hệ thứ hai của mình trong một hội chợ thương mại vào đầu tháng này và cho biết họ vẫn đang tìm kiếm các địa điểm để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Vaccine thế hệ thứ 2 là những vaccine nhắm mục tiêu vào các biến thể mới của Covid-19, trong khi đó, các vaccine thế hệ thứ 3 được các nhà khoa học hy vọng sẽ có khả năng chống lại với nhiều loại biến thể, hoặc thậm chí nhiều loại virus Corona.
Phó giám đốc ủy ban y tế Cáp Nhĩ Tân Ke Yunnan cho biết, cả 3 trường hợp dương tính đều được phát hiện ở quận Bayan và đã được chuyển đến các bệnh viện để theo dõi và điều trị y tế.
Trường hợp đầu tiên có kết quả dương tính với Covid-19 được phát hiện trong khi bệnh nhân xét nghiệm axit nucleic tại Bệnh viện Nhân dân số 2 của quận.
Hai trường hợp tiếp theo được phát hiện trong khi kiểm tra những người có tiếp xúc gần với trường hợp đầu tiên, ông nói. Họ đã trở về từ Philippines vào ngày 3/8 và tới Trung Quốc Đại lục tại Sân bay Quốc tế Bạch Vân ở Quảng Châu. Sau khi kết thúc 14 ngày cách ly tập trung ở Quảng Châu, họ quay trở lại Bayan vào ngày 18/8 và tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà.
"Bắt đầu từ hôm 22/9, tất cả các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các trường dạy nghề sẽ tạm dừng hoạt động trong 1 tuần. Các trường sẽ tổ chức dạy trực tuyến," ông Ke nói.
Tổng số 1.257 người có tiếp xúc gần đã được truy vết và trong số đó 505 người đã được lấy mẫu để làm xét nghiệm axit nucleic. Trong số đó, 195 mẫu đã cho ra kết quả âm tính.
Ủy ban Y tế Quốc gia đã cử một nhóm làm việc đến Cáp Nhĩ Tân vào hôm 21/9, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin.
Cơ sở phòng bệnh của thành phố đã đưa ra một tuyên bố hôm 21/9 đề nghị mọi người tạm dừng các chuyến đi không cần thiết ra khỏi thành phố.
Thành phố cũng cho dừng tất cả các hoạt động biểu diễn, cuộc thi, diễn đàn, triển lãm và các hoạt động quy mô lớn khác cho đến khi có thông báo mới.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, sáng 21/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng được gặp lại và đã luôn phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Moon Jae-In nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại, ODA và Hàn Quốc trong thời gian qua luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Tổng thống Hàn Quốc mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, phấn đấu đạt kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2023, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, sinh phẩm, tài chính...
Tổng thống Moon Jae-In đánh giá cao sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam hơn 1 triệu liều vaccine và sẽ chuyển cho Việt Nam vào giữa tháng 10 tới để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Nhất trí với các đề xuất của Tổng thống Moon Jae-In, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước cần quyết tâm mạnh mẽ, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra để đưa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược hiện nay phát triển sâu rộng, toàn diện hơn nữa thời gian tới, nhất là năm 2022 sẽ là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch nước cảm ơn Hàn Quốc đã hỗ trợ vaccine kịp thời cho Việt Nam; đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng quy mô và số dự án đầu tư song song chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam, bảo đảm nguồn nhân lực và bảo vệ sức khỏe cho các cá nhân, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng mong muốn các cơ quan liên quan của hai Chính phủ phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ công dân hai nước có cuộc sống an toàn, ổn định tại mỗi nước trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 22/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan khẳng định với tốc độ tiêm chủng hiện nay biên giới quốc gia có thể sẽ mở cửa trở lại "muộn nhất là vào dịp Giáng sinh"
Hành khách tại sân bay quốc tế Sydney, Australia, ngày 19/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, ông Tehan bày tỏ hy vọng, muộn nhất là vào Giáng sinh, người dân Australia sẽ có thể đi du lịch, cùng với mã QR chứng minh tình trạng tiêm chủng kết nối với hộ chiếu. Ông Tehan khẳng định với tốc độ triển khai hiện nay, Australia sẽ sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% trên toàn quốc để có thể mở cửa biên giới trở lại và cho phép người dân đi du lịch nước ngoài.
Ông Tehan cho biết thêm người dân Australia sẽ có thể đi du lịch nước ngoài mà không bị hạn chế về điểm đến, với điều kiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày sau khi trở về nước. Chính phủ liên bang Australia đang nghiên cứu các "bong bóng" đi lại không cần cách ly, tương tự như bong bóng đi lại với New Zealand.
Nghiên cứu được Johnson & Johnson công bố ngày 21-9 cho thấy nếu tiêm tăng cường mũi 2 khoảng 2 tháng sau mũi đầu tiên, lượng kháng thể sẽ tăng 4-6 lần. Nếu tiêm mũi 2 sau 6 tháng, lượng kháng thể tăng tới 12 lần.
Vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson có tên Janssen - Ảnh: AFP
Vắc xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson là vắc xin đầu tiên trên thế giới chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến hãng cân nhắc việc tiêm tăng cường mũi 2.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng được Johnson & Johnson công bố ngày 21-9 cho thấy nếu tiêm mũi 2 khoảng 8 tuần sau mũi đầu tiên, nguy cơ bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ tới nặng sẽ giảm tới 94%. Mức độ hiệu quả khi tiêm 1 mũi là 74%.
Cũng theo Johnson & Johnson, lượng kháng thể khi tiêm mũi 2 trong 8 tuần sau mũi 1 sẽ tăng từ 4 đến 6 lần.
Một thử nghiệm khác của Johnson & Johnson cho thấy nếu tiêm mũi 2 khoảng 6 tháng sau mũi đầu tiên, lượng kháng thể sẽ tăng tới 12 lần, theo báo New York Times.
Kết quả thử nghiệm này được công bố hồi tháng trước với mức tăng kháng thể chỉ là 9 lần. Tuy nhiên trong thông cáo ngày 21-9, Johnson & Johnson cho biết lượng kháng thể thực sự đã tăng đến 12 lần.
Theo New York Times, việc lượng kháng thể tăng gấp 12 lần ở nhóm người tiêm mũi 2 sau 6 tháng làm dấy lên câu hỏi phải chăng chờ đợi tiêm mũi 2 càng lâu thì hiệu quả càng cao? Hiện Johnson & Johnson chưa có câu trả lời khẳng định cho điều này.
Các tác dụng phụ khi tiêm 2 liều tương đương với những tác dụng phụ đã thấy trong các nghiên cứu nếu tiêm 1 liều.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thành phố Cáp Nhĩ Tân yêu cầu người dân ở nhà và xét nghiệm diện rộng sau khi ghi nhận 3 ca lây nhiễm nCoV trong cộng đồng.
Thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc, hôm nay bắt đầu áp dụng biện pháp bán phong tỏa sau khi ghi nhận những ca nhiễm nCoV trong cộng đồng đầu tiên kể từ tháng 2.
Giới chức Cáp Nhĩ Tân cam kết hoàn thành đợt xét nghiệm toàn thành phố đầu tiên trước ngày 24/9, đồng thời yêu cầu người dân tránh ra khỏi nhà trước khi có kết quả, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Chính quyền trước đó yêu cầu người dân không rời thành phố trừ khi có lý do thiết yếu, những người được đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 48 giờ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc ngày 22/9. Ảnh: AFP.
Những địa điểm trong nhà như rạp chiếu phim, phòng gym và sòng bài bị đóng cửa, trong khi những nơi thu hút khách du lịch chỉ được hoạt động một nửa công suất. Toàn bộ trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cũng phải ngừng giảng dạy trực tiếp trong một tuần.
Hiện chưa rõ ba ca nCoV cộng đồng ở Cáp Nhĩ Tân có liên quan đến đợt bùng phát Covid-19 ở tỉnh Phúc Kiến hay không. Truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết một người được phát hiện khi đến xét nghiệm tại bệnh viện. Hai người còn lại là trường hợp tiếp xúc gần, từ Philippines trở về Trung Quốc hồi cuối tháng 8 và cách ly tại thành phố Quảng Châu, sau đó tự cách ly tại nhà riêng ở Cáp Nhĩ Tân.
Mời độc giả đọc bài viết gốc tại đây:
Các bác sĩ Cuba mang ảnh cố lãnh tụ Fidel Castro trong lễ chia tay trước khi lên đường tới Italia hỗ trợ chống dịch Covid-19 hồi năm ngoái (Ảnh: Reuters).
Cuba được ghi nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em trong nhóm từ 2-18 tuổi. Nhờ tự chủ vắc xin, Cuba đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm chủng cho hơn 90% dân số vào tháng 11.
Khoảng 45.000 nhân viên hoạt động trong ngành du lịch trên quốc đảo 11,2 triệu dân đã được tiêm chủng đủ liệu trình 3 liều vắc xin mà Cuba phát triển. Cuba hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 38,5% dân số.
Tập đoàn dược sinh học nhà nước Cuba BioCubaFarma hồi tháng 8 cho biết, trong 2,5 triệu người đã tiêm vắc xin Abdala và Soberana 2 do nước này tự sản xuất, có 21.000 người (tương đương 0,8%) bị mắc Covid-19 nhưng chỉ có 99 người tử vong, tương đương 0,003%. Theo người đứng đầu BioCubaFarma Eduardo Martinez, đây là dấu hiệu rất đáng khích lệ, cho thấy các vắc xin Cuba đang hoạt động hiệu quả - kể cả trước biến chủng Delta - trong việc giúp người được tiêm không mắc bệnh nặng.
Từ những năm 1980, cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro từng đặt ra mục tiêu biến quốc đảo Caribe thành một "ông lớn" về công nghệ sinh học, với xuất phát điểm là 6 nhà nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm nhỏ bé ở thủ đô Havana.
Khoảng 40 năm sau, quốc đảo 11 triệu dân đã đạt được thành công mang tính đột phá khi trở thành "quốc gia nhỏ bé nhất thế giới không chỉ phát triển một mà là nhiều loại vắc xin Covid-19", theo Washington Post. Thành công của Cuba trong nỗ lực phát triển vắc xin được xem là "kỳ tích", chứng tỏ năng lực y tế của nước này trong bối cảnh vẫn chịu nhiều thiếu thốn do các lệnh cấm vận.
Cuba sở hữu một hệ thống y tế phát triển so với mặt bằng chung trên toàn cầu và là một trong những nước có tỉ lệ bác sĩ trên đầu người cao nhất thế giới. Khi đại dịch bùng phát năm ngoái, Cuba đã điều động đội nhân viên y tế hùng hậu tới khắp các châu lục để giúp đỡ các quốc gia - một phần trong chiến dịch "ngoại giao y tế" của quốc đảo này nhằm xây dựng cầu nối hữu nghị giữa Cuba với thế giới.
Cuba, nổi tiếng với ngành công nghệ sinh học và y tế hàng đầu thế giới, quyết định không nhập khẩu vắc xin nước ngoài, nhưng đã đặt ra mục tiêu trở thành một trong những nước đầu tiên ở khu vực hoàn thành tiêm chủng toàn dân vào cuối năm nay.
Một số quốc gia, trong đó có Argentina và Mexico, đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mua vắc xin Covid-19 của Cuba. Venezuela đã ký một hợp đồng mua vắc xin, trong khi Iran đang sản xuất vắc xin Cuba ngay tại nước này.
Vắc xin của Cuba trở thành lựa chọn khả thi cho các nước nhiệt đới và có thu nhập thấp. "Chúng tôi có niềm tin to lớn vào ngành y học và công nghệ sinh học của Cuba. Vắc xin Cuba thực sự là giải pháp cho người dân chúng tôi", Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nói.
Mời đọc giả đọc bài viết gốc tại:
Thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ở miền Đông Bắc Trung Quốc ngày 22/9 đã bị áp đặt lệnh bán phong tỏa sau khi xuất hiện các ca nhiễm mới đầu tiên trong cộng đồng kể từ đầu tháng 2 đến nay.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 22/9 cho biết Trung Quốc ghi nhận 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 21/9, gồm 3 ca ở Cáp Nhĩ Tân và 13 ca ở tỉnh Phúc Kiến. Ca lây nhiễm trong cộng đồng phát hiện gần đây nhất ở thành phố Cáp Nhĩ Tân là vào ngày 4/2 năm nay.
Sau khi phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân đã nhanh chóng yêu cầu cư dân thành phố không được rời khỏi thành phố trừ những lý do cần thiết. Các tụ điểm trong nhà như rạp chiếu phi, phòng tập thể dục, phòng chơi mạt chược cũng bị đóng cửa, các địa điểm du lịch được yêu cầu tiếp đón lượng khách hạn chế với một nửa công suất. Thành phố cũng sẽ ngừng mọi lớp học trực tiếp tại toàn bộ vườn trẻ, trường tiểu học và trung học trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày 22/9.
Trong khi đó, tại tỉnh Phúc Kiến, 4 thành phố của tỉnh này gồm Phủ Điền, Hạ Môn, Tuyền Châu và Chương Châu - những nơi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, đã yêu cầu toàn bộ cư dân không rời khỏi thành phố nếu không cần thiết. Chính quyền các thành phố đã phong tỏa những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đóng cửa nhiều địa điểm công cộng, cắt giảm một số dịch vụ xe buýt đường dài nhất định và ngừng mọi hoạt động giảng dạy trực tiếp tại vườn trẻ, trường tiểu học và trung học.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm liều thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi vào đầu năm tới, nhằm ứng phó tốt hơn với các biến thể mới dễ lây lan. Đây là thông tin được Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng Kono Taro đưa ra trước báo giới vào ngày 21/9.
Theo đó, việc triển khai tiêm vaccine tăng cường cho những người từ 65 tuổi trở lên sẽ từ đầu năm sau, sau đó là những người mắc các bệnh lý nền và cuối cùng là dân số nói chung. Ngoài ra, các nhân viên y tế tuyến đầu dự kiến sẽ tiêm phòng nhắc lại ngay trong năm nay, do đây là những người đầu tiên được tiêm phòng ở Nhật Bản bắt đầu từ tháng 2. Ông Kono Taro cũng yêu cầu chính quyền địa phương chuẩn bị thật tốt để đảm bảo việc cung cấp liều thứ 3 cho người cao tuổi diễn ra suôn sẻ.
Ông Kono Taro. Nguồn: Reuters
Tuần trước, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm mũi thứ 2 được ít nhất 8 tháng, kèm theo trích dẫn nghiên cứu cho thấy các kháng thể bảo vệ chống lại Covid-19 giảm dần theo thời gian./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 ngày 21/9, Chủ tịch ĐHĐ Abdulla Shahid khẳng định thế giới sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19 không chỉ bằng khát khao, hy vọng mà bằng tinh thần sẻ chia đầy nhân văn cho dù đại dịch đã khiến cả thế giới sống trong cảnh lo âu suốt hơn một năm rưỡi qua.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ Abdulla Shahid phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp lần thứ 76 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 21/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Abdulla Shahid nhắc lại rằng thế giới giờ đây đã có vaccine ngừa COVID-19 bởi biết bao nhà khoa học đã cùng nhau hợp tác ngày đêm để phát triển ra hàng loạt loại vaccine hiệu quả chống chọi với căn bệnh nguy hiểm chết người này. Chủ tịch ĐHĐ nhấn mạnh mục tiêu trong 12 tháng nhiệm kỳ tới của ông là có được giải pháp cho hàng loạt thách thức lớn như các cuộc xung đột, thế giới chia rẽ, đại dịch và tình trạng biến đổi khí hậu.
Với vấn đề đại dịch COVID-19, ông Shahid cho rằng nhân loại đã có vaccine và điều duy nhất còn thiếu là sự ủng hộ về mặt chính trị và tài chính của một số nước.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/9 đã cho biết nước này sẽ cung cấp cho Việt Nam ít nhất 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong tháng 10 tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp với các trợ lý cấp cao tại Seoul. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Ông Park Kyung-mee, người phát ngôn của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cho biết, kế hoạch trên đã được nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại New York, bên lề Khóa họp 76 ĐHĐ LHQ.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định hai nước đã cố gắng cùng nhau vượt qua dịch bệnh từ giai đoạn đầu, chia sẻ các vật tư y tế liên quan.
Đây sẽ là số vaccine đầu tiên mà Hàn Quốc viện trợ cho nước ngoài, bên cạnh sự hỗ trợ tài chính của Hàn Quốc cho cơ chế cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển COVAX. Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc nhất trí rằng hai nước là "đối tác tốt nhất" của nhau, đã hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, kinh tế và ngoại giao nhân dân. Hai bên nhất trí "nỗ lực chung để quan hệ song phương có thể cất cánh một lần nữa nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm tới". Năm 2009, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược".
Đặc biệt, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị Việt Nam hỗ trợ đảm bảo sự an toàn và bảo vệ người dân và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và nhất trí thiết lập và duy trì các mối quan hệ đối tác chặt chẽ.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo Khmer Times, Campuchia ngày càng tiến sát mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi nước này đã tiêm phủ ít nhất 1 liều vaccine cho hơn 78% dân số kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào ngày 10/2/2021.
Campuchia đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ vị thành niên và trẻ em từ ngày 1/8 và 17/9, và chiến dịch tiêm liều bổ sung sẽ bắt đầu vào ngày 11/10 tới.
Đến nay, Campuchia đã tiêm chủng cho 9.842.998 người từ 18 tuổi trở lên, 1.737.303 người từ 12 đến 17 tuổi và 903.287 người từ 6 đến 12 tuổi.
Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, Tiến sĩ Li Ailan cho biết vaccine COVID-19 là một công cụ rất mạnh, nhưng không phải là viên đạn bạc để chấm dứt đại dịch.
WHO tiếp tục khuyến cáo việc ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên y tế, người cao tuổi, những người mắc bệnh mãn tính và các nhóm nguy cơ cao khác như phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh nền.
Mỹ có kế hoạch hỗ trợ các quốc gia trên thế giới thêm 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, do Tập đoàn Pfizer và BioNTech phát triển.
Dự kiến hôm nay (22/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 và có thể sẽ thông báo về cam kết mới này.
Hôm qua, phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Biden cũng cho biết Mỹ đã dành thêm 15 tỷ USD cho cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu, hỗ trợ tài chính mua hơn 160 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Mỹ cũng đã mua 500.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech, hỗ trợ qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Theo ông Biden, vaccine của Mỹ đã được gửi đến 100 quốc gia. Mỹ sẽ đưa ra các cam kết thêm tại Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu do Tổng thống Biden chủ trì hôm nay.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 21/9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary ở thủ đô Budapest, Đại diện Chính phủ Hungary, Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại István Joó đã trao tặng tượng trưng cho Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Thảo 100.000 liều vaccine AstraZeneca và 100.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên của chính phủ Hungary hỗ trợ Việt Nam chống đại dịch COVID-19.
Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại István Joó trao tặng cho Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Thảo. Ảnh/TTXVN phát
Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, tại buổi lễ, Phó Quốc vụ khanh István Joó bày tỏ vinh dự được thay mặt chính phủ Hungary bàn giao lô vaccine và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho Việt Nam. Phó Quốc vụ khanh khẳng định Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, mong Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Về phía Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo đã chuyển lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo, chính phủ và nhân dân Hungary về sự hỗ trợ quý báu, kịp thời đối với Việt Nam, coi đây là nghĩa cử cao đẹp minh chứng cho tình bạn lâu dài, tình hữu nghị bền vững được các thế hệ hai nước dày công vun đắp trong suốt hơn 70 năm qua. Đại sứ khẳng định Chính phủ Việt Nam coi Hungary là đối tác quan trọng ở châu Âu và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước phát triển hiệu quả và nâng tầm cao mới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Các chuyên gia y tế Mỹ cho biết, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể sớm cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là một bước tiến mới mang lại hy vọng kiểm soát thành công đại dịch, đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây nhiễm ở trẻ em vốn chiếm 1/4 số ca mắc trên toàn nước Mỹ vào tuần trước.
Ảnh minh họa: Reuters.
Phát biểu với CNN, Tiến sĩ James Hildreth, cố vấn vaccine của FDA cho biết: "Việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ có thể được thực hiện trước kỳ nghỉ lễ Halloween, nhưng sẽ mất một vài tuần để quá trình đó diễn ra suôn sẻ".
Trong khi quá trình phê duyệt đang được thực hiện, số ca mắc mới ở trẻ em tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân, dữ liệu do Viện Nhi khoa Mỹ công bố ngày 20/9 cho biết. Khi số ca mắc gia tăng, tỷ lệ nhập viện cũng cao hơn. CDC cho biết, trung bình mỗi ngày có 311 trẻ em nhập viện do mắc Covid-19 trong tuần qua.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tại hội nghị trực tuyến thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 trong ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nỗ lực thuyết phục các nước sản xuất vắc-xin khác cân bằng nhu cầu trong nước, cũng như tập trung trở lại vào hoạt động sản xuất, phân phối vắc-xin Covid-19 cho các nước nghèo đang cần chúng.
Ngoài ra, theo tài liệu của Nhà Trắng, hội nghị còn nhằm khuyến khích các hãng dược, tổ chức thiện nguyện và phi chính phủ làm việc cùng nhau để hướng đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào thời điểm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp trở lại vào tháng 9-2022.
Các chuyên gia ước tính rằng cần đến 11 tỉ liều vắc-xin để đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu. Ngoài cam kết tặng hơn 600 triệu liều vắc-xin, Nhà Trắng đang thảo luận để mua thêm 500 triệu liều từ hãng Pfizer (Mỹ) để hỗ trợ các nước khác. Không dừng lại ở đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn có các bước đi nhằm mở rộng sản xuất vắc-xin trong nước, tại Ấn Độ và Nam Phi. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu xuất khẩu 700 triệu liều vào cuối năm nay.
Một cơ sở sản xuất vắc-xin Covid-19 tại TP Chuncheon, Hàn Quốc Ảnh: Reuters
Dù vậy, những nỗ lực trên vẫn chưa giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin Covid-19 trên thế giới. Theo thống kê, chưa đến 10% dân số tại các nước nghèo được tiêm chủng đầy đủ trong lúc hàng triệu nhân viên y tế thế giới vẫn chưa được tiêm mũi nào. Trong khi đó, tổ chức ONE Campaign (Mỹ) ước tính rằng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ dư thừa tổng cộng hơn 600 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay. Vì thế, nhiều chuyên gia đang kêu gọi một chiến lược toàn cầu được điều phối, theo đó vắc-xin được phân phối công bằng trên thế giới thay vì mỗi quốc gia đáp ứng nhu cầu của riêng mình.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro được nhìn thấy đứng ăn pizza trên vỉa hè đường phố New York của Mỹ, trước khi tham gia cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Nguyên nhân là do ông Bolsonaro không đáp ứng được các yêu cầu liên quan tới việc ăn uống bên trong nhà hàng ở thành phố New York, do Tổng thống Brazil chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19.
Theo quy định của thành phố New York, bất cứ ai muốn ăn uống trong nhà hàng đều phải chứng minh ít nhất đã tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19 và Tổng thống Bolsonaro cho biết ông chưa tiêm phòng.
Tổng thống Brazil (ở giữa) phải đứng ăn pizza ở ngoài đường tại New York, Mỹ vì chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19. (Ảnh: Reuters)
"Bữa ăn xa xỉ ở New York", Chánh Văn phòng Nội các Luiz Eduardo Ramos chia sẻ trên Twitter bức ảnh đang đứng ăn pizza ở ngoài đường cùng với Tổng thống Bolsonaro và một số quan chức cấp cao khác.
Bộ trưởng Du lịch Brazil Gilson Machado cũng cho đăng bức ảnh Tổng thống Bolsonaro cầm một miếng pizza trong tay khi đứng trên vỉa hè.
Thành phố New York bắt đầu thực hiện quy định tiêm chủng bắt buộc từ hồi tuần trước. Theo đó, mọi người phải chứng minh ít nhất đã tiêm 1 liều vắc-xin Covid-19 khi tham gia các hoạt động trong nhà như ăn uống, trung tâm vui chơi giải trí và phòng gym.
Chính quyền New York cũng đã viết thư gửi lên Chủ tịch Đại hội đồng LHQ về việc yêu cầu tất cả các đoàn quan chức tham dự phiên họp đều phải tiêm phòng vắc-xin Covid-19 từ trước.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chính phủ Italia viện trợ thêm 796.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Ảnh: AFP
Ngày 21.9.2021, Chính phủ Italia thông báo quyết định viện trợ bổ sung 796.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.
Quyết định mới nhất này nâng tổng số vaccine mà Italia viện trợ cho Việt Nam là hơn 1,6 triệu liều, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác ưu tiên nhận vaccine lớn nhất của Italia trên toàn cầu. Italia cũng là một trong những thành viên Liên minh Châu Âu (EU) hỗ trợ lớn nhất cho Việt Nam qua cơ chế COVAX.
Đây là sự giúp đỡ quý báu và kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Italia đối với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn và là minh chứng sinh động của quan hệ hữu nghị lâu dài và Đối tác chiến lược Việt Nam-Italia được thiết lập vào tháng 1.2013.
Kết quả trên cũng nhờ quá trình vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư cho Thủ tướng Italia Mario Draghi cũng như các nỗ lực triển khai vận động của Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại Italia trong thời gian qua.
Trước đó, ngày 14.9.2021, Việt Nam đã tiếp nhận 812.060 liều vaccine của Italia phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thái Lan: Bangkok chuẩn bị đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine
Tính đến ngày 20/9, Thái Lan đã tiêm 45,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, với 21,4% trong tổng số gần 70 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính quyền thủ đô Bangkok đang có kế hoạch mở cửa trở lại cho các du khách nước ngoài đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Hiện khoảng 70% cư dân thành phố này cũng đã hoàn tất tiêm chủng, trong khi số ca mắc mới và số ca nhập viện giảm xuống mức có thể kiểm soát được.
Trước đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng đã thông báo rằng kể từ tháng 10 tới, các khu vực bao gồm thủ đô Bangkok, cùng các tỉnh Chiang Mai, Chon Buri, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan sẽ mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở Phuket, Thái Lan ngày 11/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lào khẩn trương truy vết, nhiều tỉnh tái phong toả
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Lào đang khẩn trương truy vết những người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thông báo của Bộ Y tế Lào ngày 21/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 331 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 296 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ này cho biết khu vực thủ đô Viêng Chăn vẫn là điểm nóng về dịch COVID-19 khi ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày cao nhất cả nước với 176 ca, trong đó chủ yếu là ở ổ dịch nhà máy may được phát hiện từ ngày 18/9. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 19.730 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Viêng Chăn đang khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm cộng đồng gần đây nhằm nỗ lực khống chế nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Chính quyền thủ đô Viêng Chăn yêu cầu các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đóng cửa trong giai đoạn thành phố phong tỏa để phòng ngừa dịch bệnh. Các chợ thực phẩm có thể mở cửa và chỉ được bán sản phẩm nông nghiệp, đồ tươi sống. Các trạm xăng có thể hoạt động bình thường nhưng phải đóng cửa trước 18h hằng ngày.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Reuters đưa tin, các quan chức y tế Thái Lan ngày 20.9 cho biết, các bác sĩ nước này được phép bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường bằng phương pháp tiêm dưới da, thay vì tiêm bắp. Phương pháp này được cơ quan y tế Thái Lan tìm ra hồi tháng 8.
Bộ trưởng Bộ Y tế Anutin Charnvirakul cho rằng các chuyên gia y tế có thể lựa chọn sử dụng phương pháp tiêm dưới da, vì nó đã được chứng minh là có hiệu quả.
Theo thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Vachira ở Phuket, Chalermpong Sukonthaphon, bệnh viện của ông đã được bật đèn xanh để sử dụng kỹ thuật tiêm mới từ ngày 17.9, vì các thử nghiệm cho thấy nó cũng kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như phương pháp thông thường nhưng một liều vaccine lại có thể sử dụng được cho 5 lần tiêm dưới da. Như vậy, nếu làm theo cách này, với cùng một lượng vaccine, Thái Lan có thể tiêm chủng cho số lượng người gấp từ 4 đến 5 lần.
Thái Lan đã chuyển hướng sang cách tiếp cận độc đáo hơn do nước này gặp vấn đề hạn chế nguồn cung vaccine, mặc dù có triển khai sản xuất vaccine AstraZeneca trong nước.
Cho đến nay, chỉ có 21% trong khoảng 72 triệu dân số sinh sống ở Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ.
Các nhà chức trách Thái Lan đã quyết định tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vaccine COVID-19 của Sinovac, mũi sau sử dụng vaccine của AstraZeneca. Kỹ thuật này chưa từng được áp dụng ở nơi nào khác trên thế giới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 21/9, Nga và Ai Cập bắt đầu tăng cường số lượng các chuyến bay thẳng từ Nga đến hai thành phố du lịch nổi tiếng của Ai Cập ở Biển Đỏ để thúc đẩy phục hồi du lịch sau hơn một năm chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Nga và Ai Cập sẽ bắt đầu tăng cường số lượng các chuyến bay giữa thủ đô Moscow, Nga và các khu nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh và Hurghada nằm ở Biển Đỏ của Ai Cập. Tần suất các chuyến bay sẽ tăng từ 15 chuyến lên 25 chuyến mỗi tuần ở mỗi điểm đến của hai tuyến bay. Ngoài ra, số lượng chuyến bay từ các thành phố khác của Nga đến hai khu nghỉ dưỡng của Ai Cập cũng được điều chỉnh từ một chuyến lên ba chuyến mỗi tuần.
Du khách Nga chiếm thị phần quan trọng đối với ngành du lịch của Ai Cập. (Ảnh: Ahram)
Việc tăng cường các chuyến bay giữa hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của du khách Nga tới Ai Cập. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã đồng ý nối lại các chuyến bay giữa các thành phố của Nga và hai khu nghỉ dưỡng của Ai Cập, sau khi các chuyên gia an ninh Nga tiến hành thị sát đối với các sân bay của nước này.
Đáng chú ý, các chuyến bay từ Nga tới hai khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Ai Cập đã được nối lại lần đầu tiên kể từ ngày 9/8 vừa qua và đang được tăng cường để phù hợp với nhu cầu du lịch tới Ai Cập./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo số liệu cập nhật từ Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ là 676 nghìn người, vượt qua con số 675 nghìn người trong đại dịch cúm bùng phát năm 1918.
Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ hiện chiếm 14% số ca tử vong trên toàn cầu trong đại dịch này. Hiện còn tới 60 triệu người Mỹ chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ nước này đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Theo các chuyên gia, môi trường chính trị phân cực và khủng hoảng về nhận thức do tin giả lan tràn, đã khiến tâm lý người Mỹ ngần ngại tiêm chủng tăng lên mức cao mới trong lịch sử.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 21/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 230.020.680 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.716.873 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 206.704.075 người.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 17 ca tử vong và 628 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 121 ca nhập cảnh.
Bộ Y tế Lào ghi nhận 331 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 296 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ này cho biết khu vực thủ đô vẫn là điểm nóng về dịch COVID-19.
Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan cho biết nước này đã ghi nhận 10.919 các mắc mới COVID-19 và 143 ca tử vong do căn bệnh này. Trong số các trường hợp mới ghi nhận, 4.184 ca phát hiện tại thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận.
Một bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Baltimore, Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đông Bắc Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 21/9 thông báo Trung Quốc đã ghi nhận 42 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều tập trung tại tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ghi nhận 30 ca mắc mới nhập cảnh, tập trung chủ yếu tại tỉnh Vân Nam. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Trung Quốc đã ghi nhận 95.810 ca mắc COVID-19, trong đó gồm 4.636 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, bất chấp những tiến bộ y tế trong một thế kỷ qua, số người Mỹ tử vong do đại dịch COVID-19 hiện nay đã vượt số nạn nhân tử vong ở nước này trong đại dịch cúm toàn cầu năm 1918. Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ hiện chiếm 14% số ca tử vong trên toàn cầu trong đại dịch này, dù dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 trên thế giới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây