Môn võ Hét độc nhất vô nhị và cội nguồn sâu xa
Theo nhà nghiên cứu võ thuật - võ sư Trịnh Hồng Minh, một cao đồ của môn phái thì Nhất Nam thì đến nay rất khó để khẳng định chắc chắn môn phái này chính thức ra đời từ khi nào.
Song, có thể khẳng định Nhất Nam bắt nguồn từ xứ Thanh - Nghệ
và là môn phái võ thuần Việt nhất, đã ra đời từ hàng ngàn năm trước với mục
đích chống lại sự xâm lăng của giặc phương Bắc.
Lý giải tại sao Nhất Nam lại được gọi là võ Héc, võ sư Hồng Minh giải thích, khi xưa xứ Thanh – Nghệ vốn cây rừng rậm rạp, các võ sỹ thường luyện võ ở trong rừng.
Ttrong quá trình luyện tập, các võ sỹ Nhất Nam thường hít thở và hét theo những nhịp điệu và âm tiết nhất định, dân chúng không trông thấy người, chỉ nghe tiếng hét vọng ra trong rừng núi nên gọi là "võ hét"- đọc trại theo âm địa phương vùng Thanh - Nghệ thành ra là "võ héc".
Cũng vì đặc thù địa bàn sinh sống của người Việt là là khu vưc khí hậu nhiệt đới, gió mùa, độ ẩm cao nên ở vùng đồi núi thì cây rừng, dây leo rậm rạp; vùng đồng bằng thì mặt đất mềm và trơn trượt (do là đất phù sa bồi đắp và bùn lầy, thích hợp để canh tác lúa nước).
Người Việt quần cư theo mô hình làng xã, làng xóm ở giữa, xung quanh là đồng ruộng lúa nước nên người Việt xưa luôn phải đi lại trên mặt đất mềm lún, trơn trượt.
Để có thể đứng vững, đi lại di chuyển trên mặt đất mềm, trơn trượt, người Việt phải lanh lẹ, khéo léo, đi bấm ngón chân xuống mặt đất, bước bước nhỏ mà không thể bước bước dài.
Nhất Nam được hình thành từ hàng ngàn năm.
Điều này lý giải vì sao trong môn võ Nhất Nam người võ sĩ
thường đứng tấn hẹp, thân pháp lanh lẹ, hay di chuyển, lấy năng động làm gốc,
không chủ trương hoàn toàn bám đất và trầm kín giữ thân mà tấn bồng bềnh dễ
lơi, dễ xoay trượt chứ không đanh chắc, khoa trương, ít dùng cước hoặc chỉ đá ở
tầm thấp.
Ngược lại, tổ tiên người Trung Quốc ngày nay vốn phát xuất từ khu vực thảo nguyên rộng lớn, dân cư sinh sống theo lối du mục, mặt đất cứng và khô ráo nên họ ưa sử dụng sức mạnh cuồng dã, di chuyển nhanh, tấn công nhanh.
Họ ưa chạy bước dài, bay nhảy, đá cao, vì thế trong võ thuật, họ thường đánh theo lối dồn dập cương mãnh, thiên về sức mạnh, tấn rộng, bước dài, thế đứng đanh chắc và sử dụng nhiều cước pháp.
Nhất Nam được hình thành với mục đích với mục đích chống lại giặc ngoại xâm.
Trước câu hỏi võ Nhất Nam có từng gắn với một vị danh tướng
nào ở nước ta hay không, nhà nghiên cứu Trịnh Hồng Minh cho rằng:
"Nhất Nam gắn với dân tộc và vì thế cũng gắn liền với hầu hết các triều đại phong kiến, có thể từ thời Hai Bà Trưng, Nguyễn Tam Chinh, Triệu Quang Phục đã sử dụng võ thuật Nhất Nam chống tại giặc ngoại xâm.
Nhất là sau này "chính sách ngụ binh ư nông" bắt đầu được áp dụng từ thời nhà Đinh đã làm cho Võ Nhất Nam ngày càng được phổ biến và chính quy hóa trong lực lượng quân sự của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Thậm chí mãi về sau này, quân đội của hoàng đế Quang Trung cũng tập luyện Nhất Nam, góp phần đại phá quân Thanh".
Nhất Nam lấy gì để khắc chế võ Trung Quốc?
Theo võ sư Trịnh Hồng Minh, Võ Nhất Nam được sáng tạo ra và
phát triển chủ yếu để sử dụng chống lại kẻ thù phương Bắc.
"Nhất Nam xuất phát từ đặc điểm tầm vóc nhỏ bé của người Việt, để đối đầu với giặc phương Bắc thể trạng to khỏe, hiếu chiến nên chúng ta muốn thắng bắt buộc phải có những thế mạnh riêng".
Võ sư cho rằng, điểm khác nhau cơ bản giữa Nhất Nam và võ Tàu nằm ở chỗ, Nhất Nam là thứ võ công của người có tầm vóc nhỏ bé, chân tay ngắn nên thủ thế, thủ công của võ Nhất Nam thường dùng kỹ thuật đánh đoản đòn, lấy di, ép, trượt, bám, xoay làm chính, không vươn cao, vươn xa áp đảo.
Nhất Nam không thể khuếch trương mà chủ yếu phát huy sự nhanh nhẹn, khéo léo, biến ảo và mưu trí để sử dụng vào lối đánh cận đòn.
Ngược lại, võ Trung Quốc (võ Tàu) phát triển trong cơ cấu tổ chức quân sự và những hình thái tổ chức tôn giáo lớn nên rất có nguyên tắc, khuôn thức rất chặt chẽ và bảo thủ.
Võ sư Trịnh Hồng Minh (áo trắng) cùng một đồng môn và các học trò.
Phương thức chiến đấu của võ Nhất Nam không chủ trương dùng
sức mạnh, đánh ào ạt và đối đầu trực diện, mà thường sử dụng sự nhanh nhẹn để
luồn lách, né tránh.
Nhất Nam đánh dai dẳng kiểu "tiêu hao chiến" khi gặp thời cơ đối thủ sơ suất, lơi lỏng thì tập trung đánh nhanh, đánh hiểm để tiêu diệt gọn theo kiểu đánh du kích.
Lối đánh của võ Nhất Nam thường gọn, hẹp, đánh theo một phương, lấy đoản binh chế trường trận còn quyền thuật Trung Hoa trải rộng theo một đồ hình, một nguyên tắc nhất định.
"Do cơ thể nhỏ bé, chân tay ngắn nên khi cận chiến, Nhất Nam thường dùng kỹ thuật đánh đoản đòn (đòn ngắn), không vươn cao, vươn xa áp đảo mà lấy di, ép, trượt, bám, xoay làm chính.
Để đối chọi với lối đánh uy mãnh, cuồng bạo, dồn dập của người Trung Hoa, võ sỹ Nhất Nam áp dụng phương thức di chuyển linh hoạt, bất ổn, lấy sự nghi binh, tiến thoái vô hình, không đánh theo kiểu dùng sức, đối đầu lộ liễu" – võ sư Hồng Minh giải thích.
Cũng theo võ sư, không chỉ cách đánh mà cách tập luyện của Nhất Nam cũng rất khác võ Tàu. Người Trung Hoa tập luyện theo lối công phu, bài bản, nguyên tắc. Ví dụ như Thiếu Lâm phải luyện tấn, luyện thiền, ngày ngày phải xách nước, trèo núi… trước khi tập chiến đấu.
Nhất Nam sở hữu lối đánh cận chiến với rất nhiều đòn hiểm.
Quan điểm của Nhất Nam lại là tập võ để sinh tồn, với phương
châm: học lấy tinh, không cần nhiều, học lõi chứ không học vỏ.
Đặc biệt, Nhất Nam tập rất nhiều về nhiều tránh né sao cho thật thuần thục để những đòn đánh của đối phương khó đến được đích, rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu của đối phương mà dứt điểm.
Thường khi tấn công, Nhất Nam sẽ đánh vào các chỗ hiểm như mắt, yếu hầu, hõm quai xanh, hõm nách, hạ bộ, có hiệu quả cao lại đỡ tốn sức. Trong Nhất Nam, đòn công cũng thường ít hơn đòn thủ.
Võ sư Hồng Minh cũng cho rằng: "Điểm mạnh của Nhất Nam là có nguyên tắc nhưng không câu nệ bởi giả sử nếu đặt trong một tình huống chiến đấu sống còn, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là phải sống đã, trước khi nghĩ tới những điều khác.
Dưới giá của cái chết thì sự khoa trương hay bảo thủ nguyên tắc đều không có ý nghĩa".
Cũng vì mục đích để chống lại giặc ngoại xâm nên Nhất Nam có đầy đủ thập bát ban binh khí cùng với nhiều bài quyền, bài bổ trợ và cả các bài khí công.
Khí công Nhất Nam luyện tập để dưỡng sinh, để khỏe hơn, mạnh
hơn và phát huy tối đa hiệu quả của lực chiến đấu chứ không có chủ trương luyện
tập các bài khí công đặc dị để biểu diễn giống như nhiều môn phái võ cổ truyền
khác.
Võ sư Trịnh Hồng Minh dạy võ cho học trò (tài liệu do nhân vật cung cấp)
"Lối đánh của Nhất Nam phần nào đó được áp dụng ngay với quân sự, bởi chúng ta luôn thường áp dụng chiến thuật đánh du kích, đó là lối đánh của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Vừa hiệu quả lại hạn chế tổn hại.
Có thể nhìn thấy hình ảnh của Nhất Nam trong lực lượng đặc công của Việt Nam. Rõ ràng dù họ nhỏ bé về thể trạng nhưng nếu so sánh khả năng chiến đấu, bất kỳ đất nước nào cũng đều phải ngưỡng mộ" – võ sư Hồng Minh nói.
Tuy nhiên đứng trước câu hỏi, liệu Nhất Nam thực chiến là vậy song liệu có phải là môn võ bất khả chiến bại? Võ sư Hồng Minh khẳng định rằng:
"Đứng về phương diện hiệu quả chiến đấu mà nói thì mạnh hay không, hiệu quả hay không còn tùy thuộc chính bản thân người học võ, vì võ có hay mà học không tinh thì cũng không dùng được.
Người võ sĩ có giỏi kỹ thuật mà thiếu lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu thì cũng chẳng thắng được ai. Giống hệt như con sư tử có trái tim con thỏ vậy".