*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 22/11 có những diễn biến gì đáng chú ý?
Kho dự trữ nhôm đặt tại Việt Nam này đủ lớn để chấm dứt tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. Tuy nhiên, nó không thể được sử dụng, trở thành biểu tượng của một thị trường nhôm đang hết sức rối ren.
Cách TP.HCM khoảng một giờ lái xe về phía đông là một khu công nghiệp với những đống kim loại thô khổng lồ được che phủ bằng những tấm bạt đen. Trải dài hàng km, khối tải sản được nhiều người thèm muốn này có thể trị giá khoảng 5 tỷ USD theo giá nhôm hiện tại.
Trong thế giới của những người kinh doanh nhôm, họ cho rằng kho dự trữ nằm ở Việt Nam này là kho lớn nhất mà họ từng thấy. Tuy nhiên, trong khi nguồn cung của thị trường đang thiếu hụt trầm trọng, người ta không kỳ vọng kho dự trữ này có thể sớm được giải phóng ra thị trường.
Duncan Hobbs, nhà phân tích của Concord Resources, cho biết kho dự trữ này tương đương với toàn bộ mức độ tiêu thụ nhôm hàng năm của Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. "Chúng ta đang chứng kiến mức thâm hụt lớn nhất trên thị trường thế giới trong ít nhất 20 năm qua. Kho dự trữ này không chỉ lấp đầy khoản thâm hụt đó mà còn dư ra".
Kho dự trữ nhôm trị giá 5 tỷ USD tại Việt Nam. Ảnh: Google Maps.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tại sao làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 5 và cũng là đợt dịch lớn nhất ở Nhật Bản - gây ra bởi biến thể Delta siêu lây lan - đột ngột kết thúc sau khi số ca nhiễm tăng ở mức tưởng chừng như không thể ngăn cản nổi?
Và điều gì đã khiến Nhật Bản trở nên khác biệt so với các nước phát triển khác, hiện đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng đột biến?
Theo một nhóm các nhà nghiên cứu, câu trả lời đáng ngạc nhiên có thể là do biến thể Delta đã có một sự phát triển theo hướng "tự sát".
Ba tháng sau khi biến thể Delta gây ra kỷ lục gần 26.000 ca nhiễm mới trên cả Nhật Bản hàng ngày, các ca nhiễm COVID-19 mới ở Nhật Bản đã giảm mạnh, giảm xuống dưới 200 trong những tuần gần đây. Sự sụt giảm số ca nhiễm mới còn theo cùng với việc không có trường hợp tử vong nào được báo cáo vào ngày 7/11 - đây là lần đầu tiên việc này xảy ra trong khoảng 15 tháng qua.
Nhiều chuyên gia chỉ ra nhiều khả năng khác nhau, bao gồm một trong những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các nước tiên tiến với 75,7% cư dân được tiêm chủng đầy đủ tính đến hết tuần trước. Các yếu tố có lợi khác là các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang hiện đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản.
Giả thuyết của ông Inoue sẽ phần nào lí giải cho sự biến mất bí ẩn của biến thể Delta đang lan rộng ở Nhật Bản.
Trong khi hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự, bao gồm cả Hàn Quốc và một số nước phương Tây, đang phải hứng chịu những đợt nhiễm bệnh mới cao kỷ lục, thì Nhật Bản dường như là một trường hợp đặc biệt khi các ca nhiễm COVID-19 vẫn không thuyên giảm bất chấp các chuyến tàu và nhà hàng đều chật kín người sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp gần đây nhất.
Ông Inoue cho biết: "Nếu virus còn phát triển tốt, các ca bệnh chắc chắn sẽ tăng lên vì việc đeo khẩu trang và tiêm chủng không ngăn ngừa được sự lây nhiễm bùng phát trong một số trường hợp".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Twitter
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, Nghị quyết 2758 - khôi phục địa vị pháp lý của Trung Quốc của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
5 tháng sau khi được bàn giao (vào tuần sau), tàu nghiên cứu 6.880 tấn của Đại học Trung Sơn dự kiến tới Biển Đông để "khảo sát khoa học" trong 3 lĩnh vực gồm khí quyển, đại dương và sinh học.
Mục đích của cuộc khảo sát là để "cung cấp thông tin khoa học để hiểu biết, bảo vệ và phát triển khu vực", truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay đưa tin. Khu vực dự kiến triển khai của tàu Đại học Trung Sơn chưa được công bố.
Tàu nghiên cứu và đào tạo hàng hải Đại học Trung Sơn, thuộc ngôi trường cùng tên, tới cảng Châu Hải Cao Lan tại tỉnh Quảng Đông ngày 21/11, đánh dấu quá trình bắt đầu vận hành sau khi được bàn giao cho đơn vị chủ quản vào hồi tháng 6.
Tàu Đại học Trung Sơn có lượng giãn nước 6.880 tấn, dài 114.3m và rộng 19.4m và là tàu nghiên cứu đại dương lớn nhất của Trung Quốc.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên cách đây một năm tại Ấn Độ hiện đang thống trị toàn cầu. Các nhà khoa học lo ngại rằng sau Delta, sẽ có một siêu biến chủng mới áp đảo nó.
Hàng tuần, một nhóm các nhà dịch tễ học ở phía đông bắc Mỹ sẽ tham gia một cuộc họp qua Zoom để thảo luận về những manh mối liên quan đến các biến chủng COVID-19 mới được ghi nhận trên khắp thế giới. Ông William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết: "Nhiệm vụ này giống như việc dự báo thời tiết. Trước đây, chúng tôi đã từng thảo luận về biến chủng Gamma, Alpha, nhưng bây giờ chỉ toàn là Delta".
Kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã thống trị toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta hiện chiếm 99,5% tổng số trình tự gien của bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới.
Trong khi các chủng mới vẫn liên tục xuất hiện, như AY.4.2 (Delta Plus), nhưng nó vẫn chỉ được xem là một chủng phụ của Delta. Các nhà khoa học ước tính AY.4.2 có khả năng lây truyền cao hơn 10-15%, gần giống với biến thể Delta, ngoại trừ đột biến nhỏ kỳ lạ.
Mức độ lây nhiễm cao có thể làm tăng khả năng xuất hiện các siêu biến thể. Ảnh: PA
Trong nửa cuối năm 2020, các nhà dịch tễ học bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu của một hiện tượng đáng lo ngại, được gọi là tái tổ hợp virus. Trong đó, các phiên bản khác nhau của SARS-CoV-2 trao đổi các đột biến và kết hợp để tạo thành một chủng hoàn toàn mới.
Rất may, ông Gupta nói rằng sự tái tổ hợp này dường như không xảy ra thường xuyên, nhưng nó vẫn là một nguồn sản sinh ra một siêu biến thể mới. Đặc biệt, khi một số khu vực trên thế giới vẫn có tỷ lệ lớn dân số chưa được tiêm chủng và các chủng virus có thể vẫn đang lưu hành tự do.
"Hiện tại, Delta đang là chủng virus thống trị và kịch bản này trở nên ít có khả năng xảy ra hơn. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực trên thế giới, chúng ta chưa phân tích đủ dữ liệu và không biết điều gì đang xảy ra. Vì vậy, đây vẫn được xem là một khả năng", ông Gupta nói.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của Taliban Amir Khan Muttaqi đã kêu gọi Mỹ lập tức giải phóng tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan.
TOLOnews ngày 22-11 dẫn nguồn 1 cuộc phỏng vấn cho biết ông Muttaqi nói Mỹ không còn tham gia vào cuộc chiến với Afghanistan và việc đóng băng tài sản của Afghanistan là "không hợp lý".
Một số chuyên gia tin rằng việc đóng băng tài sản của Afghanistan ảnh hưởng đến người dân Afghanistan, những người đang gặp khó khăn vì những thách thức kinh tế nghiêm trọng. Chuyên gia phân tích Tajar Kakar nói: "Mùa đông đang đến gần. Người dân Afghanistan đang ở trong tình trạng rất tồi tệ khi nhiều người phải sống trong lều. Những đứa trẻ đang trong tình trạng nguy kịch. Thế giới nên nghĩ về người dân Afghanistan".
Trước đó, ông Muttaqi đã gửi 1 bức thư tới Quốc hội Mỹ để thúc giục các nhà lập pháp giải phóng tài sản của Afghanistan, nêu lý do kinh tế căng thẳng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan.
Trả lời bức thư này, ông Thomas West, đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan, nói "bức thư của Taliban " diễn đạt sai sự thật về cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo của đất nước. "Thật không may, Afghanistan đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ trước giữa tháng 8. Nó càng trở nên nghiêm trọng hơn vì chiến tranh, nhiều năm hạn hán và đại dịch Covid-19" - trích lời ông West.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Vị tổng thống của đảng Dân chủ vừa ký dự luật hạ tầng lớn nhất trong một thế hệ.
Và ông đã làm được điều đó sau khi thuyết phục được hai đảng Dân chủ và Cộng hoà vượt qua khác biệt và cạnh tranh, như lời ông đã hứa khi tranh cử hồi năm ngoái.
Nhưng khi ông đến New Hampshire vào tuần trước để quảng bá gói ngân sách 1 nghìn tỷ USD dưới chân một cây cầu ọp ẹp, không ai trong số các khách VIP có mặt hôm đó có tâm trạng ăn mừng, theo AP.
"Đảng Dân chủ đang bận tâm. Tôi lo chúng ta sẽ ở đâu trong vài năm tới", cựu chủ tịch hạ viện New Hampshire nói với AP.
Ông Shurtleff công khai nói đến điều mà nhiều người trong đảng Dân chủ đã thì thầm trong mấy tháng qua: vị thế chính trị của ông Biden quá yếu khi nhiệm kỳ tổng thống của ông chưa được 1 năm, đến nỗi ông có thể không đắc cử nếu tái tranh cử vào năm 2024. Nỗi lo đó không chỉ có ở Washington mà đã lan ra các bang và khu vực bầu cử, những nơi đóng vai trò chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được Học viện Taekwondo Thế giới (Kukkiwon) tặng danh hiệu cửu đẳng huyền đai Taekwondo.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Kukkiwon Lee Dong-seop chụp ảnh lưu niệm tại khu dinh thự Mar a Lago hôm 20/11. Ảnh: DM
Lee Dong-seop - Chủ tịch Kukkiwon, đã có chuyến viếng thăm dinh thự Mar a Lago của ông Trump ở Palm Beach, Florida hồi cuối tuần qua. Tại đây, ông Lee Dong-seop đã trao chứng nhận cửu đẳng huyền đai - cấp đẳng cao nhất của Taekwondo thế giới, cho cựu Tổng thống Mỹ, cùng với đó là một bộ đồ võ phục Taekwondo.
"Tôi biết rằng ông Donald Trump là người rất say mê môn Taekwondo", Chủ tịch Lee nói, đồng thời đề nghị cựu Tổng thống Mỹ tiếp tục ủng hộ, hợp tác vì sự phát triển của Taekwondo và Kukkiwon. Được biết, chuyến đi tới Florida lần này của phái đoàn Kukkiwon là do cộng đồng người Hàn Quốc sắp xếp, tổ chức.
Khi COVID-19 tấn công Ukraine, một ca trực với bác sĩ Oleksandr Molchanov bây giờ kéo dài tới 42 tiếng, 24 tiếng trong đó anh ở bệnh viện và 18 tiếng tiếp theo là tại khu lều dã chiến đang phục vụ 120 bệnh nhân.
Nhân viên y tế thay quần áo cho một thi thể nạn nhân COVID-19 trong nhà xác bệnh viện ở Kakhovka ngày 29/10/2021. Ảnh: AP
Trong khi tỉ lệ tiêm chủng ở Đông Âu nhìn chung là thấp, Ukraine lại còn là một trong những quốc gia có tỉ lệ thấp nhất. Hệ thống y tế thiếu đầu tư và yếu kém đã khiến tình hình trở nên nguy kịch khi đã gần 2 năm virus càn quét châu Âu.
Quốc gia này đang lập kỷ lục hầu như hàng ngày về ca nhiễm và tử vong mới, gần đây nhất là ngày 16/11, với 838 ca tử vong trong ngày, cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Nga.
“Chúng tôi lại đang dập lửa một lần nữa. Chúng tôi đang làm việc trên tuyến đầu, nhưng sức lực và khả năng có hạn. Chúng tôi đang bị dồn đến giới hạn”, bác sĩ Molchanov, làm việc tại bệnh viện chính ở Kakhovka, thành phố nằm bên bờ sông Dnieper, miền nam Ukraine.
Sau ca làm việc kéo dài mệt mỏi của mình, người bác sĩ 32 tuổi về nhà để ngủ và hồi phục trong hai ngày. Và ca trực tiếp theo có thể còn nhiều thách thức hơn.
Chính quyền Taliban quy định các kênh truyền hình trên khắp Afghanistan không phát sóng các bộ phim có phụ nữ. Nữ phóng viên và phát thanh viên phải đội khăn trùm đầu khi lên sóng.
Hãng tin AFP (Pháp) đưa tin, chính quyền Taliban đã ban hành một "Hướng dẫn tôn giáo" mới vào ngày 21/11, quy định tất cả các kênh truyền hình trên khắp Afghanistan không được phát sóng các bộ phim truyền hình có nữ diễn viên. Ngoài ra, các nữ phóng viên và phát thanh viên phải trùm khăn kín đầu khi xuất hiện trước ống kính.
Bộ Khuyến khích Tính thiện và Phòng chống Tội ác (Ministry for the Promotion of Virtue and Prevention of Vice) – đơn vị ban hành hướng dẫn này của chính quyền Taliban - cũng yêu cầu các đài truyền hình không được phát sóng các bộ phim hoặc chương trình có hình ảnh của Nhà tiên tri Muhammad hoặc các nhân vật được tôn trọng khác. Các bộ phim hoặc chương trình vi phạm các giá trị Hồi giáo và Afghanistan đều không được phép phát sóng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng, Bắc Kinh sẽ không có hành động cưỡng ép đối với các láng giềng nhỏ hơn trong khu vực.
Ông Tập cam kết: Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm địa vị bá chủ, hoặc cậy mình là nước lớn, "bắt nạt" các nước nhỏ hơn. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ phối hợp với ASEAN để loại bỏ "tình trạng can thiệp", nhà lãnh đạo Trung Quốc nói.
Tuyên bố được ông Tập đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và khối, Reuters dẫn nguồn truyền thông Trung Quốc cho hay.
Hội nghị đã được khai mạc dù không có sự tham gia của đại diện từ Myanmar, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay. Hiện lý do Myanmar không có đại diện dự hội nghị chưa được làm rõ, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar cũng không phản hồi trước đề nghị bình luận từ Reuters.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã cùng các nhà ngoại giao Mỹ và Anh ký thỏa thuận cho phép trao đổi thông tin nhạy cảm về động cơ hạt nhân của hải quân giữa các nước.
Theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ có 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại với khả năng thực hiện các nhiệm vụ tàng hình, tầm xa. AUKUS sẽ tạo nền tảng để 3 nước chia sẻ thông tin an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và năng lực không xác định dưới biển.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Úc bồi thường vì đã hủy hợp đồng tàu ngầm.
Ông Le Drian nói với đài RTL: "Vấn đề tàu ngầm đối với chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Úc có thể đã mất nhiều hơn họ nghĩ... Úc đã hủy hợp đồng và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để chắc rằng các khoản chi phí của chúng tôi được hoàn trả".
Sau lời đe dọa sẽ trả đũa việc Litva cho phép đảo Đài Loan mở "văn phòng đại diện" ở Vilnius, Trung Quốc cuối tuần trước đã chính thức tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với quốc gia Baltic này, theo RT.
Phản ứng trước động thái của Trung Quốc, một nhóm các chính trị gia Litva từ liên minh cầm quyền đã kêu gọi Chính phủ, Ủy ban Olympic Quốc gia và các vận động viên tẩy chay Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2022 tại Bắc Kinh sau khi Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao của quốc gia này.
Cụ thể, 17 nghị sĩ Quốc hội Lithuania đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Gitanas Nausėda và Ủy ban Olympic quốc gia của nước này tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022.
"Chúng tôi kêu gọi Tổng thống, Chính phủ và tất cả các chính trị gia Litva tẩy chay Thế vận hội Olympic Trung Quốc, không tham gia các sự kiện khai mạc và bế mạc, và không đưa bất kỳ phái đoàn chính thức nào của nhà nước đến sự kiện này", theo nội dung bức thư.
17 nghị sĩ này cũng kêu gọi các vận động viên đủ điều kiện tham dự Bắc Kinh 2022 "thể hiện lập trường công dân" và không tham gia Thế vận hội Bắc Kinh.
Trước đó, sau cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ rằng ông đang xem xét "tẩy chay ngoại giao" đối với Thế vận hội Mùa đông sắp tới ở Bắc Kinh.
Thông tin này được đưa ra giữa lúc Quốc hội Mỹ gia tăng chỉ trích đối với các hành vi của Trung Quốc mà Mỹ gọi là "vi phạm nhân quyền" đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở vùng Tân Cương.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Đài Sputnik ngày 21-11 cho biết thông tin trên do tổ chức phi lợi nhuận Dự án chất thải áo khoác trắng (WCWP) của Mỹ công bố. Tổ chức này thường sử dụng Đạo luật Tự do thông tin (FOIA) để tìm kiếm bằng chứng về những thí nghiệm liên quan tới động vật.
Theo WCWP, công ty EcoHealth Alliance (Mỹ) đã "gửi các mẫu virus được tìm thấy trong dơi ở Lào tới Viện Virus học Vũ Hán để tiến hành nghiên cứu từ tháng 6-2017 đến tháng 5-2019".
Những email mà WCWP thu được đề cập tới virus từ "dơi và các loài động vật có nguy cơ cao khác" đã được gửi đi nghiên cứu nhằm "tìm hiểu khả năng những mầm bệnh có nguồn gốc động vật này lây lan sang người".
Nghiên cứu trên do Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) tài trợ. NIH xác nhận EcoHealth Alliance đã thực hiện nghiên cứu như vậy.
Phó Giám đốc NIH Lawrence Tabak nói rằng EcoHealth Alliance nghiên cứu virus với sự giúp đỡ tài chính của NIH. Điều này bị các chuyên gia coi là nguy hiểm vì có thể vô tình giải phóng các loại virus rất dễ lây lan và biến đổi gây chết người trên thế giới.
Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci tuyên bố virus nằm trong dự án nghiên cứu "không bao giờ có thể trở thành SARS-CoV-2 ".
WCWP cho biết các mẫu virus được tìm thấy trong dơi ở Lào gửi đến phòng thí nghiệm Vũ Hán dưới tên gọi Banal-52 và có trình tự bộ gien tương đồng 96,8% so với virus SARS-CoV-2. Đồng thời, một số nhà khoa học tin rằng virus bị đột biến trước khi có thể lây lan sang người.
Nhiều ý kiến cho rằng SARS-CoV-2 thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán nhưng cơ quan tình báo Mỹ không tìm được bằng chứng nào để giải quyết bí ẩn nguồn gốc Covid-19.
Đáp lại, ngày 21-11, EcoHealth Alliance khẳng định họ không gửi các mẫu virus từ Lào tới Vũ Hán. Tuy nhiên, công ty này thừa nhận đã yêu cầu NIH cho phép làm việc tại các nước Đông Nam Á, bao gồm cả ở Lào, và được phê duyệt. Nhưng sau cùng, họ chọn Trung Quốc để nghiên cứu.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày hôm nay (22/11), nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, lãnh đạo các bên đã tham gia cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần thứ hai trong vòng 1 tháng.
Theo CGTN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày hôm nay đã tuyên bố nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN, ca ngợi tình láng giềng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và ASEAN trong vòng 30 năm qua.
Trong buổi đêm mùa hè năm 2018, những dòng nước như thác lũ cuốn đi hơn 7.000 ngôi nhà. Sự việc này là hệ quả do của đập Xe Pian-Xe Namnoy ở phía Đông Nam Lào, vốn được kì vọng sẽ sản xuất điện cung cấp cho Thái Lan, bị vỡ. Đây có lẽ là tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử Lào khi gây lũ lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề.
Dù mục đích của con đập là nhằm cung cấp năng lượng cho Thái Lan, câu chuyện này đã không gây sự chú ý từ dư luận. Đã không có bất cứ sự gián đoạn về nguồn cung năng lượng. Đó là do Thái Lan thực chất có đủ năng lượng hơn nhu cầu tiêu thụ.
Thái Lan hiện là khách hàng tiêu thụ điện năng lớn từ Lào. Chi phí thấp từ năng lượng nhập khẩu của Lào đang thúc đẩy thị trường cho mặt hàng này. Trong các năm 2019 và 2020, chi phí năng lượng thuỷ điện của Lào thấp hơn mức giá sản xuất trung bình tại Thái Lan và tương đương gần 10% tổng lượng điện sản xuất. Chi phí nhập khẩu thuỷ điện cũng bằng một nửa chi phí sản xuất tại Thái Lan.
Nhưng vấn đề là Thái Lan hiện có quá nhiều năng lượng và vượt quá nhu cầu hiện tại. Hầu hết các nước duy trì mức thặng dư năng lượng vào khoảng 15% để phòng ngừa rủi ro. Trong một thập kỉ qua, nguồn năng lượng dự trữ của Thái Lan đã tăng lên 38%, tương đương 17,564MW dư thừa vào 2020. Số năng lượng này nhỉnh hơn tổng lượng điện năng được sản xuất tại Lào.
Số năng lượng này không thực sự lãng phí, nhưng thực chất trong thỏa thuận được kí giữa hai bên đã buộc Thái Lan phải trả cho số năng lượng mà họ không sử dụng. Theo thoả thuận này, việc thanh toán bao gồm 2 phần, chi phí cho nguồn điện có sẵn và chi phí cho số điện thực chất được mua. Bất chấp số lượng điện đã mua, bên mua vẫn cần trả chi phí cho nguồn điện có sẵn vốn được quy định trong hợp đồng.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Các nhà nghiên cứu của Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản phát hiện rằng biến chủng Delta ở Nhật Bản tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein mang nhiệm vụ sửa lỗi di truyền - có tên nsp14. Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gene của chính nó, cuối cùng dẫn tới "tự hủy diệt".
Nsp14 có vai trò quan trọng là bảo vệ không để virus bị phân hủy. Các nghiên cứu đã cho thấy khi nsp14 bị tê liệt, khả năng tự nhân bản của virus giảm đáng kể. Đây có thể là một yếu tố khiến dịch bệnh hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy ngày càng nhiều người dân châu Á sở hữu enzyme phòng vệ có tên APOBEC3A, có khả năng tấn công các virus RNA, trong đó có virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, số người châu Âu, châu Phi sở hữu enzyme này ít hơn hẳn.
Tại Nhật Bản, biến thể Delta dường như đang bị cô lập bởi vaccine và các phương pháp phòng dịch từ bên ngoài, trong khi lại "tự hủy" từ bên trong đã khiến cho virus này dần không còn chỗ đứng. Thế nhưng không thể chủ quan, bởi nếu một loại biến thể khác mạnh hơn Delta xuất hiện thì vẫn có thể đe dọa đến thành quả chống dịch.
Tình hình dịch Covid-19 ở Campuchia hiện đang ghi nhận những diễn biến tích cực khi số ca mắc mới trong ngày có xu hướng giảm trong 52 ngày liên tiếp và quốc gia Đông Nam Á này đang có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu khu vực cũng như thế giới.
Cho đến nay, Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin cho 14,08 triệu người, chiếm 88% trong tổng số 16 triệu dân của nước này.
"Campuchia đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, đang dần đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng", Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết tại sân bay thủ đô khi nhận được lô 2 triệu liều vắc-xin Sinovac COVID-19 do Trung Quốc tài trợ vào thứ Tư tuần trước.
Thành công của Campuchia trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 không thể tách rời khỏi nguồn cung cấp vắc-xin của Trung Quốc. Trung Quốc là một người thực sự, luôn hỗ trợ kịp thời cho Campuchia trong những thời điểm khó khăn, Thủ tướng Hun Sen nói.
Campuchia cho đến nay đã nhận được tổng cộng 40 triệu liều vắc-xin COVID-19 từ 3 nguồn thông qua đấu thầu song phương, qua cơ chế COVAX, và viện trợ. Trong số đó, hơn 90% là từ Trung Quốc qua con đường viện trợ hoặc thương mại.
Yon Saosopheap, một giáo viên tại trường trung học Tuol Svay Prey ở Phnom Penh, cho biết vắc- xin của Trung Quốc đã giúp Campuchia đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa lại biên giới cho tất cả du khách quốc tế được tiêm phòng đầy đủ.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hãng CBS News của Mỹ hôm 20/11 trích dẫn "nguồn tin tình báo Mỹ giấu tên" đã cảnh báo về khả năng Nga tấn công Ukraine ngày càng tăng khi thời tiết ngày càng lạnh giá, trong bối cảnh các quan chức phương Tây cáo buộc Nga triển khai quân đội dọc biên giới phía Đông của Kiev.
Hôm 21/11, Chuẩn tướng Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân sự của Ukraine, cũng nói với Military Times rằng Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine vào cuối tháng 1/đầu tháng 2/2022.
Quân đội Ukraine đã đưa ra một bản đồ phân tích cách Nga có thể xâm lược Ukraine từ mọi hướng trong "viễn cảnh ngắn hạn", bao gồm cả một cuộc tấn công từ lãnh thổ của Belarus.
Nga phủ nhận việc điều động quân đội dọc biên giới Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ các thông tin cho rằng Moskva chuẩn bị xâm lược Ukraine trên truyên thông Mỹ là tin "giả" nằm trong chiến dịch thông tin sai lệch lớn hơn được tiến hành nhằm vào Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 21/11, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, cũng cáo buộc phương Tây "kích động giả tạo cơn hoảng loạn về vấn đề Ukraine".
Các hãng thông tấn Nga hôm 21/11 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiêm liều vaccine COVID-19 bổ sung theo đề nghị của các đồng nghiệp và các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya.
"Tôi đã tiêm thêm một liều Sputnik Light", ông Putin chia sẻ tại cuộc họp với Phó giám đốc Trung tâm Gamaleya.
Một nhóm phần tử vũ trang đã sát hại một cảnh sát và bắt cóc 8 người mang quốc tịch Trung Quốc làm việc tại một mỏ vàng ở Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 21/11.
Một địa điểm khai thác vàng tại tỉnh South Kivu ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: AFP
Theo người phát ngôn lực lượng quân đội tại khu vực, thiếu tướng Dieudonne Kasereka, vụ việc diễn ra vào khoảng 14 giờ (giờ địa phương), tại một khu trại có nhóm công nhân Trung Quốc sinh sống ở khu làng Mukera tuộc vùng lãnh thổ Fizi tỉnh South Kivu. Tổng số có 17 nhân công, 8 người bị những kẻ tấn công bắt cóc và đưa đi, 9 người còn lại được giải thoát an toàn an toàn.
Năm người bị bắt cóc này là công nhân của một công ty khai thác vàng tại khu vực, mỏ vàng này mới đi vào khai thác được 4-5 tháng. Nhân chứng tại địa bàn cho biết ngay từ thời điểm đi vào hoạt động, công ty khai mỏ đã vấp phải phản ứng của người dân bản địa. Cư dân trong vùng cáo buộc công ty không tôn trọng quy định của địa phương.
Hồi tháng 8 vừa qua, chính quyền tỉnh South Kivu đã ra lệnh đóng cửa hoạt động của hơn 10 công ty có nguồn tài chính từ Trung Quốc, sau khi cư dân trong vùng cho rằng số này khai thác vàng không có giấy phép, hủy hoại môi trường.
AFP trích dẫn nguồn tin của cảnh sát địa phương cho biết, hôm 21/11, đã có hàng chục ngàn người tham gia cuộc biểu tình chống lại các biện pháp phòng dịch COVID-19 mới vừa được chính phủ Bỉ công bố tuần trước.
Cảnh sát sau đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để đáp trả một nhóm người tham gia sử dụng đạn tự chế.
Cuộc biểu tình, được gọi là "Cùng nhau vì tự do", chủ yếu nhằm phản đối lệnh cấm những người chưa được tiêm chủng đến các địa điểm như nhà hàng và quán bar.
Châu Âu đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, và một số quốc gia đã thắt chặt các biện pháp hạn chế dù các nước này có độ phủ vaccine COVID-19 cao, đặc biệt là các quốc gia Tây Âu.