Theo VNE, thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson và Abraham Lincoln bắt đầu diễn tập phối hợp trên Biển Đông từ ngày 23/1 nhằm "củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu".
Theo đó, các nội dung diễn tập gồm thông tin liên lạc, chống tàu ngầm, tác chiến đường không, tiếp dầu và hậu cần trên biển, phối hợp giữa các phi đoàn trên hạm và xâm nhập vùng biển đối phương, nhằm: "Củng cố hoạt động phối hợp trên biển và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Việc diễn tập được tiến hành trên vùng biển quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế".
Các tàu USS Abraham Lincoln và USS Carl Vinson đều có lượng giãn nước trên 100.000 tấn, được xếp vào diện "siêu tàu sân bay" của Mỹ.
Trước đó, hai siêu chiến hạm này đã diễn tập cùng cặp tàu đổ bộ tấn công USS America và USS Essex, cùng tàu sân bay trực thăng Nhật Bản JS Hyuga ở Biển Philippines.
Các tàu USS Abraham Lincoln và USS Carl Vinson. Ảnh: US Navy.
Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Ngày 12/1, Mỹ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển, trong đó bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chiều 14/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển.
"Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển", bà Lê Thị Thu Hằng nói. "Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Theo đó Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)".
Người phát ngôn Việt Nam nhấn mạnh: "Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ", bà Hằng cho biết.