Bí thuật của Messi

HUY ĐĂNG |

Gvardiol 20 tuổi, được ca ngợi là trung vệ xuất sắc nhất World Cup 2022 nhưng vẫn bị Messi - một "ông già" lớn hơn 15 tuổi - cho "ngửi khói".

Bí thuật của Messi - Ảnh 1.

Lão tướng 35 tuổi Messi - Ảnh: REUTERS

Khoảnh khắc Messi vặn sườn để vượt qua Gvardiol trước khi kiến tạo cho Alvarez ghi bàn ấn định tỉ số 3-0 khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục trước một siêu sao không chỉ là biểu tượng cho tố chất thiên tài mà còn đại diện cho sự dẻo dai đáng nể.

Gvardiol 20 tuổi, được ca ngợi là trung vệ xuất sắc nhất World Cup 2022 nhưng vẫn bị Messi - một "ông già" lớn hơn 15 tuổi - cho "ngửi khói".

Đi bộ để... bùng nổ

Kết thúc giai đoạn vòng bảng, FIFA đưa ra một loạt số liệu mới mẻ đầy thú vị. Một trong số đó là thống kê về quãng đường đi bộ của các cầu thủ trên sân. Sau nhiều năm đàm tiếu chuyện "Messi đi bộ", người hâm mộ cuối cùng cũng rõ chuyện Messi... đi bộ nhiều thật.

Cụ thể, quãng đường một cầu thủ bị tính là đi bộ nếu chỉ di chuyển với tốc độ dưới 7km/giờ (chưa đầy 2 m/giây). Và trong danh sách 10 trận đấu có cầu thủ đi bộ nhiều nhất, Messi xuất hiện những ba lần. Đó là các trận gặp Saudi Arabia (Messi đi bộ 4,63km), trận gặp Ba Lan (4,74km) và trận gặp Mexico (5km). Lewandowski là người có quãng đường đi bộ trong một trận đấu dài nhất giải ở trận gặp Saudi Arabia (5,2 km), nhưng tên anh cũng chỉ xuất hiện hai lần.

Ngoài đi bộ, Messi di chuyển cũng rất ít. Ở trận gặp Mexico, anh chỉ di chuyển 8,59km - thấp thứ nhì đội Argentina, dù anh là người đứng trên sân lâu nhất. Đến các trận vòng đấu loại trực tiếp, cách chơi của Messi vẫn không thay đổi. Anh miệt mài... đi bộ, trong lúc cả đội Argentina chạy không ngừng.

Những bước di chuyển của Messi trở thành đề tài phân tích thú vị ở World Cup 2022. Trong thời đại mà khoa học công nghệ đo lường năng lực cầu thủ qua những chỉ số thể hiện sự sung mãn (như chạy, tốc độ, sức mạnh, cơ bắp...), Messi lại có xu hướng đi ngược lại.

Là một cầu thủ nhỏ con, Messi thường thất thế trong những pha tranh chấp và có thể lực không quá bền bỉ. Nhưng khi cần, Messi vẫn có thể cho những trai trẻ như Gvardiol "ngửi khói".

Hãy nhìn vào thống kê quãng đường rê bóng của các cầu thủ tính đến hết vòng 16 đội (không dành cho trung vệ - vị trí rê bóng thoải mái mà không bị truy cản). Messi đi bộ nhiều bao nhiêu thì khi đột phá anh cũng chạy nhiều bấy nhiêu. Pedri xếp thứ hai trong danh sách này với 0,97km rê bóng, kế đến là Pulisic - 0,96 km. Dù cả hai đều rất trẻ nhưng lại kém xa người số một - lão tướng 35 tuổi đã rê bóng 1,19km trong bốn trận đầu tiên của giải.

Guardiola, Ferdinand và các chuyên gia bóng đá khác đã lý giải về sự dẻo dai kỳ diệu của Messi ở World Cup 2022. Tất cả đều xoay quanh nguyên nhân: Messi chơi bóng một cách hiệu quả. Anh đi bộ nhiều để giữ thể lực cho những khoảnh khắc bùng nổ, để có thêm thời gian quan sát và tìm ra những kẽ hở trong hàng phòng ngự đối phương, để lấy sức nhàn thắng sức mỏi (dĩ dật đãi lao)...

Những người chạy vì Messi

Ngợi ca Messi, cũng đừng bỏ quên một yếu tố then chốt: Messi đi bộ nhiều bởi anh có những người đồng đội di chuyển miệt mài. Điển hình là Rodrigo De Paul - người mà truyền thông trong suốt 2 năm qua gọi anh bằng biệt danh "cận vệ của Messi". De Paul không chỉ thân thiết với Messi trên sân tập hay ngoài đời, anh còn góp một vai trò mật thiết với cách chơi của Messi trong các trận đấu.

Sau sáu trận đấu, De Paul đã chơi 500 phút, ít hơn Messi và Otamendi đến 70 phút nhưng lại là người di chuyển nhiều nhất của tuyển Argentina với quãng đường lên đến 61km. Không chỉ vậy, De Paul còn lọt vào top những cầu thủ đứng đầu giải về số lần bứt tốc (334 lần), số lần phá vỡ khu trung tuyến đối phương (100 lần), hay số lần gây sức ép (181 lần)... Nói nôm na, De Paul chạy thay cho phần của Messi.

Không chỉ De Paul, mọi cầu thủ Argentina lúc này dường như đều đang chơi bóng vì Messi. Chỉ cần Messi có bóng, toàn đội lại dâng cao đội hình. Điển hình như hậu vệ Molina đã ghi bàn mở tỉ số trước Hà Lan sau khi nhận được đường kiến tạo không tưởng của Messi. Và khi Messi mất bóng, cả đội lại kéo về phòng ngự.

Mọi cầu thủ đến World Cup đều mang theo khát vọng tỏa sáng cá nhân, nhưng hầu hết các cầu thủ Argentina đều khẳng định trước truyền thông họ chơi hết mình ở World Cup 2022 vì Messi. De Paul từng tuyên bố "sẵn sàng xông ra chiến trường vì Messi".

Thủ thành Emiliano Martinez dữ dội với phát biểu: "Sẵn sàng chết vì Messi". Qua sáu trận đấu của tuyển Argentina, phải thừa nhận dàn cầu thủ trẻ của Argentina hiện tại đang chơi bóng đúng như biệt danh "những cận vệ của Messi" mà truyền thông gán cho họ.

Chẳng hề đơn giản một chút nào trong việc một cầu thủ bẩm sinh bị còi xương như Messi lại có thể cày ải dài hơi đến vậy, hay một siêu sao mà hào quang luôn che mờ người khác lại có thể khiến những cầu thủ đàn em sống chết vì mình như vậy. Trên sân bóng, sự khôn ngoan giúp Messi giữ được tính hiệu quả. Còn bên ngoài, tính khiêm tốn lại giúp anh đắc nhân tâm.

Màn tỏa sáng trong kỳ World Cup cuối cùng sự nghiệp của Messi vì thế tạo nên nguồn cảm hứng vượt ra ngoài sân bóng!

Có hai "siêu Leo"

photo-1

HLV Scaloni giống như một người đàn anh thân thiết của Messi - Ảnh: REUTERS

Tất cả những sự chúc tụng dành cho Messi có lẽ nên được kìm hãm lại sau một trận đấu nữa. Nhưng giờ phút này, làng bóng đã có thể ngả mũ thán phục trước tài năng của HLV Lionel Scaloni.

HLV 44 tuổi này từng nhận chỉ trích dữ dội sau trận ra quân thua Saudi Arabia. Nhưng cũng từ đó, người ta thấy được một màn lột xác khó tin về mặt chiến thuật của tuyển Argentina. Cụ thể, Argentina trở thành đội bóng độc nhất ở World Cup 2022 có sự thay đổi về đội hình ra sân ở mỗi vòng đấu.

Trong trận thua Saudi Arabia, Argentina chơi với sơ đồ 4-2-3-1, trước khi đổi sang 4-4-2, rồi 4-3-3 ở hai trận sau đó của vòng bảng. Đến trận thắng Úc, HLV Scaloni duy trì sơ đồ 4-3-3 nhưng loại bỏ Di Maria, rồi bất ngờ chuyển sang 5-3-2 ở trận gặp Hà Lan. Nhưng lạ lùng nhất là sơ đồ 4-1-3-2 ở trận thắng Croatia ở bán kết, khi ông dùng một lúc 4 tiền vệ trung tâm.

Trên mặt trận chiến thuật, nếu thất bại, HLV sẽ bị gọi là kẻ ngớ ngẩn vì những quyết định lạ lùng của mình. Và khi thành công, họ được xưng tụng là thiên tài. Nhưng một HLV đã thành công 5 trận liên tiếp với những thay đổi lạ lùng xứng đáng được ca tụng là chiến lược gia đại tài thực thụ. Đặc biệt khi nhiều năm qua, người hâm mộ không mấy chú ý đến vai trò của HLV Scaloni ở tuyển Argentina.

4 năm trước, Scaloni được LĐBĐ Argentina bổ nhiệm ghế HLV trưởng đội tuyển trước những ánh mắt hoài nghi. Những gì người hâm mộ quan tâm về cựu danh thủ này khi đó chỉ là việc ông từng là đồng đội với Messi ở World Cup 2006. Dù chỉ thi đấu cho tuyển Argentina sáu lần nhưng Scaloni may mắn được triệu tập tham dự World Cup 2006. Đó cũng là kỳ World Cup mà Messi được trình làng.

"Tôi và Messi có quan hệ tốt", Scaloni trả lời đơn giản khi truyền thông xoay quanh ông 4 năm trước. Lớn hơn Messi 9 tuổi, vì vậy ông được mô tả như một người anh của Messi hơn là người thầy. Nhưng người đàn anh đó lại là vị HLV hiểu rõ Messi hơn ai hết trong hai thập niên qua.

Khi các cầu thủ Argentina chung vui sau trận thắng Hà Lan, Scaloni chạy đến khán đài để đón cậu con trai nhỏ Ian. Sau đó, hai cha con bật khóc nức nở bên nhau trong một góc sân. Khoảnh khắc xúc động này không được truyền thông ghi lại nhưng nhanh chóng tạo ra hiệu ứng cảm xúc khi một vài CĐV chú ý.

Ở World Cup lúc này có hai "siêu Leo" (tên gọi thân mật của Lionel) - một người là tâm điểm của truyền thông, còn một người lặng lẽ hơn nhưng xứng danh "anh cả" của tuyển Argentina lúc này. (ĐAN THANH)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Messi

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại