Ngày 22/9, trong cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá Bến Tre là địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Từng ghi nhận lũy kế đến 1.889 ca F0, bản đồ Covid-19 địa phương phủ đỏ toàn tỉnh, buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thế nhưng sau 60 ngày lội ngược dòng, Bến Tre đã “xanh hóa”, nhanh chóng đưa người dân trở lại “bình thường mới”. Tất cả đều nhờ vào một chiến dịch đặc biệt…
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để lắng nghe về những chia sẻ trong việc chủ động vận dụng linh hoạt các giải pháp mới giúp Bến Tre kiểm soát dịch bệnh tốt!
- Được biết, từ đầu tháng 9, Bến Tre đã giữ đúng cam kết với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là một trong những tỉnh Tây Nam Bộ đầu tiên trở về trạng thái “bình thường mới”. Giải pháp chống dịch nào đã giúp tỉnh nhà làm được điều kỳ diệu đó, thưa ông?
Ông Lê Đức Thọ: Thực ra là không có bất kỳ điều kỳ diệu nào đâu mà đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tuyên truyền, vận động được sự vào cuộc của toàn thể nhân dân (Cười).
Ngay từ đầu, Bến Tre đã xác định như thế. Bởi thực tế việc phòng, chống dịch Covid-19 đến hiện tại, vẫn chưa từng có tiền lệ đối với cả quốc tế, chứ không riêng tại Việt Nam hay là Bến Tre.
Khi tỉnh Bến Tre thấy rằng cần phải có ngay những biện pháp căn cơ trong phòng, chống dịch, chúng tôi đã chủ động phối hợp và tham gia thí điểm chiến dịch “Pháo đài xanh”, áp dụng công nghệ toàn diện vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp, thảo luận giữa địa phương với Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Tập đoàn Sovico và chuyên gia nước ngoài.
Tất cả dữ liệu khoa học đều chứng minh khả năng có thể khống chế dịch bệnh nhờ công nghệ thông minh. Thế nhưng, việc áp dụng thế nào, tuyên truyền và vận động ra sao để nhân dân đồng lòng tham gia,… là câu chuyện mà chính chúng tôi phải suy nghĩ kỹ để vận dụng vào thực tiễn. Cần nắm bắt tốt tình hình, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, điều chỉnh kịp thời trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện cho cả cán bộ và nhân dân để có kết quả thực chất, bền vững.
- Cụ thể những vướng mắc đó là gì?
Ông Lê Đức Thọ: Tôi xin nhấn mạnh: “Chiến thắng dịch bệnh thực sự là chiến thắng của nhân dân”. Và thực tiễn đã cho thấy, công tác phòng, chống, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh chỉ thành công khi và chỉ khi nhân dân vào cuộc, hưởng ứng và tự giác, chủ động tham gia.
Khi đó, việc sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng công nghệ đối với người trẻ, người ưa thích công nghệ thì rất dễ dàng, rất ủng hộ. Thế nhưng, đối với một bộ phận người chưa thành thạo công nghệ, người cao tuổi, vùng kinh tế khó khăn,… thì chưa thể nào thích ứng ngay.
Thậm chí, thời gian đầu, có nhiều ứng dụng khác nhau. Thí dụ như app tiêm chủng, app khai báo y tế, app xét nghiệm,… báo cáo thống kê nhiều khi phải thực hiện thủ công khiến tỉnh tương đối khó khăn nắm được toàn diện và kịp thời.
- Bến Tre đã gỡ rối câu chuyện “khó” như thế nào?
Ông Lê Đức Thọ: Khi đó, TP. Bến Tre - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất, nên chúng tôi quyết định chọn đây làm nơi thí điểm ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh đầu tiên.
Với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động, ngay lập tức đã có hơn 140.000 người dân ở tất cả 14 xã/phường trên địa bàn TP. Bến Tre cùng sử dụng 1 app tích hợp khai báo y tế, đăng ký lựa chọn điểm xét nghiệm, tiêm vắc-xin và nhận mã QR cá nhân để lưu giữ đầy đủ dữ liệu lịch sử… Chiến dịch đã giúp công tác xét nghiệm diễn ra nhanh, toàn diện cho 80 - 100% dân số, giảm áp lực 50% cho nhân viên y tế nên tạo ra hiệu ứng rất tốt.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, chúng tôi nhanh chóng truyền thông qua báo đài, hệ thống loa truyền thanh xuống tới xã, phường, thị trấn và tới ấp/khu phố, lựa chọn bộ phận những người tích cực, thanh niên, những người ưa thích công nghệ và dễ thích ứng với công nghệ để họ truyền miệng, lan toả rộng khắp.
Chúng tôi cũng chủ động thiết lập các nhóm sử dụng mạng xã hội để ứng dụng vào công tác phòng, chống dịch một cách phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Có thời điểm nhằm giúp bà con mọi nơi hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã liên tục cập nhật thông tin, phát trên loa công cộng đến tận từng ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn để mọi người nghe, biết, đồng thuận và thực hiện.
Nhưng thực tế một bài toán khó nữa lại tiếp tục đặt ra: Tổng hợp thông tin thì từng ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn phải thiết lập và có máy tính kết nối Internet, nhưng ở Bến Tre đâu phải nơi nào cũng đủ điều kiện làm được?
Chúng tôi lại tiếp tục phân công nhau. Có người thì mượn, có người thì kêu gọi hỗ trợ, huy động đóng góp từ các đối tác để mang máy tính về lắp đặt cho địa phương. Nhân viên y tế ban ngày làm công tác chuyên môn, ban đêm cũng bắt tay vừa học vừa thực hiện báo cáo thống kê.
Đến khi hệ thống ứng dụng công nghệ phủ đồng bộ hơn, nhân dân, cán bộ cùng quyết tâm thiết lập và giữ vững vùng xanh, biến khu vực có nguy cơ cao thành cứ địa an toàn thì mọi thứ mới dần dần đi vào khuôn khổ, quỹ đạo phù hợp.
Trải qua hơn 10 ngày từ 19/8 đến 30/8 thực hiện chiến dịch “Pháo đài xanh” tại TP. Bến Tre, một số kết quả bước đầu đã đạt được theo đúng định hướng và mục tiêu đặt ra.
- Trong 10 ngày lội ngược dòng biến vùng đỏ thành vùng xanh ấy, Bến Tre đã chiến đấu như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đức Thọ: Tôi còn nhớ rõ vào đầu tháng 8, tình hình căng thẳng vô cùng!
Lúc đó, có ngày chúng tôi truy vết hơn 100 ca F0 trong cộng đồng. Toàn tỉnh đã có 85 đơn vị trực thuộc đăng ký giải thể, 159 doanh nghiệp và 62 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động khiến Bến Tre rất khó khăn, anh em cần phải vừa phòng, chống dịch, vừa phải thực hiện các giải pháp tối ưu nhất để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Bảo đảm thực sự hiệu quả trong thực hiện mục tiêu “kép” này.
Bến Tre đã áp dụng rất hiệu quả phương án lấy “xã - phường - thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ” và tuyên truyền, vận động thực hiện có kết quả, thực chất trong thực tiễn của tỉnh. Trước khi Bộ Y tế, Chính phủ có công điện khoanh vùng nhỏ nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ngay từ ngày 20/8, chúng tôi đã đi sâu và thực hiện phương án xác định vùng nguy cơ đến từng ấp, khu phố, hộ gia đình để khoanh vùng nhỏ nhất, tổ chức xét nghiệm sàng lọc, tiết kiệm càng nhiều chi phí càng tốt và phải kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất.
Về 4 vùng nguy cơ, chúng tôi thực hiện xét nghiệm 5% dân số ở vùng xanh; xét nghiệm đại diện các gia đình liền kề ở vùng vàng; xét nghiệm 3 người trong hộ ở vùng da cam và chỉ xét nghiệm toàn dân khi bản đồ Covid-19 là vùng đỏ, có nguy cơ lây nhiễm cao. Những việc này đều lấy ấp/khu phố làm đơn vị để xác định vùng nguy cơ và xét nghiệm.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nguồn cung ứng và phân phối hàng hoá, chúng tôi thống nhất chia nhỏ ra thành nhiều bộ phận, cụm dây chuyền, công đoạn. Nếu F0 xuất hiện ở đâu thì đơn vị chủ động nhấc cụm đó ra chứ không phong toả toàn bộ nhà máy, doanh nghiệp,… giúp giảm mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và kinh tế xã hội.
Ngoài ra, Bến Tre còn đẩy nhanh tiến độ phủ vắc xin, có nguồn vắc xin lúc nào là tiêm ngay lúc đó, bất kể trong giờ, ngoài giờ để có thể tiêm phòng càng sớm càng tốt cho bà con nhân dân.
Bằng cách giải quyết từ đơn vị nhỏ nhất ấy, các công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra nhanh chóng hơn, đồng thời giảm bớt kinh phí rất nhiều. Thực tế tại Bến Tre đã cho thấy việc áp dụng mô hình xét nghiệm là ấp, khu phố, hộ gia đình đã tiết giảm khoảng 2,5 lần chi phí so với việc áp dụng mô hình xét nghiệm là đơn vị xét nghiệm xã/phường/thị trấn.
- Thưa ông, nhưng việc chia nhỏ đơn vị phòng chống dịch Covid-19, chắc hẳn đã tạo nên một khối lượng công việc không hề nhỏ đối với Ban Chỉ đạo…
Ông Lê Đức Thọ: (Cười)!
Bạn biết không? Đến tận bây giờ, trong các cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, tôi vẫn động viên anh em: “Chống dịch cần phải thực hiện mục tiêu kép, nhưng tỉnh mình còn nghèo, bà con còn khổ thì mình phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần nữa”.
Thời điểm chiến đấu lấy lại vùng xanh, chúng tôi đã họp liên tục khoảng 3 tiếng/ngày, các cuộc họp được tổ chức trực tuyến, kết nối trực tiếp đến Ban Chỉ đạo của toàn bộ 9 huyện, thành phố, và sau này là đến tất cả 157 xã/phường/thị trấn. Các đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp đều tham dự đầy đủ, không vắng một ai. Đồng thời các đồng chí ở các cấp, các ngành liên quan cũng trực tiếp tham dự.
Vất vả lắm chứ! Căng thẳng lắm chứ! Nhưng nếu về huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn anh em tổ chức thêm 2-3 cuộc họp cho cấp dưới nữa thì sẽ chậm, sẽ “tam sao thất bản” khiến công tác chỉ đạo cồng kềnh và có thể giảm hiệu quả. Trong điều kiện phòng, chống dịch thì họp và chỉ đạo trực tuyến là phương thức làm việc rất hiệu quả, bảo đảm tốc độ xử lý công việc nhanh.
Mỗi cuộc họp trực tuyến, mỗi địa phương đều báo cáo tình hình trong 5 phút để Sở chỉ huy và Ban Chỉ đạo nắm rõ địa bàn nào có biện pháp hay giữ vùng xanh, địa phương nào vẫn mãi đỏ, hoặc chưa “xanh hóa” được, mọi người cùng học hỏi, cùng rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Kết thúc cuộc họp thì kết luận cuộc họp trong ngày cũng ra và rõ ràng luôn. Các địa phương bắt tay vào thực hiện ngay!
Sau đó, mặc dù số buổi họp đã giảm xuống 3 buổi/tuần và hiện nay là 2 buổi/1 tuần nhưng tôi vẫn luôn quán triệt và trao đổi với anh em: “Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”. Bởi lấy lại màu xanh đã khó, nhưng giữ vững màu xanh, giữ được an toàn, bảo vệ được sức khỏe, an toàn cho nhân dân, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết hiện nay; giữ được cuộc sống bình yên mới cho nhân dân trong tình hình mới; đó là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.
- Khó khăn trong thời gian tới đó là gì?
Ông Lê Đức Thọ: Để phòng, chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và bền vững, chúng ta cần phải đi cùng nhau, gắn kết chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau. Tuy Bến Tre bước đầu đã khống chế được dịch bệnh, nhưng mới chỉ là kết quả ban đầu, nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại còn rất cao, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Sở dĩ như vậy bởi vì:
Thứ nhất, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin tại tỉnh còn khiêm tốn, đến nay tỷ lệ tiêm phòng vắc xin tại tỉnh mới đạt khoảng 27% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Thứ 2, khi tình hình bình thường mới trở lại, các hoạt động sinh hoạt kinh doanh được nới lỏng dần thì nguy cơ virus xâm nhập và lây nhiễm chéo khiến vùng xanh thành vàng, cam, đỏ… rất cao. Thực tế đến nay, Bến Tre đã phát hiện ra một vài nơi như vậy.
Thứ 3, phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hoá liên tỉnh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nguy cơ mang mầm bệnh và lây nhiễm khá cao. Trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện một số trường hợp lái xe, nhà xe lợi dụng luồng xanh để vận chuyển người không đúng quy định, qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19.
Thứ 4, chúng ta chỉ an toàn khi mọi người được an toàn. Một số tỉnh/thành phố trong khu vực tình hình dịch bệnh còn phát sinh nhiều F0. Tỉnh Bến tre đã và đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi ngày chúng tôi vẫn điện đàm, trao đổi giữa các tỉnh/ thành phố trong khu vực, nắm bắt tình hình để thống nhất cách phối hợp, kiểm soát dịch bệnh và quản lý, vận hành, phát triển kinh tế xã hội.
Tuần trước, Bến Tre đã cử đoàn 41 cán bộ, nhân viên y tế lên hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đăng ký với Chính phủ ủng hộ trang, thiết bị, vật tư y tế, bác sĩ, nhân viên y tế,… để hỗ trợ cho một số địa phương trong vùng. Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19, tôi nêu quan điểm: “Tỉnh mình còn nhiều khó khăn, nhiều công việc phải làm và lo cho nhân dân! Nhưng cuộc chiến này, chúng ta phải có đồng đội, tương trợ lẫn nhau, vì tinh thần chung để phòng, chống, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh”, mọi người đều nhiệt liệt đồng tình.
- Vậy trong giai đoạn “bình thường mới” này, Bến Tre cần tiếp tục làm gì để giữ an toàn cho toàn dân và phát triển kinh tế - xã hội , thưa ông?
Ông Lê Đức Thọ: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện 5K, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động được toàn thể nhân dân tham gia chủ động, tích cực, tự giác vào phòng, chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ 2, tiếp tục tổ chức xét nghiệm theo vùng nguy cơ để sàng lọc, khoanh vùng và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kịp thời. Chủ động chuyển trạng thái, từ phương châm “Không Covid” sang phương châm “Thích ứng, linh hoạt, an toàn, hiệu quả, phù hợp thực tiễn” trong phòng chống dịch.
Thứ 3, cố gắng tiêm phòng nhanh nhất cho người dân sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Thứ 4, tăng cường kiểm soát tại các chốt, trên cả đường bộ, đường sông và đường biển; các phương tiện giao thông vận tải ra vào địa bàn để phòng ngừa nguy cơ virus xâm nhập và thực hiện đúng quy định hiện hành.
Và thứ 5, tiếp tục thúc đẩy các chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ toàn diện trong quản lý, vận hành xã hội, trong từng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong thời gian qua đã mang lại cho Bến Tre kết quả bước đầu. Tương lai sắp tới, đây chắc chắn là một giải pháp hiệu quả để vừa giữ an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
- Những tin vui đó là như thế nào?
Ông Lê Đức Thọ: Ở giai đoạn “bình thường mới”, mã QR xét nghiệm âm tính chứa đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết, có liên quan về y tế sẽ là “giấy thông hành”, giúp người dân tham gia các hoạt động xã hội một cách thuận tiện, an toàn.
Giai đoạn tiếp theo, các ngành và địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao; phát triển chuỗi giá trị con tôm gắn với Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Chúng tôi cũng đang tập trung, quan tâm cải thiện mô hình sản xuất trong kinh tế nông nghiệp, tăng cường khả năng liên kết chuỗi giá trị, phát huy lợi thế của tỉnh; sớm hoàn thiện các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thế hệ mới và thu hút đầu tư; khởi động lại lĩnh vực kinh tế du lịch phù hợp với tình hình mới; đẩy nhanh tốc độ đầu tư công; thúc đẩy tiến độ và bảo đảm chất lượng các công trình, dự án trọng điểm, động lực của tỉnh…
Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Bến Tre, một số nông sản mũi nhọn của tỉnh đã rớt giá. Lúc đó, chúng tôi không chỉ liên kết bên trong địa phương mà còn chủ động tham gia các chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản với TP.HCM, các tỉnh/thành phố trong khu vực và cả nước ngoài để tìm đầu ra.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Italia, chúng tôi thể hiện mong muốn đưa nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu, dù biết rằng vào thời điểm này là tương đối khó khăn. Thế nhưng, đáp lại, cả 2 đồng chí đại sứ 2 nước đều gật đầu đồng ý và hợp tác, hỗ trợ Bến Tre rất tích cực.
Vừa qua và sắp tới đây, con tôm, những trái dừa, hoa quả Bến Tre sẽ tiếp tục lên đường sang châu Âu, bước vào các hội chợ, doanh nghiệp và thị trường nước ngoài,… mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.