Cập nhật lúc

Hà Nội liệu có giãn cách? - Ổ dịch cộng đồng ở Thanh Hóa có 21 học sinh là F0

Cập nhật nhanh và chính xác nhất diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội,TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước ngày 4/12.

Hà Nội liệu có giãn cách? - Ổ dịch cộng đồng ở Thanh Hóa có 21 học sinh là F0
30
 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  •  

    Một người từ Hà Nội vào Quảng Trị tử vong tại bệnh viện, dương tính với Covid-19

    Ngày 4/12, nguồn tin của Thanh Niên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, có 2 bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu khó thở. Trong đó, bệnh nhân T.V.T đau ngực dữ dội, tử vong sau khi vào viện gần 2 giờ đồng hồ, kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

    Bệnh nhân T.V.T trước đó khai thông tin 41 tuổi, trú Hà Nội. Người còn lại là N.V.M, 32 tuổi, trú Nghệ An. Cả hai cùng làm việc tại một công ty ở Hà Nội, vào Quảng Trị công tác.

    Bệnh nhân M. cũng dương tính với Covid-19, hiện đã được chuyển lên điều trị tại BV lao phổi tỉnh Quảng Trị.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Sóc Trăng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng để điều trị F0 tại nhà

    Ngày 4/12, thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị hỗ trợ nhân lực phục vụ công tác điều trị F0 tại nhà.

    Để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động để thực hiện điều trị F0 tại nhà. Hiện tại, ngành y tế đã huy động toàn bộ lực lượng y bác sĩ ngày đêm túc trực chống dịch.

    "Tuy nhiên, với nguồn nhân lực còn hạn chế, UBND tỉnh đề nghị đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ tăng cường 220 bác sĩ, điều dưỡng (trong đó gồm 50 bác sĩ và 170 điều dưỡng) để đảm bảo cho công tác điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng", văn bản nêu rõ.

    Theo Vietnamnet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Thủ tướng ra công điện ứng phó dịch bệnh khi xuất hiện biến chủng mới

    Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tại một số nước xuất hiện biến chủng mới Omicron, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1677/CĐ-TTg ngày 4-12-2021 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

    Công điện nêu rõ: sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

    Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tại một số nước đã xuất hiện biến chủng mới Omicron.

    Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

    Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Hà Nội liệu có tính phương án giãn cách diện rộng?

    Ngày 4/12, một lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân khiến F0 gia tăng "kỷ lục" là do bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Nhiều người dân chưa thực sự tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, vẫn thường xuyên tụ tập đông người. 

    Theo dự báo, thời gian tới, số ca Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, nếu người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch sẽ góp phần "chặn đứng" sự "leo thang" của dịch bệnh. 

    Hiện trong bối cảnh F0 gia tăng nhanh, Hà Nội đã thay đổi trong chiến lược chống dịch, đặc biệt các biện pháp cách ly, điều trị. Thành phố đã cho phép cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà. 

    Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong tình hình mới, Hà Nội luôn bám sát theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Theo đó, thành phố sẽ có các biện pháp chống dịch Covid-19 phù hợp với từng cấp độ dịch cụ thể. Mặc dù số F0 tăng nhưng Thủ đô sẽ không giãn cách diện rộng như trước đây.

    "Bên cạnh các biện pháp của chính quyền, ý thức của người dân là một yếu tố rất quan trọng để thành phố có thể kiểm soát Covid-19 hiệu quả", lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Ngày 4/12, Hà Nội phát hiện số ca mắc Covid-19 đạt 'đỉnh' kể từ đầu dịch

    Ngày 4/12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày, thành phố phát hiện thêm 628 ca mắc Covid-19, trong đó, 190 ca cộng đồng, 338 ca ở khu cách ly, 109 ca ở khu phong tỏa.

    So với ngày hôm qua, hôm nay, số ca mắc đã tăng mạnh và số ca trong cộng đồng cũng tăng cao.

    Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đầu dịch, trong vòng 24h, Hà Nội ghi nhận trên 600 ca mắc Covid-19. Như vậy, trong hơn 1 tuần qua, số ca mắc tại Hà Nội được phát hiện trong 24h liên tục lập 'kỷ lục mới'.

    Số ca mới tăng phi mã, Hà Nội lập đỉnh kể từ đầu dịch. Ca tử vong tăng, yêu cầu tiêm gấp mũi 3 - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Ngày 4/12, có thêm 13.998 ca COVID-19 mới tại 57 tỉnh, thành phố

    Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.636), Cần Thơ (998), Tây Ninh (787), Bến Tre (762), Bình Thuận (626), Đồng Tháp (624), Bà Rịa - Vũng Tàu (620), Cà Mau (568), Bạc Liêu (565), Bình Phước (562), Vĩnh Long (552), Kiên Giang (498), Khánh Hòa (467), Hà Nội (455), Đồng Nai (433), Thừa Thiên Huế (335), An Giang (319), Bình Dương (319), Trà Vinh (301), Hậu Giang (288), Tiền Giang (209), Bình Định (203), Gia Lai (180), Hà Giang (140), Bắc Ninh (119), Đắk Nông (116), Đà Nẵng (104), Thanh Hóa (103), Long An (91), Thái Nguyên (82), Hải Phòng (81), Ninh Thuận (76), Hưng Yên (65), Nghệ An (61), Quảng Nam (59), Hải Dương (55), Phú Yên (52), Phú Thọ (49), Vĩnh Phúc (44), Đắk Lắk (42), Quảng Ngãi (41), Yên Bái (40), Nam Định (39), Quảng Trị (34), Thái Bình (27), Quảng Bình (25), Tuyên Quang (25), Hà Tĩnh (21), Hòa Bình (20), Quảng Ninh (20), Bắc Giang (20), Lào Cai (11), Hà Nam (8 ), Cao Bằng (8 ), Ninh Bình (6), Sơn La (1), Bắc Kạn (1).

    - Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (336), Đắk Lắk (129), Hải Phòng (117).

    - Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (325), Bạc Liêu (231), Thừa Thiên Huế (207).

    - Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.784 ca/ngày.

    Số ca mới tăng phi mã, Hà Nội lập đỉnh kể từ đầu dịch. Ca tử vong tăng, yêu cầu tiêm gấp mũi 3 - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Ổ dịch cộng đồng có 21 học sinh mắc Covid-19

    Chiều 4/12, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong 24 giờ qua (tính từ 16 giờ ngày 3-12 đến 16 giờ ngày 4-12), trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 103 bệnh nhân mắc Covid-19 mới.

    Đáng chú ý, ngoài các ổ dịch đã được phát hiện trước đó, Thanh Hóa ghi nhận thêm 1 ổ dịch mới rất phức tạp tại huyện Vĩnh Lộc khiến 27 người mắc Covid-19.

    Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Vĩnh Lộc, 10 giờ 30 phút ngày 3-12, cháu Đ.T.B. (ngụ thôn 6, xã Vĩnh Hưng, là học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc), có biểu hiện ho, sốt đến Trạm Y tế xã Vĩnh Hưng khám và được test nhanh cho kết quả dương tính.

    Ngay lập tức, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, điều tra truy vết các trường hợp có liên quan đến trường hợp nghi mắc này; đồng thời lấy mẫu RT-PCR gửi CDC tỉnh Thanh Hóa làm xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19 lúc 20 giờ ngày 3-12.

    Ngay trong đêm 3-12, tất cả học sinh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh Đ.T.B. đã được lấy mẫu tầm soát. Đến 16 giờ ngày 4-12, CDC tỉnh Thanh Hóa thông báo đã có 27 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 19 học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc, 2 học sinh Trường THCS Vĩnh Phúc.

    Theo Người lao động

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Sức khỏe các sản phụ mắc Covid-19 trong chuỗi lây nhiễm tại BV Phụ Sản Trung ương

    Trao đổi với VietNamNet chiều 4/12, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết các F0 này đang được điều trị tại Khoa Ngoại Sản. Đa số họ có sản bệnh như rau cài răng lược, rau tiền đạo,…, một số trường hợp sắp tới ngày dự sinh.

    Hiện người bệnh được theo dõi sát, điều trị Covid-19 song song bệnh lý sản khoa. "Đến nay, sức khỏe của tất cả bệnh nhân đều ổn định", đại diện bệnh viện thông tin.

    Được biết, phụ nữ có thai là đối tượng nguy cơ cao diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 bởi hệ miễn dịch kém. Bên cạnh đó, do vừa mắc bệnh lý sản khoa, vừa nhiễm Covid-19, các sản phụ đa số có tâm lý lo lắng. "Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao từng diễn biến của người bệnh, chuẩn bị cho các tình huống để xử trí kịp thời", đại diện bệnh viện nói.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Đà Nẵng: Hơn 100 ca Covid-19 mới trong ngày, số ca cộng đồng vẫn ở mức cao

    Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng chiều 4/12 cho VTC News biết, trong ngày, thành phố ghi nhận 104 người mắc Covid-19, gồm 61 ca đang cách ly, 12 ca trong khu phong tỏa và 31 ca chưa cách ly.

    Hầu hết trong 31 ca chưa cách ly là những người đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế, gồm: Phòng khám Ân Đức 4, Phòng khám Thiện Nhân 2, Bệnh viện 199 Bộ Công an 6, Trung tâm Y tế (TTYT) Liên Chiểu 3, Phòng khám Hòa Khánh 1, TTYT Thanh Khê 1, Bệnh viện Tâm Trí 5, Phòng khám Y Đức 3, Bệnh viện Phụ sản - Nhi 2, Trạm Y tế Hòa Minh 1, TTYT Sơn Trà 1.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Lâm Đồng ngày 4.12: Số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục gia tăng

    Trưa 4.12, Sở Y tế Lâm Đồng cho Thanh Niên biết ghi nhận thêm 150 ca Covid-19 mới và ra thông báo khẩn số 123 tìm những người đến các địa điểm nguy cơ liên quan đến trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng và từ du khách đến TP.Đà Lạt tham quan du lịch. 

    Trong đó tại TP.Đà Lạt có 42 điểm và TP.Bảo Lộc 5 điểm. Trong số 150 ca nhiễm mới có đến 81 ca phát hiện trong cộng đồng.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Hơn 700 mẫu xét nghiệm ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương âm tính

    "Kết quả xét nghiệm hơn 700 mẫu toàn bộ bệnh nhân, người nhà, các đối tượng khác còn lại ở các tòa nhà ngoài toà BC của BV Phụ sản Trung ương đều âm tính.

    Chiều nay, bệnh viện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà tại toà BC; các tòa nhà, khoa phòng khác sẽ lấy mẫu trong ngày tiếp theo", PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho VTC News biết.

    Theo ông Cường, trước đó tối 3/12, từ ca bệnh chỉ điểm, bệnh viện xác định 25 ca COVID-19. Trong đó, 16 ca là bệnh nhân, 8 ca  là người nhà bệnh nhân và 1 là nhân viên y tế. Các bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện sức khoẻ của 16 bệnh nhân là các sản phụ đều bình thường.

    Ngoài ra, bệnh viện cũng đang cách ly tại chỗ cho 83 F1, trong đó có 22 là bệnh nhân, 12 là người nhà bệnh nhân và 49 nhân viên y tế.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Về quê tránh dịch, cha tử vong, con trai mất tích khi đi mưu sinh trên sông

    Ngày 4/12, lãnh đạo UBND xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho TTXVN biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khi dùng ghe đi đánh cá trên sông.

    Thi thể người cha đã được tìm thấy, các thợ lặn là ngư dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm người con.

     

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Bệnh nhân Covid-19 nặng vẫn còn những triệu chứng dai dẳng

    Bệnh nhân T.N.L (27 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) từng diễn biến nặng phải nằm điều trị ICU; sau ra viện hơn 2 tuần bệnh nhân vẫn phải chống chọi với các triệu chứng "hậu Covid-19". Bệnh nhân sút cân, gầy rộc, đi lại còn khó khăn, nhịp tim nhanh. Vẫn "bám sát" bác sĩ từng ngày, bệnh nhân phải liên tục nhắn tin cho bác sĩ để nhờ theo dõi diễn biến các triệu chứng, tập luyện theo hướng dẫn để hồi phục.

    Hay bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) cũng gặp tình trạng suy nhược cơ thể sau khi xuất viện, tuy đã khỏi bệnh và đủ điều kiện ra viện nhưng bệnh nhân vẫn chưa thở được như bình thường.

    Ths.BS Lê Xuân Hà (BV Hữu Nghị) chia sẻ: "Tình trạng "hậu Covid-19" với các bệnh nhân đã chữa khỏi Covid-19 cũng là vấn đề đáng quan tâm; một số người bệnh các triệu chứng này còn kéo dài, dai dẳng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của họ. Chúng tôi vẫn đang theo dõi cho các bệnh nhân sau ra viện, thậm chí vẫn phải theo dõi các chỉ số hàng ngày cho bệnh nhân".

    Thời gian gần đây, khi số lượng ca bệnh Covid-19 tăng cao, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, vì vậy việc chăm sóc cho người bệnh sau xuất viện cũng là vấn đề cần quan tâm. Bởi các triệu chứng "hậu Covid-19" thậm chí còn phức tạp không kém khi bệnh nhân đang điều trị.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Lào Cai đang truy vết, xác định nguồn lây nhiễm SARS -CoV-2

    Trung tâm Chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến 11 giờ ngày 4/12, Lào Cai ghi nhận thêm 10 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng là học sinh trên địa bàn thành phố Lào Cai, chưa rõ nguồn lây. Hiện các trường hợp này đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.

    10 học sinh này đều có địa chỉ thường trú tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, là học sinh Trường Trung học cơ sở Kim Tân, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Ngày 4/12, các em được xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả học sinh này đều chưa đủ tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19.

    Hiện các cơ quan chuyên môn đang truy vết, xác định nguồn lây; xử lý, phun tiêu độc khử trùng tại các địa điểm có liên quan đến ca bệnh. Lào Cai nhận định, thời gian tới có thể xuất hiện thêm các ca bệnh do tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp.

    Theo báo Tin tức

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Lo ngại biến thể Omicron, hàng không đề nghị khẩn dừng chuyến bay từ 10 nước châu Phi

    Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 8706 giao các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm soát biến chủng Omicron.

    Trong đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT và các bộ, ngành kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này vào nước ta.

    Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới vào Việt Nam, Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép dừng các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi (Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia ) đến Việt Nam.

    Đồng thời, cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Tung tin 50 học sinh cấp cứu sau tiêm vắc xin, một cá nhân bị phạt 7,5 triệu đồng

    Ngày 3/12, Công an Tỉnh Bắc Giang cho hay, Công an huyện Sơn Động đã phát hiện tài khoản "Cuộc sống phẳng" đăng bài lên mạng xã hội Facebook với nội dung không đúng sự thật liên quan đến tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 trên địa bàn huyện, gây dư luận, ảnh hưởng xấu đến cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn huyện Sơn Động.

    Hà Nội: Số ca mới tăng phi mã, vượt lên cao top đầu cả nước. Tử vong tăng, yêu cầu tiêm gấp mũi 3 - Ảnh 1.

    Hình ảnh bài đăng sai sự thật trên mạng Facebook

    Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Công an huyện đã tổ chức xác minh, đến ngày 02/12/2021 xác định được đối tượng tung tin sai sự thật trên là T. V. D (SN 1995, HKTT tại xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động).

    Công an huyện Sơn Động đã lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính đối với T.V.D theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101 của Mục 3, Chương V Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền 7,5 triệu đồng.

    Theo Tiền Phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Đà Nẵng dừng tất cả chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ thành phố

    Ngày 4/12, Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho VTV News biết, từ 12h hôm nay, Đà Nẵng sẽ dừng hoạt động tất cả 17 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Sau khi dừng các chốt này, Đà Nẵng chỉ duy trì 5 chốt ở ga đường sắt Đà Nẵng, Bến xe Trung Tâm, cảng Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang, ga nội địa - Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng.

    Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở thành phố có xu hướng tăng nhanh và đã vượt mốc hơn 100 ca/ngày, trong đó có nhiều trường hợp cộng đồng. Trước tình hình đó, tối 3/12, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng ban hành công văn tăng cường thực hiện biện pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19".

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Nhiều F0 là nhân viên y tế: Hà Nội tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn bệnh viện

    Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn bệnh viện và nhân viên y tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

    Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường xuyên đánh giá và tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện tiêu chí bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế; Giám sát, đánh giá sự tuân thủ của nhân viên y tế, bệnh nhân, người chăm sóc trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch của cơ sở y tế.

    Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tập trung rà soát, củng cố, siết chặt khâu sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm đối với người ra hoặc vào, điều trị nội trú, ngoại trú tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các cơ sở khám, chữa bệnh phải bố trí sẵn sàng buồng hoặc phòng cách ly tạm thời tại các khoa lâm sàng để sử dụng, ban hành quy định nội bộ về sử dụng buồng cách ly, lối đi tách biệt từ buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc lên buồng cách ly tại các khoa lâm sàng.

     

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    TP HCM: Mở chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ để giảm nguy cơ mắc, tử vong do Covid-19

    Theo phân tích của Sở Y tế TP HCM Số ca tử vong do mắc Covid-19 tại thành phố chủ yếu là người có bệnh nền và ở độ tuổi từ 50 trở lên. Để hướng đến mục tiêu giảm mắc và giảm nguy cơ tử vong do Covid-19 thành phố sẽ triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ. Chiến dịch này dự kiến triển khai trong vòng một tháng (từ nay đến ngày 31/12/2021) bao gồm:

    Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên).

    Căn cứ vào danh sách được lập, Trung tâm y tế triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho từng thành viên của các hộ gia đình nêu trên.

    Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ, khuyến khích người F0 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.

    Nếu phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cấp phát thuốc kháng vi rút cho người F0 và cách ly tại nhà (nếu người F0 có nguyện vọng).

    Đối với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vắc xin cho những người chưa tiêm.

    Đối với người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi), có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất 6 tháng.

    Hà Nội: Số ca mới tăng phi mã, vượt lên cao top đầu cả nước. Tử vong tăng, yêu cầu tiêm gấp mũi 3 - Ảnh 1.

    Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ để giảm nguy cơ mắc, tử vong do Covid-19 - Ảnh minh hoạ.


    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3

    Liên quan tới vấn đề tiêm chủng mũi 3, Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết một số quốc gia (Châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore...) đã cho tiêm mũi 3 để cải thiện hiệu quả của vắc xin Covid-19 cũng như tăng cường bảo vệ trước những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

    Với những người từ 18 tuổi trở lên, mũi 3 vắc xin của Pfizer hoặc Moderna được tiêm 6 tháng sau mũi tiêm thứ hai; đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, khoảng cách tối thiểu là 28 ngày sau mũi tiêm thứ hai.

    Đối với mũi tiêm thứ 3, đối tượng cần ưu tiên tiêm là người già và người bệnh có nền vì đây là nhóm người có hệ miễn dịch yếu, tính sinh miễn dịch của vắc xin có thể kém hơn người trẻ và người khỏe mạnh, đồng thời là nhóm người dễ có những biến chứng nặng bệnh Covid-19 nếu nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    KHẨN: Hà Nội tìm người từng đến phòng công chứng ở Ba Đình, một BV tạm dừng nhận bệnh nhân

    Người dân đã có mặt tại 5 địa điểm dưới đây trong các khoảng thời gian sau cần tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội (số điện thoại: 0969.082.115/ 0949.396.115) để được hướng dẫn, tư vấn các biện pháp phòng dịch:

    Văn phòng công chứng 165 Giảng Võ, Ba Đình từ 17h đến 20h30 ngày 23/11.

    Quán Pane e Vino, số 3 Nguyễn Khắc Cần, Hoàn Kiếm vào 18h ngày 26/11.

    Bệu quán, số 19 Hàng Lược, Phường Hàng Mã, Quận Hoàn Kiếm tối ngày 29/11.

    El Gaucho, 11 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm vào 18h ngày 29/11.

    Quán Phở Cuốn Hương Mai Ngũ Xã, số 25, 27 Ngũ Xã, Trúc Bạch, Ba Đình vào trưa ngày 30/11.

    Hà Nội: Số ca mới tăng phi mã, vượt lên cao top đầu cả nước. Tử vong tăng, yêu cầu tiêm gấp mũi 3 - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Sáng 4/12, Nghệ An ghi nhận 37 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 2 ca cộng đồng

    Sáng 4/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An thông tin: Trong 12 giờ qua (Từ 18h00 ngày 3/12 đến 06h00 ngày 4/12), Nghệ An ghi nhận 37 ca dương tính mới với Covid-19 tại 12 địa phương (Đô Lương: 06, TP. Vinh: 05, Nghi Lộc: 04, Diễn Châu: 04, Hoàng Mai: 04, Thanh Chương: 04, Quỳnh Lưu: 03, Nghĩa Đàn: 02, Con Cuông: 02, Hưng Nguyên: 01, Yên Thành: 01, Thái Hòa: 01).

    Đáng chú ý, trong đó có 02 ca cộng đồng (TP. Vinh: 01, Quỳnh Lưu: 01); 01 ca lái xe đường dài; 34 ca đã được cách ly từ trước (01 ca trong khu phong tỏa, 25 ca là F1, 08 ca từ các tỉnh miền Nam về). Ghi nhận có 19 ca có triệu chứng, 18 ca không có triệu chứng.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Tây Ninh là 1 trong 5 tỉnh có F0 nhiều nhất cả nước

    Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (475.182), Bình Dương (283.589), Đồng Nai (88.726), Long An (38.516), Tây Ninh (30.904).

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Lên phương án chống dịch phù hợp biến chủng mới

    Trong thời gian từ nay đến hết ngày 31-12, Bộ Y tế dự kiến tiếp nhận khoảng 63,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 các loại, trong đó có trên 40 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho người trên 18 tuổi và trẻ em, bảo đảm bao phủ đủ mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Trước tình trạng tại một số địa phương, đơn vị xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan trong việc thực hiện 5K trong khi tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp tại cộng đồng, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron tại một số quốc gia, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19.

    Theo đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp 5K, việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Cụ thể, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế về tiếp nhận, quản lý, bảo quản, sử dụng vắc-xin, tổ chức buổi tiêm chủng... Đồng thời, triển khai các hoạt động kiểm tra, thanh tra về giá kit xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm, việc kinh doanh và sử dụng các thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch theo đúng quy định.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Tử vong tăng, Thủ tướng yêu cầu tiêm gấp mũi 3, chuyển ngay thuốc kháng virus

    Để giảm thiểu số ca tử vong do Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định.

    Trong đó đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền, chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất. Triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.

    Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả những người bị nhiễm Covid-19 sử dụng ngay sau khi được xác định dương tính.

    Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 3-12 ghi nhận 200 ca tử vong, so với mức trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 3-12 (13.842 ca) là giảm 4,9%, số ca khỏi bệnh tăng 12,8%, số ca tử vong tăng 11,7%, số ca đang điều trị giảm 125%, số ca nặng tăng 9,2%.

    So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới tăng 32,7%, so sánh với tháng trước, số ca mắc mới tăng 149,8%. Trong tuần vừa qua đã có 2 ngày số tử vong lên trên 200 ca, là mức cao nhất từ tháng 10 trở lại đây.

    Theo Tuổi Trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Hà Nội: 3 phường ở quận trung tâm chuyển 'màu cam'

    Ngày 3/12, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký thông báo về cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (tính đến 9h ngày 3/12).

    Theo đó, cấp độ dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội ở cấp độ 2.

    Có 7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng màu xanh) trong phòng, chống dịch gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa. Trước đó, trong thông báo ngày 27/11, Hà Nội có 19 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1.

    Như vậy, thành phố, giảm 12 quận, huyện ở cấp độ 1.

    Còn lại 23 quận, huyện ở cấp độ 2. Trong thông báo ngày 27/11, có 11 quận, huyện ở cấp độ 2. Như vậy, đã tăng thêm 12 quận, huyện ở cấp độ 2.

    Hà Nội: Số ca mới tăng phi mã, vượt lên cao thứ 3 cả nước. Ổ dịch BV Phụ sản TW đặc biệt lo ngại - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: ‘Chưa có cơ sở nói gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia’

    Trước thắc mắc của người dân liên quan đến việc mở bán rượu bia tại TP.HCM hiện nay, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết qua giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, tâm lý người dân bức bối nên việc mở lại rượu bia là nhu cầu chính đáng, đồng thời kinh tế cũng phát triển, do đó không thể đóng cửa vì dịch mãi.

    TP đã thí điểm, đánh giá từng bước một cách thận trọng để mở từ từ, đến nay TP đã có văn bản thứ 2 cho phép thí điểm mở dịch vụ này đến cuối tháng 12.

    "Chưa thấy cơ sở nào để nói rằng nó có nguy cơ lây nhiễm cao. Tất nhiên việc tiếp xúc gần, ăn uống với nhau… nguy cơ cao hơn, song chưa có cơ sở để nói tất cả gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia này. Thành ra, cũng không có cơ sở để quá lo lắng, nhưng vẫn thận trọng, vì vậy TP tiếp tục giao trách nhiệm để Sở Công thương và các quận huyện theo dõi" - Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phương đánh giá.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Hà Nội: Chùm ca bệnh BV Phụ sản TW tăng lên 25 F0, có thể đã qua 2-3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch toàn viện

    Trong cuộc họp chiều 3/12 với bệnh viện, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, ổ dịch đã qua 2-3 chu kỳ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong toàn bệnh viện.

    Do đó, ông Khoa yêu cầu đẩy nhanh xét nghiệm, ít nhất 3 ngày/ lần để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

    Phó Cục trưởng ủng hộ phương án bệnh viện giãn cách tối đa người đang ở lại toà nhà BC và đề nghị tuân thủ nghiêm "ai ở đâu ở yên đấy". Tuyệt đối không giao lưu trong các khoa, phòng với nhau.

    Với hơn 15 F0 là các bệnh nhân mắc các bệnh lý sản khoa có nguy cơ tăng nặng, ông Khoa đề nghị Bệnh viện Phụ sản Trung ương liên tục hội chẩn, phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) để điều trị cho các trường hợp này.

    PGS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay hiện các F0 có sức khoẻ ổn định, chưa có triệu chứng.

    Hà Nội: Số ca mới tăng phi mã, vượt lên cao thứ 3 cả nước. Ổ dịch BV Phụ sản TW đặc biệt lo ngại - Ảnh 1.

    Ảnh: báo Tin tức

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Lo ngại ca mắc Hà Nội tăng rất nhanh, đặc biệt thời điểm cuối năm

    Trong 1 tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng rất nhanh. Từ ngày 25/11 đến ngày 2/12, Hà Nội ghi nhận tới gần 2.300 ca mắc mới, cao điểm ngày 2/12, Hà Nội lần đầu ghi nhận ca mắc trong 24 giờ vượt mốc 500. 

    Tuần qua, trung bình mỗi ngày Thủ đô có thêm hơn 320 ca bệnh, 40% trong tổng ca mắc là ca cộng đồng. Chưa kể, trong các ca cộng đồng, tỷ lệ ca mắc thứ phát chiếm tới 70%. 

    Điều đáng lo ngại nữa là trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người… Chưa kể, khi vào những tháng cuối năm, các hoạt động giao thương kinh tế - xã hội, nhu cầu di chuyển của người dân vào thành phố Hà Nội nhiều hơn, số ca nhiễm dự báo tiếp tục tăng nhanh.

    Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số mắc tăng lên là "khó tránh khỏi", điều này nằm trong dự liệu của chính quyền.

    Thành phố đã xây dựng kịch bản tình huống có 100.000 ca mắc. Ý thức phòng dịch không chủ quan của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  •  

    Tối 3/12 thêm 13.670 ca, Hà Nội 791 ca vượt lên cao thứ 3 cả nước

    Bản tin Bộ Y tế tối 3/12 cho biết cả nước ghi nhận 13.670 ca nhiễm mới, gồm 9 ca nhập cảnh và 13.661 ca ghi nhận trong nước, có 8.628 ca trong cộng đồng.

    Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (1.311), Cần Thơ (982), Hà Nội (791), Sóc Trăng (791), Tây Ninh (779), Đồng Tháp (608), Bình Thuận (581), Bến Tre (571), Vĩnh Long (564), Bà Rịa - Vũng Tàu (560), Đồng Nai (496), Cà Mau (489), Bình Phước (477), Khánh Hòa (450), Kiên Giang (350), Bạc Liêu (334), Bình Dương (302), An Giang (285), Trà Vinh (226), Bình Định (204), Hải Phòng (198), Hậu Giang (192), Đắk Lắk (171).

    Hà Nội: Số ca mới tăng phi mã, vượt lên cao thứ 3 cả nước. Ổ dịch BV Phụ sản TW đặc biệt lo ngại - Ảnh 1.
    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại