*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 14/11 có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố hủy bỏ yêu cầu cách ly đối với những du khách nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ kể từ ngày 15/11, báo Tuổi trẻ đưa tin.
Nhân viên y tế Campuchia kiểm tra chứng nhận y tế của du khách tại sân bay Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times
Khmer Times ngày 14/11 dẫn lời ông Hun Sen cho hay, chỉ những ai chưa tiêm phòng COVID-19 mới phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Campuchia.
Ông Hun Sen đã yêu cầu các cơ quan có liên quan của Campuchia lập tức triển khai quyết định này từ ngày mai.
Được biết, những người đến theo đường hàng không tại Phnom Penh, Sihanoukville và Siem Reap sẽ phải làm thêm xét nghiệm PCR. Họ sẽ phải lưu lại các nhà khách hoặc khách sạn trong thời gian chờ đợi. Nếu âm tính với COVID-19, họ có thể tự do du lịch đến bất cứ nơi nào ở Campuchia.
"Bí kíp giải độc" cơ thể sau khi tiêm chủng được nhiều người bài vaccine ở Mỹ truyền nhau là tắm trong chất tẩy rửa gia dụng có chứa hàn the, Vnexpress dẫn nguồn NBC News đưa tin.
Theo đó, trên mạng xã hội Mỹ đang có nhiều người giới thiệu những phương pháp vô căn cứ cho một số người miễn cưỡng tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng giờ lại hối hận.
NBC News đề cập tới tài khoản TikTok Carrie Madej, trong đó, chủ tài khoản chia sẻ thành phần hỗn hợp mà cô này dùng để tắm và khẳng định có tác dụng "giải độc vaccine". Video Tiktok của cô có hàng trăm nghìn lượt xem.
Giải pháp của chủ tài khoản trên là tắm với baking soda và muối epsom, sau đó bổ sung hàn the để làm sạch "những thứ thuộc về công nghệ nano", phóng viên NBC đăng trên Twitter đồng thời nhấn mạnh: Đừng làm theo!
Vốn được dùng để diệt côn trùng và xử lý nấm mốc, hàn the là "chất có khả năng ăn da và độc hại", giám đốc phụ trách phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm thuộc Hệ thống Y tế Đại học Kansas Dana Hawkinson cho biết. "Tôi nghĩ đây chỉ là cách họ bịa ra để kiếm tiền".
Đại sứ Australia tại Mỹ cho biết, các tàu ngầm hạt nhân Canberra đặt hàng Mỹ trong khuôn khổ AUKUS không phát động một cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ ai.
Phát biểu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ), Đại sứ Australia tại Mỹ Arthur Sinodinos cho biết, dự án tàu ngầm, cũng như việc hình thành liên minh AUKUS, được đưa ra nhằm phản ứng với tình hình an ninh đang thay đổi trong khu vực.
"Chúng tôi muốn có thể, trong những hoàn cảnh chiến lược đang xấu đi này, có thể phát huy sức mạnh của mình hơn nữa, thay vì thực hiện một cách tiếp cận mà tất cả sự phòng thủ của chúng tôi phải là bảo vệ đất liền", Đại sứ Sinodinos nói.
Đại sứ Australia nhấn mạnh, việc có một hạm đội tàu ngầm hiện đại cũng sẽ giúp Australia phá bỏ hiện trạng hiện có, giúp Australia “có thể định hình môi trường an ninh mà chúng tôi hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Con trai cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã xuất hiện gần như lần đầu tiên trong 1 thập kỷ vào hôm nay 14/11 để đăng ký tham gia tranh cử cho vị trí Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 tới, sự kiện được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho tình trạng khủng hoảng kéo dài từ khi ông Gaddafi bị lật đổ.
Ảnh: Twitter
Saif al-Islam al-Gaddafi, 49 tuổi, đã xuất hiện trong một đoạn video của ủy ban bầu cử với trang phục nâu và khăn turban truyền thống. Ông đã ký kết giấy tờ ở trung tâm bầu cử thị trấn miền nam Sebha.
Theo Reuters, Gaddafi là một trong những nhân vật đáng chú ý và gây tranh cãi tham gia vào cuộc bầu cử, bên cạnh tư lệnh quân đội Khalifa Hafta, Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah và chủ tịch quốc hội Aguila Saleh.
Báo Khmer Times ngày 14/11 đưa tin, tòa nhà Quốc hội mới của Campuchia sẽ được xây dựng với sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam.
Công trình mới sẽ nằm gần tòa nhà Quốc hội Campuchia hiện nay. Ảnh minh họa: Rasmei News
Theo Quốc hội Campuchia, tòa nhà mới sẽ mang phong cách kiến trúc hiện đại và có nhiều tầng. Công trình trị giá 25 triệu USD do Việt Nam trợ cấp.
Thông tin này được đưa ra sau khi Quốc hội Campuchia tuyên bố mở thầu đối với dự án xây dựng tòa nhà mới. Quá trình này sẽ kéo dài cho tới ngày 27/11.
Ghislaine Maxwell (59 tuổi) là bạn gái kiêm cộng sự lâu năm của tỉ phú ấu dâm Jeffrey Epstein, bị bắt vào đầu tháng 7-2020 ở bang New Hampshire (Mỹ) vì cáo buộc môi giới mại dâm. Bà sẽ phải đối mặt với 35 năm tù nếu bị kết tội.
Ghislaine Maxwell là bạn gái kiêm cộng sự lâu năm của tỉ phú ấu dâm Jeffrey Epstein (trái). Ảnh: Bloomberg
Các tội danh chống lại "tú bà" Ghislaine Maxwell gồm âm mưu lôi kéo trẻ vị thành niên đi du lịch để thực hiện các hành vi tình dục bất hợp pháp, âm mưu vận chuyển trẻ vị thành niên với ý định tham gia hoạt động lạm dụng tình dục và hai tội khai man. Tuy nhiên, bà này vẫn một mực phủ nhận.
Hiện Ghislaine Maxwell bị giam tại Trung tâm giam giữ Metropolitan. Bà nhiều lần yêu cầu tại ngoại trong khi chờ xét xử nhưng không được tòa án chấp nhận. Những lần xin bảo lãnh trước, các luật sư của bà xin phép thẩm phán tòa án liên bang Manhattan Alison J Nathan cho bà được giám sát tại nhà bằng vòng điện tử trong thời gian chờ xét xử với khoản tiền bảo lãnh 28,5 triệu USD. Theo tòa án, Ghislaine Maxwell là người thuộc diện có nguy cơ rời khỏi Mỹ trong thời gian xét xử.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc "giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng". Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Người vừa được bổ nhiệm làm chỉ huy Vệ binh Quốc gia Oklahoma - Tướng Thomas Mancino - đã từ chối thực thi lệnh tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra, Vnexpress dẫn nguồn The Hill đưa tin.
Ảnh: US Army.
Mới đây, Chuẩn tướng Thomas Mancino tuyên bố: Mọi thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Oklahoma không bắt buộc phải tiêm vaccine Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Mancino khẳng định, những trường hợp từ chối tiêm chủng sẽ không phải đối mặt với "hành động pháp lý hoặc quyết định kỷ luật tiêu cực nào".
Về vấn đề này, Trung tá Geoff Legler, phát ngôn viên Vệ binh Quốc gia bang Oklahoma, cho biết: Quyết định của Tướng Mancino cho phép các thành viên trong lực lượng có thể làm nhiệm vụ tại bang mà không phải sợ bị phạt vì chưa tiêm vaccine.
Tuy nhiên, ông Legler nhấn mạnh: Quyết định này sẽ không bảo vệ được các thành viên trong trường hợp họ tới học ở bất cứ trường quân sự nào hoặc tham dự hoạt động đào tạo do đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ điều hành.
Mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về ngọn nguồn cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra ở biên giới Belarus - Ba Lan. Theo đó, ông Putin cho rằng, không phải Belarus, mà chính các nước phương Tây mới phải chịu trách nhiệm sau cuối cho tình trạng hiện thời, Reuters đưa tin.
Trong khi EU chuẩn bị áp các đòn trừng phạt mới nhằm vào Minsk, nhà lãnh đạo Nga đã phát biểu trên sóng truyền hình rằng, cuộc khủng hoảng không phải lỗi của Belarus.
"Đừng quên những cuộc khủng hoảng với người nhập cư bắt nguồn từ đâu... Có phải Belarus là tiên phong trong những vấn đề ấy không? Không, nguyên nhân đến từ chính các nước châu Âu và phương Tây", ông Putin nói.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 13-11 khẳng định gần 100.000 binh sĩ Nga đang hiện diện gần biên giới Ukraine.
"Tôi hy vọng cả thế giới có thể thấy ai thực sự muốn hòa bình và ai đang tập trung gần 100.000 binh sĩ tại biên giới của chúng tôi" – Tổng thống Zelenskiy nói, đồng thời tuyên bố các nước phương Tây đã chia sẻ thông tin với Ukraine về hoạt động của binh sĩ Nga, theo Reuters.
Sự hiện diện gia tăng của binh sĩ Nga gần biên giới Ukraine đã làm dấy lên nỗi lo về xung đột quân sự.
Moscow khẳng định nỗi lo này đang bị thổi phồng, đồng thời than phiền về hoạt động gia tăng của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) trong khu vực và cáo buộc Mỹ hành động khiêu khích ở biển Đen.
Ukraine sẽ tăng tốc xây dựng căn cứ hải quân tại cảng Berdyansk - Ukraine. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov ngày 13-11 tuyên bố tăng tốc xây dựng căn cứ hải quân tại cảng Berdyansk để ngăn điều Kiev khẳng định là nỗ lực của Moscow nhằm từng bước chiếm quyền kiểm soát biển Azov.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12-11 thông báo cơ quan này đang tiếp tục xem xét để cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất sau thời gian đình trệ. Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Mariangela Simao cho biết WHO sẽ trao đổi thêm thông tin với đơn vị sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga.
Theo bà Simao, WHO vẫn cần nhận thêm hồ sơ đầy đủ về vắc-xin Sputnik V và có một số vấn đề cần được xử lý liên quan đến việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. Hiện cả cơ quan giám sát dược phẩm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều chưa cấp phép cho vắc-xin Sputnik V, vốn đã được sử dụng ở Nga và một số quốc gia khác kể từ cuối năm 2020.
Cho đến nay, WHO chỉ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng Bharat Biotech, Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinopharm.
Động thái mới của WHO hôm 12-11 có thể giúp mở đường cho vắc-xin Sputnik V được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX, nhằm cung cấp vắc-xin đến các nước nghèo.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Sputnik V là loại vaccine Việt Nam đã sản xuất thành công từ bán thành phẩm. Cuối tháng 9 vừa qua, lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên do Việt Nam gia công tại Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã được Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu.
Chính quyền Thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 13/11 đã quyết định đóng cửa các trường học trên toàn thành phố trong vòng 1 tuần do tình hình ô nhiễm không khí tiếp tục xấu đi.
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở thủ đô New Delhi trong sáng ngày 13/11 (Nguồn: ANI)
Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức nghiêm trọng, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal đã tuyên bố đóng cửa các trường học tại thủ đô và chuyển sang học trực tuyến trong vòng 1 tuần, kể từ ngày thứ Hai 15/11.
Tuyên bố của ông Arvind Kejriwal được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ xác định tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí ở Thủ đô New Delhi là một tình huống khẩn cấp, nhấn mạnh rằng, các biện pháp quan trọng cần phải được thực hiện để giải quyết vấn đề này.
Cũng theo quyết định của chính quyền New Delhi, các nhân viên chính phủ sẽ làm việc tại nhà trong 1 tuần, trong khi các văn phòng tư nhân được khuyến cáo chuyển sang phương án làm việc tại nhà.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu dừng các hoạt động xây dựng trong thời gian từ ngày 14 đến ngày 17/11.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chính phủ Nga đã mở 5 vụ điều tra hình sự và sa thải 18 nhân viên nhà tù do liên quan tới bê bối gây chấn động dư luận trong thời gian qua.
18 sĩ quan nhà tù của Nga đã bị sa thải sau khi một loạt video bị rò rỉ trên mạng Internet tiết lộ việc lạm dụng tình dục và thể chất tại một bệnh viện nhà tù ở vùng phía tây nam nước Nga gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Một số người còn đang trong quá trình bị truy tố. Phát biểu với truyền thông địa phương hôm 10/11, Anton Efarkin, quyền trưởng cơ quan quản lý dịch vụ nhà tù khu vực Saratov, nói rằng chính phủ đang đưa ra các hình thức trừng phạt đối với những đối tượng đã ngược đãi tù nhân.
Ông Vladimir Osechkin, nhà sáng lập Gulagu.net, nói với hãng tin RT rằng họ sẽ tiếp tục công bố các video mới, liên quan tới một số nhà tù khác. Trước đó vào ngày 10/11, tổ chức nhân quyền này đã công bố một đoạn video ghi hình tại cơ sở điều trị bệnh lao Saratov.
Trả lời câu hỏi trước báo chí về đoạn video, phát ngôn viên Peskov xác nhận rằng các cuộc điều tra đã được tiến hành và mọi yếu tố đều được tính đến. "Chúng tôi đang rà soát lại các hoạt động ở các nhà tù và đã ghi nhận các chuyển biến tích cực. Chúng tôi cũng cũng đang nghiên cứu các tình tiết mới," quan chức Điện Kremlin cho biết.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Điện Kremlin mới đây đã lên án truyền thông phương Tây "kích động căng thẳng vô căn cứ" khi nhiều hãng tin cho rằng Nga đe dọa tấn công Ukraine, Vnexpress dẫn nguồn AP đưa tin.
Đơn vị Biên phòng Ukraine. Ảnh: Bộ Nội vụ Ukraine.
Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh: "Nga không đe dọa bất kỳ quốc gia nào. Quân đội được điều động trong lãnh thổ Nga không ảnh hưởng tới bất kỳ ai".
Ông Peskov tái khẳng định nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia của Nga trước những diễn biến gây hấn gần biên giới. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng chỉ trích hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đen và những chuyến bay do thám mà Mỹ cùng NATO thực hiện.
Bộ Y tế Campuchia ngày 13/11 đã phát cảnh báo về hậu quả chết người của việc uống thức uống pha với dung dịch sát khuẩn có cồn, Phnom Penh Post đưa tin.
Quyết định này được đưa ra sau sự cố ngộ độc hôm 11/11 ở thị trấn Poipet, tỉnh Banteay Meanchey khiến 7 lao động nhập cư thiệt mạng và nhiều người khác phải nhập viện do uống đồ độc hại chứa dung dịch sát khuẩn.
Phnom Penh Post dẫn nguồn tin quan chức địa phương cho biết, tổng cộng có 25 lao động nhập cư đã uống loại thức uống chết người tại trung tâm cách ly ở Poipet và xác nhận được thông tin 7 người đã thiệt mạng.
Sau khi sự cố xảy ra, một đội phản ứng nhanh và các chuyên gia y tế đã tiến hành khám sức khỏe cho mọi người ở khu cách ly và thông báo cho họ về tình hình vụ việc.
Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng đã cảnh báo người dân không được pha trộn hoặc uống nước hoặc nước giải khát với các dung dịch sát khuẩn có cồn. Ông nhấn mạnh rằng, những chất này được điều chế đặc biệt cho mục đích diệt khuẩn và ngăn ngừa bệnh tật lây lan.
"Chính quyền địa phương ở các cấp từ xã tới tỉnh phải triển khai lực lượng giám sát và ngăn ngừa việc bán đồ có cồn mà không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, đồng thời tuyên truyền cho người dân vì sao họ không nên sử dụng cồn methanol để pha những loại đồ uống có thể gây ngộ độc hoặc mất mạng", ông Mam Bun Heng cho hay.
Ngày 12/11, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, đã diễn ra cuộc bầu cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) trong khuôn khổ khoá họp 76 của Đại hội đồng LHQ.
Tại đây, 34 thành viên ủy ban được chọn lựa cho nhiệm kỳ 2023-2027. Đại diện Việt Nam tham gia ứng cử là PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên đương nhiệm của ILC khóa 2017-2021.
Kỳ bầu cử ILC năm nay được đánh giá có tính cạnh tranh cao ở các khu vực, như Đông Âu (7 ứng cử viên cho 3 vị trí), Tây Âu và châu Á – Thái Bình Dương (11 ứng cử viên cho 8 vị trí). Ngoài Việt Nam, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn có các ứng viên từ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Lebanon, Síp, và Sri Lanka.
Bộ Ngoại giao cho biết, vượt qua các ứng cử viên mạnh khác trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau ứng cử viên từ Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
Điều này đã phản ánh sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và với Việt Nam nói chung, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh như biến đổi khí hậu, đại dịch, các vấn đề an ninh mạng…, yêu cầu có sự nghiên cứu và xây dựng, định hình các quy định pháp lý một cách kịp thời, sâu sát từ diễn đàn pháp lý quốc tế lớn nhất hiện nay.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây